Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động logistic tỉnh Quảng Ninh

NGUYỄN THANH THẢO (Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội)

TÓM TẮT:

Logistics là một trong những lĩnh vực trọng yếu trong phát triển kinh tế, thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng năng suất của nền kinh tế tỉnh Quảng Ninh. Với nhiều tiềm năng và lợi thế tự nhiên, song logistics tại Quảng Ninh vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng đó. Trên cơ sở phân tích thực trạng hoạt động logicstic tại tỉnh Quảng Ninh theo các yếu tố cấu thành hệ thống logistics, bài báo đề xuất một số nhóm giải pháp mang tính hệ thống, nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động dịch vụ quan trọng này, góp phần thúc đẩy hoạt động logistic tại Quảng Ninh phát triển và trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Bắc.

Từ khóa: Hoạt động logistic, tỉnh Quảng Ninh.

1. Đặt vấn đề

Logistics tại Quảng Ninh là loại hình dịch vụ có vai trò quan trọng trong sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp và được xem là tâm điểm của sự phát triển kinh tế, thương mại của tỉnh. Quảng Ninh với các cửa khẩu quốc tế, hệ thống đường bộ, đường biển, hệ thống cảng nước sâu… tạo ra những cơ hội lớn cho phát triển logistics không chỉ của tỉnh, mà còn là cơ sở phát triển sản xuất - kinh doanh của cả nền kinh tế. Xuất phát từ vai trò to lớn đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành Thương mại tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó đẩy mạnh liên kết phát triển, phấn đấu trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế của cả vùng [3].

Logistics không phải là một khái niệm mới trên thế giới, song ở Việt Nam chưa có một thuật ngữ thống nhất để dịch khái niệm này sang tiếng Việt. Theo Luật Thương mại của Việt Nam: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”[1].

Logistics không tồn tại độc lập mà mọi hoạt động của nó sẽ nằm trong một hệ thống các yếu tố tác động gọi là hệ thống logistics, bao gồm nhiều hệ thống con, như: hệ thống cơ chế pháp lý, hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống các doanh nghiệp cung ứng và sử dụng dịch vụ logistics và nguồn nhân lực được giới hạn trong phạm vi tỉnh/khu vực. Hệ thống logistics được mô tả như trong Hình 1.

                                                         Hình 1: Hệ thống logistics

Để logistics có thể phát triển, đóng góp một cách có hiệu quả cho các mục tiêu kinh tế- xã hội chung của địa phương và quốc gia, cần phải có các biện pháp phát triển một cách đồng bộ cho toàn hệ thống.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, logistics tại Quảng Ninh vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển và còn tồn tại những hạn chế trên các phương diện, làm giảm hiệu quả hoạt động logictics.

Bài báo phân tích thực trạng hoạt động logistics tại Tỉnh Quảng Ninh, từ đó đề xuất các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động logistics, góp phần thúc đẩy hoạt động logistics của tỉnh phát triển.

2. Thực trạng hoạt động logistics tỉnh Quảng Ninh

2.1. Cơ sở hạ tầng

Hiện nay, hạ tầng cơ sở logistics tại Quảng Ninh còn nghèo nàn, manh mún, bố trí bất hợp lý. Các cảng đang trong quá trình container hóa, nhưng chỉ có thể tiếp nhận các đội tàu nhỏ và chưa được trang bị các thiết bị xếp dỡ container hiện đại, còn thiếu kinh nghiệm trong điều hành xếp dỡ container. Khả năng bảo trì và phát triển đường bộ còn thấp, đường không được thiết kế để vận chuyển container, các đội xe tải chuyên dùng lạc hậu, năng lực vận tải đường sắt không đượcc vận dụng hiệu quả do chưa được hiện đại hóa. Đường hàng không hiện nay cũng không đủ phương tiện chở hàng (máy bay) cho việc vận chuyển vào mùa cao điểm.

