Giá dầu thô tăng tuần thứ 5 liên tiếp, chạm mức cao nhất từ năm 2018

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này ngày 25/6, giá dầu thô quốc tế đã vượt mốc 76 USD/thùng, chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 và xác lập tuần tăng thứ 5 liên tiếp.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 26/5 - 26/6/2021 (Ảnh: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 25/6 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai tiếp tục tăng mạnh 0,8% lên 76,18 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 1% lên 74,05 USD/thùng. Giá dầu thô quốc tế hiện đạt mức cao nhất kể từ hồi tháng 10/2018. Tính chung cả tuần vừa qua, giá dầu thô quốc tế đã tăng hơn 3% và xác lập tuần tăng giá thứ 5 liên tiếp.

Thị trường dầu mỏ hiện kỳ vọng liên minh OPEC+ sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận thận trọng về việc nâng sản lượng khai thác trong thời gian tới bất chấp nhu cầu sử dụng nhiên liệu được dự báo sẽ bùng nổ.

Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện nắm giữ hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. Hiện thị trường đang tập trung theo dõi diễn biến phiên họp của liên minh OPEC+ vào ngày 1/7 tới đây.

Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng chứng khoán OANDA, nhận định “Đà tăng của giá dầu thô hiện nay được hỗ trợ bởi triển vọng nhu cầu sử dụng ở mức tốt và các kỳ vọng nguồn cung trên thị trường sẽ tiếp tục ở mức thấp do liên minh OPEC+ nhiều khả năng sẽ chỉ nâng sản lượng khai thác ở mức thấp”.

Diễn biến thị trường dầu mỏ trong thời gian tới sẽ phụ thuộc lớn vào quyết định điều hành sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ khi liên minh này còn dư thừa công suất khai thác ở mức cao. Về phía nguồn cung, một số nhà phân tích nhận định liên minh OPEC+ sẽ cố gắng không để lượng tồn trữ dầu thô trên toàn cầu bị suy giảm quá mạnh khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng cao.

Về phía nhu cầu sử dụng, liên minh OPEC+ sẽ phải cân nhắc việc nhu cầu sử dụng  đang tăng mạnh tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Trung Quốc cũng như tại nhiều nền kinh tế khác khi việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đang được đẩy mạnh. Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ tư cũng đang xuất hiện tại nhiều quốc gia với biến chủng virus Delta có tốc độ lây nhiễm và độc lực cao, đe doạ đến tiến trình mở cửa và phục hồi kinh tế của nhiều nước.

Khả năng nguồn cung dầu thô từ Iran tăng cao trong thời gian tới cũng đã giảm xuống thấp khi hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết tiến trình đàm phán thoả thuận hạt nhân giữa Iran và Hoa Kỳ vẫn tồn tại nhiều bất đồng nghiêm trọng.

Tiến trình đàm phán giữa Iran và Hoa Kỳ đã buộc phải ngưng lại sau khi ông Ebrahim Raisi, thẩm phán theo phe bảo thủ, giành chiến thắng áp đảo trước người tiền nhiệm ông Hassan Rouhani vốn có tinh thần cải cách và theo đường lối ôn hoà. Hoa Kỳ hiện cũng đang liệt ông Ebrahim vào danh sách trừng phạt với cáo buộc vi phạm nhân quyền, điều mà Iran luôn bác bỏ.

Dữ liệu của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes Co. (Hoa Kỳ) cho thấy số lượng giàn khoan dầu thô đang hoạt động tại Hoa Kỳ hiện đạt 372 giàn khoan, ghi nhận tháng tăng thứ 10 liên tiếp. Dữ liệu này thường chỉ báo trước diễn biến sản lượng khai thác dầu thô tại Hoa Kỳ.

OPEC vừa mới dự báo sản lượng khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ sẽ không phục hồi nhanh trong năm nay. Thông thường, sản lượng khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ sẽ phục hồi nhanh khi giá dầu thô tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, các hãng khai thác dầu tại nước này hiện giữ quan điểm thận trọng và không ồ ạt mở rộng hoạt động sản xuất như trước đây khi Hoa Kỳ đang có xu hướng chuyển hướng sang phát triển năng lượng sạch và giảm đầu tư cho nhiên liệu hoá thạch.

Quang Đặng