Giải pháp tăng cường khả năng quản lý hoạt động khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến năm 2025:  Từ kinh nghiệm giai đoạn 2015-2019

ThS. LÊ SỸ TÙNG (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu khoa học là hoạt động có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, nó là động lực, nền tảng cho sự phát triển. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên. Trong 5 năm qua (2015 - 2019), hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, lượng bài báo quốc tế tăng đáng kể, nhiều sản phẩm của hoạt động nghiên cứu khoa học đã đi vào cuộc sống, phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Dựa trên những kinh nghiệm, bài học của hoạt động quản lý nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019, trong khuôn khổ nghiên cứu này, tác giả bài viết đề xuất 6 giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường khả năng quản lý hoạt động khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến năm 2025.

Từ khóa: hoạt động khoa học, tăng cường khả năng quản lý hoạt động khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Thế giới đã trải qua hai cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật. Cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ nhất diễn ra bắt đầu ở nước Anh vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX và hoàn thành vào những năm 50 đầu thế kỷ XX với nội dung chủ yếu là cơ khí hóa, thay thế lao động thủ công bằng lao động sử dụng máy móc. Cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật lần thứ hai còn gọi là cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, xuất hiện vào những năm 50 của thế kỷ XX và nhanh chóng làm nên sự thay đổi to lớn trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội toàn cầu. Những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đã đẩy nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động, làm chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của quốc gia và làm thay đổi sâu sắc mọi mặt của đời sống xã hội loài người. Trong bình diện của từng quốc gia, khoa học và công nghệ (KH&CN) thực sự trở thành một động lực thúc đẩy sự phát triển một cách bền vững, toàn diện trên các mặt của đời sống, kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của KH&CN thì nguy cơ tụt hậu về kinh tế, KH&CN, thông tin,… là những thách thức lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn kiện khẳng định vai trò cũng như luôn tạo điều kiện để phát triển KH&CN, như: Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 20/4/1981 của Bộ Chính trị về Chính sách khoa học và kỹ thuật, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/3/1991 của Bộ Chính trị về KH&CN trong sự nghiệp đổi mới, Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 về Định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ CNH, HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, gần đây là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCH TƯ) Khóa XI về “Phát KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chiến lược phát triển khoa học và Công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

Những năm gần đây, KH&CN nước ta đã đạt được những kết quả tích cực: cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN từng bước đổi mới, hướng vào phát huy hiệu quả đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội; tiềm lực KH&CN được tăng cường, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ có nhiều bước tiến bộ. Nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp,…

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là đơn vị nghiên cứu đầu ngành của cả nước, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao theo quy định của pháp luật. Qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, Viện Hàn lâm KHCNVN đã có những bước tiến lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH, HĐH của đất nước và hội nhập quốc tế. Trong những năm qua, Viện Hàn lâm KHCNVN đã phát triển lớn mạnh về mọi mặt và thực sự đã trở thành trụ cột nền khoa học tự nhiên và công nghệ cao của nước nhà. Song vấn đề mang tính cấp bách đang đặt ra đối với Viện Hàn lâm KHCNVN hiện nay, đó là làm thế nào để quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học một cách bền vững, theo kịp với sự phát triển chung của nền KH&CN thế giới, đồng thời phát huy hết tiềm năng vốn có của Viện trong điều kiện các cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra nhanh và mạnh như vũ bão hiện nay.

2. Thực trạng quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019

2.1. Những thành tựu trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019

2.1.1. Kết quả hoạt động nghiên cứu cơ bản

Viện Hàn lâm là tổ chức nghiên cứu hàng đầu trong cả nước, năng lực nghiên cứu khoa học tiệm cận trình độ nghiên cứu của thế giới trong một số lĩnh vực chuyên ngành sâu thuộc các ngành Toán học, Vật lý, Hóa học,… Kết quả hoạt động nghiên cứu cơ bản của Viện thể hiện thông qua những thống kê sau:

Hoạt động thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học

Trong giai đoạn 2015 - 2019, Viện Hàn lâm đã thực hiện tổng số 366 đề tài nghiên cứu cơ bản trong 8 hướng nghiên cứu chính.

Bảng 1.  Số lượng đề tài nghiên cứu cơ bản giai đoạn 2015-2019

TT

Lĩnh vực nghiên cứu

Tổng số lượng đề tài của Viện

2015

2016

2017

2018

2019

Tổng số

1

Toán học

5

2

15

15

16

53

2

Khoa học thông tin và máy tính

0

0

2

2

3

7

3

Vật lý

16

11

26

20

22

95

4

Hóa học

14

12

24

24

25

99

5

Khoa học trái đất

2

3

3

3

4

15

6

Sinh học nông nghiệp

23

12

19

19

21

94

7

Y Sinh

2

1

2

2

3

10

8

Cơ học

7

2

2

3

5

19

 

Tổng số

69

43

93

88

99

392

Nguồn: Báo cáo Viện Hàn lâm KHCNVN

Theo Bảng 1 ta thấy, số lượng đề tài nghiên cứu hàng năm của Viện tăng dần, đặc biệt trong 3 năm từ 2017 - 2019. Lĩnh vực nghiên cứu có số lượng đề tài vượt trội là ngành Vật lý, Hóa học và Sinh học nông nghiệp. Đây là những lĩnh vực gắn với thực tế cuộc sống nhiều nhất và kết quả nghiên cứu cũng được ứng dụng vào thực tế lớn nhất.

