Giá dầu thô tiếp tục giảm, nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ tái phong toả

Số ca nhiễm Covid-19 gia tăng cao trở lại buộc nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp phong toả nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô.
Giàn khoan dầu thô
Dự kiến sản lượng khai thác dầu thô của khu vực Bắc Mỹ sẽ tăng 20% - 30% trở lại trong thời gian tới (Ảnh: studentenergy)

Lúc 7h38 sáng nay (ngày 14/7, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai đã giảm 84 cents tương ứng 2,1% xuống mức 39,26 USD/thùng; giá dầu thô Brent giao tương lai cũng giảm 77 cents tương ứng 1,8% xuống còn 41,95 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch đầu tuần (ngày 13/7), giá dầu thô Brent và WTI đều đã giảm hơn 1%.

Giá dầu thô tiếp tục chịu áp lực giảm trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng cao tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, khiến giới đầu tư lo ngại đà phục hồi yếu ớt nhu cầu sử dụng dầu thô của nước này sẽ chịu tác động tiêu cực. Trước tình trạng số ca nhiễm bệnh gia tăng nhanh trở lại, chính quyền tiểu bang California, trong ngày 13/7, đã yêu cầu đóng cửa trở lại các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, công viên và bảo tàng cũng như thắt chặt kiểm soát các hoạt động ngoài trời.

Hai thành phố lớn nhất của tiểu bang California gồm Los Angeles và San Diego cũng tuyên bố đóng cửa các trường học trong tháng 8/2020. Bang California là tiểu bang đông dân nhất Hoa Kỳ. Trước đó, một loạt các tiểu bang lớn tại Hoa Kỳ như Floria và Texas cũng phải tái áp đặt các biện pháp phong toả nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Chiến lược gia thị trường dầu mỏ Stephen Innes thuộc hãng tư vấn thị trường AxiCorp nhận định việc tiểu bang California áp đặt trở lại các biện pháp phong toả cho thấy sự sụt giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu trong tháng 7/2020 tại Hoa Kỳ sẽ nghiêm trọng hơn những gì được dự báo trước đây. Thông thường nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ sẽ gia tăng mạnh trong các tháng mùa hè – cao điểm hoạt động du lịch và di chuyển.

Hiện thị trường dầu mỏ tập trung quan sát dữ liệu mức tiêu thụ nhiên liệu do Viện Dầu khí Hoa Kỳ công bố trong ngày 15/7 (theo giờ Việt Nam); dữ liệu chính thức sẽ do Viện Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ công bố sau đó. Giới phân tích dự báo lượng tồn trữ xăng dầu tại Hoa Kỳ đã giảm 900.000 thùng; trong khi đó, lượng tồn trữ dầu thô sẽ giảm 2,3 triệu thùng trong tuần trước.

Thị trường dầu mỏ cũng sẽ theo dõi sát sao các động thái của liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước khai thác dầu thô đồng minh bao gồm Nga. Dự kiến ban kiểm soát liên minh OPEC+ sẽ nhóm họp trong ngày 14 và 15/7 tuần này. Hiện liên minh OPEC+ đang thực thi thoả thuận cắt giảm sản lượng khổng lồ lên tới 9,7 triệu thùng/ngày và mức cắt giảm sẽ hạ xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 8 – tháng 12/2020.

Các chuyên gia phân tích thuộc tập đoàn tài chính Citi nhận định việc liên minh OPEC+ gia tăng sản lượng khai thác thêm 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 8/2020 có thể tác động tiêu cực đến thị trường dầu mỏ trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nhiên liệu chưa phục hồi chắc chắn.

Bên cạnh đó, Libya có thể sẽ gia tăng xuất khẩu dầu mỏ trở lại sau gần nửa năm bị đình trệ vì các xung đột quân sự, cùng với đó là việc các hãng khai thác năng lượng tại Bắc Mỹ có thể khôi phục từ 20% - 30% sản lượng khai thác khi giá dầu thô gia tăng trở lại. Giới phân tích cũng dự báo Trung Quốc sẽ sớm chấm dứt việc tăng cường thu mua dầu thô khi giá dầu thô đã phục hồi mạnh so với thời điểm tháng 4/2020.

Quang Đặng (Theo Reuters)