TÓM TẮT:

Trong phạm vi bài viết, tác giả đã phân tích và đánh giá thực trạng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nội địa (HDV DL NĐ) và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ HDV DL NĐ hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT). Nhu cầu cần thiết hiện nay là đội ngũ HDV DL NĐ phải có trình độ chuyên môn vững vàng, kiến thức bao quát các lĩnh vực, sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, khả năng xử lý tình huống nhạy bén, khéo léo và nhiệt huyết, yêu nghề thì mới truyền tải được những nét đặc sắc nhất của địa phương hay quốc gia để du khách cảm nhận, nâng cao năng lực cạnh tranh với HDV DL trong khối ASEAN và quốc tế.

Từ khóa: Hướng dẫn viên du lịch nội địa, nâng cao chất lượng, Bà Rịa - Vũng Tàu.

1. Đặt vấn đề

Tỉnh BRVT là một trong những trung tâm du lịch lớn của vùng Đông Nam Bộ. Trong những năm qua, ngành Du lịch của Tỉnh đã có những bước tăng trưởng cao, góp phần không nhỏ vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Để đạt được kết quả trên, có sự đóng góp rất tích cực từ phía các doanh nghiệp du lịch và nguồn nhân lực ngành Du lịch, trong đó có vai trò đóng góp của lực lượng HDV DL.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ HDV DL, trong đó có đội ngũ HDV DL NĐ, có đầy đủ năng lực (kiến thức, kỹ năng và thái độ), đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội và sức cạnh tranh cao với lao động nước ngoài, tỉnh BRVT cần đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ HDV DL NĐ và tìm ra những mặt hạn chế, khó khăn, nhất là chất lượng của đội ngũ HDV DL NĐ hiện nay.

2. Phương pháp thu thập dữ liệu

Tác giả vận dụng phương pháp nghiên cứu định tính với nguồn dữ liệu thứ cấp có sẵn của Sở Du lịch (SDL) tỉnh BRVT và qua các bài báo cáo khoa học của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực du lịch.

Bên cạnh đó, tác giả điều tra và lấy ý kiến của 50 HDV DL NĐ nhằm nâng cao chất lượng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cũng như tâm tư nguyện vọng khi hành nghề trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Khái quát tình hình du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nội địa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay

Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 6 tháng đầu năm 2019 tổng lượt khách du lịch đến Tỉnh ước khoảng 8,46 triệu lượt tăng 29,22% so cùng kỳ, ước đạt 52,88% kế hoạch năm. Trong đó, lượt khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch ước khoảng 2,1 triệu, tăng 14,55% so với cùng kỳ, đạt 59,49% kế hoạch năm. Tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2019 ước khoảng 8.646 tỷ đồng, tăng 17,79% so với cùng kỳ ước đạt 55,63% kế hoạch năm.

       Hiện, Tỉnh có 32 doanh nghiệp lữ hành do SDL quản lý bao gồm: 15 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 17 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Hệ thống các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, thiếu các doanh nghiệp có quy mô lớn đặc biệt là hệ thống các doanh nghiệp lữ hành. Tổng số cơ sở lưu trú của Tỉnh BRVT là 1.060 cơ sở, trong đó, 198 cơ sở được phân loại xếp hạng từ đạt chuẩn từ 1-5 sao với 9988 phòng, cụ thể có: 04 khách sạn 5 sao, 16 khách sạn 04 sao, 24 khách sạn 3 sao, 47 khách sạn 02 sao, 107 khách sạn 01 sao, 269 biệt thự, căn hộ, nhà nghỉ đạt chuẩn.

Hiện, Tỉnh có 89 HDV DL được cấp thẻ, trong đó có 32 thẻ HDV DL quốc tế và 57 thẻ HDV DL NĐ.