Với 250km đường biển, Quảng Ninh hiện có 6 cụm cảng nằm trong nhóm cảng biển phía Bắc được đầu tư đồng bộ với trang thiết bị hiện đại, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường biển, phù hợp với quy hoạch Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông kết nối đến các cụm cảng ngày một hoàn thiện. Cụ thể: Hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm đã được triển khai và chuẩn bị đưa vào khai thác, như: Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, đường nối Quốc lộ 18 vào KCN cảng biển Hải Hà và trong tương lai có thêm tuyến cao tốc Móng Cái - Vân Đồn… Những tuyến đường này sẽ kết nối chặt chẽ các cảng, các trung tâm kinh tế của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển cảng biển và logistic. Hiện nay, hoạt động cảng biển tại Quảng Ninh vẫn còn không ít hạn chế. Cụ thể: Dù hạ tầng giao thông kết nối đến các cảng, cụm cảng vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị hoàn thiện; hệ thống đường sắt kết nối cảng Cái Lân với các tỉnh, thành phố phía Bắc vẫn còn dang dở; hạ tầng bến bãi lại chưa đáp ứng đủ, Cảng Cái Lân đang thiếu bãi đỗ xe chờ làm hàng, khiến hàng hóa ùn ứ vào những ngày cao điểm. Thêm nữa, các đơn vị khai thác quản lý cảng chưa thực sự quan tâm đến hệ thống luồng lạch, nâng cấp, cải tạo cảng bến, thu hút nguồn hàng [6].

2.2. Cơ chế pháp lý điều chỉnh hoạt động logicstics

Luật Thương mại 2005 và Nghị định 140/2007/NĐ-CP là hai văn bản pháp luật quy định chung nhất và cơ bản nhất về hoạt động logistics hiện nay. Theo Luật Thương mại 2005, dịch vụ logistics được định nghĩa là hoạt động thương mại. Theo Nghị định 140/2007/NĐ-CP, hoạt động logistics có nhiều loại hình dịch vụ khá đa dạng. Ngoài việc tuân thủ hai văn bản trên, doanh nghiệp còn phải thực hiện đúng theo những quy định pháp luật chuyên ngành về từng lĩnh vực vận tải cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay Luật cũng chưa cụ thể hóa quy chế cùa người chuyên chở không có tàu (NVOCC-Non-vessel operating of common canìer) trong pháp luật về logistics. Các rào cản phi thuế quan trong logistics Nhà nước chưa có chính sách mở cửa rộng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư. Còn phân biệt đối xử trong thuế và biểu phí cảng biển. Thủ tục thông quan còn nhiều khó khăn, phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí.

Bên cạnh đó, các quy định về tổ chức quản lý đối với hoạt động logistic còn chồng chéo. Các cơ quan chủ quản hiện nay đang giảm dần việc quản lý doanh nghiệp logistics trực thuộc mà tập trung vào việc lập ra chính sách, cơ chế quản lý nhà nước. Ví dụ như việc khai thác cảng Cái Lân. Hiện nay, có 2 đơn vị khai thác và quản lý bến tại cảng Cái Lân là Công ty CP Cảng Quảng Ninh và Công ty TNHH cảng Container Quốc tế Cái Lân cảng Cửa Ông - Hòn Nét thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV).

2.3. Nguồn nhân lực phát triển hoạt động logistics

Nguồn nhân lực cho hoạt động logistics hiện đang thiếu trầm trọng. Nhu cầu nhân lực cho ngành logistics của nước ta trong giai đoạn tới là rất lớn, dự kiến đến năm 2030, các doanh nghiệp logistics cần thêm 200.000 nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, trong khi Việt Nam chưa có nhiều cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành này. Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển - Trường Đại học Kinh tế quốc dân, hiện nay có tới 80,26% nhân lực trong các công ty logistics được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày; 23,6% lao động tham gia các khóa đào tạo trong nước; 6,9% thuê các chuyên gia nước ngoài đào tạo vàtham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài là 3,9%. Đó là những khó khăn, yếu kém về nhân lực của Việt Nam nói chung, trong đó có cả Quảng Ninh. Bản thân tỉnh cũng không có các trung tâm đào tạo nhân lực riêng cho logistics nên cũng chưa thể giải quyết “nút thắt” này.

