Giá lương thực thế giới chạm mức cao nhất 10 năm

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) vừa cho biết giá lương thực thế giới xác lập đà tăng tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 10 vừa qua và đạt mức cao nhất trong 10 năm qua, chủ yếu do giá ngũ cốc và giá dầu thực vật tăng.

Theo đó, chỉ số giá lương thực thế giới của FAO đạt trung bình 133,2 điểm vào tháng 10, tăng so với mức 129,2 điểm trong tháng 9 trước đó. Đây là mức cao nhất tính theo tháng kể từ tháng 7/2011. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này đã tăng tới 31,3%. Chỉ số giá lương thực thế giới của FAO đo lường biến động giá của hầu hết các mặt hàng lương thực chủ chốt được giao dịch trên toàn cầu,

Cụ thể, trong tháng 10, chỉ số giá ngũ cốc tăng 3,2% so với tháng trước, chủ yếu do giá lúa mì tăng 5%, duy trì đà tăng trong tháng thứ năm liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2012.

giá lúa mì
 Giá lúa mì thế giới đang tăng vọt trong thời gian gần đây khi nguồn cung lúa mì từ các quốc gia chủ chốt như Nga, Hoa Kỳ và Canada suy giảm đáng kể (Ảnh: world-grain.com)

FAO cho biết trong năm qua, giá nông sản thế giới đã tăng mạnh do mất mùa và nhu cầu tăng vọt. FAO cũng cắt giảm dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm 2021 xuống còn 2,793 tỷ tấn, so với ước tính 2,800 tỷ tấn hồi tháng trước. Điều này phản ánh ước tính sản lượng lúa mì giảm ở Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ, bù đắp cho dự báo tăng sản lượng ngũ cốc thô.

Tình trạng khan hiếm nguồn cung lúa mì trên thị trường thế giới do sản lượng thu hoạch của các nước xuất khẩu lúa mì chủ chốt như Nga, Canada và Hoa Kỳ đang đẩy giá mặt hàng này lên mức cao kỷ lục.

Trong khi đó, giá dầu thực vật trên thị trường thế giới đã tăng 9,6% trong tháng 10. Đây là mức tăng theo tháng cao nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu cọ tiếp tục tăng tháng thứ 4 liên tiếp khi Malaysia đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng để thực hiện việc thu hoạch và sản xuất dầu cọ. Malaysia hiện là quốc gia sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới.

Chỉ số giá sữa thế giới trong tháng 10 tăng 2,6 điểm so với tháng 9 do nhu cầu nhập khẩu bơ, sữa bột gầy và sữa bột nguyên kem tăng trên toàn thế giới. Giá pho mát vẫn giữ ở mức ổn định do nguồn cung từ các nước sản xuất lớn đáp ứng đủ nhu cầu nhập khẩu toàn cầu.

Ngược lại, giá đường thế giới giảm 1,8% trong tháng 10, chấm dứt mạch tăng giá kéo dài sáu tháng liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu nhập khẩu giảm trong khi nguồn cung từ Ấn Độ và Thái Lan ở mức cao, kèm với đó là đồng Real Brazil suy yếu so với đồng USD, khiến giá đường của Brazil trở nên hấp dẫn hơn trên thị trường thế giới.

Chỉ số giá thịt thế giới trong tháng 10 vừa qua cũng giảm 0,7% so với tháng 9, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp. Tiêu thụ các loại thịt lợn và bò giảm trong bối cảnh Trung Quốc giảm nhập thịt lợn và nguồn cung thịt bò từ Brazil giảm mạnh. Trái lại, giá thịt gia cầm và thịt cừu tăng do nhu cầu thế giới cao trong khi triển vọng nguồn cung thấp.

Quang Đặng