Bảng 1. Số lượng HDVDL NĐ tại tỉnh BRVT qua các năm

so-luong-hdvdl-nd-tai-tinh-brvt-qua-cac-nam

Nguồn: Sở Du lịch tỉnh BRVT, 2019

Từ năm 2014 đến năm 2017, lực lượng HDV DL tại Tỉnh tăng không đáng kể và hiện đang có xu hướng giảm đối với HDV DL NĐ.

Bảng 2. So sánh tỷ lệ số lượng HDV DL nội địa tại tỉnh BRVT

so với một số tỉnh, thành phố trong cả nước

so-sanh-ty-le-so-luong-hdv-dl-noi-dia-tai-tinh-brvt

 Nguồn: TCDL, số liệu trên trang web huongdanvien.vn truy cập ngày 30/8/2019

Số lượng HDV DL NĐ được cấp thẻ tại Tỉnh hiện nay thấp so với cả nước; thấp hơn 39,7 lần TP. Hồ Chí Minh và 3,3 lần so với tỉnh Tiền Giang.

3.2. Thực trạng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nội địa tại tỉnh BRVT hiện nay

3.2.1. Thực trạng chương trình đào tạo nghề hướng dẫn viên du lịch

3.2.1.1. Thực trạng đào tạo du lịch hiện nay

Theo thống kê của BVHTTDL, năm 2017, cả nước có khoảng 5.000 người tham gia đào tạo du lịch. Tuy nhiên, về số lượng, đội ngũ nêu trên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đội ngũ này cũng chưa có trình độ chuyên sâu về du lịch. Nhiều giảng viên chuyển từ ngành khác sang giảng dạy cho nên thiếu sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện về lý luận cũng như kinh nghiệm thực tế.

Ngoài ra, vấn đề “đầu ra” với các sinh viên, học sinh khi theo học tại các cơ sở đào tạo du lịch cũng chưa được bảo đảm. Ngay từ khâu tuyển sinh, sinh viên đã thiếu sự tư vấn về nghề, dẫn đến thiếu định hướng, lựa chọn công việc không phù hợp năng lực bản thân.

3.2.1.2. Thực trạng về chương trình đào tạo nghề hướng dẫn viên du lịch hiện nay tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

Về số lượng cơ sở đào tạo, hiện nay trên địa bàn Tỉnh có 2 cơ sở đào tạo chuyên ngành HDV DL. Tuy nhiên, theo nhận định, đánh giá của nhà tuyển dụng,  hoạt động hướng dẫn du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành.

Theo kết quả khảo sát 50 HDV DL NĐ trên địa bàn Tỉnh với cảm nhận về nghề HDV DL hiện nay, có đến 30 HDV cho rằng nghề HDV DL rất thú vị, thu hút và thu nhập tốt; chỉ 11 HDV cho rằng nghề HDV hiện nay nhàm chán (do phải đi liên tục một chương trình du lịch).

Thêm vào đó, chương trình giảng dạy của một số cơ sở đào tạo vẫn còn chắp vá, ít yếu tố mới; nội dung chương trình đào tạo chưa gắn kết với thực tiễn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

3.2.2. Thực trạng nguồn nhân lực hướng dẫn viên du lịch nội địa tại các doanh nghiệp lữ hành hiện nay

Theo kết quả thống kê có đến 29 HDV DL tự do (chiếm 58%), 13 HDV DL cơ hữu và 8 HDV là cộng tác viên thường xuyên của một doanh nghiệp lữ hành. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng chương trình du lịch của công ty.

Thực tế hiện nay vì tính thời vụ của ngành Du lịch, nên thay cho việc tuyển chọn HDV thì các công ty du lịch thường sử dụng các biện pháp thay thế sau: tận dụng nguồn nhân lực sẵn có của mình ở các phòng khác có khả năng hướng dẫn, sử dụng đội ngũ cộng tác viên thường xuyên của công ty, thuê các HDV tự do, thuê các thuyết minh viên tại điểm tham quan,… Tuy nhiên, công tác đào tạo và phát triển cho HDV chưa được thực hiện một cách thường xuyên và đồng bộ. Riêng đối với các HDV DL tự do cũng không chủ động tham gia bất cứ các lớp bồi dưỡng để nâng cao trình độ của bản thân.

