Giải pháp chuyển đổi số thúc đẩy sự tham gia điện tử của công dân vào chính quyền điện tử tại Việt Nam

ThS. TRẦN QUẢNG SƠN (Giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Sự tham gia điện tử (e-participation) của công dân có vai trò quan trọng trong hoạt động của chính quyền điện tử và được Liên Hợp quốc chọn là một tiêu chí trong Khảo sát Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, sự tham gia của người dân tại Việt Nam vẫn chưa cao, do vậy bài viết nghiên cứu các nguyên nhân tồn tại và kiến nghị một số giải pháp về chuyển đổi số, nhằm khuyến khích sự chủ động tham gia của công dân vào hoạt động của chính quyền điện tử.

Từ khóa: chuyển đổi số, tham gia điện tử, chính quyền điện tử.

1. Đặt vấn đề

Chính quyền các tỉnh thành phố Việt Nam đang tích cực xây dựng chính quyền điện tử định hướng chính quyền số theo tinh thần của Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng[1]. Trong đó, sự tham gia điện tử (tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước trên môi trường điện tử) của người dân vào hoạt động của chính quyền điện tử là một trong những yếu tố quan trọng để cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền. Theo báo cáo khảo sát chính phủ điện tử 2020 của Liên Hợp quốc cho thấy Việt Nam xếp hạng 70 về Chỉ số tham gia điện tử (E-Participation Index-EPI) với EPI đạt 0.7024 thuộc nhóm nước có chỉ số EPI cao (High EPI). Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ người dân thực sự tham gia điện tử qua hoạt động dịch vụ công trực tuyến hay góp ý văn bản trực tuyến vẫn chưa thực sự cao xuất phát từ nhiều nguyên nhân còn tồn tại và chuyển đổi số cung cấp các giải pháp hữu hiệu để giải quyết.

2. Nguyên nhân chưa thu hút công dân tham gia hoạt động của chính quyền điện tử

Thứ nhất là suy nghĩ và quan niệm của một bộ phận công dân vẫn cho là hoạt động quản lý nhà nước là nhiệm vụ chỉ của riêng chính quyền và đội ngũ công chức nhà nước miễn là đảm bảo các quyền lợi chính đáng của công dân. Suy nghĩ này đã không còn thích hợp trong mô hình chính quyền điện tử trong tương lai với việc lấy công dân làm trung tâm. Trong đó, công dân sẽ đưa ra các yêu cầu, ý tưởng, sáng kiến và trách nhiệm của chính quyền là hiện thực hóa để đáp ứng nhu cầu công dân trong khuôn khổ quy định và phù hợp với lợi ích chung. Lý do của sự tồn tại suy nghĩ này là do công dân chưa có nhiều tương tác với hoạt động của chính quyền trên  môi trường mạng như ít dùng dịch vụ công trực tuyến nên chưa có được sự nhìn nhận đúng đắn về vai trò của công dân trong hoạt động của chính quyền.

Thứ hai là sự phong phú và đa dạng các nguồn thông tin và ứng dụng của các cơ quan trong hệ thống chính quyền điện tử địa phương làm người dân bình thường sẽ bị “ngộp” trước khối lượng thông tin to lớn nhưng tỷ lệ trùng lặp dữ liệu cao. Điều này làm công dân khó tiếp nhận được thông tin đầy đủ để chủ động tham gia vào hoạt động chính quyền như góp ý kiến, đề xuất sáng kiến hay thực hiện vai trò giám sát hiệu quả. Lấy thành phố Hồ Chí Minh làm ví dụ, mỗi Sở - Ban - Ngành đều có một trang web riêng được tích hợp chung trên trang web của Ủy ban nhân dân Thành phố nhưng sự liên kết dữ liệu giữa các trang chưa cao. Cụ thể là công cụ tìm kiếm trên cổng điện tử Thành phố vẫn chỉ tìm dữ liệu trên đúng cổng chứ không thực hiện tìm dữ liệu ở các trang web liên kết của cơ quan đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, Thành phố cung cấp nhiều ứng dụng như Y tế trực tuyến (Sở Y tế), Thông tin Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh,... tuy đa dạng nhưng thiếu tính tập trung thống nhất không chỉ chiếm dụng tài nguyên bộ nhớ thiết bị của công dân mà còn gây khó khăn cho công dân khi muốn tham gia sử dụng.