Hoạt động công bố khoa học, sáng chế, giải pháp hữu ích và sách chuyên khảo

Trong thời gian qua, đội ngũ CBNC của Viện Hàn lâm KHCNVN đã công bố được nhiều công trình, sáng chế, bài báo trong nước và nước ngoài.

Bảng 2. Tổng hợp các công bố khoa học, sáng chế, giải pháp hữu ích, sách chuyên khảo của Viện Hàn lâm KHCNVN giai đoạn 2015-2019

TT

Nội dung

2015

2016

2017

2018

2019

A

Tổng số các công trình khoa học (1+2+3+4+5)

2197

2007

1836

2257

2273

B

Các bài báo trong các tạp chí nước ngoài (1+2+3+4)

802

996

888

1089

1178

C

Số lượng bài báo trong các tạp chí thuộc danh sách SCI, SCI-E (1+2)

588

742

688

822

888

1

Số lượng bài báo trong tạp chí thuộc DS SCI

317

387

381

389

425

2

Số lượng bài báo trong tạp chí thuộc DS SCI-E

271

355

307

433

463

3

Số lượng bài báo đăng trên tạp chí đạt chuẩn quốc tế của Viện (Vast Scoupus)

38

6

22

23

24

4

Số lượng bài báo trong tạp chí có mã số quốc tế ISSN/ISBN

176

248

178

244

266

5

Số lượng các bài báo trên tạp chí quốc gia

1395

1011

948

1168

1095

6

Số lượng bằng phát minh sáng chế

11

11

20

16

25

7

Số lượng các giải pháp hữu ích

7

17

20

37

27

8

Sách chuyên khảo

30

39

53

55

47

                                       Nguồn: Báo cáo Viện Hàn lâm KHCNVN

Căn cứ vào số liệu ở Bảng 2 cho thấy số lượng các công trình, bài báo, phát minh, giải pháp hữu ích,… tăng dần qua các năm, đặc biệt là trong năm 2018 và năm 2019 đã cho thấy kết quả nghiên cứu khoa học ngày một tăng lên của đội ngũ cán bộ nghiên cứu KH&CN của Viện. Điều này cũng phù hợp với sự phát triển về chất lượng nguồn nhân lực của Viện. Đây cũng là minh chứng cho những đóng góp, thành quả của các nhà khoa học và của ban lãnh đạo Viện Hàn lâm.

Hoạt động điều tra cơ bản

Trong giai đoạn 2015 - 2019, Viện Hàn lâm luôn duy trì và mở rộng mạng lưới đài trạm nhằm duy trì các hoạt động điều tra, quan trắc thường xuyên. Tính đến nay, Viện Hàn lâm đang khai thác và vận hành 139 đài trạm, trong đó: Mạng lưới các đài trạm quan trắc và phân tích môi trường biển: 3 (trạm); Mạng lưới các trạm quan sát động đất: 78 (trạm, phòng); Các trạm vật lý địa cầu: 13 (trạm); Các đài trạm khác: 27 (đài trạm).

Các đài, trạm được phân bố tại 35 tỉnh, thành phố đặc trưng cho hầu hết các vùng địa lý của Việt Nam: đồng bằng, ven biển, trung du, miền núi và hải đảo. Các đài trạm này quan trắc, thu thập thường xuyên các dữ liệu trong các lĩnh vực môi trường biển ven bờ, quan sát động đất, địa động lực, địa từ, điện ly, vật lý khí quyển,... Viện cũng đã triển khai thực hiện tốt Quy chế báo tin động đất và cảnh báo sóng thần theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường hoạt động Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, ghi nhận và thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng các trận động đất có cường độ lớn hơn 2,5 độ Richte trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam.

Hoạt động phát triển công nghệ, ứng dụng triển khai

Hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ luôn được Lãnh đạo Viện coi trọng và thúc đẩy triển khai; coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm gắn kết giữa KH&CN với sản xuất, đời sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2017, Viện Hàn lâm đã triển khai 2 chương trình nghiên cứu mới: chương trình phát triển công nghệ và chương trình phát triển sản phẩm thương mại nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ và thương mại hoa sản phẩm. Với các chủ trương, chính sách hợp lý của Đảng ủy và lãnh đạo Viện Hàn lâm, số lượng công nghệ sẵn sàng chuyển giao của Viện đã lên đến 248 công nghệ, số lượng văn bằng sở hữu trí tuệ đã tăng mạnh so với giai đoạn trước. Tính đến hết năm 2019, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm đã có 138 văn bằng sở hữu trí tuệ (giai đoạn 2010 - 2015 là 59) trong đó có 57 bằng phát minh sáng chế (giai đoạn trước: 33) và 81 bằng giải pháp hữu ích (giai đoạn trước: 26).

