Giá dầu thô giằng co trước các dữ liệu kinh tế mới của Hoa Kỳ và số ca nhiễm Covid-19 mới

Giá dầu thô đã tăng gần 2% sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ có thể bắt đầu phục hồi trở lại nhưng đà tăng vẫn bị chi phối bởi tâm lý lo ngại số ca nhiễm Covid-19 mới đang tăng cao.
Giàn khoan dầu thô
Một giàn khoan dầu thô tại tiểu bang Texas, Hoa Kỳ (Ảnh: midlandtrust.com)

Phiên giao dịch hôm qua (25/6) đã chứng kiến sự biến động mạnh của giá dầu thô. Chốt phiên giao dịch ngày 25/6, giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 74 cents tương ứng 1,8% lên 41,05 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 71 cents tương ứng 1,9% lên 38,72 USD/thùng. Trước đó, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã suy giảm mạnh, lần lượt, ở mức 5,4% và 5,8% trong phiên giao dịch ngày 24/6.

Giá dầu thô tăng lên trong ngày 25/6 chủ yếu do các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ có thể bắt đầu phục hồi trở lại. Dữ liệu mới cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm xuống và số đơn đặt hàng cho các loại hàng hoá chủ lực đã tăng trở lại trong tháng 5/2020. Tuy nhiên, sự sụt giảm của số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ vẫn thấp hơn mức dự báo của giới chuyên gia và một số dữ liệu khác cho thấy tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ trong quý 2/2020 có thể suy giảm mạnh đến 40%.

Dữ liệu của hãng tin Reuters cho thấy lưu lượng giao thông tại một số thành phố chính trên thế giới trong tháng 6/2020 đã quay trở lại ngang bằng mức trong năm 2019, điều này có thể cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu và dầu thô đang dần phục hồi trở lại.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô vẫn bị kìm hãm bởi dữ liệu cho thấy số ca nhiễm mới Covid-19 đang tiếp tục gia tăng mạnh. Các tiểu bang của Hoa Kỳ như Oklahoma, Texas và Floria cùng với Australia đã ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 tính theo ngày chạm mức cao kỷ lục trong vòng 2 tháng trở lại đây.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng lo ngại triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ ở mức yếu sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn những gì được dự báo trước đây.  

Việc liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước khai thác dầu thô đồng minh tiến hành cắt giảm mạnh sản lượng khai thác đã phần nào giúp ổn định thị trường dầu mỏ. Trong tháng 4/2020, giá dầu thô Brent đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 21 năm trở lại đây, đạt 16 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu thô WTI lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới ngưỡng 0 USD/thùng.

Giới đầu tư hiện đang quan sát các động thái của OPEC+ để đánh giá khả năng OPEC+ kéo dài cắt giảm sản lượng khai thác thay vì chấm dứt trong tháng 7/2020.

Quang Đặng (Theo Reuters)