Lúc 8h49 sáng nay (ngày 19/2, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent tăng 6 cents lên 57,81 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 7 cents lên mức 51,97 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 18/2, giá dầu thô Brent chỉ tăng nhẹ 8 cents lên mức 57,75 USD/thùng; giá dầu thô WTI được giữ không đổi tại mức 52,05 USD/thùng.

Mặc dù giá dầu thô trong phiên giao dịch hôm qua được sự hỗ trợ từ thông tin nguồn cung dầu thô từ Libya sụt giảm nhưng đà phục hồi của giá dầu thô hiện vẫn bị kìm hãm, chịu ảnh hưởng mạnh từ tâm lý lo ngại sự bùng phát dịch virus Covid-19 tại Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu giảm xuống. Trung Quốc hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tái khởi động lại các hoạt động sản xuất vốn bị đình trệ trong thời gian dài vì dịch bệnh.

Sản lượng khai thác dầu thô của Libya đã giảm mạnh kể từ ngày 18/1, từ mức trên 1,2 triệu thùng dầu/ngày xuống còn chưa đến 200.000 thùng dầu/ngày trong bối cảnh một số cảng xuất dầu chính và đường ống dẫn dầu tại nước này bị lực lượng quân sự đối lập phong toả.

Phiến quân Libya canh giữ mỏ dầu
Kể từ ngày 18/1, nhiều cảng xuất dầu và đường ống dẫn dầu chính tại Libya đã bị phỏng toả bởi lực lượng quân sự đối lập khiến sản lượng khai thác dầu của nước này sụt giảm

Mặc dù số lượng ca nhiễm virus Covid-19 mới tại Trung Quốc đã giảm xuống nhưng các chuyên gia y tế thế giới cảnh bảo vẫn còn quá sớm để khẳng định dịch bệnh đã được kiểm soát.

Cuối tuần trước, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong quý 1/2020 có thể sẽ giảm 435.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2019; đánh dấu quý đầu tiên ghi nhận nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu giảm kể từ thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2009.

Hiện tại khối OPEC và các nước sản xuất dầu thô đồng minh (khối OPEC+) đang cân nhắc đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô hơn nữa nhằm ngăn chặn đà giảm của giá dầu thô. Tuy nhiên, Nga hiện vẫn chưa đồng ý phương án cắt giảm sản lượng nói trên và cho biết sẽ đưa ra quyết định trong vài ngày tới.

Dự kiến khối OPEC+ sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) vào ngày 6/3 tới đây để quyết định kế hoạch khai thác trong năm nay. Trước khi dịch virus Covid-19 bùng phát hồi tháng 1/2020, khối OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng khai thác tổng cộng 1,7 triệu thùng/ngày trong quý 1/2020 nhằm hỗ trợ giá dầu thô trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 ở mức thấp.

Số liệu mới nhất cho thấy lượng dầu thô dự trữ của Ả-rập Xê-út, quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất khối OPEC, đã giảm 11,8 triệu thùng trong tháng 12/2019.