Giá đồng hướng đến mức tăng theo tháng cao nhất kể từ tháng 12/2017

Mặc dù giá đồng đã giảm xuống trong hôm nay do dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã bất ngờ giảm xuống nhưng tính từ đầu tháng đến nay, giá đồng đang hướng đến mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/2017.
Sản xuất ống đồng
Nhu cầu sử dụng đồng tại Trung Quốc đang tăng lên khi các hoạt động sản xuất tại đây được phục hồi (Ảnh: ChinaDaily)

Trong đầu phiên giao dịch ngày 30/4 (theo giờ Việt Nam), giá kim loại đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã có lúc bật tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tuần trở lại đây. Giá đồng trong đầu phiên giao dịch đã được hỗ trợ nhờ dữ liệu chính thức do Chính phủ Trung Quốc công bố cho thấy hoạt động sản xuất của nước này đã phục hồi phần nào trong tháng 4/2020.

Tuy nhiên, tâm lý của thị trường đã bị ảnh hưởng sau khi khảo sát độc lập cho thấy các hoạt động sản xuất của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã bất ngờ giảm xuống trong tháng 4/2020; mặc dù khảo sát này cũng cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong 2 năm trở lại đây khi nước này đang nỗ lực tái khởi động nền kinh tế. Trung Quốc hiện là quốc gia sử dụng đồng lớn nhất thế giới với mức tiêu thụ ước đạt 12 triệu tấn/năm.  

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn LME đã giảm 0,1% xuống mức 5.258,5 USD/tấn. Tính từ đầu tháng 4 đến nay, giá đồng vẫn đang hướng tới mức tăng theo tháng cao nhất kể từ tháng 12/2017.

Chuyên gia phân tích Wenyu Yao từ tập đoàn tài chính ING nhận định mặc dù nền kinh tế Trung Quốc khôi phục chậm nhưng việc hoạt động sản xuất tại quốc gia này đang dần được phục hồi đã giúp giá đồng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, giá đồng cũng được hỗ trợ từ việc nguồn cung đồng bị suy giảm khi các mỏ khai thác và hãng sản xuất phải tạm thời đóng cửa để ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Dữ liệu của Shanghai Metals Market cho thấy mức chênh lệch giá giữa giá đồng giao tương lai với giá đồng giao ngay tại các kho ngoại quan của Trung Quốc đã tăng lên mức 90 USD/tấn vào ngày 29/4 – mức cao nhất kể từ tháng 11/2018; qua đó cho thấy nhu cầu sử dụng đồng tại Trung Quốc đang tăng lên.

Dữ liệu cũng cho thấy lượng đồng tồn trữ tại các nhà kho được theo dõi bởi Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) đã giảm tuần thứ 6 liên tiếp, giảm 36,6% xuống còn 230.956 tấn.

Hãng khai khoáng Glencore đã hạ dự báo sản lượng khai thác đồng trong năm 2020 xuống mức 1,25 triệu tấn và khai thác kẽm xuống mức 1,16 triệu tấn, giảm lần lượt 3% và 8% so với mức dự báo trước đó. Các hãng khai khoáng lớn nhất thế giới như Anglo American và Rio Tinto cũng cắt giảm sản lượng khai thác trong năm 2020 trong bối cảnh nhiều quốc gia duy trì các biện pháp phong toả để ngăn ngừa dịch bệnh.

Thông báo mới nhất của Chính phủ Chile cho thấy sản lượng đồng của nước này đã giảm 1% vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Chile là quốc gia cung cấp đồng lớn nhất thế giới.

Trên sàn LME, giá nhôm đã giảm 0,5% xuống còn 1.498 USD/tấn; giá kẽm giảm 0,5% xuống 1.936 USD/tấn; giá chì giảm 0,9% xuống 1.637 USD/tấn; giá thiếc giảm 1,9% xuống 15.017 USD/tấn và giá nickel giảm 0,9% xuống 12.207 USD/tấn.

Quang Đặng (Theo Reuters)