Giá dầu thô tiệm cận mức cao nhất trong vòng 6 tuần

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 30/4, giá dầu thô tiệm cận mức cao nhất trong vòng 6 tuần trở lại đây khi thị trường tiếp tục phản ứng tích cực với các dự báo lạc quan về triển vọng sử dụng dầu thô thời gian tới.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô trong tháng 4/2021 (Ảnh: Oil Price)

Vào lúc 8h00 sáng nay (ngày 30/4, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 0,4% xuống mức 68,30 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 0,4% xuống còn 64,73 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô quốc tế chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 6 tuần trở lại đây khi thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực về triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu bất chấp đại dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng tại Ấn Độ và Brazil.

Tính từ đầu tháng 4 đến nay, giá dầu thô Brent đã tăng gần 8% và giá dầu thô WTI tăng gần 10%; đánh dấu tháng thứ 5 trong 6 tháng trở lại đây ghi nhận giá dầu thô tăng lên. Các dữ liệu cho thấy nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu đã gần phục hồi về ngang bằng mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Đà phục hồi của giá dầu thô trong giai đoạn vừa qua chủ yếu nhờ liên minh OPEC+ cắt giảm mạnh sản lượng khai thác, các nền kinh tế lớn tung ra các gói kích thích ở quy mô chưa từng có và việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ở nhiều nơi trên thế giới.

Tập đoàn tài chính ANZ (Australia) cho biết dữ liệu tại vài thành phố tại Hoa Kỳ cho biết nhu cầu sử dụng nhiên liệu trong mùa hè tới đấy đang tăng mạnh hơn, mùa hè thường là mùa cao điểm lái xe và sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ.

Dữ liệu cũng cho thấy doanh số bán nhiên liệu cho hoạt động giao thông đường bộ tại Anh đã gần đạt như mùa hè năm ngoái. Kỳ nghỉ Lễ Lao động 1/5 tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng sẽ thúc đẩy việc tiêu thụ nhiên liệu khi lượng lớn người dân đi du lịch.

Trong ngày hôm qua, tập đoàn tài chính Citi (Hoa Kỳ) dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ đạt mức mức cao kỷ lục 101,5 triệu thùng/ngày trong mùa hè tới đây cho dù tình hình đại dịch Covid-19 tại Ấn Độ và Brazil có thể làm giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại các nước này.

Tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ tiếp tục diễn biến nghiêm trọng với gần 387.000 ca mắc mới trong ngày 29/4. Đây là con số nhiễm Covid-19 mới theo ngày cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu hồi năm ngoái.

Số ca tử vong vì Covid-19 theo ngày tại quốc gia này cũng vượt mốc 3.000 người ngày thứ ba liên tiếp. Hiện hệ thống y tế của Ấn Độ rơi vào tình trạng quá tải khi không còn đủ giường bệnh, oxy y tế và thuốc điều trị Covid-19. Ấn Độ hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới.

Khảo sát độc lập mới nhất cho thấy hoạt động sản xuất chế tạo tại Nhật Bản trong tháng 4/2021 đã ghi nhận tốc độ tăng cao nhất kể từ đầu năm 2018 mặc dù nước này đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới. Sự phục hồi mạnh mẽ của nhiều nền kinh tế lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã giúp gia tăng nhu cầu hàng hoá từ Nhật Bản.

Cuối tuần trước, Chính phủ Nhật Bản đã tái áp đặt tình trạng khẩn cấp tại khu vực thủ đô Tokyo và ba tỉnh khác, tác động đến 25% dân số và khoảng 30% nền kinh tế nước này. Giới phân tích nhận định Nhật Bản có thể kéo dài tình trạng khẩn cấp nếu như tình hình dịch bệnh không được cải thiện. Nhật Bản hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 4 toàn cầu.

Quang Đặng