Giá lương thực thực phẩm toàn cầu giảm nhẹ trong tháng 4/2022

Ngày 6/5, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết giá lương thực thực phẩm thế giới trong tháng 4/2022 đã giảm xuống sau khi đạt mức cao kỷ lục hồi tháng 3/2022, chủ yếu nhờ giá dầu thực vật và giá ngũ cốc giảm nhẹ.
giá lương thực
 Chỉ số giá lương thực toàn cầu của FAO giảm nhẹ trong tháng 4/2022 được xem là tin vui đối với các quốc gia có thu nhập thấp và phụ thuộc mạnh vào nhập khẩu lương thực (Ảnh: World Vision International)

Cụ thể, chỉ số giá lương thực toàn cầu của FAO (FAO Food Index) đạt trung bình 158,5 điểm trong tháng 4/2022, giảm 0,8% so với mức cao kỷ lục trong tháng 3/2022. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn cao hơn tới 29,8% so với tháng 4/2021. Chỉ số FAO Food Index đo lường biến động giá của hầu hết các mặt hàng lương thực chủ chốt được giao dịch trên toàn cầu.

FAO cho biết chỉ số FAO Food Index giảm chủ yếu nhờ giá dầu thực vật và giá ngũ cốc đã giảm nhẹ. Cụ thể, chỉ số giá dầu thực vật của FAO đã giảm 5,7% trong tháng 4/2022, tương đương giảm gần 30% so với mức tăng trong tháng 3/2022 khi giá dầu cọ, hướng dương và đậu nành giảm.

Chỉ số giá ngũ cốc của FAO trong tháng 4/2022 đã giảm 0,7%, chủ yếu do giá ngô trên thị trường quốc tế đã giảm 3%. Trong khi đó, giá gạo thế giới đã tăng tới 2,3% do nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc và khu vực Cận Đông tăng mạnh. Giá lúa mì cũng tăng nhẹ 0,2%. Giá lúa mì thế giới chủ yếu được nâng đỡ bởi tình trạng đứt gãy nguồn cung từ Nga và các lo ngại về tình trạng thời tiết xấu đến vụ lúa mì của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đà tăng của giá lúa mì đã được kìm hãm phần nào khi nguồn cung lúa mì từ Nga và Ấn Độ ra thị trường ở mức cao hơn so với dự báo.

Ông Máximo Torero Cullen, nhà kinh tế trưởng của FAO, cho rằng mặc dù chỉ số FAO Food Index tuy chỉ giảm nhẹ nhưng đây là tin tốt, đặc biệt là đối với các nước có mức thu nhập thấp và phải dựa vào nguồn cung lương thực từ bên ngoài. Tuy nhiên, ông Máximo Torero Cullen lưu ý giá lương thực thực phẩm toàn cầu vẫn neo ở gần mức cao kỷ lục, phản ánh tình trạng căng thẳng nguồn cung thực phẩm vẫn đang diễn ra, đặt ra thách thức về an ninh lương thực ở quy mô toàn cầu.

Chỉ số giá đường của FAO trong tháng 4/2022 tăng 3,3%, chủ yếu do giá ethanol tăng và thị trường lo ngại về việc vụ thu hoạch mía đường năm nay của Brazil diễn ra chậm. Brazil hiện là quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới.

Chỉ số giá thịt của FAO cũng tăng 2,2% so với tháng trước, qua đó xác lập mức giá cao kỷ lục mới khi giá thịt gia cầm và thịt bò tăng lên. Giá thịt gia cầm tăng lên trong bối cảnh gián đoạn hoạt động xuất khẩu từ Ukraine và dịch cúm gia cầm gia tăng ở nhiều khu vực Bắc Bán cầu.

Chỉ số giá sữa của FAO tăng 0,9% do tình trạng căng thẳng nguồn cung sữa và sản phẩm từ sữa trên thế giới tiếp tục diễn ra. Sản lượng sữa tại khu vực Tây Âu và châu Đại Dương tiếp tục thấp hơn so với dự báo. Trong số các loại sữa và sản phẩm từ sữa được theo dõi, giá bơ có mức tăng mạnh nhất do nhu cầu sử dụng tăng vọt khi dầu hướng dương và bơ thực vật khan hiếm.

FAO dự báo tổng quy mô giao dịch ngũ cốc trên toàn cầu trong niên vụ 2021/2022 sẽ giảm 1,2% so với niên vụ trước, nguyên nhân chủ yếu do hoạt động giao dịch ngô suy giảm. Ngược lại, hoạt động giao dịch lúa mì và gạo được FAO nhận định sẽ tăng lên.

Tường Vy