Giá dầu tiếp tục trượt dài (ngày 4/9)

Giá dầu thế giới tiếp tục đà giảm giá từ đầu tuần tới nay. Cùng với áp lực từ tình hình kinh tế thế giới, việc Nga và một số nước công bố sản lượng dầu trong tháng 8 ở mức cao đã khiến giá dầu tiếp tục rơi vào khủng hoảng.

Đầu giờ sáng nay (4/9), theo giờ Việt Nam, giá dầu trên trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2019 đứng ở mức 54,2 USD/thùng giảm 2,7% trong vòng một tuần qua. Trong khi đó, giá dầu Brent  giao tháng 11/2019 đứng ở mức 58,42 USD/thùng, giảm 0,4 USD/thùng so với cùng ngày hôm qua.

giá dầu wti
Giá dầu liên tục giảm trong suốt những ngày qua

 

Giá dầu tiếp tục giảm khi dấu hiệu căng thẳng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Hôm qua, hãng tin Reuters dẫn một tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đã nộp đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về thuế quan mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa nước này.

Thêm vào đó, những biến động không lạc quan của các nền kinh tế khác cũng tác động trực tiếp lên giá dầu, như việc Hàn Quốc điều chỉnh giảm tăng trưởng quý 2/2019 do xuất khẩu chậm lại. Ấn Độ nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới đã giảm mức tăng trưởng hàng năm thấp nhất kể từ năm 2012...

Sản lượng dầu của các nước tăng mạnh cũng là nguyên nhân khiến giá dầu tiếp tục lao dốc. Greg McKenna chuyên gia tại Mckenna Macro cho biết “điều gì xấu đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu cũng sẽ trở nên tồi tệ với dầu mỏ tại thời điểm này. Chỉ có giảm tồn kho  mới có thể trì hoãn đà giảm giá của dầu".

sản lượng dầu của các nước tăng
Sản lượng dầu tăng cao khiến lượng tồn kho dầu tăng, góp phần giúp giá dầu tiếp tục giảm

 

Mới đây, Nga công bố sản lượng dầu của Nga trong tháng 8/2019 tăng lên 11,294 triệu thùng/ngày, vượt mức Moscow đã cam kết hạn chế sản lượng theo hiệp ước OPEC+ và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2019. Theo đó, số liệu của Bộ Năng lượng cho thấy sản lượng dầu tăng lên 47,763 triệu tấn trong tháng 8/2019 từ 47,149 trong tháng trước đó. Xuất khẩu dầu qua đường ống đứng ở mức 4,61 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2019 so với 4,609 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2019.

Công bố này ngay sau báo cáo về sản lượng của OPEC tăng trong tháng 8/2019, tháng tăng đầu tiên trong năm nay, do sản lượng tăng từ Iraq và Nigeria vượt sự hạn chế từ nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia và những sụt giảm gây bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.

Theo một thỏa thuận đồng ý giữa các nước thành viên OPEC và các nhà sản xuất dầu khác, Nga đã đồng ý giảm sản lượng 228.000 thùng/ngày từ mức tháng 10/2018.

Theo tính toán của Reuters, dựa trên hệ số chuyển đối tấn/thúng là 7,33, cho thấy họ hạn chế sản lượng ở mức 11,17 - 11,18 triệu thùng/ngày.

Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak trong tuần trước đã thừa nhận rằng sản lượng dầu trong tháng 8/2019 tăng nhẹ so với mức đã thỏa thuận, nhưng Moscow vẫn có mục tiêu tuân thủ hoàn toàn theo thỏa thuận này.

Nga đã sản xuất 11,15 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 7/2019, khi họ bị hạn chế bởi khủng hoảng dầu ô nhiễm. Trong tháng 8/2019 họ sản xuất ở mức trung bình tháng cao nhất kể từ tháng 3/2019, khi đạt 11,3 triệu thùng/ngày.

Trong tháng 7/2019, OPEC và các đồng minh, gồm Nga đã đồng ý gia hạn việc cắt giảm sản lượng cho tới tháng 3/2020 với hy vọng hỗ trợ giá trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu và sản lượng của Mỹ tăng. 

sản lượng dầu
OPEC và các đồng minh, gồm Nga đã đồng ý gia hạn việc cắt giảm sản lượng cho tới tháng 3/2020

 

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 8/2019, giảm 33.000 thùng/ngày xuống 12,08 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, sản lượng dầu thô hàng tuần của Mỹ tăng lên kỷ lục mới 12,5 triệu thùng trong tuần trước.

Sản lượng dầu thô của Texas tăng 13.000 thùng/ngày lên kỷ lục mới 4,98 triệu thùng/ngày trong khi sản lượng tại Bắc Dakota tăng 36.000 thùng/ngày lên 1,4 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2019, phù hợp với mức kỷ lục đã chạm tới hồi tháng 12/2018.

Sản lượng tăng tại 2 bang nay là đóng góp chính để Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, vượt Saudi Arabia và Nga. Nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong bối cảnh lo ngại nhu cầu chậm lại và dư cung.

Tại New Mexico, sản lượng giảm 14.000 thùng/ngày xuống 885.000 thùng/ngày, giảm từ kỷ lục.

Số giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ số sớm của tương lai, đã giảm trong 8 tháng qua và giảm tiếp trong tháng 8/2019, do các công ty thăm dò và khai thác độc lập cắt giảm chi tiêu cho việc khoan mới khi họ tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng lợi nhuận thay cho tăng sản lượng.

Nguyên Hà