Giá nông sản hạ nhiệt, nhu cầu thu mua nông sản trên toàn cầu tăng

Giá các loại nông sản đã hạ nhiệt sao nhiều ngày tăng giá liên tiếp. Giới phân tích nhận định nhu cầu thu mua nông sản trên toàn cầu có thể sẽ tăng lên trong bối cảnh dịch virus Covid-19 bùng phát.

Giá lúa mì theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã giảm 1,1% xuống mức 5,56-1/2 USD/giạ (27,2 kg) vào lúc 10h18 sáng nay (ngày 24/3, theo giờ Việt Nam). Đà giảm của giá lúa mì trong phiên giao dịch sáng nay đã được kìm hãm bởi nhu cầu về lương thực tăng cao trong bối cảnh đại dịch toàn cầu virus Covid-19 diễn biến phức tạp.

Chốt phiên giao dịch ngày 23/3, giá lúa mì đã tăng 4,3%; trong phiên giao ngày hôm qua, đã có lúc giá lúa mì chạm mức 5,63-1/4 USD/giạ - mức cao nhất kể từ ngày 21/2/2020.

Việc các nhà máy xay xát bột tại Hoa Kỳ tăng cường thu mua lúa mì khi người dân nước này gia tăng dự trữ thực phẩm như bánh mì đã đẩy giá lúa mì tăng cao trong ngay hôm qua. Bên cạnh đó, các dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhập khẩu lúa mì trên toàn cầu đang gia tăng cũng hỗ trợ giá lúa mì tăng lên.

Trong tuần trước, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã ký hợp đồng thu mua 340.000 tấn lúa mì vụ đông của Hoa Kỳ, đánh dấu hợp đồng mua lúa mì đầu tiên của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ kể từ cuối năm 2017.

Trong khi đó, giá đậu tương trên sàn CBOT đã giảm 0,2% xuống 8,82 USD/giạ (27,2 kg), đánh dấu phiên giao dịch đầu tiên giảm xuống sau mạch tăng giá kéo dài 5 phiên giao dịch liên tiếp. Chốt phiên giao dịch ngày 23/3, giá đậu tương đã tăng 2,5%.

Giá ngô trên sàn CBOT đã giảm 0,4% xuống mức 3,42 USD/giạ (25,4 kg). Giá ngô chịu áp lực giảm do dự báo nhu cầu về nhiên liệu sinh học sẽ giảm xuống trong bối cảnh giá dầu thô suy giảm mạnh; ngô là nguyên liệu chính cho hoạt động sản xuất nhiên liệu sinh học.

Ông Phin Ziebell, nhà kinh tế học nông nghiệp tại Ngân hàng Quốc gia Australia, nhận định đang xuất hiện hiện tượng đổ xô thu mua các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường toàn cầu. Nguồn cung lúa mì trên toàn cầu hiện vẫn ở mức nhưng hoạt động vận chuyển có thể gặp khó khăn, theo ông Phin Ziebell.

Nga vừa qua đã tuyên bố dừng xuất khẩu các loại ngũ cốc đã qua chế biến như sản phẩm kiều mạch ăn sẵn, gạo và bột yến mạch trong vòng 10 ngày, kể từ ngày 20/3/2020.

Sự bùng phát của đại dịch virus Covid-19 tại khu vực Nam Mỹ cũng khiến thị trường lo ngại các lô hàng xuất khẩu đậu tương từ khu vực này sẽ bị đình trệ. Tại khu vực Nam Mỹ, Argentina hiện là quốc gia cung ứng bã đậu nành lớn nhất thế giới và Brazil hiện là quốc gia xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới.

Hãng kinh doanh nông sản hàng đầu thế giới Louis Dreyfus Company (LDC) dự báo nhu cầu về thực phẩm sẽ tăng cao trong bối cảnh dịch virus Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia do người tiêu dùng trên toàn cầu đang gia tăng dự trữ thực phẩm.

Quang Đặng (Theo Reuters)