Giá lúa tại ĐBSCL tăng sau khi xuất khẩu gạo bình thường trở lại

Tại một số địa phương, các thương nhân thu gom nhiều loại lúa thường để chế biến thành gạo trắng xuất khẩu và dự trữ, đã đẩy giá tăng lên, đặc biệt là ngay sau khi Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo bình thường trở lại vào đầu tháng 5.

Số liệu thống kê 4 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho biết, theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, năng suất lúa Đông Xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay ước đạt 68,2 tạ/ha (tăng 0,4 tạ/ha so với vụ Đông Xuân trước); sản lượng đạt 10,55 triệu tấn (giảm 329,8 nghìn tấn). Tính đến giữa tháng 4, các địa phương phía Nam gieo sạ được 602,2 nghìn ha lúa Hè Thu (bằng 96,8% cùng kỳ năm trước), trong đó vùng ĐBSCL đạt 589,8 nghìn ha (bằng 96,8%).

Trong tháng 4, giá lúa ở ĐBSCL nhìn chung có xu hướng tăng, đặc biệt là các loại lúa thường. Tại một số địa phương, các thương nhân thu gom nhiều loại lúa thường để chế biến thành gạo trắng xuất khẩu (XK) và dự trữ, do đó đã khiến giá tăng lên mạnh, đặc biệt là ngay sau khi Chính phủ cho phép XK gạo bình thường trở lại vào đầu tháng 5/2020.Mặc dù gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh, nhưng vùng ĐBSCL đã có vụ lúa Đông Xuân thắng lợi, trúng mùa được giá, lúa vụ Hè Thu hiện đang làm đòng nhưng trước đó đã có nhiều thương lái đặt cọc với giá tốt.

Tại An Giang, lúa IR50404 có giá 5.500 đồng/kg (tăng 100 đồng/kg); lúa OM5451 lên mức 5.700 đồng/kg (tăng 100 đồng/kg); lúa OM 6976 giữ ở mức 5.600 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 lên mức 5.700-5.800 đồng/kg (tăng 300 đồng/kg); lúa OM4218 lên mức 6.600-6.800 đồng/kg (tăng 500 đồng/kg); lúa OM6976 lên mức 6.600 -6.700 đồng/kg (tăng 300 đồng/kg)...

Theo cập nhật của ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, 4 tháng đầu năm 2020, XK gạo cả nước đạt 1,92 triệu tấn, kim ngạch đạt 886 triệu USD (giảm 7,9% về khối lượng và giảm 0,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019). Mặc dù giảm so với cùng kỳ, nhưng ở các thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam vẫn tăng.

Trong 3 tháng đầu năm 2020, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường XK gạo của Việt Nam khi chiếm 36,7% thị phần, sản lượng đạt hơn 594 nghìn tấn (tăng 8,2% so với cùng kỳ), giá trị đạt hơn 257 triệu USD (tăng 19,1%). Các thị trường khác cũng có giá trị XK gạo tăng mạnh là Trung Quốc (gấp 4,37 lần), Đài Loan (gấp 2,79 lần) và Indonesia (tăng 92,1%). Thị trường giảm mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (giảm 70,7%). Giá gạo XK bình quân 3 tháng đầu năm đạt 461,9 USD/tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 496,1 triệu tấn (giảm khoảng 0,6% so với năm 2019); tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 đạt 490,2 triệu tấn (tăng khoảng 0,9%). Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhằm ứng phó với tác động của dịch COVID-19, Indonesia có kế hoạch thu mua khoảng 950.000 tấn gạo trong dân nhằm duy trì tồn kho ở mức 1-1,5 triệu tấn.

Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng sản lượng nông nghiệp nội địa khi khuyến khích trồng trở lại 2 vụ lúa/năm. Giá gạo hiện nay tăng tại hầu khắp các thị trường, tuy nhiên việc tồn kho trong dân tại khu vực Châu Á tăng có thể tác động đến nhu cầu trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Thống kê, tiến độ gieo trồng lúa Hè Thu năm nay chậm hơn cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Hiện lúa đang ở giai đoạn làm đòng, nhưng các tỉnh phía Nam vẫn đang ở mùa khô hạn, ngành nông nghiệp cần khuyến cáo các địa phương áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của khô hạn đến sản xuất, đồng thời bảo đảm nguồn nước tưới cho cây lúa, rà soát cơ cấu mùa vụ và điều chỉnh thời vụ gieo trồng đảm bảo khung thời vụ tốt nhất cho vụ tiếp theo...