Ngay trong hai phiên giao dịch đầu tuần, việc các nhà sản xuất dầu chủ chốt trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không đạt được bất cứ thoả thuận nào về tăng sản lượng dầu mỏ thời gian tới trong khuôn khổ Cuộc họp Uỷ ban Giám sát hỗn hợp của các nước trong và ngoài OPEC lần thứ 10 diễn ra tại thủ đô Algiers của Algeria đã khiến dầu tăng giá.

Bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc OPEC cần bơm thêm dầu và ngừng tăng giá, các đại biểu tham dự cuộc họp trên đều nhất trí với nhận định giá dầu dao động ở mức 80 USD/ thùng như hiện nay sẽ tốt hơn cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Giá dầu Brent tăng lên mức cao nhất của bốn năm trong phiên 25/9, nhờ dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) rằng nhu cầu dầu trên toàn cầu sẽ tăng mạnh khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm nay và 1,5 triệu thùng/ngày vào năm 2019.

Điểm tối duy nhất của thị trường là phiên 26/9, khi báo cáo từ Bộ Năng lượng Mỹ cho hay dự trữ dầu của Mỹ tăng 1,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 21/9, trái ngược với dự đoán được giới phân tích đưa ra là giảm 1,3 triệu thùng, khiến giá hai loại dầu chủ chốt đồng loạt đi xuống.

Tuy nhiên, thị trường năng lượng nhanh chóng lấy lại đà phục hồi trong hai phiên cuối tuần, khi mối lo về nguồn cung eo hẹp tiếp tục đeo bám giới đầu tư. Đáng chú ý, phiên 28/9, dầu Brent đóng cửa tại mức cao nhất trong 4 năm.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2018 trên sàn Nymex của New York tăng 1,13 USD (tương đương 1,6%), lên 73,25 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 10/7/2018.

Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 11/2018 cũng tăng 1 USD (tương đương 1,2%) lên 82,72 USD/thùng.

Hợp đồng này đã hết hạn vào cuối phiên 28/9. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 12/2018 tăng 1,35 USD (tương đương 1,7%) lên 82,73 USD/thùng.

Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent đã tăng 5%, qua đó góp phần nâng tổng mức tăng trong tháng Chín lên 6,8%, và tăng 4,1% trong quý III/2018.

Còn giá dầu WTI tăng 3,5% trong tuần qua và tiến 4,9% trong tháng Chín. Tuy nhiên, giá dầu ngọt nhẹ lại giảm 1,2% trong quý III năm nay.

Phil Flynn, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, cho rằng đà tăng giá dầu trong phiên này chủ yếu là do các giao dịch kỹ thuật.

Bên cạnh đó, ông cũng cho biết, “vàng đen” còn tìm được sự hỗ trợ từ các báo cáo rằng Trung Quốc đang giảm mua dầu từ Iran, cũng như thông tin rằng Mỹ không có kế hoạch sử dụng kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) để bù đắp sự thiếu hụt sản lượng dầu từ Iran.

Các nhà phân tích dõi theo sát sao diễn biến Mỹ trừng phạt Iran ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất dầu của Iran. Dự kiến các biện pháp trừng phạt này có hiệu lực từ ngày 4/11/2018.

Hiện một số bên mua dầu lớn, như một nhóm các nhà máy lọc dầu Ấn Độ, đã ra dấu họ sẽ giảm mua dầu của Iran song tác động lên các thị trường toàn cầu hiện vẫn chưa rõ.

Các quan chức tại Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Iran tạm thời dự báo lượng xuất khẩu dầu thô của nước này sẽ giảm 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng Chín, thấp hơn so với mức giảm 2,3 triệu thùng/ngày trong tháng Sáu.

Ngoài ra, báo cáo cùng ngày từ EIA cho biết, sản lượng dầu thô của nước này đã tăng 2,5% trong tháng 7/2018, lên 10,96 triệu thùng/ngày, và tăng gần 18,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ đã giảm ba giàn trong tuần này, ghi nhận hai tuần giảm liên tiếp.