Giá dầu thô tăng mạnh 33%, ghi nhận tuần tăng giá thứ hai liên tiếp

Giá dầu thô đã ghi nhận tuần tăng giá thứ hai liên tiếp, giá dầu thô WTI bật tăng mạnh 33% và giá dầu thô Brent tăng 18% nhờ kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.
Khai thác dầu thô tại Texas
 Số lượng giàn khoan dầu tại Hoa Kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu được ghi nhận vào những năm 1980 (Ảnh: HPPR.org)

Chốt phiên giao dịch ngày 8/5, giá dầu thô Brent đã tăng 1,51 USD tương ứng 5,1% lên 30,97 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 1,19 USD tương ứng 5% lên 24,74 USD/thùng. Tính chung cả tuần này (4/5 – 8/5), giá dầu thô Brent đã tăng 18 và giá dầu thô WTI đã bật tăng mạnh 33%, cả hai loại dầu thô đều ghi nhận tuần tăng giá thứ hai liên tiếp.

Giá dầu thô bật tăng trong phiên giao dịch cuối tuần này chủ yếu nhờ dữ liệu cho thấy số lượng giàn khoan khai thác dầu thô và khí gas hoạt động tại Hoa Kỳ đã giảm 34 giàn khoan xuống còn 374 giàn khoan, mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu được ghi nhận từ những năm 1980. Các doanh nghiệp khai thác dầu thô tại Bắc Mỹ hiện đang cắt giảm sản lượng khai thác nhanh hơn dự báo của giới chuyên gia với lượng cắt giảm sản lượng có thể đạt 1,7 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 6/2020.

Ngành năng lượng khu vực Bắc Mỹ đang giảm mạnh sản lượng khai thác dầu thô trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nhiên liệu suy giảm nghiêm trọng dưới các tác động của đại dịch Covid-19 và giá dầu thô xuống mức thấp kỷ lục.

Ông Jim Ritterbusch, chủ tịch hãng tư vấn năng lượng Ritterbusch & Associates, nhận định sự gia tăng của giá dầu thô trong những tuần gần đây là điều tương đối ngạc nhiên với thị trường trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục lan rọng tại Hoa Kỳ và tốc độ gia tăng tồn trữ dầu thô tại nước này cũng đang có xu hướng chạm mức cao kỷ lục.

Trong ngày 6/5, Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã tiếp tục tăng tuần thứ 15 liên tiếp mặc dù tốc độ gia tăng đã giảm xuống. Trong tuần đầu tiên của tháng 4/2020, lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ đã tăng kỷ lục 19 triệu thùng/tuần.

Thị trường hiện tập trung quan sát dữ liệu cắt giảm sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu. Kể từ ngày 1/5, thoả thuận cắt giảm sản lượng lên tới 9,7 triệu thùng tương ứng 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu của liên minh OPEC+ bắt đầu có hiệu lực.

Tuy nhiên, Iraq, quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ hai khối OPEC, vẫn chưa thông báo đến các đối tác thường xuyên của nước này về việc sẽ giảm mức xuất khẩu dầu thô; điều này có thể cho thấy Iraq đang gặp khó khăn trong việc cắt giảm sản lượng khai thác.

Ông Andrew Lipow, chủ tịch hãng tư vấn dầu khí Lipow Oil Associates, nhận định “Tôi cho rằng giá dầu thô sẽ bị đẩy về mức 20 USD/thùng bởi tâm lý lo ngại về việc thực thi thoả thuận cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+. Nếu 1 hoặc 2 quốc gia (thuộc liên minh OPEC+) không đáp ứng được các yêu cầu cắt giảm thì các quốc gia khác cũng có thể không cần tuân thủ thoả thuận”.

Giá dầu thô hiện đang được hỗ trợ bởi thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ dần tăng trở lại khi nhiều quốc gia đang lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19, tái mở cửa nền kinh tế.

Trong ngày 8/5, Australia là quốc gia mới nhất công bố kế hoạch tái mở cửa nền kinh tế. Pháp, nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ và các quốc gia khác như Pakistan cũng đã công bố kế hoạch nới lỏng các biện pháp phong toả.

Quang Đặng (Theo Reuters)