Giá thiết bị y tế tăng đột ngột, Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý

Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu các Đội QLTT tăng cường tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh vật tư, thiết bị y tế, các loại thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19.

Thông từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 20/2 đến 18h ngày 21/2, trên địa bàn thành phố ghi nhận 5.477 ca Covid-19 (tăng 375 ca so với ngày trước đó), trong đó có 1.687 ca cộng đồng; 3.790 ca đã cách ly. Như vậy, thành phố tiếp tục lập kỷ lục mới với số ca mắc tiếp tục ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Tình trạng F0 liên tục tăng khiến thị trường kit test xảy ra tình trạng “loạn giá”. Theo khảo sát của phóng viên, chỉ trong một thời gian ngắn đã có rất nhiều người vào quầy thuốc trên đường Hàng Bông, Hà Nội mua kit test nhanh. Chủ hàng cam kết kit test có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, độ chính xác cao.

Thế nhưng thị trường nhan nhản quá nhiều loại test nhanh khiến người mua cũng hoang mang chỉ biết tin vào chủ nhà thuốc. Đáng nói giá cả mỗi nơi một kiểu, người bán cũng không tha thiết bởi khách mua không thiếu, đặc biệt, giá của các bộ kit test đang "nhảy múa" trên trang mạng xã hội. Cùng một chủng loại, nhưng giá mỗi nơi một khác.

kit test covid
Giá kit test Covid-19 đang "nhảy múa" trên các trang mạng xã hội

Trong vai người mua hàng, phóng viên đã liên hệ với chủ tài khoản M.H trên Facebook để hỏi mua kit test loại Ediagnosis – loại test nước bọt có xuất xứ từ Trung Quốc. Qua báo giá, chủ tài khoản FB này cho biết giá 1 bộ kit test này là 68.000 đồng/ bộ. Trong khi đó, chủ tài khoản J.Y đăng bán bộ kit test này với giá 75.000 đồng/bộ. Tuy nhiên cũng loại Ediagnosis, chủ tài khoản FB là N.H chỉ giao bán với giá 55.000 đồng/ bộ.

Trước thực trạng này và qua thông tin từ Bộ Y tế về việc trên thị trường giá một số thiết bị y tế (bộ test kháng nguyên Covid-19, máy đo nồng độ ô xy trong máu SpO2) tăng cao đột ngột, lưu thông một số loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 chưa được phép lưu hành, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội yêu cầu Đội trưởng các Đội tăng cường công tác quản lý thông tin theo lĩnh vực, địa bàn.

Song song đó, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Tổng cục QLTT, UBND TP. Hà Nội, văn bản số 90/QLTTHN-NVTN của Cục QLTT Hà Nội về tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại, kinh doanh xăng dầu, kiểm soát giá cả hàng hóa sau Tết Nguyên đán. Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, buôn bán khẩu trang, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống, hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19: bộ test nhanh kháng nguyên Covid-19, thiết bị đo nồng độ ô xy, các loại thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19...

Đồng thời, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, định giá mua, giá bán bất hợp lý các mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế. Đặc biệt là đối với hành vi buôn bán thuốc hỗ trợ, điều trị bệnh Covid-19 các loại chưa được phép lưu hành, sử dụng.

thị trường thiết bị y tế
Trước thực trạng này, QLTT Hà Nội đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh vật tư, thiết bị y tế, các loại thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19

Ngoài ra, chủ động, phối hợp các sở, ngành chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội yêu cầu, trong quá trình thực thi công vụ, yêu cầu công chức QLTT chịu trách nhiệm chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật và biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; Đảm bảo hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa trong thời gian phòng chống dịch bệnh.

Nguyên Vỵ