Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang

ThS. NGUYỄN ANH LỢI (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

 Du lịch cộng đồng tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang là một điểm đến hấp dẫn của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế địa phương, nâng cao trình độ nhận thức cho người dân, đồng thời giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, mức độ phát triển du lịch ở đây còn nhỏ lẻ chưa đồng bộ và thiếu tập trung, các sản phẩm du lịch cộng đồng gần giống nhau, tình hình cung ứng dịch vụ du lịch còn gặp nhiều khó khăn, chưa khai thác hết các giá trị tài nguyên du lịch. Từ phân tích thực trạng phát triển du lịch cộng đồng, kết quả của nghiên cứu nhằm đưa ra các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Lâm Bình, góp phần phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững.

Từ khóa: Du lịch cộng đồng, phát triển du lịch, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

 1. Đặt vấn đề

Du lịch cộng đồng mang lại cho du khách những trải nghiệm về cuộc sống địa phương, trong đó các cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch và thu được các lợi ích kinh tế - xã hội từ các hoạt động du lịch và chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và văn hóa địa phương [1]. Với tài nguyên du lịch phong phú, du lịch Lâm Bình hấp dẫn bởi thiên nhiên giàu đẹp với hệ thống cảnh quan rừng, thác nước, suối, núi đồi; ngoài ra còn thu hút du khách bởi các tài nguyên du lịch nhân văn như các giá trị văn hóa, di tích lịch sử chính là tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng.

Trong thời gian qua, việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại huyện Lâm Bình đã đóng góp vào việc phát triển kinh tế địa phương, nâng cao trình độ, kiến thức và chất lượng đời sống cho người dân nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, tình hình phát triển du lịch cộng đồng còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ và thiếu tập trung, việc cung ứng dịch vụ du lịch của các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, các sản phẩm du lịch còn chưa mang tính đặc thù, cộng đồng địa phương tham gia cung ứng và phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Lâm Bình vẫn còn hạn chế về trình độ học vấn, trình độ ngoại ngữ.

2. Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Lâm Bình

2.1. Vị trí địa lý tự nhiên thuận tiện

Từ tỉnh lỵ Tuyên Quang đến trung tâm huyện Lâm Bình qua các huyện lân cận như Chiêm Hóa, Nà Hang thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch đặc trưng, như: du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng.

2.2. Sự hấp dẫn về cảnh quan tự nhiên

 Nằm trên vòng cung sông Gâm, địa bàn huyện Lâm Bình có nhiều dãy núi đá vôi, thấp dần từ Bắc xuống Nam. Núi đất và núi đá xen kẽ lẫn nhau, tạo thành nhiều thung lũng lớn, nhỏ.

Danh thắng Thượng Lâm được ví như “Hạ Long cạn giữa đại ngàn” [3] với 99 ngọn núi cao, đứng xen kẽ nhau, bao quanh xã Thượng Lâm, tạo thành quần thể núi đá rất ngoạn mục, đồng thời gắn với đó là truyền thuyết về Phượng hoàng bay về, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hồ thủy điện Tuyên Quang rộng tới trên 8.000 ha, với nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình, điểm nhấn là núi cọc Vài, kế đến là thác Nặm Me được phân cấp thành 15 tầng thác lớn nhỏ xen lẫn nhau thành một dòng thác lớn đổ xuống như một dải lụa trắng [2]. Lâm Bình còn có những thắng cảnh đẹp khác, như: Động Song Long, thác Khuổi Nhi, thác Khuổi Súng; di tích khảo cổ Hang Phia Vài… Đây là những di tích, danh lam thắng cảnh quốc gia [4], đầy tiềm năng cho phát triển du lịch văn hóa, cộng đồng và sinh thái.

2.3. Sự hấp dẫn về tài nguyên rừng và hệ động thực vật

Nguồn tài nguyên chính ở huyện Lâm Bình là rừng với 68.985,15 ha,  có nhiều loài cây gỗ quý. Hệ sinh thái nơi đây đa dạng, nhiều loài động thực vật quý hiếm, điển hình nhất là khu bảo tồn Na Hang - Lâm Bình có diện tích bảo vệ hơn 40.000 ha, gần 1.200 loài thực vật bậc cao và là khu vực nhiều rừng nguyên sinh có nguồn gen thực vật phong phú, tính đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động, thực vật quý hiếm (đinh hương, trai, sến, nghiến,...), đặc biệt loài voọc mũi hếch là loài đặc hữu của Việt Nam, đã được ghi trong sách đỏ thế giới. Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình có các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như: Thượng Lâm, hang Nà Chao, Pác Khoang, thác Pác Ban, Pác Hẩu, Khuổi Nhi, đã được trao bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào đầu năm 2019.