3.2.3. Thực trạng về công tác giám sát hoạt động của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nội địa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay

Hiện nay, việc giám sát hoạt động của đội ngũ HDV DL nói chung và HDV DL nội địa nói riêng chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp lữ hành. Tại các khu, điểm tham quan du lịch có lực lượng thuyết minh viên tại chỗ hướng dẫn cho khách tham quan nhưng số lượng thuyết minh viên tại các khu, điểm du lịch không nhiều nên vào mùa cao điểm du lịch, lực lượng thuyết minh viên tại chỗ không đủ đáp ứng thì các HDV sẽ trực tiếp hướng dẫn cho đoàn khách.

Theo Sở DL Tỉnh, đội ngũ Thanh tra viên của SDL vẫn còn khá khiêm tốn so với sự phát triển nhanh chóng của ngành DL tỉnh hiện nay.

3.2.4. Thực trạng về công tác nâng cao chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nội địa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay

Phần lớn các HDV DL đặc biệt là HDV DL NĐ sau khi đã được cấp thẻ hành nghề không chú trọng đến việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn. Đối với lực lượng HDV DL NĐ, phần lớn không thích bị ràng buộc vào doanh nghiệp, họ chủ động tìm kiếm công ty, chương trình DL thông qua đồng nghiệp, bạn bè và các doanh nghiệp đã từng công tác trước để thực hiện, hoàn toàn tự chủ về thời gian và nghiệp vụ… Đặc thù này chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng của đội ngũ HDV DL không đảm bảo theo yêu cầu của xã hội.

3.3. Đánh giá việc nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay

3.3.1. Ưu điểm

- Số lượng và chất lượng HDVDL nội địa ổn định hàng năm. Đội ngũ HDV nội địa đã được bổ sung những HDV trẻ có tâm huyết, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, trách nhiệm với nghề... phần nào đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch và nhà tuyển dụng.

- Công tác quản lý nhà nước đối với đội ngũ HDV ngày càng được củng cố và bám sát thực tiễn: Hệ thống văn bản về HDV được kiện toàn và phổ biến rộng rãi tới HDV và đối tượng có liên quan. Điều này giúp hạn chế tình trạng HDV hoạt động trái phép, ảnh hưởng xấu đến quyền lợi hợp pháp của khách du lịch và hình ảnh của điểm đến du lịch.

- Công tác đào tạo từng bước được cải thiện cả về việc mở rộng các cơ sở đào tạo và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. Một số doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc đặt hàng những HDV DL chất lượng cao.

3.3.2. Những hạn chế

- Thứ nhất, đội ngũ HDV DL NĐ tuy đã tăng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được thực tế phát triển thị trường khách du lịch nội địa, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

- Thứ hai, các cơ sở đào tạo chưa chủ động tạo nguồn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển cao. Chương trình giáo dục đào tạo nghiêng về lý thuyết, ít thực hành, năng lực đào tạo của các cơ sở còn hạn chế.

- Thứ ba, công tác quản lý nhà nước về phát triển đội ngũ HDV DL còn nhiều bất cập, thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo của ngành DL đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng HDV DL.

- Thứ tư, chưa phát huy được vai trò của các bên liên quan trong công tác phát triển HDV DL nội địa, đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp du lịch, chủ yếu vẫn phó thác vào cơ quan quản lý nhà nước, các trường học và những nỗ lực của tự bản thân HDV.

- Thứ năm, chưa có nguồn kinh phí dành cho công tác phát triển đội ngũ HDV DL nói chung.

4. Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nội địa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay

4.1. Nhóm giải pháp về chương trình đào tạo nghề hướng dẫn viên du lịch

4.1.1. Đổi mới phương pháp giảng dạy

Đổi mới phương pháp giảng dạy theo phương châm lấy người học làm trung tâm, học đi đôi với hành, với một số nội dung:

- Kết hợp hài hòa giữa thuyết giảng và đối thoại nhằm phát huy cao độ tính tích cực, độc lập, sáng tạo của người học. Các phương pháp như: Đặt vấn đề, thảo luận nhóm,…

- Khuyến khích người học viết tiểu luận, tập viết các bài thuyết minh tuyến điểm du lịch giúp người học làm quen với phương pháp nghiên cứu khoa học.

- Động viên tiến tới bắt buộc giảng viên soạn giáo án điện tử nhằm tăng lượng kiến thức, kích thích tinh thần học tập của người học.

- Mời các doanh nghiệp du lịch, các nhà hoạt động thực tiễn tham gia giảng dạy các môn thực hành.

4.1.2. Đổi mới phương pháp học tập

Đổi mới phương pháp học tập của người học cần tập trung một số nội dung:

- Các cơ sở đào tạo, giảng viên cần định hướng mục đích và động cơ học tập đúng đắn cho người học đặc biệt là ở khâu tư vấn tuyển sinh trước kỳ thi đại học.

- Tạo môi trường học tập và nghiên cứu cho người học với các hoạt động như: làm các đề tài nghiên cứu khoa học, người học và cơ hội việc làm, tạo môi trường cho người học tham gia vào công việc thực tế tại các doanh nghiệp du lịch.

- Tổ chức các khóa học hoặc thảo luận chuyên đề về các vấn đề liên quan đến quá trình học tập.

- Rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng nói trước đám đông và giải quyết tình huống đối với các sinh viên chuyên ngành HDV DL.

- Rèn luyện kỹ năng hợp tác, kỹ năng làm việc nhóm trong học tập, nghiên cứu và thực tập.

- Tăng cường thời gian thực hành nghề thực tế tại các doanh nghiệp.

- Trang bị phương tiện học tập hiện đại cả cho lý thuyết và thực hành nghề.

4.1.3. Đổi mới chương trình đào tạo nghề hướng dẫn viên du lịch

Các cơ sở giảng dạy du lịch cần tổ chức nhiều chương trình học thiết thực cho người học như: chủ động gửi người học thực tập tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, mời cán bộ thực tế tham gia giảng dạy các nội dung học phần cũng như đánh giá khóa luận tốt nghiệp của người học,…

Bản thân mỗi sinh viên phải luôn có ý thức trau dồi kiến thức, kỹ năng và thái độ, đạo đức nghề nghiệp.

Các cơ sở đào tạo nên chú trọng đến việc tuyển sinh những sinh viên có năng lực học ngoại ngữ tốt, tăng cường liên kết có kế hoạch và lâu dài với doanh nghiệp tuyển dụng.

Ðối với đội ngũ giáo viên khoa Du lịch phải không ngừng được nâng cao trình độ và phát triển chuyên sâu thông qua bồi dưỡng, trau dồi kinh nghiệm thực tế, đồng thời phải tạo điều kiện và có cơ chế thu hút giảng viên có kinh nghiệm thực tế vì tính đặc thù của ngành đào tạo.

Xây dựng và tiến hành thực hiện khảo sát, lấy ý kiến của các doanh nghiệp du lịch.

Song song đó, cần thành lập các CLB HDV DL tại các cơ sở đào tạo. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo nên khuyến khích sinh viên ngành HDV DL tham gia các khóa học ngoại ngữ hay các chuyên đề liên quan đến kỹ năng nghiệp vụ hướng dẫn.

4.2. Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực hướng dẫn viên du lịch nội địa tại doanh nghiệp

Các doanh nghiệp du lịch cần phối hợp tạo điều kiện hướng dẫn cho sinh viên chuyên ngành HDV DL thực tập theo tour để học hỏi kinh nghiệm thực tế từ những HDV DL.

Các doanh nghiệp chủ động tiến hành bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ HDV nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Doanh nghiệp du lịch cần xây dựng chính sách lương, công tác phí, thưởng phù hợp với tình hình hoạt động của đơn vị, nhằm giữ chân nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ lâu dài cho đơn vị.

