Giá ngô Hoa Kỳ niên vụ 2019/2020 dự báo đạt 3,60 USD/giạ

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2019/2020 sẽ giảm xuống do sản lượng ngô của Hoa Kỳ và Ukraine được dự báo giảm.

Giá ngô trung bình của Hoa Kỳ trong niên vụ 2019/2020 được dự báo đạt 3.60 USD/giạ (25,4 kg).

Đối với niên vụ 2018/2019, sản lượng ngô toàn cầu trong tháng 9/2019 được USDA dự báo sẽ giảm nhẹ do sản lượng ngô tại Ấn Độ và Paraguay giảm. Giao dịch ngô toàn cầu hiện có dấu hiệu tăng lên trong tháng 9/2019 do khu vực Châu Âu và Iran đẩy mạnh nhập khẩu. Đối với xuất khẩu, số đơn hàng xuất khẩu ngô của Brazil đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 8/2019. Ngược lại, hoạt động xuất khẩu ngô của Hoa Kỳ đã giảm xuống. Mức giá ngô  trung bình của Hoa Kỳ trong niên vụ 2018/2019 được USDA dự báo đạt 3.60 USD/giạ.

Trên thị trường thế giới, báo giá ngô của các nhà xuất khẩu lớn đều đã giảm xuống kể từ tháng 8/2019 do nguồn cung ngô tăng lên. Cụ thể, giá chào hàng của ngô Argentine đã giảm 23 USD/tấn xuống mức 140 USD/tấn; giá ngô Brazil giảm 21 USD xuống 151 USD/tấn; giá ngô khu vực Biển Đen giảm mạnh 32 USD/tấn xuống còn 155 USD/tấn. Giá ngô Hoa Kỳ giảm 29 USD/tấn xuống mức 156 USD/tấn trong bối cảnh nhu cầu về ngô Hoa Kỳ ở mức thấp và chịu cạnh tranh cao từ các nguồn cung ngô khác.

Thu hoạch ngô tại Hoa Kỳ
Giá trung bình ngô tại các trang trại Hoa Kỳ trong niên vụ 2019/2020 được dự báo ngang bằng giá niên vụ 2018/2019, đạt 3,60 USD/giạ

Đối với mặt hàng đại mạch, việc thu hoạch đã hoàn tất tại khu vực Bắc Bán Cầu trong tháng này. Trong niên vụ 2018/2019, sản lượng đại mạch của Canada, khu vực Liên minh Châu Âu, Nga và Ukraine đều tăng cao hơn so với niên vụ trước. Sản lượng đại mạch trên toàn cầu trong niên vụ 2019/2020 được USDA dự báo sẽ đạt mức cao nhất kể từ niên vụ 2008/2009. Việc sản lượng được dự báo tăng cao đã khiến giá xuất khẩu đại mạch niên vụ 2018/2019 giảm 25% so với niên vụ trước, xuống chỉ còn 60 USD/tấn.

USDA dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng đại mạch trên toàn cầu sẽ ở mức vừa phải do nhu cầu sử dụng ở các quốc gia nhập khẩu đại mạch lớn nhất dự kiến sẽ ở mức thấp. Cụ thể, Ả-rập Xê-út đã chuyển từ việc sử dụng đại mạch sang các loại thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi gia súc để nâng cao năng suất. Trung Quốc cũng giảm tốc độ nhập khẩu đại mạch từ Australia trong bối cảnh Trung Quốc cáo buộc các nhà xuất khẩu Australia bán phá giá.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi Trung Quốc đang chịu tác động tiêu cực từ dịch tả lợn Châu Phi khiến nhu cầu về thức ăn chăn nuôi giảm. Lượng đại mạch được Trung Quốc và Ả-rập Xê-út nhập khẩu chiếm tới 60% tổng giao dịch đại mạch trên toàn cầu hàng năm. Bên cạnh đó, đại mạch còn chịu sự cạnh tranh từ mặt hàng ngô trong bối cảnh giá ngô có xu hướng giảm xuống khi nguồn cung ngô tăng cao. Đối với các nhà chăn nuôi, ngô thường được đánh giá là loại thức ăn chăn nuôi có chất lượng tốt hơn đại mạch.

Quang Đặng / Tổng hợp