Giá quặng sắt sẽ còn tiếp tục tăng  

Phát biểu tại Diễn đàn Quặng sắt Singapore trong khuôn khổ Tuần lễ Quặng sắt Quốc tế Singapore, ông Nicholas Snowdon, trưởng bộ phận thị trường kim loại cơ bản của Goldman Sachs, nhận định “Sẽ là sai lầm nếu cho rằng đà tăng giá của quặng sắt sớm chấm dứt” và cho biết “giá quặng sắt sẽ chỉ trở lại mức giá hợp lý sau năm 2023”.

Đà tăng của giá quặng sắt bắt đầu từ cú sốc sụt giảm nguồn cung đột ngột do thảm hoạ vỡ đập chứa chất thải Brumadinho thuộc khu mỏ khai thác quặng sắt của tập đoàn Vale SA tại Brazil xảy ra hồi tháng 1/2019. Thảm hoạ này khiến gần 300 người thiệt mạng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng khai thác của Vale SA trong suốt năm 2019 và 2020. Ngay sau khi thảm hoả xảy ra, giá quặng sắt tại Brazil đã tăng vọt 30%. Vale SA hiện là tập đoàn khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới.

Giá quặng sắt
Diễn biến giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên sàn DCE trong vòng 6 tháng gần đây (Đồ hoạ: Barchart.com)

Hiện giá quặng sắt tiếp tục được đẩy lên cao do nhu cầu mạnh mẽ trên thị trường, trong khi đó các hãng cung cấp không có dấu hiệu tăng cường sản lượng khai thác. Bên cạnh đó, lượng tồn trữ quặng sắt trên thế giới hiện đã xuống mức rất thấp, theo ông Nicholas Snowdon.

Tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, giá quặng sắt trên thị trường kỳ hạn đã đạt mức kỷ lục trong năm nay. Chốt phiên giao dịch ngày 16/7, giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) đạt 1.241 Nhân dân tệ (192 USD)/tấn, tăng 1,88% so với phiên giao dịch liền trước.

Ông Nicholas Snowdon dự báo phải đến năm 2023 hoặc 2024 thì thị trường quặng sắt toàn cầu mới bước vào giai đoạn giá ổn định.

Nhu cầu sử dụng tăng mạnh

Nhu cầu sử dụng quặng sắt trên thế giới hiện ở mức rất cao và xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm sau. Ông Nicholas Snowdon cho biết tăng trưởng nhu cầu sử dụng thép tại Trung Quốc liên tục ở mức cao trong 3 năm gần đây và ngay cả khi nhu cầu sử dụng thép của nước này có dấu hiệu suy giảm trong nửa cuối năm nay và trong năm 2022 thì nhu cầu sử dụng thép của các quốc gia khác vẫn ở mức rất lớn.  

Trong khi đó, các hãng khai thác quặng sắt lớn hiện không có kế hoạch mở rộng sản xuất bất chấp việc giá quặng sắt đạt mức cao kỷ lục do các vấn đề liên quan đến vốn đầu tư.

Ông Rohan Kendall, trưởng ban nghiên cứu thị trường quặng sắt tại hãng tư vấn Wood Mackenzie (Anh), cho biết “Các hãng khai thác quặng sắt tại Australia gần như đã tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng hiện có. Do đó, họ khó có thể mở rộng sản xuất hơn nữa”.

Trong khi đó, sản lượng khai thác của tập đoàn Vale SA tại Brazil sẽ vẫn bị hạn chế do các vấn đề liên quan đến thảm hoạ vỡ đập hồi năm 2019. Theo ông Nicholas Snowdon, giá quặng sắt sẽ chỉ giảm nhiệt khi nhu cầu đi xuống.

Trong thời gian gần đây, tập đoàn Vale SA ngày càng chịu sức ép mạnh hơn trong việc đảm bảo an toàn tại các khu vực khai thác quặng sắt và vừa phải buộc tạm ngưng hoạt động một số mỏ khai thác tại Brazil do nguy cơ vỡ đập hồ chứa chất thải tái diễn. Điều này khiến sản lượng khai thác của Vale SA giảm khoảng 40.000 tấn/ngày.

Ông Erik Hedborg, nhà phân tích chính của hạng nghiên cứu thị trường hàng hoá CRU Group (Anh), nhận định giá quặng sắt khó có khả năng duy trì bền vững ở mức trên 200 USD/tấn.

Đồng quan điểm như trên, ông Rohan Kendall cho biết “Nếu như chúng ta nhìn về tương lai, trong vòng khoảng 12 tháng, thì giá quặng sắt sẽ khó có thể sụp đổ. Tôi cho rằng mức giá trên 200 USD/tấn sẽ không bền vững và giá có thể sẽ dao động quanh ngưỡng 150 USD/tấn. Tuy nhiên, đây cũng là những mức cao kỷ lục trong lịch sử”.

Theo lịch sử giá, chu kỳ tăng giá của một sản phẩm thường kết thúc khi giá giảm 20% so với mức đỉnh.