Thứ ba là sự giới hạn về trình độ sử dụng công nghệ thông tin và thiết bị của công dân. Hoạt động của chính quyền số sẽ tập trung thực thi và thực hiện thông qua môi trường mạng Internet, đặc biệt dưới tác động của dịch Covid-19 chính quyền các tỉnh thành phố đều đang tích cực đẩy mạnh nâng cấp dịch vụ công lên mức 4 (toàn bộ hoạt động đều thực hiện trên mạng và nhận kết quả thông qua mạng hay chuyển phát bưu chính). Điều này lại gây khó khăn cho nhóm công dân thiếu kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là các nhóm yếu thể trong xã hội. Bên cạnh đó, đa phần ứng dụng của chính quyền địa phương từ trước đến giờ tập trung chủ yếu bên phần giao diện web yêu cầu dùng máy tính truy cập mới khai thác được hết chức năng. Thế nhưng, việc trang bị một máy tính không phải là điều dễ dàng đối với nhiều người dân.

3. Giải pháp chuyển đổi số thúc đẩy công dân tham gia hoạt động của chính quyền điện tử

3.1. Xây dựng một cổng thông tin điện tử và ứng dụng điện thoại dùng chung

Mục đích là xây dựng một cổng thông tin điện tử (trang web) dùng chung mà công dân chỉ cần truy cập là có thể tiếp cận thông tin từ tất cả các nguồn và trang web của các cơ quan nhà nước đang tồn tại với sự trợ giúp của các công cụ tìm kiếm tối ưu theo nhu cầu bới sự hỗ trợ của Dữ liệu lớn (Big Data). Điều này phù hợp với chủ trương tận dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật có sẵn của chính phủ. Báo cáo Khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên Hợp quốc đã chỉ ra các nguyên tắc cần tuân thủ khi xây dựng website đơn (single website), như:

- Thống nhất sử dụng một tên miền đơn với giao diện ít thay đổi về hình thức.

- Thiết kế phù hợp với nhu cầu công dân: có thực hiện các khảo sát điều tra người dùng (công dân); có sự sắp xếp cấu trúc dữ liệu để dễ dàng tìm kiếm bằng công cụ tìm kiếm phổ biến như Google; đa dạng hóa các dạng thức thể hiện dữ liệu phù hợp với thị hiếu của số đông công dân.

- Sử dụng các dữ liệu truy cập để tối ưu hóa website: việc thiết kế, quan sát và cải thiện website đều cần dựa trên các kết quả phân tích dữ liệu truy cập của người dùng.

- Yêu cầu phải phù hợp và thuận tiện cho việc truy cập bằng điện thoại thông minh. Đây là một nguyên tắc quan trọng cần tuân thủ để tăng khả năng truy cập và tiếp cận của công dân đến cổng thông tin (thống kê cho thấy hơn 80% dân số Việt Nam đều có điện thoại thông minh).

- Tận dụng các nguồn dữ liệu mở và thiết kế mở để có thể tái sử dụng và cập nhật mà không phụ thuộc vào đơn vị cung cấp phần mềm.

Trên nền tảng xây dựng cổng thông tin điện tử tích hợp, chính quyền địa phương sẽ triển khai một ứng dụng điện thoại tương ứng tập hợp và tối ưu tất cả ứng dụng của địa phương để tạo điều kiện cho công dân dễ tiếp cận với thông tin và hoạt động của chính quyền. Công dân chỉ cần dùng một ứng dụng hay truy cập một cổng thông tin điện tử duy nhất sẽ là cơ sở tạo thuận lợi cho người dân vừa dùng dịch vụ công.

