Giá trị và sức sống của lý thuyết hàng hóa - tiền tệ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

ThS. NGÔ QUANG THỊNH (Đại học Tài chính - Marketing)

TÓM TẮT:

Lý thuyết hàng hóa - tiền tệ của Các Mác (C. Mác) là cơ sở nền tảng trong hệ thống quan điểm kinh tế chính trị Mác - Lênin. Bài viết tập trung làm rõ những điểm cốt lõi của lý luận này như: Điều kiện ra đời của sản xuất hàng hóa; Phạm trù hàng hóa và hai nhân tố của nó; Tính chất hai mặt của lao động biểu hiện trong hàng hóa; Giá trị và giá cả thị trường; Tiền tệ. Từ đó, tác giả đánh giá những giá trị về lý luận và thực tiễn của lý thuyết hàng hóa - tiền tệ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Hàng hóa, giá trị, lao động, giá cả, kinh tế thị trường, xã hội chủ nghĩa.

1. Những điểm sáng trong lý thuyết hàng hóa - tiền tệ của C. Mác - nền tảng của hệ thống quan điểm kinh tế chính trị Mác - Lênin

Smith (1723 - 1790) và D. Ricardo (1772 - 1823) là hai nhà kinh tế học kinh điển của Anh - người đặt nền móng cho học thuyết về lao động tạo ra giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, chính sự kế tục của C. Mác đã đưa lý luận giá trị hàng hóa đến bậc thang cao nhất trong nhận thức về nguồn gốc của giá trị. C.Mác tìm ra câu trả lời vì sao hàng hóa có hai thuộc tính là giá trị và giá trị sử dụng. Đây là bước đi vững chắc trong lý luận kinh tế chính trị để đưa đến phát kiến quan trọng của chủ nghĩa Mác: học thuyết giá trị thặng dư.

Có 5 điểm sáng cơ bản trong lý thuyết hàng hóa - tiền của C. Mác: Điều kiện ra đời của sản xuất hàng hóa; Phạm trù hàng hóa và hai nhân tố của nó; Tính chất hai mặt của lao động biểu hiện trong hàng hóa; Giá trị và giá cả thị trường; Tiền tệ - hình thái biểu hiện của giá trị.

1.1. Điều kiện ra đời của sản xuất hàng hóa

Nghiên cứu quá trình lao động tạo ra hàng hóa, C. Mác đã chỉ ra hai điều kiện cho sự ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hóa. Điều kiện thứ nhất là có sự phân công lao động xã hội. Điều kiện thứ hai là có sự tách biệt tương đối về mặt kinh tế của những người sản xuất. Ở điều kiện thứ nhất, khi nhấn mạnh phân công lao động xã hội là điều kiện của sản xuất hàng hóa, C. Mác đồng thời chỉ rõ dù có sự phân công lao động nhưng sản phẩm của lao động không thể trở thành hàng hóa nếu không có điều kiện thứ hai. Theo C. Mác, chỉ có sản phẩm của những lao động tư nhân độc lập và không phụ thuộc vào nhau mới đối diện với nhau như những hàng hóa. Sự ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hóa đòi hỏi sản xuất phải mang tính chất tư nhân đó. Tính chất tư nhân của sản xuất không đồng nhất với “chế độ tư hữu”.

C. Mác đã sớm chỉ ra sự phân biệt sở hữu về mặt pháp lý với chiếm hữu thực tế. Sự tách biệt về quyền chiếm hữu và quyền sử dụng tư liệu sản xuất, tính tự chủ của các chủ thể kinh tế đối với tư liệu sản xuất đã đưa đến sự tách biệt về quyền chiếm hữu kết quả sản xuất.

Trên cơ sở nội dung này, khi nghiên cứu sự chuyển biến từ nền kinh tế tự nhiên sang kinh tế hàng hóa, V. I. Lênin đã cho rằng sản xuất hàng hóa chính là cách tổ chức của kinh tế - xã hội, trong đó sản phẩm đều do những người sản xuất cá thể, riêng lẻ sản xuất ra. Mỗi người chuyên làm ra một số sản phẩm nhất định và muốn thỏa mãn nhu cầu của xã hội thì cần có mua và bán sản phẩm.