Về các dự án trọng điểm, liên ngành và các chương trình quốc gia

Trong giai đoạn 2015 - 2019, Viện đã nỗ lực triển khai các chương trình, nhiệm vụ cấp quốc gia. Hiện các đơn vị trực thuộc Viện đang triển khai hơn 50 nhiệm vụ, đề tài, dự án cấp quốc gia thuộc các chương trình KHCN cấp Nhà nước và nhiệm vụ KH&CN độc lập cấp Nhà nước, Chương trình phát triển công nghiệp sinh học trong chế biến, Chương trình Biển Đông - Hải đảo, Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu,... 2 Chương trình KHCN cấp Nhà nước do Chính phủ giao cho Viện là Chương trình Tây Nguyên 2016 - 2020 và Chương trình KHCN vũ trụ giai đoạn 2 (2006 - 2020) đã thu được nhiều kết quả KHCN có giá trị, được Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đánh giá cao.

Giai đoạn 2015 - 2019, Viện tiếp tục triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng Bộ sưu tập mẫu vật quốc gia về Thiên nhiên Việt Nam”. Kết quả đã thu thập, phân loại hơn 12.000 mẫu vật gồm các mẫu động vật, thực vật, cổ sinh, sinh vật phù du, côn trùng,... xây dựng được cơ sở dữ liệu phục vụ công tác bảo vệ và bảo tồn các di sản thiên nhiên ở Việt Nam. Đặc biệt, Viện đã chế tác thành công mẫu Rùa Hồ gươm theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội. Đặc biệt, thực hiện Đề án 150 “Xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin” do Chính phủ giao, Viện đã hoàn thành việc nâng cấp Trung tâm Giám định AND hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin. Đây là Trung tâm giám định ADN hiện đại đầu tiên tại Việt Nam với quy mô 4.000 hài cốt liệt sĩ/năm.

Công tác ứng dụng, triển khai kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống.

Trong giai đoạn 2015 - 2019, Viện tiếp tục duy trì hợp tác khoa học công nghệ với 40 tỉnh, thành phố và nhiều tập đoàn, công ty lớn khác; triển khai các đề tài hợp tác ngành, địa phương, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Viện dựa trên những yêu cầu cụ thể, thực tế của các bộ, ngành, địa phương; được ứng dụng trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương. Nhiều kết quả KHCN đã được các địa phương đánh giá cao, đặc biệt là các dữ liệu điều tra cơ bản của Viện đã góp phần quan trọng vào xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Viện cũng đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo chuyên ngành tại các địa phương nhằm giới thiệu các sản phẩm mới, công nghệ mới, mô hình mới có thể ứng dụng vào sản xuất phục vụ đời sống. Viện đã hoàn thành và đưa vào vận hành Khu ươm tạo công nghệ nhằm hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp spin-off khởi nghiệp có được điều kiện ban đầu tốt nhất nhằm sớm thúc đẩy các công nghệ mới vào phục vụ cuộc sống.

Bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ cấp Viện, các đơn vị trực thuộc Viện đã thực hiện nhiều hợp đồng dịch vụ KHCN với các địa phương, với doanh nghiệp. Tổng kinh phí thực hiện các hợp đồng dịch vụ KH&CN trong giai đoạn 2015 - 2019 đã đạt trung bình gần 300 tỷ đồng/năm. Viện tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các hoạt động của Bảo tàng Hải Dương học, phòng trưng bày tiến hóa sinh giới, các bảo tàng thành viên thuộc hệ thống Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, đưa vào hoạt động Bảo tàng Vũ trụ, Đài thiên văn, triển khai các chương trình giáo dục ngoại khóa nhằm phổ biến các tri thức KH&CN vào cuộc sống.

Quản lý tài chính

Giai đoạn 2015 - 2019, Viện tập trung quản lý ngân sách chặt chẽ trong phạm vi dự toán, trên cơ sở ngân sách nhà nước giao, chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, cắt giảm tối đa các khoản chi chưa cấp bách để đảm bảo đủ kinh phí cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được triển khai theo đúng tiến độ đã được phê duyệt.

