Giải pháp phát triển kinh tế du lịch Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030

THS. TRƯƠNG THỊ THẢO (Khoa Tài chính Ngân hàng  - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Theo Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030, mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm 3 quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2020, trước cơn bão dịch bệnh Covid-19, ngành Du lịch Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Vậy, Việt Nam phải làm gì để vượt qua và thực hiện được Chiến lược phát triển ngành Du lịch đến năm 2025 - 2030? Bài viết này phân tích thực trạng ngành Du lịch Việt Nam hiện nay và các giải pháp phát triển kinh tế du lịch Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030.

Từ khóa: chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam, giai đoạn 2025 - 2030, tăng trưởng.

1. Ngành Du lịch Việt Nam năm 2020 trước cơn bão dịch bệnh Covid-19

Tháng 1/2020, lần đầu Việt Nam đón được 2 triệu khách quốc tế trong 1 tháng. Thế nhưng, từ tháng 2/2020, dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới đã ngay lập tức ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành Du lịch. Ngành Du lịch Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chưa từng xảy ra trước đó. Kể từ tháng 3/2020, Việt Nam ngừng hoạt động đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch trong nước. Tuy nhiên, thị trường du lịch trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát. Trong nước, dù dịch Covid-19 nhanh chóng được khống chế tốt, Việt Nam trở thành điểm sáng về an toàn phòng dịch trên thế giới nhưng ngành Du lịch không tránh khỏi những tổn thất nặng nề. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), lượng khách quốc tế cả năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm gần 80% so với năm 2019; khách du lịch trong nước cũng giảm gần 50%; khoảng 40-60% lao động ngành Du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến 530 nghìn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD)...

Ngành Du lịch phải chuyển hướng vào tập trung phát triển du lịch nội địa. Du lịch phải cùng lúc thực hiện "nhiệm vụ kép": vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất - kinh doanh. Và du lịch trong nước là giải pháp duy nhất giúp các doanh nghiệp từng bước phục hồi, duy trì hoạt động. Ngành Du lịch đã hai lần phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa vào tháng 5/2020 (với chủ đề "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam") và tháng 9/2020 (với chủ đề "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn"). đến hết tháng 11/2020, tổng số khách du lịch trong nước đạt 49 triệu lượt. Du lịch trong nước đã góp phần duy trì được hoạt động ở mức cầm chừng của ngành trong thời chống dịch …

2. Ðánh giá lại nội lực ngành Du lịch Việt Nam

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch Việt Nam phải đánh giá lại cách làm du lịch trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp. Du lịch Việt Nam chuyển hướng tập trung khai thác thị trường khách trong nước ở trạng thái "bình thường mới", với yêu cầu tiên quyết là phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho các sản phẩm du lịch, bảo đảm an toàn cho du khách. Tuy nhiên, ngành Du lịch cũng cần phải tính xa hơn để đón đầu khách quốc tế, với những sản phẩm mới, phù hợp ngay khi đủ điều kiện mở lại hoạt động đón khách quốc tế.

Ðầu tiên, ngành Du lịch xác định cần nhanh chóng cơ cấu lại thị trường khách. Thời gian qua, du lịch Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Ðông - Bắc Á (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) với khoảng 66,8% tổng lượng khách quốc tế, trong khi một số thị trường khách có mức chi tiêu cao (như châu Âu, châu Mỹ,...) vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Ðiều đó đòi hỏi ngành Du lịch phải điều chỉnh để có các dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách quốc tế. Ðồng thời, bảo đảm phát triển cân đối cơ cấu khách du lịch quốc tế đến từ nhiều thị trường. Tiếp đến là nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh.

Theo thống kê, thời gian lưu trú của du khách quốc tế đến Việt Nam bình quân chỉ đạt 8,1 ngày, với mức chi tiêu bình quân là 1.074 USD cho một chuyến đi (thấp hơn đáng kể so với mức tương ứng của Thái Lan là 9 ngày và 1.565 USD). Ðây là vấn đề đòi hỏi ngành Du lịch cần có giải pháp về sản phẩm và hướng đi để ưu tiên thu hút dòng khách có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, bảo đảm sự phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam, đồng thời cần chú trọng hơn đến thị trường khách trong nước. Theo các chuyên gia và cơ quan quản lý, việc cơ cấu lại thị trường, để du lịch trong nước trở thành thị trường quan trọng, đóng góp từ 55% đến 75% tổng thu của ngành Du lịch trong 2 - 3 năm tới là điều rất cần thiết. Lâu nay, do chưa quan tâm đúng mức thị trường khách du lịch trong nước, nên dù khách trong nước chiếm hơn 82,5% tổng lượng khách, nhưng doanh thu du lịch từ khách trong nước chỉ chiếm chưa đến 45% tổng doanh thu du lịch. Lý do là sản phẩm du lịch phục vụ khách trong nước chưa đa dạng, còn mang tính mùa vụ, thiếu sản phẩm hấp dẫn để thu hút và kích thích chi tiêu của đối tượng khách này. Việc khai thác thị trường du lịch trong nước với tiềm năng 100 triệu dân, trong đó, số người có thu nhập khá ngày càng tăng nhanh, mang đến nguồn thu ổn định, bền vững là hướng tập trung hiện nay của Ngành.