1.2. Hàng hóa và hai thuộc tính của hàng hóa

Theo C. Mác, phân tích phạm trù hàng hóa là vấn đề khó khăn nhất. Hàng hóa trong nghiên cứu của ông là hàng hóa giản đơn, nó chứa đựng mầm mống của hàng hóa tư bản chủ nghĩa. Ông nghiên cứu bắt đầu từ hàng hóa giản đơn vì chủ nghĩa tư bản cũng ra đời từ nền sản xuất hàng hóa giản đơn. Về mặt lịch sử, khi sản xuất hàng hóa giản đơn diễn ra và phát triển, cùng sự vận động của quy luật giá trị, sự phân hóa người giàu và người nghèo do hoạt động kinh doanh sẽ diễn ra. Về mặt lý luận, ông nghiên cứu hàng hóa với tư cách là tế bào kinh tế của xã hội để từ đó nghiên cứu toàn bộ cơ thể của xã hội tư bản. Ông giải thích tế bào không đơn thuần là nghĩa đen mà là điểm xuất phát, là mầm mống, là hình thái nguyên tố đầu tiên của chủ nghĩa tư bản. Thêm vào đó, nghiên cứu hàng hóa để kế tiếp nghiên cứu hai thuộc tính của hàng hóa.

C. Mác bắt đầu nghiên cứu hàng hóa từ giá trị sử dụng. Giá trị sử dụng đã được C. Mác nghiên cứu cả về mặt chất lẫn mặt lượng. Theo C. Mác, giá trị sử dụng của hàng hóa là tính có ích, là công dụng của một vật, nhờ đó nó có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người.

Với giá trị, C. Mác nghiên cứu bắt đầu từ giá trị trao đổi. Giá trị trao đổi biểu hiện ra là quan hệ về số lượng, là tỷ lệ mà theo đó những giá trị sử dụng loại này được trao đổi với những giá trị sử dụng loại khác. Từ việc nghiên cứu giá trị trao đổi, C. Mác đưa ra hai giả định: (1) Các hàng hóa trao đổi với nhau đều biểu thị cái gì đó chung giống nhau và bằng nhau; (2) Giá trị trao đổi nói chung chỉ có thể là biểu hiện của một nội dung nào đó. Điểm chung ấy là chúng đều là sản phẩm của lao động.

Từ giá trị trao đổi, C. Mác đã tìm ra giá trị hàng hóa. Giá trị hàng hóa là nội dung bên trong của giá trị trao đổi. Nếu gạt giá trị sử dụng của các sản phẩm lao động qua một bên thì cái còn lại của các sản phẩm lao động là giá trị của chúng, là hao phí lao động kết tinh trong sản phẩm ấy. C.Mác đã dày công phân tích mặt chất và mặt lượng của giá trị hàng hóa. Những câu hỏi đo lượng giá trị hàng hóa bằng gì, những nhân tố nào ảnh hưởng đến lượng giá trị hàng hóa, những nhân tố đó bị tác động bởi những yếu tố gì,… được giải quyết triệt để. Cũng từ đó, câu hỏi đặt ra cho sự hình thành các bộ phận trong giá trị hàng hóa được đặt ra. Nó được giải quyết và lý giải sự đối lập trong quan hệ lợi ích kinh tế giữa hai giai cấp cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nếu không có bước cuối cùng này thì xem như kinh tế C. Mác vẫn chỉ dừng lại là sự mô tả phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa mà chưa phản ánh được bản chất của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

1.3. Tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa

Những nhà kinh tế học trước C. Mác chưa giải đáp được câu hỏi vì sao hàng hóa lại có hai thuộc tính: giá trị và giá trị sử dụng. Bởi họ đều có sự nhầm lẫn giữa lao động tạo ra giá trị sử dụng và lao động tạo ra giá trị hàng hóa, giữa lao động kết tinh trong hàng hóa và lao động mà người ta có thể chi phối được, mua bán được trên thị trường. C. Mác là người đầu tiên phát hiện ra tính chất hai mặt của lao động sản xuất ra hàng hóa. Ông chứng minh một cách có phê phán tính chất hai mặt ấy của lao động chứa đựng trong hàng hóa. Phát hiện ra tính chất hai mặt của lao động là một cống hiến to lớn của C. Mác, là cơ sở vững chắc cho toàn bộ học thuyết giá trị và cho việc lý giải những hiện tượng phức tạp diễn ra trong thực tế của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Lao động cụ thể và lao động trừu tượng là hai khái niệm mới và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hệ thống quan điểm của học thuyết kinh tế giá trị và giá trị thặng dư.