4.3. Nhóm giải pháp đối với công tác giám sát hoạt động của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nội địa

Các công ty, doanh nghiệp du lịch phải tiến hành giám sát hoạt động của các HDV DL NĐ của mình trong suốt chương trình du lịch thông qua các hình thức như thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng, thường xuyên gọi điện trao đổi thông tin về lịch trình của khách trong suốt chương trình du lịch; thông qua ý kiến phản hồi của khách sau khi kết thúc chương trình du lịch hoặc thông qua phản ánh của các đơn vị liên kết như nhà xe, khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan...

Các khu, điểm tham quan trên địa bàn Tỉnh tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch kiểm tra thường xuyên hoạt động hướng dẫn.

4.4. Nhóm giải pháp đối với công tác nâng cao chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nội địa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Các doanh nghiệp lữ hành của Tỉnh cần hoàn thiện công tác tuyển dụng và duy trì nhân lực là HDV chất lượng cao, tuyển dụng thêm lao động hướng dẫn, tách bộ phận hướng dẫn ra thành một phòng ban riêng biệt. Đồng thời, phải tìm cách tạo động lực thúc đẩy HDV DL tự giác trau dồi thêm kiến thức.

Có chính sách ràng buộc hoặc khuyến khích để giữ được những HDV tốt, từ đó đưa ra những chiến lược đào tạo và phát triển đội ngũ HDV còn non yếu về tay nghề.

Cần ưu tiên các HDV kỳ cựu có kinh nghiệm, có tuổi nhưng đồng thời chú trọng đào tạo đội ngũ HDV trẻ để có thể phục vụ dài lâu.

Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch thường xuyên tổ chức các lớp bối dưỡng nhằm cập nhật kịp thời những kiến thức mới, quy định mới, tour - tuyến mới...

4. Kết luận

Phát triển nguồn nhân lực nói chung, phát triển đội ngũ HDV DL là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sự thu hút của ngành Du lịch tỉnh BRVT, vừa có tính cấp bách, vừa mang ý nghĩa chiến lược phải được đặt lên vị trí hàng đầu trong quá trình phát triển nguồn nhân lực của ngành Du lịch của Tỉnh. Tuy nhiên, để có một đội ngũ HDV DL đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ trong định hướng phát triển từ cơ quản quản lý, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp du lịch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Anh Tuấn, Một số bàn luận về định hướng và giải pháp đối với đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay, Hội thảo khoa học Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời kỳ hội nhập ASEAN - TP. HCM, 2016.
  2. Nguyễn Văn Lưu, Liên kết nhà trường - nhà doanh nghiệp chặt chẽ hơn để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch đủ năng lực hội nhập du lịch ASEAN và Thế giới, Hội thảo khoa học Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời kỳ hội nhập ASEAN - TP.HCM, 2016.
  3. Website Tổng cục Du lịch Việt Nam, www.vietnamtourism.gov.vn.
  4. Website Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, http://sodl.baria-vungtau.gov.vn.
  5. Website Cơ sở Dữ liệu Trực tuyến Hướng dẫn viên Du lịch, huongdanvien.vn

 

SOLUTIONS TO IMPROVE THE QUALITY OF INBOUND TOUR GUIDES IN BA RIA-VUNG TAU PROVINCE

NGUYEN THI NHU TUYET

Faculty of Tourism - Nursing

Ba Ria - Vung Tau University

ABSTRACT:

This article is to analyze and assesse the inbound tour guides and suggest solutions to improve the quality of tour guides in Ba Ria - Vung Tau province. The current necessity is that the tour guide should have a firm qualification, extensive general knowledge, be fluent in at least one foreign language, have abilities to handle sensitive situations and have passion for tourism to convey the most unique features of the locality and the country for visitors. These solutions could improve the competitiveness of Ba Ria - Vung Tau province’s tour guides.

Keywords: Inbound tour guide, improving the quality, Ba Ria - Vung Tau Province.