Giá lập đỉnh cao nhất 10 năm, dự báo xuất khẩu cá tra cán đích 2,1 tỉ USD cuối năm nay

Nhận định nhu cầu thị trường sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, VASEP dự báo xuất khẩu cá tra năm 2018 sẽ cán đích 2,1 tỉ USD.
Giá cá tra XK đã tăng ở mức cao nhất trong vòng 10 năm gần đây

 

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, xuất khẩu (XK) thủy sản 10 tháng năm 2018 ước đạt 7,24 tỉ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá cá tra XK đã tăng ở mức cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. 

Đối với thị trường trong nước, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 10 tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước, mức giá trung bình hiện trong khoảng 34.500-35.500đ/kg (cá loại I, 700-900g/con), có lúc đạt đến 36.000đ/kg tại các vùng sản xuất như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp…, tăng khoảng 3.000đ/kg so với tháng trước, xác lập mức kỷ lục cao nhất trong 10 năm qua. Với mức giá này, nông dân nuôi cá tra thu lãi từ 7.000 – 10.000đ/kg.

Theo nhận định của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, giá cá tra tăng cao liên tục trong hơn 1 tháng qua do nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho chế biến XK đang bị thiếu hụt. Vùng cá nguyên liệu tự thả nuôi của các doanh nghiệp không còn nhiều nên các doanh nghiệp buộc phải ra bên ngoài tìm mua cá tra của nông dân, đẩy giá tăng cao để thu mua.

VASEP cũng cho rằng, giá cá tra nguyên liệu tăng do nguồn cung khan hiếm. Trong khi đó, số lượng cá nguyên liệu dự trữ của các doanh nghiệp hiện nay đang ở mức khá thấp, nhu cầu thu mua cá nguyên liệu phục vụ sản xuất cho XK sang thị trường Mỹ và EU tăng cao, đặc biệt là cá tra có kích thước nhỏ.

Nhiều doanh nghiệp XK cá tra thiếu nguyên liệu trầm trọng, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị trễ đơn hàng hoặc buộc phải hủy, từ chối nhiều đơn hàng. Tình trạng ráo riết "săn" nguyên liệu của các doanh nghiệp cho thấy, nguồn cung cá tra đang thiếu khá lớn.

Bất chấp giá con giống và thức ăn tăng vọt, nông dân ồ ạt "mở ao"

Giá cá nguyên liệu tăng kéo theo giá con giống và thức ăn cũng tăng. Thời gian gần đây giá thức ăn đã tăng 3 lần với tổng mức tăng khoảng 800đ/kg, giá con giống 70.000 - 80.000đ/kg và chất lượng con giống không cao nên hao hụt nhiều. Tuy nhiên, người nuôi vẫn có lãi cao, nên tại ĐBSCL, nông dân phấn khởi, nhà nhà mở ao nuôi cá tra để "chớp thời cơ" tăng thu nhập khi giá cá tra đang ở mức cao.

Nông dân các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường tự ý chuyển từ đất sản xuất lúa sang đào ao nuôi cá. Hiện có trên 1.500ha đất lúa nông dân chuyển sang nuôi cá tra giống. Trong đó, nhiều nhất là huyện Tân Hưng với 1.047ha, Tân Thạnh 308ha, Vĩnh Hưng 93,5ha,... Con số này chưa dừng lại vì giá cá tra giống tăng mạnh. Sau khi lũ rút, nhiều nông dân lại tiếp tục đào ao nuôi cá.

Tại huyện Vĩnh Hưng, nông dân đã đào gần 100ha đất lúa chuyển sang nuôi cá, đa số diện tích này nằm trong quy hoạch của địa phương, trên địa bàn các tuyến kênh lớn như Lò Gạch, Cái Cỏ và sông Vàm Cỏ Tây…

Theo cảnh báo của VASEP, mặc dù giá cá tra đang ở mức tốt, nhưng các hộ nuôi cá tra nguyên liệu phải thận trọng với biến động giá hiện nay bởi thị trường thế giới hiện nay chỉ ưa chuộng cá tra cỡ 700gram/con. Dù thị trường Trung Quốc đang tiêu thụ loại 1kg/con với số lượng lớn, nhưng nếu thị trường này ngừng tiêu thụ thì sản phẩm cá tra loại lớn sẽ gặp khó ở đầu ra dẫn đến nguy cơ không bán được nguyên liệu.

Trong 10 tháng qua sản lượng cá tra đạt 1,1 triệu tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Đồng Tháp là địa phương có sản lượng cao nhất với gần 363.000 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, An Giang: Gần 284.000 tấn, tăng 19,3%, Bến Tre: 172.000 tấn, tăng 5,8%.