C. Mác chỉ ra mối quan hệ giữa tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa. Bất kỳ lao động nào, một mặt, là sự chi phí sức lao động giống nhau của người sản xuất, hay lao động trừu tượng là lao động tạo ra giá trị của hàng hóa. Mặt khác, bất kỳ lao động nào cũng là sự chi phí sức lao động dưới một hình thái cụ thể, hay lao động cụ thể là lao động tạo ra giá trị sử dụng của hàng hóa. Các lao động cụ thể khác nhau về chất, còn lao động trừu tượng chỉ khác nhau về lượng.

Từ đây, lao động sản xuất hàng hóa vừa là lao động tư nhân, lại vừa là lao động xã hội. Mâu thuẫn giữa lao động tư nhân và lao động xã hội này chính là mâu thuẫn cơ bản của nền sản xuất hàng hóa.     

Như vậy, nội dung này được xem là nội dung đóng vai trò nhân tố cơ bản của học thuyết giá trị của kinh tế chính trị học Marx. Nó phản ánh bản chất bên trong và những biểu hiện phong phú bên ngoài của phương thức sản xuất tư bản chủ ghĩa.

1.4. Giá trị thị trường và giá cả thị trường

C. Mác đã nghiên cứu giá trị với tư cách là một nhân tố của hàng hóa và sau đó tiếp tục tìm hiểu trong những hình thái cụ thể của giá trị hàng hóa là giá trị thị trường và giá cả thị trường. Ông phân tích kỹ càng mối quan hệ giữa giá trị thị trường và giá cả thị trường. Bằng những giả định, C. Mác làm sáng tỏ tính vận động của giá trị hàng hóa và tính năng động của kinh tế hàng hóa. Cung - cầu hàng hóa được phân tích dưới góc độ của xuất phát điểm là hàng hóa và các thuộc tính của nó.

Nghiên cứu cung và cầu hàng hóa, cho thấy lượng cung hàng hóa bằng lượng hàng hóa của toàn bộ những người bán hay những người sản xuất ra một loại hàng hóa nào đó, và số cầu hàng hóa là tổng số hàng hóa mà người mua hay những người tiêu dùng sẵn sàng mua loại hàng hóa đó. Những người mua và những người bán tác động lẫn nhau với tư cách là một thể thống nhất, một hợp lực. Cạnh tranh đã vạch rõ tính chất xã hội của sản xuất và tiêu dùng.

Phân tích sâu hơn, cung và cầu hàng hóa giả định có sự tồn tại của những giai cấp và tầng lớp khác nhau. Họ chia nhau tổng thu nhập của xã hội và họ đưa ra một lượng cầu hàng hóa do thu nhập đó hình thành nên. Mặt khác, nếu muốn hiểu được cung và cầu hàng hóa đã hình thành như thế nào giữa những người sản xuất với nhau cần hiểu rõ toàn bộ cơ cấu của quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa.

1.5. Hình thái của giá trị

C. Mác đã phát triển lý thuyết giá trị của những người đi trước trong việc phân tích các hình thái giá trị. Giá trị không tự biểu hiện ra ngoài, mà phải biểu hiện thông qua giá trị trao đổi, do vậy cần nghiên cứu các hình thái giá trị. Ông lần lượt nghiên cứu các hình thái giá trị trong trao đổi: hình thái giá giản đơn, hình thái đầy đủ, hình thái chung và hình thái tiền. Sự phát triển của các hình thái giá trị, quá trình phát triển của sản xuất và lưu thông hàng hóa cũng chính là lịch sử ra đời của tiền tệ.

C. Mác đặc biệt tập trung vào hình thái đầu tiên vì bí mật của mọi hình thái giá trị đều nằm ở trong hình thái giản đơn đó của giá trị. Ông cho rằng khó khăn chính là việc phân tích hình thái này. Về mặt logic, hình thái giá giản đơn là cơ sỏ để nghiên cứu các hình thái giá trị nói chung, có thể coi như chìa khóa để khám phá bí mật của các hình thái giá trị. Về mặt lịch sử, nó là hình thái giá trị đầu tiên trong trao đổi. Ở hình thái này, ông còn tập trung sâu hơn vào các hình thái như tương đối, hình thái ngang giá. Từ hình thái đầu tiên, C. Mác đã phân tích sâu các hình thái tiếp theo. Ông cũng chỉ ra mối liên hệ giữa các hình thái và chỉ ra nguyên nhân hạn chế của các quan điểm trước đó.

C. Mác cũng bàn đến các chức năng của tiền. Trong đó, đặc biệt, ở chức năng thước đo giá trị và chức năng phương tiện lưu thông, C. Mác đã bàn đến mối quan hệ giữa hàng hóa với tư cách sản phẩm của lao động mang giá trị và với tư cách là đối tượng trao đổi mua bán. Ông chỉ ra giá cả hàng hóa là biểu hiện bằng tiền giá trị của hàng hóa, nó là tên tiền tệ của số lao động đã vật hóa trong hàng hóa. Giá cả hàng hóa hay hình thái tiền của háng hóa cũng chỉ là hình thái trên ý niệm. Hình thái giá cả cũng chứa đựng những mâu thuẫn: sự biểu hiện giá trị của mỗi hàng hóa dưới hình thái tiền và thời gian chuyển hóa; khả năng xảy ra sự không thống nhất về lượng giữa giá cả và giá trị; che giấu bản chất không phải là giá trị của một số đối tượng mua bán mà thường hiểu lầm là hàng hóa; dù giá trị là yếu tố quyết định sự lên xuống của giá cả không phụ thuộc hoàn toàn vào giá trị của hàng hóa.

Khi phân tích chức năng phương tiện lưu thông, C. Mác đã chứng minh vai trò của tiền trong hành vi trao đổi mua bán. Ông đã phân tích công thức vận động của tiền: H-T-H. Đây là cơ sở để nghiên cứu về sự vận động của tư bản và nội dung của công thức chung của tư bản T-H-T’. Nếu không phân biệt rõ bản chất của chúng sẽ khó giải thích được thực sự sự gia tăng khối lượng của T’ so với T là vì đâu. Đây là yếu tố nền tảng cho việc phát triển các nội dung của học thuyết giá trị thặng dư - “hòn đá tảng” của kinh tế chính trị Mác.

2. Giá trị về mặt lý luận và mặt thực tiễn của lý thuyết hàng hóa - tiền tệ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Việt Nam khi chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường đã hội tụ đủ những điều kiện ra đời của sản xuất hàng hóa. Sự phân công lao động xã hội phát triển mạnh mẽ về chiều rộng lẫn chiều sâu, hình thành nên một hệ thống ngành nghề phong phú, đa dạng. Sự phát triển của phân công lao động xã hội đã tạo ra cơ sở cho sự hình thành và phát triển của kinh tế thị trường tại Việt Nam.

Mặt khác, sự phát triển của nền kinh tế đa dạng về sở hữu và nhiều thành phần kinh tế Việt Nam hiện nay đã làm xuất hiện nhiều chủ thể kinh tế độc lập khác nhau. Với những cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, các loại hình doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế khác nhau đã tăng mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Sự phát triển nhanh và đa dạng của các chủ thể kinh tế đã thực sự thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất và trao đổi hàng hóa trong nền kinh tế Việt Nam.

Mô hình phát triển nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường, Việt Nam đã phát huy được những ưu thế của mô hình kinh tế này. Khai thác được tiềm năng của đất nước, đạt được sự ổn định và bền vững trong tăng trưởng. Khả năng tích lũy xã hội được cải thiện, đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần ngày càng cao. Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, doanh nghiệp cổ phần trở thành hình thức phổ biến. Hàng triệu hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể hoạt động tích cực trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường vẫn là nhiệm vụ chiến lược cần đặc biệt quan tâm. Nền kinh tế thị trường càng phát triển thì cạnh tranh càng khốc liệt. Trong môi trường cạnh tranh đó, mỗi doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh trên cả phương diện doanh nghiệp và sản phẩm. Doanh nghiệp cần có và cần sử dụng công cụ và phương thức cạnh tranh phù hợp.

Trong đó, giá cả và chất lượng hàng hóa là những công cụ cạnh tranh mang tính chiến lược. Để có được những công cụ cạnh tranh này, người sản xuất phải quan tâm đến cả hai nhân tố của hàng hóa: giá trị sử dụng và giá trị của hàng hóa; không ngừng nâng cao chất lượng giá trị sử dụng. Đa dạng hóa chủng loại, cải tiến mẫu mã phù hợp với thị hiếu ngày càng đa dạng và phong phú của người tiêu dùng với giá cả hợp lý.

Vận dụng lý thuyết hàng hóa - tiền tệ, để cải thiện năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam có thể cần quan tâm đến các vấn đề sau:

Thứ nhất, do lượng giá trị hàng hóa tỷ lệ nghịch với sức sản xuất của lao động, nên hạ thấp giá trị hàng hóa bằng cách không ngừng tăng sức sản xuất, tăng năng suất lao động. Giải pháp cụ thể là nâng cao trình độ của người lao động, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tiến tổ chức và quản lý sản xuất, khai thác hợp lý các điều kiện tự nhiên đi đôi với bảo vệ môi trường.

Thứ hai, giá trị sử dụng của hàng hóa là giá trị sử dụng xã hội nên người sản xuất phải tổ chức nghiên cứu thị trường để xác định thị trường cần chủng loại hàng hóa, dịch vụ, sản lượng hàng hóa, dịch vụ. Sản xuất hàng hóa ngắn hạn hay dài hạn. Bên cạnh đó, cần xác định hao phí lao động là bao nhiêu để hướng tới đáp ứng từng bộ phận của thị trường. Nói cách khác, người sản xuất phải bán cái người mua cần.

Thứ ba, giá cả thị trường của hàng hóa phụ thuộc vào nhiều nhân tố như giá trị thị trường của hàng hóa, giá trị của tiền, quan hệ cung - cầu và quan hệ cạnh tranh. Do đó, giá cả hàng hóa thường xuyên vận động xoay quanh giá trị thị trường nên cả người mua lẫn người bán cần phải nắm vững và dự báo đúng sự biến động của giá cả thị trường để có những quyết định đúng đắn.

3. Kết luận

Lý thuyết hàng hóa - tiền tệ của C. Mác là một trong những nội dung cơ bản của học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin, được cấu thành từ nhiều quan điểm, sắp xếp thành hệ thống. Tựu trung tập trung vào 5 điểm cơ bản: Điều kiện ra đời nền sản xuất hàng hóa; Hàng hóa và các yếu tố nội tại của nó; Tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa; Giá cá thị trường và giá trị thị trường; Các hình thái giá trị. Trong đó, phát kiến độc đáo nhất chính là tính chất hai mặt biểu hiện trong lao động sản xuất hàng hóa. Nó giúp giải thích được bản chất của các thuộc tính hàng hóa, sự phân biệt giữa yếu tố bản chất và hiện tượng liên quan đến trao đổi và mua bán hàng hóa. Nó cũng là nền tảng để giải thích sự ngang bằng về giá trị trong trao đổi.

Ở tầm khái quát chung, lý thuyết hàng hóa - tiền tệ của C. Mác phân tích đầy đủ về bản chất của tế bào kinh tế trong chủ nghĩa tư bản, bản chất của nó trong quá trình trao đổi mua bán. Riêng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nó là cơ sở lý luận để đòi hỏi đảm bảo tính cạnh tranh, tính công bằng và hoàn thiện thể chế kinh tế, cải thiện vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phạm Văn Chiến (2003), Lịch sử kinh tế Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Vũ Thị Dậu (chủ biên), Đỗ Thế Tùng, Vũ Đức Thanh (2012), Giáo trình Lý thuyết kinh tế của Karl Marx, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  3. Nguyễn Chí Hải, Nguyễn Văn Luân (đồng chủ biên) (2009), Tư tưởng kinh tế Việt Nam thời kỳ cận và hiện đại, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  4. Nguyễn Chí Hải (chủ nhiệm) (2013), Tư tưởng kinh tế Việt Nam thời kỳ 1975 - 2010, Đề tài cấp Quốc gia, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  5. Đặng Phong (2008), Tư duy kinh tế Việt Nam - chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975 - 1989, NXB Tri thức, Hà Nội.

THE THEORETICAL AND PRACTICAL VALUES

OF MARX’S THEORY OF THE MONEY COMMODITY

IN A SOCIALIST-ORIENTED MARKET ECONOMY

• Master. NGO QUANG THINH

University of Finance and Marketing

ABSTRACT:

Marx’s theory of the money commodity is the foundation of the Marxist - Leninist political ideology. This article is to clarify the main points of the Marxist  theory of money commodity including the production of goods, the goods and the twofold character, the duality of labor which is manifested in the value of commodity, value and market price, and money. This article assesses the theoretical and practical values of Marx’s theory of the money commodity in the current Vietnam’s socialist-oriented market economy.

Keywords: Goods, value, labor, price, market economy, socialist.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 11 năm 2020]