Ví dụ: chính quyền thành phố Casablanca, Ma-rốc, đã triển khai ứng dụng và cổng điện tử Casa Store tập hợp tất cả ứng dụng liên quan đến công tác quản lý của thành phố (www.casastore.ma). Công dân có thể truy cập để đóng thuế hay cập nhật các quy định pháp lý mới nhất. Casa Store được thiết kế để tăng cường sự tương tác và tham dự của công dân, từ đó khuyến khích công dân tham gia đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

TP. Hồ Chí Minh cũng đang triển khai Tổng đài 1022 với định hướng phát triển thành một ứng dụng hỗ trợ và thu nhận ý kiến phản ánh của người dân trên nhiều lĩnh vực. Đây sẽ là phương thức thu hút sự tham gia của công dân, vừa là đóng góp ý kiến vừa thực hiện quyền giám sát góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động quản lý của chính quyền thành phố.

3.2. Xây dựng cổng dữ liệu mở đa dạng hóa hình thức thể hiện thông tin

Dữ liệu mở là một trong những cầu nối quan trọng giúp công dân có thể theo dõi và giám sát các hoạt động của chính quyền địa phương. Vì vậy, để người dân dễ tiếp cận, dễ đọc hiểu và sử dụng các dữ liệu mở, bên cạnh việc xây dựng cổng điện tử cung cấp đầy đủ và chi tiết dữ liệu cần có những hình thức biểu diễn dữ liệu đa dạng phù hợp với nhiều nhóm công dân khác biệt nhau về trình độ, tuổi tác, quan điểm,...

Kinh nghiệm ở thành phố Sydney (Úc) đã xây dựng một cổng dữ liệu (data.cityofsydney. nsw.gov.au)  tích hợp bản đồ, câu chuyện dữ liệu (data story) và dữ liệu mở cung cấp cho cộng đồng sử dụng cho mục tiêu chung. Bên cạnh đó, cổng này còn tổ chức dữ liệu của thành phố thành nhiều mục khác nhau để thuận tiện cho công dân. Đồng thời, tùy thuộc vào bộ dữ liệu mà cổng dữ liệu Sydney ngoài kiểu dữ liệu truyền thống dạng CSV (tập tin Excel) còn mô tả dữ liệu ở dạng kiểu đồ họa trực quan (graphic form) hay các kiểu dữ liệu có thể thực thi trên các phần mềm địa lý (dạng shapefile, KML hay GeoJSON). Hơn nữa, bản thân cổng dữ liệu còn liên kết với trang web hướng dẫn tạo ứng dụng phần mềm với dữ liệu của cổng.

Những kinh nghiệm trên cũng chỉ ra phương hướng phát triển cho các cổng dữ liệu mở của chính quyền địa phương gồm:

- Thiết kế các bài viết sinh động dưới nhiều hình thức như bài viết, megastory.

- Mô hình biểu đồ hóa bộ dữ liệu mở để công dân dễ quan sát, đọc hiểu.

- Đa dạng hóa kiểu của bộ dữ liệu từ kiểu truyền thống ở dạng tập tin Excel (đuôi csv hay xlsx) sang nhiều kiểu khác phù hợp như kiểu hiển thị địa lý trên bản đồ (KML hay GeoJSON).

3.3. Xây dựng nền tảng góp ý chuyên biệt cho công dân

Ứng dụng Decide Madrid của thành phố Madrid cung cấp các phương hướng cơ bản cho việc thu hút công dân tham gia vào hoạt động của chính quyền với việc tạo một trang web chuyên biệt để công dân thực hiện các quyền của mình. Toàn bộ ứng dụng trên được triển khai trên cơ sở nền tảng ứng dụng CONSUL, một nền tảng mã nguồn mở đã được sử dụng ở 35 quốc gia với sự tham gia của hơn 90 triệu công dân. Trang web này gồm các thành phần:

- Diễn đàn ý tưởng: nơi mà mỗi công dân có thể đệ trình ý tưởng và những ý tưởng phù hợp điều kiện sẽ được xem xét và thực thi;

- Khu vực thảo luận: nơi sẽ thảo luận về quy định mới hay tham khảo chọn các phương án thực hiện khác nhau;

- Khu vực phân bổ ngân sách: mỗi năm thành phố dành ngân sách để thực hiện các ý tưởng kế hoạch do công dân đệ trình ở diễn đàn ý tưởng và công dân bỏ phiếu quyết định dự án và kinh phí triển khai.

