Giá dầu thô tiếp tục giảm, tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ gần chạm mức cao kỷ lục

Giá dầu thô Brent tiếp tục giảm 1,5% và giá dầu thô WTI giảm 7,2% trong sáng nay sau khi dữ liệu cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ đang ở gần mức cao kỷ lục, cho thấy nhu cầu sử dụng dầu thô sụt giảm mạnh.
Giàn khoan dầu
 Giàn khoan khai thác dầu thô Brent tại vùng Biển Bắc, Châu Âu (Ảnh: Bloomberg)

Vào lúc 8h22 sáng nay (ngày 27/4, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai (LCOC1) đã giảm 33 cents tương ứng 1,5% xuống mức 21,11 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai (CLC1) cũng giảm mạnh 1,22 USD tương ứng 7,2% xuống 15,72 USD/thùng.

Giá dầu thô tiếp tục chịu áp lực giảm mạnh sau khi Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết lượng tồn trữ dầu thô tại nước này, trong tuần kết thúc vào ngày 17/4, đã tăng mạnh lên mức 518,6 triệu thùng. Con số này gần chạm mốc cao nhất trong lịch sử 535 triệu thùng được thiết lập hồi năm 2017.

EIA cũng cho biết, lượng dầu thô tồn trữ trên các tàu chở dầu thô cũng đạt mức cao kỷ lục 160 triệu thùng. Bên cạnh đó, giới đầu tư tiếp tục lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sẽ ở mức thấp khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả.

Trong tuần giao dịch trước (20/4 – 24/4), giá dầu thô đã xác lập tuần giảm giá thứ ba liên tiếp, trong đó, giá dầu thô Brent giảm 24% và giá dầu thô WTI giảm 7%. Tính chung 9 tuần giao dịch gần đây nhất, giá dầu thô đã có 8 tuần giảm. Tính từ đầu tháng 3/2020, nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu đã giảm 30% trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Giới đầu tư dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ giảm mạnh hơn mức sụt giảm nguồn cung dầu thô trong vài tháng tới, đặc biệt trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm 2%, mức giảm sâu hơn so với khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nổ ra. Trong tuần này, thị trường tập trung quan sát kết quả kinh doanh của các tập đoàn sản xuất và khai thác dầu thô lớn nhất thế giới như Exxon Mobil, BP Plc và Royal Dutch Shell.

Dữ liệu mới nhất của hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy số lượng dàn khoan dầu tại Hoa Kỳ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2016; tổng số giàn khoan dầu và khai thác gas tại Canada cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000 trong bối cảnh giá dầu thô sụp đổ.

Các quốc gia khai thác dầu thô khác như Kuwait và Azerbaijan cũng đang tiến hành cắt giảm sản lượng khai thác. Nga, nước khai thác dầu thô lớn thứ ba thế giới, cũng lên kế hoạch giảm 50% lượng xuất khẩu dầu thô sang các quốc gia phương Tây trong tháng 5/2020.

Vào giữa tháng 4 vừa qua liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu đã đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng khổng lồ, giảm 9,7 triệu thùng/ngày tương đương gần 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu trong tháng 5 và tháng 6/2020 nhằm kìm hãm đà giảm của giá dầu thô.

Quang Đặng (Tham khảo Reuters)