Nhà máy lọc dầu
Sự gia tăng mạnh số ca nhiễm Covid-19 mới tại Hoa Kỳ đang đe doạ tiêu cực đến triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng dầu mỏ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới (Ảnh: CNN)

Vào lúc 7h03 sáng nay (ngày 4/7), giá dầu thô Brent giao tương lai  đã quay đầu giảm 38 cents tương ứng 0,9% xuống mức 42,76 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 44 cents tương ứng 1,1% xuống mức 40,21 USD/thùng. Trong phiên giao dịch ngày 3/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã bật tăng mạnh hơn 2% nhờ dữ liệu tích cực về thị trường lao động Hoa Kỳ và sự sụt giảm mạnh của lượng dầu thô tồn trữ tại nước này. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent đang hướng đến mức tăng 4%.  

Tuy nhiên, trong sáng nay, giá dầu thô đã chịu áp lực giảm trở lại khi dữ liệu mới nhất cho thấy đã có hơn 55.000 ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong ngày 3/7. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Hoa Kỳ kể từ cuối tháng 3/2020.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến giới đầu tư lo ngại nhu cầu sử dụng dầu mỏ có thể giảm xuống trong bối cảnh một số tiểu bang tại Hoa Kỳ đã tái áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt và hoãn kế hoạch tái mở cửa nền kinh tế.

Giới chuyên gia cảnh báo việc số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng cao trở lại có thể tác động tiêu cực đến sự phục hồi của thị trường lao động Hoa Kỳ mới ghi nhận trong tháng 6/2020.

Ông Louise Dickon, chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Nauy), nhận định nếu số ca nhiễm Covid-19 mới tiếp tục tăng cao tại Hoa Kỳ thì nhu cầu sử dụng dầu mỏ của nước này có thể sẽ sụt giảm trở lại.  Cùng chung quan điểm, ông Stephen Brennock, chuyên gia phân tích thị trường tại hãng môi giới dầu mỏ PVM Oil Associates, cảnh báo sự phục hồi mong manh của nền kinh tế Hoa Kỳ có thể sẽ tan vỡ trước những đợt lây nhiễm mạnh trong thời gian tới.

Trong thời gian vừa qua, các dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của các nền kinh tế trên toàn cầu cùng với sự sụt giảm kỷ lục của nguồn cung dầu thô khi liên minh OPEC+ cắt giảm mạnh sản lượng khai thác đã giúp dầu thô Brent tăng gần gấp đôi. Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu. Trong tháng 4/2020, giá dầu thô Brent đã lao dốc xuống mức 16 USD/thùng – mức thấp nhất trong vòng 21 năm trở lại đây.

Thị trường đang ngày càng kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trở lại sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy khối dịch vụ của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong tháng 6/2020 đã có mức tăng trưởng mạnh nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, dữ liệu cũng cho thấy sản lượng khai thác của OPEC trong tháng 6/2020 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm trở lại đây; trong khi đó, sản lượng khai thác của Nga cũng đã giảm xuống gần mức mục tiêu cắt giảm do liên minh OPEC+ đề ra.

Giá dầu thô cũng đang được hỗ trợ bởi kỳ vọng sản lượng khai thác dầu mỏ tại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giảm xuống sau khi hãng khai thác dầu đá phiến lớn nhất của Hoa Kỳ Chesapeake Energy đệ đơn phá sản.