Giá quặng sắt tiếp tục tăng, lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Australia

Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc hiện đã tăng tới 58% so với hồi giữa tháng 11/2021 do thị trường lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Australia và sự gia tăng hoạt động sản xuất thép tại Trung Quốc trong thời gian tới.
Giá quặng sắt
Diễn biến giá quặng sắt giao tháng 5/2022 trên sàn DCE trong vòng 3 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: barchart.com)

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 28/1, giá quặng sắt giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) tăng nhẹ 0,65% lên 770,5 Nhân dân tệ (121,14 USD)/tấn.

Dữ liệu của hãng Argus (Anh) cho thấy giá quặng sắt giao ngay đến khu vực phía Bắc Trung Quốc đã đạt 137,6 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 26/1. Mức giá này cao hơn đến 58% so với mức 87 USD/tấn được ghi nhận hồi giữa tháng 11/2021, thời điểm giá quặng sắt thế giới chạm mức thấp nhất trong vòng 18 tháng.

Đà tăng của giá quặng sắt trong thời gian gần đây chủ yếu đến từ việc thị trường lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Australia. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng thép của Trung Quốc có thể tăng trở lại khi nước này bắt đầu đẩy mạnh nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19, bang Tây Australia đang áp dụng các biện pháp kiểm soát di chuyển nghiêm ngặt, bao gồm đóng cửa biên giới vô thời hạn với các bang lân cận khiến nhiều hãng khai khoáng tại đây thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Đồng thời, việc vận chuyện quẳng sắt từ các cảng tại bang này gặp nhiều khó khăn. Bang Tây Australia là nơi tập trung nhiều mỏ quặng sắt lớn nhất Australia và nguồn cung quặng sắt từ đây chiếm tới 70% tổng lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu từ Australia.

Nhiều hãng khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới như Rio Tinto, BHP Group và Fortescue Metals Group cho biết nhiều người lao động tại các mỏ ở vị trí xa trung tâm có thể nghỉ việc nếu như bang Tây Australia không nới lỏng các biện pháp hạn chế di chuyển.

Bên cạnh đó, Australia chuẩn bị bước vào mùa mưa bão khiến hoạt động khai khoáng sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Giới quan sát cảnh báo hiện tượng thời tiết La Nina sẽ khiến các cơn mưa bão tại Australia trong năm nay có mức độ tàn phá cao hơn.

quặng sắt
 Lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu theo từng tháng trong thời gian gần đây (Đồ hoạ: Reuters)

Trong khi đó, hãng dữ liệu Refinitiv (Hoa Kỳ) dự báo lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 1/2022 có thể đạt mức cao kỷ lục 117,41 triệu tấn. Giới phân tích nhận định Trung Quốc có thể đẩy mạnh nhập khẩu quặng sắt trong những tháng tới đây khi hoạt động xây dựng tại nước này bước vào giai đoạn cao điểm hàng năm. Đồng thời, hoạt động sản xuất thép có thể được nới lỏng kể từ tháng 3/2022 sau khi Trung Quốc tổ chức xong Thế vận hội mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh.

Vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã hạ lãi suất cho vay cơ bản hai lần liên tiếp nhằm giảm chi phí vốn vay trong nền kinh tế, ngăn đà sụt tốc tăng trưởng. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đưa ra các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn như phát triển thêm 12.000 km đường sắt cao tốc từ nay đến năm 2025. Thị trường kỳ vọng việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng sẽ giúp nhu cầu sử dụng thép tăng lên, bù lại phần sụt giảm từ lĩnh vực bất động sản.

Duy Quang