Giá đậu tương thế giới có thể tiếp tục tăng sau khi Argentina ngưng xuất khẩu dầu đậu nành và khô đậu tương

Mặc dù giá đậu tương trên thị trường kỳ hạn thế giới tiếp tục đi ngang, giới phân tích nhận định giá mặt hàng này và các sản phẩm liên quan như dầu đậu nành, khô đậu tương sẽ sớm tăng trở lại khi Argentina tạm ngưng xuất khẩu một số mặt hàng đậu tương và rủi ro đứt gãy nguồn cung dầu thực vật từ Ukraine.
giá đậu tương
 Diễn biến giá đậu tương giao tháng 5/2022 trên sàn CBOT trong vòng 3 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: barchart.com)

Chốt phiên giao dịch ngày 15/3 (the giờ địa phương), giá đậu tương giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã giảm 10,25 cents xuống còn 16,76 USD/giạ (27,2 kg/giạ), tiếp nối xu hướng đi ngang kéo dài vài phiên giao dịch gần đây.

Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, nhận định xu hướng giá đi ngang của mặt hàng đậu tương có thể tiếp tục kéo dài trong vòng 1 – 2 tuần tới. Trong ngắn hạn, giá đậu tương thế giới chịu áp lực tiêu cực từ việc Trung Quốc tái phong toả một số thành phố cảng lớn khi nước này đối mặt làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới, khiến hoạt động tiếp nhận các lô hàng nhập khẩu mới gặp nhiều khó khăn. Việc siết chặt hoạt động vận chuyển nội địa cũng khiến một số doanh nghiệp, kho lưu trữ đậu tương tại Trung Quốc phải tạm ngưng hoạt động.

Kể từ ngày 14/3 vừa qua, thành phố cảng Thâm Quyến (Trung Quốc) đã bị phong toả trở lại khi nơi đây ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 mới. Trước đó, hai thành phố lớn khác của Trung Quốc là Thượng Hải và Trường Xuân đã bị phong toả vì lý do tương tự. Một số doanh nghiệp logistics lớn hoạt động tại Trung Quốc như SEKO Logisitcs và hãng tàu biển Maersk đã phát đi cảnh báo tới khách hàng về rủi ro chậm trễ trong việc chuyển và nhận hàng tại Trung Quốc, bao gồm các lô hàng đậu tương đang trên đường đến các cảng biển nước này.

tồn kho đậu tương
 Lượng tồn kho đậu tương tại Trung Quốc qua từng tháng theo các niên vụ gần đây (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Xem chi tiết báo cáo phân tích thị trường đậu tương thế giới của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.

Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Saigon Futures cho rằng khó khăn trong việc vận chuyển đậu tương tại thị trường Trung Quốc chỉ mang tính chất ngắn hạn và khi nước này kiểm soát được dịch bệnh thì hoạt động nhập khẩu đậu tương sẽ được nối lại, thậm chí còn diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Do lượng tồn kho đậu tương tại Trung Quốc vốn đã rơi xuống mức thấp kỷ lục, chỉ đạt 2,94 triệu tấn, thấp hơn tới 41% so với mức trung bình nhiều năm trở lại đây. Đồng thời, thị trường toàn cầu đang đối mặt với rủi ro hiện hữu thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung dầu thực vật khi nguồn cung dầu hướng dương từ Ukraine bị đứt gãy.

Hiện thị trường cũng tập trung quan sát diễn biến thời tiết tại khu vực Nam Mỹ khi mưa diễn ra diện rộng trong tuần kết thúc vào ngày 12/3 tại Argentina và một số bang miền Nam Brazil sau thời gian dài hạn hán. Hạn hán tại khu vực Nam Mỹ là nguyên nhân chính khiến dự báo sản lượng đậu tương tại đây liên tục được điều chỉnh giảm. Hiện vẫn chưa có đánh giá rõ ràng về tác động của đợt mưa vừa rồi đến sản lượng và chất lượng đậu tương trong niên vụ 2021/2022 của Argentina và Brazil.

Theo hãng dự báo thời tiết WeatherTrends360, trong tuần kết thúc vào ngày 19/03, xu hướng khô hạn sẽ quay trở lại tại phần lớn các khu vực của Argentina, từ đó có thể khiến chất lượng cây trồng tại đây tiếp tục xấu đi. Argentina hiện đối mặt với một trong những đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Trong khi đó, độ ẩm tại Brazil có thể được cải thiện nhưng điều này sẽ làm cản trở quá trình thu hoạch đậu tương đang diễn ra tại một số địa phương.

Sản lượng đậu tương
 Dự báo sản lượng đậu tương của Brazil trong niên vụ 2021/2022 của các tổ chức (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Đà giảm của giá đậu tương thế giới hiện được kìm hãm nhờ thông tin Argentina tạm ngưng xuất khẩu dầu đậu nành và khô đậu tương ngay trước thềm vụ thu hoạch đậu tương 2021/2022 tại nước này. Giới quan sát cho biết đây là động thái thường được Argentina thực hiện trước khi điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu đối với hai mặt hàng trên, nhất là khi giá thực phẩm trên toàn cầu đang tăng cao.

Hiện thuế suất thuế xuất khẩu dầu đậu nành và khô đậu tương đang được Chính phủ Argentina ấn định ở mức 31% và mức thuế mới có thể lên đến 33%. Argentina hiện là quốc gia xuất khẩu khô đậu tương, sản phẩm làm thức ăn chăn nuôi, lớn nhất thế giới, chiếm 41% thị phần toàn cầu. Đối với mặt hàng dầu đậu nành, lượng xuất khẩu từ nước này chiếm tới gần 48% thị phần toàn cầu.

Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường nông sản tại đây.

Quyết định tạm ngưng xuất khẩu của Argentina sẽ khiến thị trường bị thiếu hụt một lượng lớn dầu đậu nành và khô đậu tương. Trong năm 2021, Argentina xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn khô đậu tương và 300.000 tấn dầu đậu nành trung bình mỗi tháng. Bên cạnh đó, việc tăng mức thuế suất sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu phải tăng giá bán để duy trì lợi nhuận. Điều này có thể hỗ trợ giá mặt hàng đậu tương, dầu đậu nành và khô đậu tương trên thị trường kỳ hạn tăng lên trong trung hạn.

Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa.

  • Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
  • Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.
  • Website: https://saigonfutures.com
  • Hotline: 0903.352.961
Duy Quang