Mặc dù nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho Viện mới đáp ứng được khoảng 60% - 70% nhu cầu thực tế của Viện hàng năm, song Viện luôn ưu tiên kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu. Nhờ quản lý tốt nguồn kinh phí nên mặc dù kinh phí cấp còn hạn chế nhưng hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện vẫn đảm bảo phát triển đầy đủ các hướng nghiên cứu KH&CN trọng điểm. Đồng thời, Viện cũng luôn chủ động dành một phần kinh phí dự phòng cho các hoạt động nghiên cứu, các nhiệm vụ đột xuất phát sinh theo yêu cầu thực tế. Trong đó có nhiều nhiệm vụ quan trọng do Chính phủ trực tiếp giao để giải quyết kịp thời những vụ việc xảy ra, như: Vụ tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt do Công ty Formosa gây ra, hay vụ xác định mức độ ô nhiễm môi trường do cháy tại Công ty Rạng Đông,...

Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Viện đã được thúc đẩy mạnh mẽ và thu được nhiều kết quả có giá trị; năng lực nghiên cứu của các đơn vị trực thuộc Viện đã được tăng cường cả về chất lượng cán bộ và cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu. Thông qua các hướng nghiên cứu trọng điểm, chương trình nghiên cứu trọng điểm, nhiều nhóm nghiên cứu mạnh đã được hình thành. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng rộng rãi vào trong thực tiễn và đời sống, góp phần thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống, quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền đất nước. Các kết quả đạt được trong giai đoạn 2015 - 2019 đã tạo được một nền tảng vững chắc để Viện tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới.

2.2. Kết quả quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện

Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện đã đạt được một số kết quả đáng kể góp phần nâng cao vai trò, tầm quan trọng cũng như vị thế của Viện Hàn lâm hiện nay. Trong giai đoạn 2015 - 2019, Viện đã đạt được một số kết quả như sau:

- Xây dựng được chiến lược “Quy hoạch tổng thể phát triển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”.

- Số lượng đề tài, dự án của Viện tăng lên hàng năm đồng nghĩa với số lượng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học cũng tăng theo.

- Ban hành được một hệ thống các văn bản quy định việc quản lý các đề tài nhiệm vụ, dự án các cấp.

- Số lượng bài báo công bố quốc tế, số lượng bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích tăng cao. Chất lượng các sản phẩm nghiên cứu khoa học ngày càng được khẳng định và được ứng dụng vào thực tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

- Nguồn nhân lực của Viện giai đoạn này tuy không tăng về số lượng nhưng chất lượng cán bộ ngày càng cao. Số lượng cán bộ có trình độ cao từ thạc sỹ trở lên chiếm gần 70% tổng số nhân lực của Viện. Đây là một nguồn nhân lực vô cùng quý giá và là nguồn tiềm năng quan trọng trong sự phát triển của Viện.

- Xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất, tiềm lực nghiên cứu khoa học ngày càng mạnh. Hệ thống cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, các phòng thí nghiệm của Viện đã được chú trọng đầu tư đáp ứng tương đối nhu cầu làm việc, nghiên cứu của các nhà khoa học.

- Viện đã chú trọng hơn đến việc ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ, đã triển khai được một số hoạt động nhằm phát triển sản phẩm thương mại của Viện Hàn lâm. Viện đã quan tâm hơn đến hoạt động thông tin nhằm quảng bá, kết nối với doanh nghiệp, đưa sản phẩm khoa học của Viện Hàn lâm đến với đông đảo người dân.

2.3. Hạn chế

Thứ nhất, công tác tạo động lực cho đội ngũ các nhà khoa học còn chưa thực sự đạt kết quả cao. Có đơn vị vẫn phải làm việc trong các phòng làm việc chật chội và tập trung nhiều cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động nghiên cứu khoa học. Đầu tư cho trang thiết bị nghiên cứu khoa học đã được quan tâm, tăng cường, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế vì hiện tại mới chỉ tập trung được cho các phòng thí nghiệm trọng điểm. Vẫn còn nhiều phòng thí nghiệm chưa đáp ứng được yêu cầu chung là phòng thí nghiệm chuẩn trên thế giới. Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động nghiên cứu. Chế độ đãi ngộ đối với người làm công tác quản lý cũng như các nhà khoa học chưa cao dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”. Việc thu hút cán bộ trẻ và giỏi về viện làm việc gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, nhận thức về vai trò, sự cần thiết phải quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của một số cá nhân làm công tác quản lý và các cá nhân hoạt động nghiên cứu còn chưa đầy đủ, sâu sắc. Vẫn còn một số cá nhân làm công tác quản lý chưa thấy hết được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của hoạt động quản lý trong việc nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học. Điều này dẫn đến sự lãnh đạo, quản lý nhiều lúc chưa sâu sát, kịp thời và chưa hiệu quả.