Trong tình hình khó khăn trước dịch Covid-19, vấn đề hợp tác, liên kết du lịch được các địa phương chú trọng, chia sẻ thực chất hơn, trở thành giải pháp quan trọng để tăng lượng khách du lịch trong nước. Tăng cường liên kết vùng, liên kết địa phương, liên kết ngành, doanh nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng, sản phẩm du lịch, bảo đảm an toàn cho du khách,... là những giải pháp trọng tâm. Các địa phương đã cùng nhau bàn bạc để xác định những sản phẩm đặc trưng, phù hợp, hấp dẫn của từng vùng, tránh việc cạnh tranh bằng các sản phẩm giống nhau hoặc gây xung đột. Việc hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2020 với chủ đề "Liên kết phát triển bền vững" là một điển hình. Trước đó, TP. Hồ Chí Minh đã có các hoạt động liên kết du lịch rất hiệu quả với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và 5 tỉnh vùng Ðông Nam bộ.

Ðiều quan trọng không kém là việc cơ cấu lại sản phẩm, tạo ra sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo. Kinh nghiệm của hai đợt kích cầu du lịch trong nước vừa qua là tập trung đẩy mạnh xúc tiến điểm đến, nhất là những điểm đến mới và kết nối các điểm đến để tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo, hấp dẫn. Khi đưa ra các sản phẩm mới, các doanh nghiệp du lịch đồng thời cam kết về hoãn, hủy, đổi tua, dịch vụ,... linh hoạt để du khách yên tâm rằng, họ luôn được bảo đảm quyền lợi trong mọi tình huống. Ðây cũng là bước sáng tạo của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong trạng thái "bình thường mới".

3. Chiến lược phát triển ngành Du lịch đến năm 2025 - 2030

Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.

- Tổng thu từ khách du lịch: Đạt 3.100 - 3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương 130 - 135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 11% - 12%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15% - 17%.

- Tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8% - 9%/năm.

- Về khách du lịch: Phấn đấu đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 8% - 10%/năm và khách nội địa từ 5% - 6%/năm.

4. Giải pháp phát triển kinh tế du lịch giai đoạn 2025 - 2030

Một là, cần tiếp tục triển khai thực hiện thành công 8 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã xác định, để tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Đồng thời, tập trung các nguồn lực thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số giải pháp mang tính đột phá nhằm duy trì nhịp độ tăng trưởng, hoàn thành tốt các mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra.

Hai là, quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch; tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; từng bước hình thành hệ thống khu, tuyến, điểm du lịch quốc gia; khu tuyến, điểm du lịch địa phương và đô thị du lịch. Phát huy thế mạnh và tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương hướng tới hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng theo các vùng du lịch.

Ba là, quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo đồng bộ phục vụ yêu cầu phát triển du lịch. Hiện đại hóa mạng lưới giao thông công cộng; quy hoạch không gian công cộng. Đầu tư nâng cấp phát triển hệ thống hạ tầng xã hội và phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi, đồng bộ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Bốn là, xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch từng thời kỳ, từng vùng, miền trong cả nước; từng bước thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch hợp chuẩn với khu vực và quốc tế, đặc biệt chú trọng nhân lực quản lý du lịch và lao động có tay nghề cao. Đa dạng hóa phương thức đào tạo; khuyến khích đào tạo tại chỗ, tự đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Năm là, Nhà nước có chính sách liên kết, huy động nguồn lực để tập trung đầu tư, nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ du lịch, hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Ưu tiên tập trung đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, đô thị du lịch; các khu, tuyến, điểm du lịch thuộc các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhưng có tiềm năng phát triển du lịch.

Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch với các nước, các tổ chức quốc tế, gắn thị trường du lịch Việt Nam với thị trường du lịch khu vực và thế giới. Mở rộng các quan hệ hợp tác song phương và đa phương, tranh thủ sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế góp phần đẩy nhanh sự phát triển và hội nhập của du lịch Việt Nam, nâng cao hình ảnh và vị thế du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Chính trị (2017), Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2020 Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
  3. Tổng cục Du lịch (2020), Tình hình hoạt động của ngành Du lịch năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021; báo cáo.
  4. Tổng cục Thống kê (2020), Tình hình kinh tế - xã hội năm 2020.

Solutions to develop Vietnam’s tourism industry in the period 2025 - 2030

Master. Truong Thi Thao

Faculty of Finance and Banking

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

According to the Vietnam’s Tourism Development Strategy by 2025, vision to 2030, the Government of Vietnam sets a target to turn Vietnam among three leading tourist destinations in terms of tourism growth in Southeast Asia and among top 50 countries in the world in terms of tourism competitiveness. However, the Covid-19 pandemic has brought unprecedented difficulties to Vietnam’s tourism industry. This paper analyzes the current situation of Vietnam's tourism industry and proposes some solutions to develop the country’s tourism industry in the period 2025 - 2030.

Keywords: Vietnam’s tourism development strategy, 2025 - 2030 period, growth.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2021]