Giá dầu thô hôm nay 6/7: Phục hồi trở lại sau khi lao dốc mất hơn 9%

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 6/7, giá dầu thô thế giới đã phục hồi trở lại sau khi lao dốc mất hơn 9% trong phiên giao dịch hôm qua khi giới đầu tư lo ngại rủi ro suy thoái kinh tế. Nhiều chuyên gia nhận định giá dầu thô sẽ phục hồi khi tình trạng căng thẳng nguồn cung còn kéo dài.
 Diễn biến giá dầu thô hôm nay
Caption

Vào lúc 9h30 sáng nay ngày 6/7, giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 đã tăng 1,08% lên 103,88 USD/thùng, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 8/2022 cũng tăng 0,61% lên 100,11 USD/thùng.

Giá dầu thô thế giới đã đảo chiều tăng trở lại sau khi lao dốc trong phiên giao dịch hôm qua. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 5/7 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giảm mạnh 9,5% xuống chỉ còn 102,77 USD/thùng, chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5 đến nay. Trong khi đó, giá dầu thô WTI giảm 8,2% xuống còn 99,50 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô chịu áp lực tiêu cực chung khi hàng loạt giá các loại hàng hoá, nguyên liệu thô quan trọng khác trên thị trường kỳ hạn như kim loại đồng, lúa mì, bạc… đồng loạt giảm. Nguyên nhân chủ yếu do giới đầu tư ngày càng lo ngại về rủi ro khủng hoảng kinh tế toàn cầu có thể xảy ra trong thời gian tới, kéo theo đó là sự sụt giảm nhu cầu sử dụng các loại hàng hoá, nguyên liệu thô.

Chỉ số giá hàng hoá Bloomberg Commodity Index, đo lường sự biến đống giá của 23 loại hàng hoá, nguyên liệu thô chủ chốt trên thị trường toàn cầu, đã giảm 4,5%. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại Hoa Kỳ đều biến động mạnh trong phiên giao dịch hôm qua.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng giá dầu thô sẽ bật tăng trở lại do tình trạng căng thẳng nguồn cung trên toàn cầu còn tiếp tục kéo dài. Bà Amrita Sen, chuyên gia phân tích từ hãng tư vấn thị trường năng lượng Energy Aspects (Anh), nhận định đà bán tháo trên thị trường dầu thô trong phiên giao dịch ngày 5/7 không xuất phát từ các yếu tố cơ bản trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, đơn thuần là động thái tránh rủi ro tổng thể của giới đầu tư khi giá tất cả các loại hàng hoá, cổ phiếu đều lao dốc trong phiên giao dịch. Mặc dù thị trường còn chịu áp lực về lo ngại suy thoái kinh tế nhưng nhu cầu sử dụng dầu mỏ hiện vẫn ở mức cao, bà Amrita Sen cho biết.

Trong hôm qua, Saudi Arabia đã nâng giá bán dầu thô Arab Light của nước này cho khu vực châu Á trong tháng 8 thêm 2,80 USD/thùng so với mức giá trong tháng 7. Saudi Arabia hiện là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và châu Á là thị trường chủ chốt của quốc gia này. Thông thường, các quốc gia xuất khẩu dầu thô khu vực Vùng Vịnh sẽ dựa trên diễn biến giá dầu thô của Saudi Arabia để xác định giá bán dầu thô của mình.

Giới quan sát cho rằng động thái nâng giá bán dầu thô của Saudi Arabia có thể là tín hiệu cho thấy nhu cầu về dầu thô tại thị trường châu Á vẫn ở mức tốt và Saudi Arabia khó có thể gia tăng mạnh sản lượng khai thác trong thời gian tới.

Cuối tuần trước, tập đoàn ngân hàng JP Morgan (Hoa Kỳ) cảnh báo, trong kịch bản tồi tệ nhất, giá dầu thô thế giới có thể đạt tới 380 USD/thùng nếu như sản lượng khai thác dầu thô của Nga giảm mạnh dưới tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.

Tường Vy