Thứ ba, công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành các hoạt động khoa học và công nghệ còn nhiều bất cập. Các bộ phận chỉ đạo, tham mưu chưa chủ động đề xuất những giải pháp mang tính đột phá để phát triển khoa học và công nghệ. Sự phối hợp giữa các ban, viện nghiên cứu trong quản lý các hoạt động khoa học công nghệ chưa thường xuyên và chặt chẽ. Cơ chế marketing trong nghiên cứu khoa học còn yếu, tiếp nhận, ứng dụng kết quả nghiên cứu còn hạn chế. Cơ chế quản lý các hoạt động khoa học công nghệ mặc dù đã được cải tiến nhưng nhìn chung vẫn còn nặng tính bao cấp, tính hành chính và trên thực tế đây là rào cản lớn nhất với sự phát triển khoa học công nghệ trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư, nhiều dự án, đề tài triển khai chậm so với tiến độ đề ra. Một số đề tài phải xin gia hạn thời gian thực hiện. Việc báo cáo triển khai đề tài đôi khi còn mang tính chất hình thức, đối phó. Do vậy, kết quả nhiều đề tài chưa thực sự đạt chất lượng như mong muốn.

Thứ năm, việc chuyển giao và ứng dụng kết quả đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tế cuộc sống còn hạn chế. Mặc dù số lượng bằng sáng chế và giải pháp hữu ích của Viện đã tăng đáng kể song số lượng được ứng dụng triển khai vào thực tế cuộc sống còn hạn chế. Chất lượng và hiệu quả của các đề tài nghiên cứu và ứng dụng nói chung tốt hơn. Mặc dù vậy, vẫn còn ít kết quả KH&CN có tầm ảnh hưởng lớn đối với xã hội, tương xứng với một cơ quan nghiên cứu KH&CN đầu ngành của cả nước.

3. Trao đổi về nguyên nhân thành tựu và hạn chế

3.1. Nguyên nhân của thành tựu

Thứ nhất, có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách về phát triển khoa học và công nghệ được đưa ra, ngày càng đổi mới và hoàn thiện tạo môi trường pháp lý tương đối đồng bộ, thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu KH&CN; bảo đảm quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nghiên cứu KH&CN; bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước, đồng thời xác định trách nhiệm và phân công khá hợp lý giữa các bộ, ngành và địa phương.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về KH&CN, các bộ, ngành đã kịp thời ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học. Đây chính là hành lang pháp lý quan trọng, là cơ sở tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm phát triển.

Thứ hai, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý sát sao của Đảng ủy, lãnh đạo Viện Hàn lâm, của các ban chức năng thuộc Viện đã đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu KH&CN của Viện. Ban lãnh đạo Viện cùng các nhà quản lý đã thấy được tầm quan trọng của quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học từ đó có những định hướng, phương pháp và cách thức quản lý sao cho phù hợp với thực tế của Viện.

Thứ ba, trong mấy năm trở lại đây, Viện Hàn lâm nhận được sự quan tâm và đầu tư về cơ sở vật chất, đặc biệt là những dự án nâng cao năng lực nghiên cứu, trong đó chủ yếu đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm của các đơn vị nghiên cứu. Cơ sở vật chất được nâng lên tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu có đủ trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu. Từ đó có thể nâng cao chất lượng các sản phẩm khoa học.

Thứ tư, nhận thức về tầm quan trọng của quản lý hoạt động nghiên cứu của đối tượng nghiên cứu mà cụ thể là các nhà khoa học ngày càng được nâng cao. Từ việc xác định được tầm quan trọng đó, các nhà khoa học có trách nhiệm hơn trong hoạt động nghiên cứu của mình để làm sao tạo ra các sản phẩm khoa học chất lượng sẵn sàng ứng dụng vào đời sống.

Thứ năm, nguồn nhân lực làm công tác quản lý cũng như nghiên cứu khoa học của Viện là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là một điểm mạnh và thuận lợi mà không ít cơ quan, đơn vị nghiên cứu có được. Tuy nhiên, để giữ chân được đội ngũ này là cả một thách thức lớn đặt ra đối với lãnh đạo Viện Hàn lâm.

3.2. Nguyên nhân của hạn chế

Thứ nhất, nhận thức về vai trò, sự cần thiết phải quản lý hoạt động NCKH của một số cán bộ quản lý còn chưa đầy đủ. Vẫn còn tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý một lúc phụ trách quá nhiều việc, do đó sự lãnh đạo, quản lý của các cấp có lúc chưa kịp thời và hiệu quả.

Thứ hai, cơ chế chính sách và ngân sách của nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ còn hạn chế, do đó về cơ bản thu nhập cho cán bộ nghiên cứu làm việc trong Viện còn thấp chưa tương xứng với khả năng và đáp ứng được nhu cầu thực tế. Điều đó dẫn đến việc người trẻ có tài thường tìm đến những công ty có thu nhập cao, môi trường cũng như điều kiện làm việc tốt để phát huy khả năng của mình.

Thứ ba, đầu tư cho khoa học công nghệ còn chưa đúng mức để tạo bước đột phá trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Mức đầu tư cho KH&CN còn thấp. Việc cấp kinh khí không đúng tiến độ dẫn đến nhiều đề tài, dự án phải kéo dài thời gian thực hiện.

