Giá dầu thô tăng tuần thứ 6 liên tiếp, áp sát mốc 85 USD/thùng

Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent đã tăng thêm 3%, xác lập tuần tăng giá thứ 6 liên tiếp. Trong phiên giao dịch ngày 15/10, đã có lúc giá dầu thô Brent chạm mức 85,10 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô từ ngày 15/9 - 15/10/2021 (Đồ hoạ: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 15/10 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 12/2021 đã tăng thêm 1% lên 84,86 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent chạm mức 85,10 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent đã tăng 3%, xác lập tuần tăng giá thứ 6 liên tiếp.

Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 1,2% lên 82,28 USD/thùng và ghi nhận mức tăng 3,5% trong tuần này, ghi nhận tuần tăng giá thứ 8 liên tiếp.

Giá dầu thô liên tục tăng mạnh trong giai đoạn gần đây khi nhiều nền kinh tế tái mở cửa trở lại, kéo theo nhu cầu sử dụng dầu thô tăng mạnh trong khi đó nguồn cung dầu thô ở mức yếu. Bên cạnh đó, đà tăng giá cao kỷ lục của khí tự nhiên và than đá trên toàn cầu cũng góp phần đẩy giá dầu thô tăng lên. Dữ liệu cho thấy mức tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ và của các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) liên tục giảm.

Trong ngày 14/10, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng vốn đang lan rộng trên toàn cầu sẽ đẩy nhu cầu sử dụng dầu thô tăng thêm tới 500.000 thùng/ngày. Điều này sẽ khiến thị trường rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung khoảng 700.000 thùng/ngày vào cuối năm nay; con số này cao hơn nhiều so với mức ước tính trước đây của liên minh OPEC+.

Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út dẫn đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Bất chấp sức ép ngày càng tăng từ các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và Ấn Độ, hồi đầu tháng này, liên minh OPEC+ vẫn kiên quyết chỉ nâng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng 11 tới đây. Nguyên nhân chủ yếu do liên minh OPEC+ e ngại những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 có thể khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu nhanh chóng giảm trở lại. Liên minh OPEC+ dự báo thị trường sẽ rơi vào tình trạng dư cung dầu thô trong năm 2022.

Ả-rập Xê-út và Nga đều cho biết liên minh OPEC+ đang nỗ lực hết sức để giữ cân bằng thị trường dầu mỏ và tránh các biến động giá mạnh như đang xảy ra trên thị trường khí tự nhiên và than đá.

Chuyên gia phân tích thị hàng hoá cấp cao Edward Moya thuộc hãng môi giới chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ), nhận định giá dầu thô sẽ chỉ giảm xuống nếu như liên minh OPEC+ thay đổi quyết định và gia tăng mạnh sản lượng, hoặc nhiệt độ ở khu vực Bắc Bán cầu trong những tháng mùa đông tới đây ở mức cao hơn các dự báo, hoặc Hoa Kỳ xả bán ra thị trường lượng lớn kho dự trữ dầu thô chiến lược.

Dữ liệu của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes (Hoa Kỳ) cho thấy tổng số giàn khoan dầu thô và khí tự nhiên đang hoạt động tại Hoa Kỳ trong tuần này đã đạt 543 giàn khoan, tăng tới 10 giàn khoan so với tuần trước. Đây cũng là mức giàn khoan hoạt động cao nhất kể từ hồi tháng 4/2020. Điều này là chỉ báo cho thấy sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Quang Đặng