Giá đậu tương hướng đến tháng tăng giá thứ hai liên tiếp, nguồn cung đậu tương toàn cầu suy giảm

Với mức tăng tới 15% kể từ đầu năm đến nay, đậu tương đã trở thành một trong những mặt hàng có mức tăng giá tốt nhất trên thị trường hàng hoá thế giới. Dự kiến giá đậu tương vẫn có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nguồn cung đậu tương từ Nam Mỹ suy giảm mạnh.
giá đậu tương
 Diễn biến giá đậu tương giao tháng 3/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago trong vòng 3 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Chốt phiên giao dịch ngày 15/2 (theo giờ địa phương), giá đậu tương giao tháng 3/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đạt 15,64 USD/giạ (27,2 kg/giạ). Tính từ đầu năm đến nay, giá đậu tương đã tăng tới 15%, trở thành một trong những loại hàng hoá nông sản có mức tăng giá cao nhất trên sàn CBOT.

Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá tại Việt Nam, cho biết các thị trường tài chính trên toàn cầu đã biến động khá mạnh kể từ đầu năm đến nay khi tình trạng căng thẳng giữa Nga và Ukraine tăng cao cũng như lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ mạnh tay trong việc nâng lãi suất cơ bản để ngăn chặn lạm phát tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, giá đậu tương thế giới vẫn tăng mạnh liên tục kể từ đầu năm đến nay nhờ nguồn cung từ Nam Mỹ suy giảm và triển vọng tiêu thụ tại Trung Quốc ở mức tốt.

Thị trường hiện đang đối mặt tình trạng căng thẳng nguồn cung đậu tương khi tình trạng khô hạn tại khu vực Nam Mỹ kéo dài. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cũng như nhiều tổ chức kinh tế khác đã điều chỉnh giảm đáng kể dự báo sản lượng đậu tương của khu vực Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil, trong niên vụ 2021/2022.

Theo dự báo mới nhất của USDA, sản lượng đậu tương của Brazil trong niên vụ 2021/2022 sẽ chỉ đạt 134 triệu tấn, thấp hơn 5 triệu tấn so với mức dự báo hồi tháng 1 vừa qua và giảm đến 10 triệu tấn so với mức dự báo trong tháng 12/2020. Mức dự báo hiện tại cũng thấp hơn tương đối so với mức sản lượng cao kỷ lục ghi nhận trong niên vụ 2020/2021.

Xem chi tiết báo cáo phân tích thị trường đậu tương thế giới của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.

Sản lượng đậu tương
Diễn biến sản lượng đậu tương các quốc gia tại khu vực Nam Mỹ qua các năm (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Đối với Argentina, sản lượng đậu tương của nước này trong niên vụ 2020/2021 được USDA dự báo chỉ đạt 45 triệu tấn, giảm 1,5 triệu tấn so với mức dự báo hồi tháng 1. Tại Paraguay, sản lượng đậu tương cũng được dự báo giảm chỉ còn 6,3 triệu tấn, thấp hơn mức dự báo đạt 8,5 triệu tấn được đưa ra trước đó.

Trong khi đó, triển vọng nhu cầu sử dụng đậu tương trên toàn cầu, đặc biệt là tại Trung Quốc vẫn ở mức tốt. Đồng thời, nhiều tổ chức phân tích nhận định Trung Quốc có thể tăng cường thu mua đậu tương trong ngắn hạn khi lượng tồn kho tại nước này chạm mức thấp nhất kể từ hồi tháng 3/2020. Thị trường hàng hoá đã ghi nhận động thái bất ngờ khi Trung Quốc liên tục thu mua đậu tương ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua thông qua các đơn hàng nhập khẩu tư nhân. Thông thường các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ ngưng giao dịch trong dịp Tết Nguyên đán.

Đồng thời, các đơn hàng này được thực hiện ngay khi giá đậu tương thế giới tăng mạnh; thông thường, Trung Quốc sẽ đợi giá đậu tương giảm mạnh mới tiến hành thu mua quy mô lớn. Các dữ liệu cũng cho thấy Trung Quốc đặt mua cả các lô đậu tương niên vụ 2022/2023. Niên vụ 2022/2023 sẽ chỉ tiến hành thu hoạch sớm nhất vào tháng 8 – 9/2022.

tồn kho đậu tương
Lượng tồn kho đậu tương của Trung Quốc đang ở mức thấp nhất kể từ hồi tháng 3/2020 (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Những động thái lạ này có thể cho thấy Trung Quốc đang chịu áp lực lớn trong việc duy trì mức dự trữ đậu tương và nước này lo ngại nguồn cung đậu tương từ Brazil khó có thể đảm bảo đáp ứng nhu cầu. Công ty Cổ phần Saigon Futures cho biết việc tăng cường thu mua đậu tương của Trung Quốc có thể gắn với kế hoạch dài hạn gia tăng sản lượng thịt lợn của nước này thêm 2,8%/năm từ nay đến năm 2025. Để thực hiện được điều này, Trung Quốc sẽ cần mở rộng quy mô đàn lợn của mình, kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ đậu tương sẽ tăng lên. Mặc dù Trung Quốc cũng công bố kế hoạch gia tăng mạnh sản lượng đậu tương nội địa nhưng nhiều chuyên gia nhận định đây là mục tiêu kém khả thi và nước này sẽ vẫn phụ thuộc mạnh vào nguồn đậu tương nhập khẩu. Do đó, giá đậu tương thế giới vẫn còn triển vọng tăng.

Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường nông sản tại đây.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá đậu tương có thể chịu áp lực giảm khi FED mạnh tay hơn trong việc nâng mức lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát tại Hoa Kỳ. Đồng thời, lượng đậu tương được Trung Quốc nhập khẩu có thể chững lại tạm thời sau khi đã thu mua lượng lớn trong 2 tuần gần đây. Trong hai phiên giao dịch đầu tuần này, thị trường Hoa Kỳ chưa ghi nhận thêm các đơn hàng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc.

Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa.

Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh

Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.

Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.

Website: https://saigonfutures.com

Hotline: 0903.352.961

Duy Quang