Thứ tư, cấp quản lý chưa thật sự đầu tư để tạo ra được đường dây liên kết giữa doanh nghiệp và khoa học. Vì chỉ có doanh nghiệp mới có khả năng đưa kết quả khoa học vào cuộc sống. Việc gắn kết nhà khoa học với doanh nghiệp mặc dù đã Viện quan tâm, tuy nhiên chưa thực sự đột phá và vẫn còn khoảng cách không nhỏ giữa nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và tư duy nghiên cứu của các nhà khoa học.

4. Một số giải pháp tăng cường quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến năm 2025

Trên cơ sở thực tiễn hoạt động NCKH của Viện Hàn lâm KHCNVN, tác giả bài viết đề xuất 6 giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động NCKH. Các giải pháp này có liên quan, trực tiếp hỗ trợ nhau thúc đẩy hoạt động NCKH và quản lý hoạt động NCKH tại Viện theo những nguyên tắc đảm bảo tính mục tiêu, tính hiệu quả, tính thực tiễn và tính khả thi.

4.1. Nâng cao nhận thức cho các chủ thể quản lý và đối tượng quản lý về tầm quan trọng của quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm KHCNVN

Mục đích của việc nâng cao nhận thức cho chủ thể quản lý và đối tượng quản lý về tầm quan trọng của quản lý hoạt động NCKH của Viện nhằm một mặt giúp cho chủ thể quản lý có nhận thức đúng đắn nhất về hoạt động mà mình đang thực hiện, để từ đó có phương pháp quản lý phù hợp và đúng đắn nhất. Mặt khác, đối với đối tượng quản lý khi đã nhận thức rõ về điều này thì tình yêu đối với nghiên cứu khoa học sẽ phát triển, đồng thời sẽ là động lực  để các nhà nghiên cứu tìm tòi và sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu của mình.

4.2. Hoàn thiện quy trình, quy chế, chế độ, chính sách quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học

Trong công tác quản lý hoạt động NCKH các văn bản pháp quy về quy trình, quy chế, chế độ, chính sách đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trên cơ sở pháp lý của các văn bản pháp quy, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Lãnh đạo Viện Hàn lâm có định hướng xây dựng quy trình, quy chế, chế độ, chính sách quản lý hoạt động NCKH một cách có hiệu quả nhất. Đây chính là một trong những tiêu chí để đánh giḠthể chế hóa nhiệm vụ NCKH, nâng cao chất lượng NCKH của Viện. Trong đó, quan trọng nhất là hoàn thiện quy trình quản lý hoạt động NCKH và hoàn thiện quy chế, chế độ chính sách trong quản lý hoạt động NCKH.         

4.3. Đổi mới nội dung, phương thức quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học

Đổi mới nội dung và phương thức quản lý hoạt động NCKH giúp cán bộ quản lý dễ dàng thực hiện đúng trọng tâm chiến lược đã đề ra của Viện, tránh chồng chéo trong quá trình chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ nghiên cứu dễ dàng theo dõi và thực hiện theo đúng quy trình đã đề ra. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm quản lý của các cán bộ quản lý cấp cơ sở. Đặc thù của các nhà khoa học là làm nhiều hơn nói. Do vậy, cần tổ chức các hoạt động trên để vừa nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của quản lý hoạt động NCKH và hoạt động nghiên cứu, vừa để các nhà khoa học giao lưu, trao đổi, có những phối hợp trong quá trình nghiên cứu. Qua mỗi buổi trao đổi, nhà quản lý sẽ nắm được những vướng mắc, khó khăn, để từ đó điều chỉnh nội dung và phương thức quản lý sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.

4.4. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động nghiên cứu khoa học của các đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài

Nội dung của kiểm tra, đánh giá ở đây là kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai, thực hiện, sản phẩm kết quả hoạt động NCKH của đối tượng quản lý (cán bộ nghiên cứu) theo những tiêu chí đã xây dựng. Bộ tiêu chí này phải được xây dựng trên cơ sở phù hợp với nội dung, nhiệm vụ NCKH của từng đối tượng. Chủ thể quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học tại Viện Hàn lâm cần phải làm tốt 5 vấn đề sau: lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá; xây dựng các tiêu chí  kiểm  tra, đánh giá kết quả hoạt động NCKH của Viện; thành lập hội đồng, tổ kiểm tra, đánh giá hoạt động NCKH phải là các thành phần, nhà khoa học có liên quan trong Viện, mỗi cán bộ thực hiện nhiệm vụ phải cam kết thực hiện đảm bảo chính xác, khách quan, minh bạch, có thể tư vấn được cho các chủ trì đề tài, dự án… đồng thời phải báo cáo đúng kết quả và tiến độ thực hiện; cần tiến hành thực hiện bồi dưỡng về trình độ chuyên môn và  nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá cho từng thành viên có liên quan đến công tác  kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động NCKH; thực hiện quá trình kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động NCKH của Viện cần phải có sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; việc kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên theo kế hoạch. Ngoài ra, đối với những dự án, đề tài trọng điểm khi cần tiến hành kiểm tra đột xuất nắm được tiến độ cũng như chất lượng công việc để có những chỉ đạo, xử lý kịp thời khi cần.