2.4. Sự hấp dẫn về văn hóa tâm linh, lễ hội và ẩm thực

Du lịch văn hóa tâm linh là một trong những tiềm năng lớn của huyện Lâm Bình. Hiện trên địa bàn còn lưu giữ được những ngôi đền, chùa có niên đại khá lâu, mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao, như: đền Pú Bảo (nơi hội tụ của linh khí núi sông, được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 2014), chùa Phúc Lâm (là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân, được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 2011).

Lễ hội Lồng tồng được tổ chức vào tháng giêng hàng năm, với các hoạt động: Lễ xuống đồng, hội tung còn, đánh pàm, đánh yến, đẩy gậy, kéo co, kết hợp biểu diễn then, cọi, quan làng của người Tày; hát páo dung của người Dao; thổi khèn lá, múa khèn của người Mông, lễ giã cốm của người Tày, lễ nhảy lửa huyền bí của người Pà Thẻn (trở thành “sản phẩm du lịch đặc thù” thu hút khách du lịch trong và người nước đến với Lâm Bình). Năm 2012, lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Ẩm thực Lâm Bình với đặc sản truyền thống của người Tày, người Dao như: cơm lam (người Tày), thịt lợn muối chua (người Dao Tiền), thịt gác bếp, chè Khau Mút (người Dao Đỏ), rượu thóc, bánh trứng kiến (người Tày)… gắn với văn hóa tộc người, với sự sống và theo tín ngưỡng dân gian gắn với mỗi vòng đời của con người. Nét văn hóa về ẩm thực này tạo nên sức hấp dẫn riêng đối với du khách khi đến Lâm Bình.

2.5. Sự hấp dẫn bởi những làng nghề truyền thống

Hiện tại, Lâm Bình có các nghề và làng truyền thống chủ yếu được sản xuất bằng phương pháp thủ công, như: nghề trồng bông chủ yếu ở các xã (Thượng Lâm, Lăng Can, Phúc Yên, Khuôn Hà), sản phẩm là bông, vải sợi; nghề dệt thổ cẩm với sản phẩm là chăn, gối, địu, quần áo, khăn, túi thổ cẩm; nghề đan lát mây, tre, giang xã Lăng Can với sản phẩm là mành cọ, khay, giỏ, đĩa [2] nên rất phù hợp cho việc gắn kết với hoạt động du lịch cộng đồng.

3. Thực trạng khai thác du lịch cộng đồng tại Lâm Bình

Hiện nay, du lịch cộng đồng tại Tuyên Quang chủ yếu ở các huyện Lâm Bình, Na Hang, Sơn Dương, Yên Sơn. Sự đa dạng của hơn 12 tộc người anh em cùng sinh sống với truyền thống văn hóa đa dạng, phong phú và giàu bản sắc. Thông qua các hoạt động du lịch “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, du khách cảm thấy rất thú vị vì đã được trải nghiệm và hiểu về đời sống, cũng như văn hóa của người dân địa phương.

3.1. Hoạt động quản lý nhà nước về du lịch

Trong những năm gần đây, du lịch tại Lâm Bình có những chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực: (i) quan tâm nâng cao đào tạo nguồn lực du lịch (tổ chức cho các hộ dân tham quan, học tập kinh nghiệm, làm du lịch cộng đồng ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn và ngoại ngữ, kỹ năng làm du lịch cộng đồng; (ii) đa dạng hóa các sản phẩm du lịch (phát triển du lịch cộng đồng Homestay gắn với các loại hình du lịch thể thao chèo thuyền Kayak, xe đạp, xe máy, bè mảng, câu cá hay du lịch mạo hiểm khám phá rừng nguyên sinh, hang động, chú trọng xây dựng các sản phẩm đặc trưng từ mây, tre); (iii) phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường (tập trung xử lý chất thải từ hoạt động du lịch, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân và du khách chung tay bảo vệ môi trường; (iv) xúc tiến du lịch (hoàn thành xây dựng cổng thông tin điện tử website “Du lịch Lâm Bình”, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh khảo sát, kết nối du lịch).

