Giá dầu thô tăng nhẹ, thị trường bị giằng co giữa nhiều thông tin trái chiều

Trong phiên giao dịch sáng nay, giá dầu thô tiếp tục tăng nhẹ lên mức 65,61 USD/thùng. Thị trường hiện bị giằng co giữa các luồng thông trái chiều về nhu cầu sử dụng dầu thô và thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô đã giảm khoảng 2%.
Giá dầu thô
Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 29/3 - 23/4/2021 (Ảnh: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay (ngày 23/4, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai tiếp tục tăng nhẹ 0,3% lên 65,61 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai bật tăng 0,5% lên 61,72 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 22/4 (theo giờ Hoa Kỳ), giá dầu thô Brent tăng nhẹ 8 cents lên mức 65,40 USD/thùng; giá dầu thô WTI cũng tăng thêm 8 cents lên 61,43 USD/thùng.

Giá dầu thô hiện đang bị giằng co giữa các luồng thông tin trái chiều về nhu cầu sử dụng dầu thô và thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô đang hướng đến mức giảm 2%.  

Thị trường hiện lo ngại nhu cầu sử dụng sử dụng dầu thô trên toàn cầu khó có thể phục hồi nhanh như các kỳ vọng trước đây trong bối cảnh hàng loạt nền kinh tế lớn như Ấn Độ, Nhật Bản, và Đức đang chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 mới.

Chỉ trong ngày hôm qua (22/4), Ấn Độ đã ghi nhận tới 314.835 ca nhiễm mới Covid-19. Đây cũng là số ca nhiễm mới Covid-19 tính theo ngày cao nhất toàn cầu kể từ đại dịch bùng phát hồi năm ngoái. Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới.

Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin cho biết công suất hoạt động của các nhà máy lọc hoá dầu thuộc Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (IOC) hiện chỉ đạt 95% so với mức 100% trong cùng kỳ tháng trước. Điều này có thể phản ánh nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại đây đã giảm xuống trong bối cảnh nhiều biện pháp phong toả được áp đặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tại Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 4 thế giới, chính phủ nước này đang cân nhắc tái ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại khu vực thủ đô Tokyo và một số tỉnh thành khác khi số ca nhiễm mới Covid-19 tại nước này gia tăng mạnh trở lại. Một số nhà phân tích cảnh báo nền kinh tế Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ cao rơi vào suy thoái kép khi nước này vừa mới phục hồi phần nào sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm ngoái.

Ông Bjornar Tonhaugen, trưởng bộ phận thị trường dầu mỏ tại hãng nghiên cứu thị trường năng lượng Rystad Energy (Nauy), nhận định “Thị trường đã nhận ra rằng nhu cầu sử dụng dầu mỏ không thể phục hồi trở lại nếu như các nền kinh tế lớn trên thế giới không tái mở cửa. Ấn Độ đang ngày càng chìm sâu hơn vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi số ca nhiễm mới Covid-19 mỗi ngày đều đạt kỷ lục mới”.

Tuy nhiên, giá dầu thô tạm thời được nâng đỡ bởi lo ngại thiếu hụt nguồn cung dầu thô trong ngắn hạn khi Libyia tuyên bố tình trạng bất khả kháng tại cảng xuất dầu Hariga. Điều này khiến sản lượng khai thác dầu thô của Libya lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 1 triệu thùng/ngày kể từ hồi năm ngoái. Libya cảnh báo sản lượng khai thác có thể tiếp tục giảm xuống trong những ngày tới khi tình trạng bất khả kháng có thể mở rộng ra các cảng xuất dầu khác của nước này.

Hiện thị trường đang tập trung quan sát diễn biến cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và Hoa Kỳ. Nếu như hai quốc gia này đạt thoả thuận hạt nhận mới, Iran có thể cung cấp ra thị trường quốc tế từ 1 – 2 triệu thùng dầu/ngày. Trong khi đó, liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu sẽ nâng dần sản lượng khai thác trở lại kể từ tháng 5 tới đây.

Giới quan sát nhận định về dài hạn, nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi nhiều nền kinh tế lớn thông qua các chính sách nhằm đối phó biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển nền kinh tế xanh.

Quang Đặng