Chính quyền địa phương ở Việt Nam có thể đặt hàng một nền tảng mở như CONSUL và tự triển khai phù hợp với đặc thù và đặc điểm của địa phương. Mô hình này sẽ tạo điều kiện cho công dân tham gia và minh chứng cho người dân thấy sự minh bạch trong việc tiếp nhận và xử lý các ý kiến của công dân. Chỉ khi người dân thấy được ý kiến của mình được tiếp nhận mới có động lực tiếp tục tham gia tích cực vào các hoạt động khác của chính quyền.

3.4. Giúp đỡ nhóm công dân yếu thế tham gia sử dụng ứng dụng số của chính quyền

Nhóm công dân yếu thế có sự hạn chế về mặt kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và thiết bị nên chính quyền có các giải pháp để hỗ trợ và tạo điều kiện cho nhóm yếu thế có thể sử dụng các ứng dụng số của chính quyền. Các giải pháp ấy bao gồm:

- Xây dựng các chatbot (trí tuệ nhân tạo) hỗ trợ tự động và các công cụ hướng dẫn thao tác cho công dân, đặc biệt đối với các công dân mới sử dụng lần đầu.

- Tinh giản tối đa các ứng dụng để giảm tài nguyên yêu cầu khi cài đặt, từ đó tạo điều kiện để mở rộng phạm vi thiết bị có thể sử dụng nhất là các ứng dụng trên điện thoại thông minh.

- Tổ chức các lớp hướng dẫn sử dụng các ứng dụng số của chính quyền; biên soạn các nội dung hướng dẫn thành các tờ rơi, các hình ảnh hướng dẫn chạy trên bảng điện tử hay các đoạn video chia sẻ trên mạng xã hội như Youtube để có nhiều con đường đi đến với công dân.

- Xây dựng các nhóm và đội ngũ tình nguyện viên để trực tiếp hỗ trợ hay hướng dẫn cho các nhóm yếu thế.

- Nếu đủ điều kiện thì thêm các chức năng hỗ trợ chuyên biệt dành riêng cho nhóm yếu thế đặc thù. Ví dụ tại thành phố New York đã có hệ thống ASL-một hệ thống gọi video tích hợp việc sử dụng ngôn ngữ dấu tay hướng dẫn người khuyết tật thính giác có thể kết nối với ứng dụng số của chính quyền.

4. Kết luận

Sự tham gia của công dân vào chính quyền điện tử là yếu tố quan trọng giúp cải thiện chất lượng hoạt động quản lý nhà nước. Để thu hút người dân cần ứng dụng các kỹ thuật hiện đại (Big data, chatbot, trí tuệ nhân tạo,...) để tối ưu hóa các nền tảng số đang triển khai theo phương châm một điểm đến duy nhất (one-stop) và lấy công dân làm chủ đạo tham gia góp ý, đề xuất kiến nghị và giám sát các chính sách dự án của chính quyền địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
  2. Vũ Công Giao (2021). Chính quyền mở và sự tham gia của người dân vào quản trị Nhà nước. Truy cập tại http://www.issi.gov.vn/chinh-quyen-mo-va-su-tham-gia-cua-nguoi-dan-vao-quan-tri-nha-nuoc_t104c2797 n3200tn.aspx
  3. United Nations. (2020). UN E-Government Survey 2020. [Online] Avalabile at https://publicadministration.un.org/egovkb/en-us/Reports/UN-E-Government-Survey-2020
  4. Lironi E. (2016). The potential and challenges of e-participation in the EU. [Online] Avalabile at https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/STUD/2016/556949/IPOL_STU(2016)556949_EN.pdf

DIGITAL TRANSFORMATION SOLUTIONS

TO ENCOURAGE THE E-PARTICIPATION

OF CITIZENS INTO VIETNAM’S E-GOVERNMENT

• Master. TRAN QUANG SON

Lecturer, National Academy of Public Administration

- Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

The e-participation of citizens play an important role in the operation and the implementation of e-government and the e-participation is one of the Uinited Nations E-Government Surveys criteria. The e-participation of citizens in Vietnam is still quite low due to many reasons and it is necessary for Vietnam to apply digital transformation solutions to encourage the e-participation of citizens into the local e-government.

Keywords: digital transformation, e-participation, e-government.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21, tháng 9 năm 2021]