3.2. Các cơ sở homestay huyện Lâm Bình 

Hiện nay, huyện Lâm Bình có 24 homestay tập trung tại ở các xã Thượng Lâm, Lăng Can, Khuôn Hà và Phúc Yên.

Bảng 1. Số lượng homestay tại huyện Lâm Bình từ năm 2017 - 2019so-luong-homestay-tai-lam-binh

Nguồn: Tác giả thực hiện.

Căn cứ vào Bảng 1 ta thấy, trong năm 2017-2018, toàn Huyện có 15 cơ sở homestay, đến năm 2019 tăng thêm 9 cơ sở homestay.

 Thượng Lâm hiện là xã có nhiều hộ phát triển dịch vụ homestay nhất trên địa bàn Huyện, với 10 homestay, tập trung ở 2 thôn Nà Đông và Nà Tông. Người dân của 2 thôn chủ yếu là người dân tộc Tày. Việc khánh thành 9 cơ sở homestay (Thượng Lâm tăng thêm 4 homestay, Lăng Can tăng thêm 1 homestay, Phúc Yên phát triển 4 homestay) vào năm 2019, góp phần vào việc tăng thêm cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, mang lại nhiều sự lựa chọn cho du khách khi đến Lâm Bình.

3.3. Các dịch vụ du lịch cộng đồng huyện Lâm Bình 

Bảng 2. Các dịch vụ du lịch cộng đồng tại Lâm Bình

dich-vu-an-uong

Nguồn: Tác giả tổng hợp.

Đa số homestay chỉ đáp ứng được du khách về dịch vụ cơ bản, một số homestay phục vụ thêm dịch vụ bổ trợ như: chăm sóc sức khỏe, thưởng thức các tiết mục văn nghệ… Nhìn chung, các homestay chưa khai thác triệt để các giá trị bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, di tích lịch sử, làng nghề thủ công của bản địa.

Việc tổ chức chương trình văn nghệ, nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn phụ thuộc rất lớn vào các công ty du lịch lữ hành, do lượng khách tự yêu cầu cũng không thường xuyên, vì vậy hiệu quả kinh tế từ hoạt động này chưa cao. Sản phẩm du lịch cộng đồng tại các bản so với các địa phương khác còn đơn điệu, cơ sở vật chất để phục vụ du khách còn chưa được đầu tư đầy đủ, cách quản lý, hướng dẫn du khách còn chưa chuyên nghiệp, đa số các homestay chỉ dừng lại ở các dịch vụ: lưu trú, tham quan, thưởng thức ẩm thực dân tộc và giao lưu văn nghệ.

3.4. Số lượt khách và doanh thu từ hoạt động du lịch

Lâm Bình là huyện mới thành lập, hạ tầng phục vụ ngành Du lịch còn rất sơ khai, nhưng đã khai thác được lợi thế du lịch. Huyện đã thu hút trên 35.000 lượt khách du lịch năm 2017, đạt 291,7% kế hoạch, tăng 161,2% so với cùng kỳ năm 2016, doanh thu xã hội về du lịch 21 tỷ đồng, đạt 350% kế hoạch. Có được sự khởi sắc này là do Huyện đã mạnh dạn triển khai thực hiện mô hình du lịch cộng đồng homestay [5].

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Huyện đã thu hút trên 23.000 lượt khách, đạt 63,89% kế hoạch, tăng 1,32% so với cùng kỳ năm 2018, doanh thu xã hội đạt trên 13,8 tỷ đồng, đạt 62,73%.

Theo số liệu thống kê của Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Lâm Bình, lượng khách đến Lâm Bình từ đầu năm đến nay đạt hơn 25 nghìn lượt người, trong đó, khách du lịch trải nghiệm homestay trên 10 nghìn lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018 [6]. Qua đó, thể hiện sự đóng góp quan trọng của loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn.

4. Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang

 Trên cơ sở đánh giá về tiềm năng du lịch và thực trạng khai thác du lịch cộng đồng, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch cộng đồng huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang như sau:

4.1. Giải pháp về đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch

 Chú trọng đào tạo kỹ năng giao tiếp, tâm lý du khách, chuyên môn, phong cách phục vụ, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch và người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch, cần liên kết với Đại học Tân Trào thường xuyên mở các lớp đào tạo kỹ năng nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

4.2. Giải pháp về đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch

 Lâm Bình cần phát triển các dịch vụ mới cho khách lưu trú tại các cơ sở homestay nhằm tạo sức hấp dẫn cho khách du lịch, như:

- Chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng tại homestay: với nhiều loại thảo dược dân tộc gia truyền, để khai thác được loại hình du lịch này cần đầu tư dịch vụ y tế và phối hợp đông y trong điều trị và chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp qua các dịch vụ như massage, bấm huyệt, dùng thực phẩm điều trị bệnh.

- Sản phẩm quà lưu niệm tại homestay: cần có quy hoạch và khai thác cụ thể các làng nghề. Chẳng hạn, nghề đan lát, mây, tre Lăng Can cần phát triển thành sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng du lịch Lâm Bình; các sản phẩm lát, mây, tre nên có kích thước nhỏ, gọn, hình dáng và kiểu mẫu nên hiện thực hóa bằng những hình ảnh “danh thắng” đặc trưng của Lâm Bình.

- Cần có logo và slogan chính thức, trên sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm; đồng thời cần thể hiện thương hiệu du lịch Lâm Bình và tại các xưởng mộc có thể sản xuất quà lưu niệm như thuyền du lịch, thuyền kayak, ngôi nhà sàn khắc chữ Lâm Bình.

- Thiết kế thêm chương trình “một ngày làm nông dân” qua các hoạt động như: thu hoạch nông sản, hái thảo dược, tham gia trồng cây thuốc, học cách chế biến món ăn hoặc bào chế thuốc, học cách chăm sóc sức khỏe và làm đẹp từ các loại thảo dược.

- Hướng dẫn du khách chế biến những món đặc sản của Lâm Bình (thịt chua, thịt gác bếp, mắm cơm ruộng, cơm lam, bánh trứng kiến); tổ chức thi nấu ăn nhằm nâng việc giao lưu văn hóa giữa người dân bản địa và khách du lịch.

- Phát triển thêm các loại hình du lịch: du lịch nông thôn; du lịch tham quan; du lịch khám phá lồng ghép lịch sử, văn hóa, khảo cổ để tăng sự hấp dẫn đối với du khách. Chương trình kết nối hợp tác du lịch 4 tỉnh, thành phố, gồm: Tuyên Quang, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên; kết nối du lịch với thành phố Hồ Chí Minh,... để đa dạng hóa và phát triển thị trường nguồn khách, cũng như thu hút đầu tư vào du lịch [7].

4.3. Giải pháp về công tác quảng bá xúc tiến du lịch

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên du lịch nhằm thu hút lượng khách ngày càng đông góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hình ảnh du lịch homestay trong và ngoài nước; phối hợp với các doanh nghiệp, công ty lữ hành lớn trong nước và quốc tế khảo sát thực tế tại địa phương (Famtrip thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo, diễn đàn (Roadshow); tranh thủ mời gọi đầu tư và các chính sách về ưu đãi đầu tư để phát triển du lịch của Huyện.

- Nâng cấp các trang web du lịch Lâm Bình, tổ chức các cuộc thi ảnh, thi sáng tác các tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học nghệ thuật, bản đồ, tập gấp, ảnh, sách hướng dẫn, phim tài liệu, phim truyện giới thiệu các điểm đến du lịch của tỉnh đặc biệt là trong lĩnh vực homestay nhằm thu hút du khách nội địa và quốc tế.

4.4. Nhóm giải pháp về bảo vệ môi trường và tôn tạo tài nguyên du lịch

- Cần lồng ghép với công tác bảo vệ môi trường, kích thích sự bảo vệ cảnh quan thiên nhiên với bảo vệ môi trường tự nhiên. Các homestay cần xây dựng các chương trình cho khách du lịch vừa tham quan, vừa thực hiện bảo vệ môi trường: thu gom rác thải đúng nơi quy định, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, sử dụng nước sinh hoạt hợp lý.