4.5. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học

Trong thời đại công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý là cần thiết nhất là trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhắc đến công nghệ thông tin, người ta thường nghĩ ngay đến đó là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động NCKH của Viện là một trong những giải pháp hàng đầu để tăng cường hiệu quả quản lý. Do đó, Viện cần phải chú trọng những điểm sau: Đổi mới và nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng CNTT của đội ngũ quản lý hoạt động NCKH; tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng CNTT; Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường quản lý về ứng dụng CNTT; Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động ứng dụng CNTT; tăng cường ngân sách đầu tư cho CNTT một cách dài hạn; tiếp tục xây dựng, nâng cấp trang website của Viện với mục đích giúp cho công tác quản lý, tuyên truyền và lưu trữ tư liệu góp phần vào việc đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

4.6. Tạo lập môi trường tự do tư tưởng, tự do sáng tạo và phát triển tư duy phản biện trong nghiên cứu khoa học

Một trong những vấn đề các nhà khoa học quan tâm nhất hiện nay chính là việc thiếu các chính sách đãi ngộ gắn với chăm lo, bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức. Không nên quan niệm đãi ngộ giới trí thức giống như các cơ chế, chính sách với người có công hay đối tượng chính sách. Trước khi nghĩ đến đãi ngộ về vật chất, cần tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để nhà khoa học được sáng tạo, cống hiến tài năng, tâm huyết cho đất nước. Trên cơ sở đó, xây dựng cơ chế chính sách để nhà khoa học được hưởng thành quả từ lao động sáng tạo, tương xứng với giá trị đóng góp của họ. Khi những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày được đảm bảo thì tư tưởng sẽ thoải mái, các nhà khoa học chắc chắn sẽ toàn tâm cho nghiên cứu khoa học. Khi đó, chất lượng các sản phẩm khoa học sẽ được nâng cao.

5. Kết luận

Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về quản lý hoạt động NCKH tại Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong 5 năm (2015 - 2019) có thể rút ra một số kết luận chính sau:

1. Trong 5 năm qua (2015 - 2019), hoạt động NCKH của Viện Hàn lâm KHCNVN đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, lượng bài báo quốc tế tăng đáng kể, nhiều sản phẩm của hoạt động NCKH đã đi vào cuộc sống, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó không ít công trình nghiên cứu đã được khu vực và thế giới thừa nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, công tác quản lý hoạt động NCKH của Viện vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là vấn đề nhận thức về vai trò, sự cần thiết của quản lý hoạt động NCKH; cơ chế chính sách của nhà nước đầu tư cho NCKH còn hạn chế; đầu tư cho KHCN chưa đúng mức để tạo ra đột phá; cấp quản lý chưa thật sự quan tâm, đầu tư để tạo liên kết giữa khoa học và doanh nghiệp.

2. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, Viện Hàn lâm KHCNVN phải thực hiện đồng bộ những giải pháp, trong đó cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu, như: Nâng cao nhận thức cho các chủ thể quản lý và đối tượng quản lý về tầm quan trọng của quản lý hoạt động NCKH; Hoàn thiện quy trình, quy chế, chế độ, chính sách quản lý hoạt động NCKH; Đổi mới nội dung, phương thức quản lý hoạt động NCKH; Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động NCKH của các đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài; Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động NCKH; Tạo lập môi trường tự do tư tưởng, tự do sáng tạo và phát triển tư duy phản biện trong NCKH.

Các giải pháp này cần được thực hiện trong thống nhất biện chứng, tác động lẫn nhau, giải pháp này tạo điều kiện cho giải pháp kia và ngược lại, vì thế không thể xem nhẹ giải pháp nào.

