Giá dầu thô tiếp tục giảm, nhiều nước Châu Âu tái phong toả

Trong phiên giao dịch sáng nay (ngày 22/3, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm trong bối cảnh hàng loạt nước Châu Âu cân nhắc tái phong toả diện rộng nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm đại dịch Covid-19 mới.
Diễn biến giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 22/2 đến 22/3/2021 (Ảnh: Oil Price)

Cụ thể, vào lúc 8h36 sáng nay, giá dầu thô Brent giao tương lai giảm 60 cents tương ứng 0,9% xuống còn 63,93 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng giảm 68 cents tương ứng 1,1% xuống mức 60,74 USD/thùng. Tính chung cả tuần giao dịch trước, giá dầu thô thế giới đã giảm 6,3%, đánh dấu tuần đầu tiên giảm sau 7 tuần tăng giá liên tiếp.

Hãng tin Reuters cho biết Chính phủ Đức đang xem xét đề xuất tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh chặt chẽ trên toàn quốc khi số ca nhiễm Covid-19 mới tiếp tục gia tăng và đe doạ khiến hệ thống y tế nước này bị quá tải.

Nếu đề xuất này được thực hiện thì nền kinh tế Đức tiếp tục rơi vào trạng thái bị phong toả tháng thứ 5 liên tiếp. Đức hiện là nền kinh tế lớn nhất khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone)

Trước đó, Pháp đã tái phong toả khu vực thủ đô Paris và 15 tỉnh khác của nước này trong vòng 4 tuần kể từ ngày 19/3 nhằm đối phó với tình trạng dịch bệnh bùng phát nhanh trở lại và gây sức ép lớn lên hệ thống bệnh việnc nước này. Đối với các tỉnh thành khác, Chính phủ Pháp tiếp tục duy trì lệnh giới nghiêm từ tối hôm trước đến sáng hôm sau.

Italy, nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực Eurozone, cũng sẽ phong toả toàn quốc vào dịp Lễ Phục sinh tới đây nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần 3 tại nước này.

Ông Stephen Innes, trưởng bộ phấn chiến lược thị trường toàn cầu tại hãng giao dịch Axi Corp (Australia), nhận định “Thực tế cho thấy thị trường dầu mỏ sẽ còn rất lâu nữa mới có thể phục hồi trở lại hoàn toàn và giá dầu thô tăng chủ yếu là nhờ sản lượng khai thác đã bị cắt giảm ở mức cao kỷ lục”.

Trong giai đoạn vừa qua, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh (gọi chung là Liên minh OPEC+) đã cắt giảm sản lượng khai thác ở mức cao kỷ lục, lên đến hơn 10% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu, nhằm ngăn chặn đà giảm của giá dầu thô khi nhu cầu sụt giảm mạnh vì đại dịch Covid-19. Liên minh OPEC+ hiện nắm hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.

Dữ liệu của hãng dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co. (Hoa Kỳ) cho thấy số lượng giàn khoan khai thác dầu thô tại Hoa Kỳ đã tăng trở lại, chạm mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 sau khi giá dầu thô tăng mạnh kể từ đầu năm đến nay.

Các hãng khai thác năng lượng tại Hoa Kỳ hiện lạc quan với triển vọng nhu cầu năng lượng khi nền kinh tế nước này được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay.

Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định giá dầu thô khó có thể duy trì đà tăng bùng nổ như giai đoạn vừa qua trong dài hạn. Tính riêng 2 tháng đầu năm nay, giá dầu thô quốc tế đã bật tăng 31% khi thị trường lạc quan về triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu sẽ sớm phục hồi nhờ vaccine ngừa Covid-19 được triển khai tại nhiều nền kinh tế lớn.

IEA nhận định việc liên minh OPEC+ cắt giảm sản lượng khai thác ở mức kỷ lục khiến một lượng lớn công suất khai thác dầu thô dư thừa và nguồn cung dầu thô có thể tăng mạnh trở lại khi phần công suất này được đưa vào hoạt động trở lại. Do đó, giá dầu thô sẽ khó tăng quá cao trong trung hạn. IEA dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ khó phục hồi trở về mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra trước năm 2023.

Quang Đặng