4.5. Chính sách phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển bền vững

- Cần kết hợp cho khách tham quan các di tích lịch sử, làng nghề trước khi lưu trú tại các cơ sở homestay sẽ góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, trùng tu các di tích lịch sử, các cơ sở làng nghề có nguồn kinh phí duy trì hoạt động và phát triển.

- Thưởng thức nghệ thuật hát then, cọi: Hện nay, dịch vụ hát then, cọi, chỉ phục vụ cho những du khách nào có yêu cầu và đặt trước. Đối với hát then, cọi, cần rút ngắn thời gian diễn lại, cho khách thưởng lãm theo nhu cầu cần trải nghiệm nhằm gia tăng nguồn thu từ du khách.

- Gắn kết với các phong tục tập quán, lễ hội của người dân địa phương, như: Lễ hội Lồng tồng, Lễ xuống đồng, lễ nhảy lửa huyền bí của người Pà Thẻn ở Hồng Quang, lễ giã cốm của dân tộc Tày giúp du khách trải nghiệm như là một thành viên của cộng đồng địa phương.

- Tổ chức các trò chơi dân gian tại homestay như tung còn, đánh pàm, đánh yến, đẩy gậy, kéo co nhằm tôn tạo và phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa của cộng đồng.

5. KẾT LUẬN

Huyện Lâm Bình có tiềm năng lớn về tài nguyên du lịch hội tụ được nhiều yếu tố quan trọng để hình thành các loại hình, sản phẩm du lịch thế mạnh, đặc biệt loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch vui chơi giải trí và du lịch lịch sử - văn hóa. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc khai thác tổng hợp các lợi thế để phát triển du lịch còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của huyện; đồng thời chưa gắn với những nguyên tắc của phát triển bền vững. Vì vậy, cần chú trọng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch; quan tâm bảo vệ môi trường và tôn tạo tài nguyên du lịch; bảo tồn hệ thống di tích lịch sử, phát triển văn hóa truyền thống kết hợp với việc khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống, góp phần làm phong phú thêm nguồn tài nguyên du lịch nhân văn của huyện. Đồng thời, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, tuyên truyền quảng bá tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên du lịch để thu hút du khách đến với Lâm Bình ngày càng tăng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. WWF Việt Nam và Dự án EU (2013), Sổ tay du lịch cộng đồng Việt Nam-Phương pháp tiếp cận dựa vào thị trường.
  2. Du lịch Lâm Bình (2017), Giới thiệu về huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, http://dulichlambinh.gov.vn/DetailView/2756/1/Gioi-thieu-ve-Lam-Binh.html, truy cập ngày 16/08/2019.
  3. Cẩm nang du lịch Tuyên Quang (2016).
  4. Du lịch Lâm Bình (2017), Du lịch Lâm Bình tạo ấn tượng trong lòng du khách, http://dulichlambinh.gov.vn/DetailView/2800/5/Du-lich-Lam-Binh-tao-an-tuong-trong-long-du-khach.html, truy cập ngày 16/08/2019.
  5. Báo Tuyên Quang (2018), Triển vọng phát triển du lịch cộng đồng, http://baotuyenquang.com.vn/du-lich/du-lich-tuyen-quang/trien-vong-phat-trien-du-lich-cong-dong-95412.html, truy cập ngày 18/08/2019
  6. Báo Tuyên Quang (2019), Lâm Bình phát triển dịch vụ du lịch homestay http://baotuyenquang.com.vn/!trang-dia-phuong/lam-binh/lam-binh-phat-trien-dich-vu-du-lich-homestay-121249.html, truy cập ngày 18/08/2019
  7. Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang (2016), Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2016 - 2020.

 

COMMUNITY TOURISM IN LAM BINH DISTRICT TUYEN QUANG PROVINCE

Master. NGUYEN ANH LOI

Van Lang University

ABSTRACT:

Lam Binh district Tuyen Quang province is an attractive community tourism destination for many domestic and foreign tourists. Community tourism contributes greatly to the local economic development. It also helps raising the people’s awareness and maintaining the traditional cultural values. However, community tourism is hard to exploit to its full potentials due to the low level of concentration, identical community tourism merchandises and poor services. From the analysis of factors affecting the development of community tourism, the results of study aim to provide solutions to develop community tourism in Lam Binh, contributing to Tuyen Quang tourism development that become into an key economy sector in the direction of sustainability.

Keywords: Community tourism, tourism development, Tuyen Quang province.