2.4. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistic tại Quảng Ninh

Qua phân tích đặc điểm về qui mô của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải, giao nhận kho vận ở Quảng Ninh hiện nay cho thấy: doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải, giao nhận kho vận ở Quảng Ninh đều có qui mô vừa và nhỏ, hoạt động tản mạn, manh mún. Cụm cảng được đầu tư hiện đại như Cái Lân, năng lực máy móc thiết bị lớn, nhưng số lượng nguồn hàng lại hạn chế do có lợi thế cạnh tranh kém hơn các cảng biển của Hải Phòng nên một số thiết bị của cảng đã phải thay đổi công năng, sử dụng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Chưa có doanh nghiệp nào có năng lực đủ mạnh để tham gia cung ứng dịch vụ logistics hoặc cung ứng dịch vụ vận tải tổng hợp tại nước ngoài.

Về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistic: Theo đáng giá của VIFFAS, trình độ công nghệ trong logistics ở Quảng Ninh nói riêng và ở Viêt Nam nói chung vẫn còn yếu kém so với thế giới. Việc liên lạc giữa công ty giao nhận, logistics với khách hàng, hải quan chủ yếu vẫn là thủ công, giấy tờ. Trong khi những nước như Singapore, Thailand, Malaysia... đã áp dụng thương mại điện tử (EDI) cho phép các bên liên quan liên lạc với nhau bằng tin học tiên tiến, thông quan bằng các thiết bị điện tử.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động logistics tỉnh Quảng Ninh

Để xây dựng Quảng Ninh thành trở thành trung tâm logistics của cả vùng, có sức cạnh tranh quốc tế, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, Chính phủ và Quảng Ninh cần có những biện pháp đồng bộ, thúc đẩy sự phát triển của tất cả phương diện, gồm: Cơ chế pháp lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, nâng cao năng lực doanh nghiệp cung ứng và chất lượng dịch vụ logistics.

3.1. Nhóm giải pháp về cơ chế pháp lý

Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển logistics tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Trong quy hoạch tổng thể phát triển ngành logistics, tỉnh cần quan tâm xây dựng các trung tâm logistics lớn có tầm dài hạn 50 đến 100 năm; Cần dành quỹ đất và phát huy tối đa tiềm năng của các nguồn lực về vật chất, con người để xây dựng các trung tâm này; Cụm cảng Hòn Gai - Cái Lân cần được quy hoạch để thành trung tâm logistics của tỉnh.

Quảng Ninh cần xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách để phát dịch vụlogistics, đặc biệt là các chính sách để thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển hạ tầng logistics; tạo thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước, phát triển thị trường, đào tạo, tiếp cận thông tin.

Tập trung cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết; quy định cụ thể quy trình, thủ tục cấp phép các dự án đầu tư hạ tầng thương mại, đảm bảo tuân thủ quy hoạch phát triển ngành logistics của tỉnh và tính hiệu quả trong đầu tư của xã hội.

Tham gia xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp luật, chính sách về Hiệp hội doanh nghiệp logistics, các cơ quan liên ngành quản lý logistics trên địa bàn. Thực tế trên địa bàn Quảng Ninh chưa có cơ quan quản lý nhà nước về logistics mà đang do nhiều sở ban ngành, như: Giao thông vận tải, Thương mại, Tài chính, Hải quan đảm nhiệm theo phạm vi được phân công. Điều này đòi hỏi phải sớm thành lập cơ quan quản lý nhà nước về logistics. Cơ quan này là cầu nối giữa các ngành có liên quan, từ đó có thể tăng cường hợp tác trong việc trao đổi thông tin có liên quan tới các hoạt động vận tải, thương mại, xếp dỡ hàng hóa, các thủ tục giao nhận hàng hóa của cảng, việc điều động phương tiện vận tải giao nhận hàng nhằm tránh ùn tắc tại cảng, các thông tin về hàng hóa và giao nhận kho vận, thông tin về các cảng biển và các công ty giao nhận kho vận.... Sự hợp tác có hiệu quả giữa hai Hiệp hội và đặc biệt là từng hội viên của hai Hiệp hội đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ thống logistics của tỉnh.

Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống pháp luật điều chỉnh các dịch vụ logistics rất cần thiết, cần phải tham khảo và tuân theo quy định của từng phương thức vận tải liên quan và các luật khác. Đồng thời, nghiên cứu kỹ và rút kinh nghiệm từ các thành phố lớn của các nước trong khu vực và trên thế giới.

