Giá dầu thô tiếp tục tăng, thị trường lạc quan về triển vọng nhu cầu sử dụng

Giá dầu thô tiếp tục tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay, sau khi tăng 2% trong ngày hôm qua. Thị trường dầu mỏ hiện lạc quan về triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu và các quốc gia khai thác dầu thô lớn cam kết thực thi đúng thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác.
Giàn khoan dầu thô
Nếu giá dầu thô tiếp tục duy trì trên ngưỡng 40 USD/thùng và các dấu hiệu cho thấy nhu cầu sử dụng dầu thô tiếp tục phục hồi, nhiều hãng khai thác dầu thô có thể tái mở rộng sản xuất trở lại (Ảnh: Krohne)

Giá dầu thô trong đầu phiên giao dịch hôm nay (ngày 19/6) tiếp tục tăng lên nhờ đà tăng trong ngày hôm qua. Cụ thể, vào lúc 7h09 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai đã tăng 23 cents tương ứng 0,6% lên 39,07 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu thô Brent giao tương lai cũng tăng 18 cents tương ứng 0,4% lên 41,69 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua (18/6), cả hai loại dầu thô đã tăng khoảng 2%.

Giá dầu thô đang được hỗ trợ từ thông tin các quốc gia khai thác dầu thô thuộc liên minh OPEC+ cam kết sẽ đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác như đã đề ra. Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo đang thực thi thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác ở mức 9,7 triệu thùng/ngày tương đương 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Iraq và Kazakhstan, hai quốc gia thành viên liên minh OPEC+, cũng đưa ra các phương án để đẩy mạnh việc cắt giảm sản lượng khai thác hơn nữa trong thời gian tới, bù lại phần cắt giảm sản lượng chưa đạt được trong tháng 5/2020. Điều này có thể sẽ nâng tổng mức cắt giảm sản lượng thực tế lên cao hơn mức thoả thuận đã đề ra.

Đà tăng của giá dầu thô cũng được hỗ trợ nhờ thông tin nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu đang tăng trở lại trong tháng 6/2020 theo các dữ liệu của Vitol và Trafigura, hai hãng giao dịch dầu thô lớn nhất thế giới.

Xét về mặt kỹ thuật, trưởng ban chiến lược thị trường Sàn giao dịch CMC Michael McCarthy nhận định giá dầu thô WTI sẽ có ngưỡng kháng cự mạnh dao động từ 40 USD đến 41 USD/thùng. Giới phân tích nhận định nếu giá dầu thô WTI đạt ngưỡng giá này thì sẽ có thêm nhiều hãng khai thác dầu thô tại Hoa Kỳ tái mở rộng hoạt động sản xuất trở lại.

Việc giá dầu thô liên tục sụt giảm xuống mức thấp trong giai đoạn tháng 4 và tháng 5/2020 đã buộc nhiều hãng khai thác dầu thô phải đóng cửa các mỏ khai thác, thu hẹp hoạt động sản xuất.

Tâm lý lạc quan trong ngắn hạn về việc liên minh OPEC+ cam kết thực hiện thoả thuận cắt giảm sản lượng đã giúp giảm bớt áp lực về thiếu hụt chỗ chứa dầu thô và xuất hiện tình trạng “bù hoãn bán” (backwardation) trên thị trường giao dịch dầu thô Brent trong phiên giao dịch ngày 18/6. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu tháng 3/2020, tình trạng này xuất hiện trên thị trường. Theo đó, giá dầu thô Brent giao tháng 8 đã cao hơn 9 cents so với giá giao tháng 9/2020.

Thông thường thị trường dầu mỏ giao tương lai sẽ ở trong tình trạng “bù hoãn mua” (contango) với giá các hợp đồng có kỳ hạn xa hơn sẽ cao hơn giá các hợp đồng có kỳ hạn gần, nhằm phản ánh chi phí nắm giữ dầu thô trong dài hạn.

Quang Đặng (Theo Reuters)