Những kết quả nghiên cứu này được trích từ Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Văn hóa - Giáo dục - Khoa học của học viên Lê Sỹ Tùng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nhật Anh (2018) - Đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ - Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân.
  2. Chu Ngọc Anh (2019) - Khoa học và Công nghệ Việt Nam - 60 năm xây dựng và phát triển - Bộ Công Thương Việt Nam.
  3. Báo cáo tổng kết công tác năm 2015 và kế hoạch 2016 của Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam.
  4. Báo cáo tổng kết công tác năm 2016 và kế hoạch 2017 của Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam;
  5. 5. Báo cáo tổng kết công tác năm 2017 và kế hoạch 2018 của Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam.
  6. 6. Báo cáo tổng kết công tác năm 2018 và kế hoạch 2019 của Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam.
  7. 7. Báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và kế hoạch 2020 của Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam.
  8. Báo cáo thường niên 2015 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
  9. Báo cáo thường niên 2016 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam;
  10. Báo cáo thường niên 2017 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
  11. Báo cáo thường niên 2018 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
  12. Báo cáo thường niên 2019 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
  13. Hồ Tú Bảo (2016), Đổi mới để khoa học và công nghệ là then chốt trong sự phát triển của đất nước - Tạp chí khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội.
  14. Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, Nghị Quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Tổng Bí thư.
  15. Bộ Khoa học  và  Công  nghệ  (1997), Quản lý khoa học và công nghệ. NXB Khoa học và Kỹ thuật.
  16. Bộ Khoa học - Công nghệ và môi trường (2008), Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2020, Hà Nội tháng 10/2008.
  17. Bộ Khoa học và Công nghệ (2011), Kỷ yếu hội thảo "Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ", Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
  18. Nguyễn Đăng Dậu, Nguyễn Xuân Tài (2013), Giáo trình quản lý công nghệ, Nhà xuất bản Thống kê, Đại học Kinh tế quốc dân.
  19. Trần Thị Anh Đào (chủ biên), Quản lý Giáo dục và Khoa học, Nhà xuất bản Chính trị Hành chính, 2011.
  20. Lê Xuân Định (chủ biên), Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2015, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2016.
  21. Lê Xuân Định (chủ biên), Khoa học và Công nghệ thế giới - Tri thức cho phát triển, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2015.
  22. Minh Đường (2008), Khoa học và công nghệ đang thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, Tạp chí Cộng sản số 14/2008.
  23. Trần Hải (2019), Tạo đột phá chiến lược trong phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam - Báo Điện tử Nhân dân.
  24. Hà Thị Bích Hòa (2011), Giáo trình: Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa, NXB Chính trị Hành chính, 2011.
  25. Nguyễn Hùng (2019) - Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững - Báo Điện tử Dân trí.
  26. Phan Huy Kỳ (2018), Nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo – Nhiệm vụ trọng yếu của một cơ sở đào tạo đại học và sau đại học – Tạp chí Lý luận Chính trị và Truyền thông, số 5/2018
  27. Châu Văn Minh (2014), Phát triển khoa học và công nghệ ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam qua gần 30 năm đổi mới, Tạp chí Cộng sản.
  28. Châu Văn Minh (2018), Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ, nhằm phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tạp chí Cộng sản.
  29. Quỳnh Nga (2019), Đổi mới cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ: Động lực phát triển, Báo Công thương Điện tử.
  30. Quốc hội (2013), Luật số: 29/2013/QH13 Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013.
  31. Chu Chí Thắng, 2002. Hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực KH&CN sau đại học. Tạp chí hoạt động khoa học, số 20, trang 15.
  32. Đào Thị Ái Thi, Phân tích Chính sách khoa học và công nghệ: Triển vọng và thách thức
  33. Trần Bá Thọ (2019), Đánh giá vai trò của khoa học - công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Tạp chí Tài Chính, Bộ Tài chính.
  34. Thủ tướng Chính phủ (2004), Quyết định số 171/2004/QĐ- TTg, Phê duyệt đề án đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ.
  35. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 418/QĐ-TTg, Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020.
  36. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 2133/QĐ-TTg, Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
  37. Phạm Huy Tiến (2004) - Giáo trình: Tổ chức khoa học và Công nghệ, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQGHN, 2004.
  38. Trường Nghiệp vụ quản lý - Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (2000), Quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và môi trường, Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
  39. Đào Thanh Trường, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về hệ thống khoa học và công nghệ và đổi mới/sáng tạo ở Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, Tạp chí Chính sách và Quản lý khoa học và công nghệ.
  40. Ngô Thanh Tứ, Cơ hội và Thách Thức của khoa học và công nghệ Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, Trang thông tin điện tử Đại học Văn Lang.
  41. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 ngày 02/11/2016.
  42. Nguyễn Bảo Vệ, Nguyễn Huy Tài (2005), Vấn đề nghiên cứu khoa học, Tạp chí hoạt động khoa học.
  43. www.most.gov.vn
  44. www.vast.ac.vn

Solutions for strengthening the scientific research management of Vietnam Academy of Science and Technology by 2025: From experience in the period from 2015 to 2019

Master. Le Sy Tung

Vietnam Academy of Science and Technology  

Abstract:

Scientific research plays an important role in economic development and it is the driving force and foundation for development. Vietnam Academy of Science and Technology is the leading natural scientific research organization in Vietnam. In the past 5 years (2015 - 2019), Vietnam Academy of Science and Technology have achieved many remarkable scientific research achievements. For example, the academy’s number of international articles had increased significantly, and scientific researches had produced many products contributing to the country’s socio-economic development. Based on the experience and lessons learnt in the scientific research management of Vietnam Academy of Science and Technology in the period from 2015 to 2019, this paper proposes 6 solutions for strengthening the scientific research management of Vietnam Academy of Science and Technology by 2025.

Keywords: scientific research management, strengthening the scientific research management, Vietnam Academy of Science and Technology.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 4 năm 2022]