3.2. Nhóm giải pháp về cơ sở hạ tầng

Kết cấu hạ tầng và phương tiện vật chất kĩ thuật đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển hệ thống logistics của tỉnh. Không có cơ sở vật chất đồng bộ, tiên tiến thì khó có thể mang lại hiệu quả cho hệ thống logistics. Vì vậy, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng của hệ thống logistics là việc làm hết sức cần thiết để phục vụ yêu cầu của nền kinh tế - xã hội nói chung và phát triển hệ thống logistics nói riêng.

Trong cơ sở hạ tầng logistics của tỉnh, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phục vụ cho phát triển hệ thống logistics của tỉnh bao gồm: hệ thống đường bộ, các cụm cảng biển, cảng hàng không, kho tàng bến bãi cũng như các trang thiết bị xếp dỡ hàng hóa, container ở các điểm vận tải giao nhận. Do đó, để phát triển hệ thống logistics của tỉnh thì trước hết phải đầu tư hợp lý cho các cảng, sân bay, cảng thông quan nội địa, đường bộ, đường sắt, kho bãi, trang thiết bị... theo một kế hoạch tổng thể, nhất là phải có các trung tâm logistics có quy mô lớn để kết nối các loại phương tiện vận tải, các tuyến giao thông nhằm phát huy khả năng tương tác cũng như hỗ trợ qua lại lẫn nhau một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh cần rà soát các quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu xây dựng tỉnh thành trung tâm logistics của vùng; đảm bảo các quy hoạch, kế hoạch về giao thông, vận tải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất. Phát triển hệ thống kho, bãi hàng hóa tại khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng, bến và khu công nghiệp; phát triển hệ thống kho lạnh để dự trữ nguyên liệu đầu vào đến các nhà máy sản xuất và đưa sản phẩm đảm bảo chất lượng ra thị trường; Khai thác có hiệu quả các trung tâm logistics tại Cái Lân (Hạ Long) và tại Móng Cái; duy trì và mở rộng hoạt động của cảng cạn ICD Km3+4 Móng Cái; hình thành trung tâm logistics mới trong khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển, cảng hàng không phục vụ cho trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và cho nhu cầu sản xuất công nghiệp. Phát triển cửa hàng miễn thuế gắn với cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển. Tổ chức thực hiện hiệu quả các dự án hạ tầng cơ sở: Hệ thống kho bãi, trung tâm logistics, khu thương mại, dịch vụ tại khu vực cầu Bắc Luân 2, phường Hải Hòa (Móng Cái) và dự án Hệ thống kho bãi, trung tâm logistics tại khu vực cửa khẩu Hoành Mô, Đồng Văn (Bình Liêu) phục vụ phát triển logistics giai đoạn 2016 -2025.

3.3. Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực

Đối với bất cứ một ngành dịch vụ nào, nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực chính là chìa khóa của sự thành công, là nhân tố quan trọng cho sự phát triển lâu dài và ổn định của doanh nghiệp, cũng như của nền kinh tế địa phương. Với thực trạng nhiều yếu kém của nhân lực logistics như hiện nay, có thể khẳng định tăng cường việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cung cấp cho hệ thống logistics cấp thiết. Theo nhiều chuyên gia, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là phải cập nhật những kiến thức luật pháp trong nước và quốc tế về vận tải đa phương thức, các hoạt động chính của logistics và kỹ năng vận hành dịch vụ logistics cho nguồn nhân lực hiện có. Đồng thời với việc đào tạo nghiệp vụ chuyên môn là đào tạo nâng cao trình độ tiếng Anh, đảm bảo được việc giao dịch, thủ tục và lập chứng từ nghiệp vụ. Tỉnh có thể tổ chức hoặc hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp logistics trong việc đào tạo cơ bản về logistics cho cán bộ quản lý doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước để có thể vận dụng trong hoạt động chuyên môn của đơn vị mình. Bên cạnh đó, cần tăng cường tìm kiếm các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế cho các chương trình đào tạo ngắn hạn trong và ngoài nước. Phối hợp và tranh thủ hợp tác với các tổ chức quốc tế để tranh thủ nguồn kinh phí đào tạo thường xuyên cho cán bộ quản lý, cũng như người lao động trong ngành logistics.

