Giải bài toán giám sát việc thực hiện quy hoạch liên kết vùng

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 có đề cập “Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng đủ mạnh, trong đó tập trung xây dựng quy hoạch vùng mang tính đột phá theo hướng tích hợp, đa ngành, hình thành chuỗi giá trị và triển khai thực hiện hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng”.

Liên kết kinh tế vùng là nội dung hết sức quan trọng được đề cập tới trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như trong kế hoạch phát triển kinh tế trung hạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế 2021-2030.

Nhưng trên thực tế, còn không ít thách thức liên quan đến giám sát việc thực hiện quy hoạch, tính toán lợi thế so sánh giữa các tỉnh/thành phố trong vùng, hay liên kết đầu tư phát triển.

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế (CIEM), hạn chế trong liên kết vùng ở Việt Nam xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nút thắt từ thể chế liên kết vùng.

Mới đây, CIEM đưa ra 7 quan điểm mục tiêu hoàn thiện thể chế liên kết vùng. Thứ nhất, hoàn thiện thể chế liên kết vùng phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp chính quyền trong giai đoạn 2021-2030 nhằm đảm bảo tăng cường liên kết vùng, qua đó thúc đẩy phát triển địa phương, vùng và quốc gia một cách nhanh và bền vững.

Thứ hai, thể chế liên kết vùng cần đảm bảo thúc đẩy liên kết vùng dựa trên cơ sở tôn trọng, hài hòa lợi ích, đảm bảo tạo lập và duy trì sự tin tưởng giữa các bên, tạo lợi thế cạnh tranh của vùng, tăng cường tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.

Thứ ba, thể chế liên kết vùng cần đảm bảo liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng thành một thể thống nhất, hướng tới tối đa hóa lợi ích của toàn vùng, của quốc gia.

Thứ tư, thể chế liên kết vùng cần khuyến khích các hình thức liên kết sáng tạo và đủ linh hoạt để đem lại hiệu quả và lợi ích đồng thời có những quy định mang tính hành chính, bắt buộc trong các lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn hoặc mang tính tổng hợp, phức tạp.

Thứ năm, đảm bảo một thể chế điều phối phát triển kinh tế vùng đủ mạnh, trong đó cần xây dựng bộ máy vùng có đủ thẩm quyền, năng lực và được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện hiệu quả vai trò điều phối các cơ quan địa phương liên kết vùng.

Thứ sáu, thể chế liên kết vùng cần đảm bảo sự vận hành đồng bộ, hiệu quả các quy định pháp lý về liên kết vùng và kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện chính sách vùng. Đồng thời đảm bảo cải cách hành chính, tránh phát sinh thủ tục và cấp trung gian.

Thứ bảy, thỏa thuận liên kết vùng cần có lộ trình, có bước đi thích hợp theo từng giai đoạn, mục tiêu cụ thể trên cơ sở lựa chọn những nội dung, lĩnh vực thiết thực, trọng điểm, có tiềm năng, thế mạnh tương đồng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và toàn vùng.

Lương Sơn