Giá ngô nhập khẩu tại Châu Á đạt mức cao kỷ lục

Giá ngô giao đến khu vực Đông Bắc Á (theo phương thức CFR) đã đạt mức cao kỷ lục 313 USD/tấn do nguồn cung ngô từ khu vực Nam Mỹ khan hiếm. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu ngô từ Ấn Độ.
Diễn biến giá ngô nhập khẩu
Diễn biến giá ngô trên một số tuyến vận chuyển đến khu vực Đông Bắc Á (Ảnh: S&P Global Platts)

Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) cho thấy giá ngô giao đến khu vực Đông Bắc Á (theo điều kiện giao hàng CFR) đã tăng mạnh trong thời gian qua, chạm mức cao kỷ lục 313 USD/tấn vào ngày 22/4 vừa qua. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng khan hiếm nguồn cung khi hoạt động canh tác ngô tại khu vực Nam Mỹ chịu ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng thời tiết La Nina. Bên cạnh đó, giá cước vận tải biển trên toàn cầu hiện đang ở mức cao.

Nhu cầu nhập khẩu ngô làm thức ăn chăn nuôi gia súc của Trung Quốc phục hồi trở lại khi nông dân Trung Quốc bắt đầu tái đàn heo trở lại sau dịch tả lợn Châu Phi đã phần nào đẩy giá ngô thế giới tăng lên. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới.

Trong phiên giao dịch ngày 21/4, giá ngô giao tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã bật tăng mạnh 3% lên mức 6,255 USD/giạ (25,4 kg). Giá giao dịch ngô trên sàn CBOT được xem là một trong những chỉ số giá ngô chính trên toàn cầu.

Giá cước vận tải biển
 Diễn biến chỉ số đo lường giá cước phí một số loại tàu vận chuyển đường biển. Trong đó, chỉ số giá cước phí tàu hàng Panamax (KMAX 9) đã đạt 25.896 USD/ngày trong ngày 22/4/2021 (Ảnh: S&P Global Platts)

Trong khi đó, chỉ số đo lường giá cước phí tàu hàng khô loại Panamax đã tăng kỷ lục lên 28.448 USD/ngày vào ngày 23/3/2021. Tàu hàng loại Panamax là hình thức vận chuyển phổ biến đối với mặt hàng ngô trên toàn cầu, đặc biệt là trên các tuyến từ Hoa Kỳ đến Châu Á. Tính trung bình quý 1/2021, giá cước phí tàu hàng Panamax đạt 18.276 USD/ngày, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc giá ngô trên toàn cầu tăng cao trong quý 1 vừa qua đã khiến một số quốc gia tại Châu Á  như Hàn Quốc tạm thời giảm việc nhập khẩu ngô hoặc chuyển sang sử dụng các loại ngũ cốc khác như lúa mì để làm thức ăn chăn nuôi thay cho ngô. Giá lúa mì dùng làm thức ăn chăn nuôi hiện rẻ hơn tới 10% so với giá ngô cùng loại.

Tại Việt Nam và Malaysia, nhiều nhà nhập khẩu ngô hiện tăng cường nhập khẩu từ Ấn Độ với mức giá rẻ hơn khoảng 20 USD/tấn so với giá ngô đến từ khu vực Nam Mỹ. Việc nhập khẩu ngô từ Ấn Độ cũng cho phép các doanh nghiệp tại khu vực Nam Á rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển so với việc nhập khẩu từ khu vực Nam Mỹ. Bên cạnh đó, các lô nhập khẩu cũng có khối lượng nhỏ hơn, chỉ từ 30.000 – 50.000 tấn, giúp các doanh nghiệp dễ dàng đáp ứng nhu cầu kinh doanh trong ngắn hạn.  

Dữ liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam mới nhất cho thấy lượng ngô được các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu từ Ấn Độ trong tháng 3 vừa qua đạt 296.005 tấn, tăng 270% so với hồi tháng 2 trước đó. Đây cũng là mức cao kỷ lục do thị trường cung ứng ngô truyền thống của Việt Nam là Achentina và Brazil.

Lượng ngô được Việt Nam nhập khẩu trong tháng 3/2021 từ Achentina là 323.217 tấn (tăng 101% so với tháng 2/2021) và từ Brazil là 189.115 tấn (tăng 12,5% so với tháng 2/2021).

Tại Malaysia, nhu cầu nhập khẩu ngô làm thức ăn chăn nuôi đang giảm xuống khi tổng đàn gà của nước này trong quý 1 năm nay đã giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Ông Jeffrey Ng, nguyên chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội nông dân chăn nuôi gia súc, gia cầm của Malaysia, cho biết việc Malaysia áp đặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt đã buộc nhiều trang trại tại đây phải ngưng hoạt động.

Một số nhà phân tích nhận định nhu cầu nhập khẩu của Châu Á đối với mặt hàng ngô của Nam Mỹ sẽ tăng trở lại trong thời gian tới khi Brazil bước vào vụ thu hoạch ngô mới. Brazil hiện là quốc gia xuất khẩu ngô lớn thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ. Cơ quan giám sát nguồn cung nông sản Brazil – CONAB nhận định bất chấp những bất lợi do thời tiết gây ra, sản lượng ngô niên vụ 2020/2021 của nước này sẽ đạt mức cao kỷ lục 109 triệu tấn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết giá ngô xuất khẩu của Brazil sẽ khó có thể hạ xuống nhanh chóng khi nhu cầu sử dụng ngô trên thị trường nội địa hiện cũng ở mức cao, làm giảm lượng ngô dành cho xuất khẩu.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng Đại học São Paulo (CEPEA) cho biết chỉ số theo dõi giá ngô Brazil đã tăng 4,48% lên mức cao kỷ lục 97,91 Real Brazil/60 kg tương ứng 293,30 USD/tấn vào ngày 19/4 vừa qua. Thậm chí, tại một số vùng của Brazil, giá ngô đã chạm ngưỡng trên 100 Real Brazil/60 kg.

Vào đầu tuần này, Bộ Nông nghiệp Brazil đã quyết định kéo dài việc miễn thuế nhập khẩu ngô, đậu tương và dầu đầu nành đối với các quốc gia nằm ngoài Khối Thị trường chung Nam Mỹ - MERCOSUR cho đến cuối năm nay nhằm giữ ổn định lạm phát trong nước.

Quang Đặng