3.4. Nhóm giải pháp về nâng cao năng lực doanh nghiệp cung ứng và chất lượng dịch vụ logistics

Do thực trạng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh còn nhiều yếu kém, mức độ liên kết giữa các doanh nghiệp còn lỏng lẻo, nên dù có nhiều lợi thế song các doanh nghiệp logistics của tỉnh chưa thể tham gia thị trường logistics thế giới, mà cần nắm chắc thị phần nội địa. Đối với các doanh nghiệp này, tỉnh cần khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất - kinh doanh, trong đó chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ mới trong logistics. Ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật cho phát triển dịch vụ logistics, xã hội hóa nguồn lực cho phát triển dịch vụ logistics. Hỗ trợ các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp vận tải biển phải liên kết, đứng cùng chiến tuyến với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nỗ lực tư vấn, cung cấp giải pháp tối ưu, tin cậy, đảm bảo chuỗi cung ứng hiệu quả, nâng cao tính cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ. Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, thương mại có sử dụng dịch vụ logistics nhằm tạo thị trường cho các doanh nghiệp cung ứng logistics phát triển.

Bên cạnh đó, công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại là nền tảng quan trọng để phát triển hệ thống logistics của tỉnh và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics của tỉnh với các công ty logistics quốc tế lớn của thế giới đã và đang hoạt động tại Quảng Ninh. Các doanh nghiệp logistics cũng như chính quyền tỉnh cần đầu tư công nghệ thông tin hiện đại, thiết lập mạng lưới cơ sở dữ liệu rộng lớn là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp logistics và các doanh nghiệp sản xuất; tăng cường sử dụng hệ thống truyền thông tin thương mại điện tử: Cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh theo các cam kết quốc tế về thương mại điện tử; đẩy mạnh thương mại điện tử trong các lĩnh vực, ưu tiên đầu tư ứng dụng các phần mềm thông tin tiên tiến như hệ thống phần mềm TMS (Transport Management System), WMS (Warehouse Management System)…

4. Kết luận

Hoạt động logistics với vai trò thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa của tỉnh Quảng Ninh là không thể phủ nhận. Điều này cũng đã được minh chứng bởi sự đóng góp của hoạt động dịch vụ này đối với GDP của tỉnh trong thời gian vừa qua. Để góp phần nâng cao hiệu quả và thúc đẩy hoạt động logistics trở thành lĩnh vực kinh tế trọng điểm, Quảng Ninh sẽ được xây dựng thành trung tâm logistics của khu vực, bài báo đã đề xuất 4 nhóm giải pháp đồng bộ tiếp cận từ 4 yếu tố cấu thành hệ thống logistics và dựa trên các kết luận về thực trạng logistics tại tỉnh, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển hoạt động logistics trong giai đoạn 2020 – 2025.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chính phủ (2005), Luật Thương mại.

2. Chính phủ (2017), Quyết định số 200/QĐ-TTG ngày 14/2/2017.

3. Quảng Ninh (2016), Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND.

4. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh: http://quangninh.gov.vn.

5 Website Bộ Công Thương Việt Nam: www.mot.gov.vn.

6. Website Báo Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn

7. Jaroslaw Witkowski (2011), “The role of Stakeholders in a Developing Reference Model of City Logistics”, Seventh International Conference on City Logistics, 2011, Mallorca, Spain.

8. Đặng Thị Thúy Hồng, (2015), “Phát triển hệ thống logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội”; Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

SOLUTIONS TO IMPROVE LOGISTICS PERFORMANCE OF QUANG NINH PROVINCE

NGUYEN THANH THAO

Hanoi University of Mining and Geology

ABSTRACT:

Logistics is one of the key sectors in economic development, trade, competitiveness enhancement, promoting productivity growth of Quang Ninh Province’s economy. Despite having many potential and natural advantages, logistics in Quang Ninh has not really developed to match that potential. Based on the analysis of logistisc activities in Quang Ninh Province and the components of the logistics system, the paper proposes a number of systematic solutions to improve the efficiency of this important service activities. This contributes to promote the logistics activities in Quang Ninh province to become the logistics center of the Northern region.

Keywords: Logistics activity, Quang Ninh Province.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây