Giải pháp tăng cường kiểm toán môi trường để phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay

ThS. NGUYỄN THỊ THỦY (Trường Đại học Nha Trang)

TÓM TẮT:

Tăng cường kiểm toán môi trường (KTMT) vì mục tiêu phát triển bền vững hiện là vấn đề toàn cầu, được các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm. Ở Việt Nam, những năm qua hoạt động KTMT đã được triển khai đồng bộ, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hoạt động này đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển bền vững (PTBV). Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở hệ thống một số vấn đề cơ bản về KTMT; chỉ rõ thực trạng KTMT ở Việt Nam; tác giả đề xuất một số giải pháp tăng cường KTMT vì mục tiêu PTBV ở Việt Nam thời gian tới.

Từ khóa: Kiểm toán môi trường, môi trường, phát triển bền vững, kế toán, kiểm toán.

1. Nhận thức chung về kiểm toán môi trường

KTMT có nguồn gốc từ khu vực Bắc Mỹ vào những năm 70 của thế kỷ XX, khi nền công nghiệp và kinh tế thế giới phát triển mạnh mẽ, kéo theo sự xuất hiện của các loại chất thải, nước thải, khí thải độc hại, làm ảnh hưởng xấu tới môi trường. Ô nhiễm môi trường lan rộng và trở nên nghiêm trọng đòi hỏi phải có các công cụ luật pháp, kinh tế nhằm quản lý tốt môi trường và bắt buộc các tổ chức, nhà máy, cơ sở sản xuất phải tuân theo. Trong bối cảnh đó, KTMT ra đời và trở thành một công cụ quản lý sắc bén và hiệu quả. KTMT thực sự phát triển mạnh vào những năm 80 của thế kỷ XX ở các nước Bắc Mỹ và Châu Âu, sau đó được thực hiện rộng rãi trên quy mô toàn cầu. Ngày nay, các vần đề môi trường ngày càng trở nên phức tạp, mang tính chất toàn cầu, càng có nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng KTMT như một công cụ hữu hiệu để bảo vệ môi trường.

Trên thế giới hiện có rất nhiều các khái niệm khác nhau về KTMT. Theo Viện Thương mại Quốc tế (International Chamber of Commerce): “KTMT là một công cụ quản lý bao gồm sự ghi chép một cách khách quan, công khai công tác tổ chức môi trường, sự vận hành các thiết bị, cơ sở vật chất với mục đích quản lý môi trường bằng cách trợ giúp quản lý, kiểm soát các hoạt động và đánh giá sự tuân thủ các chính sách của công ty bao gồm sự tuân thủ theo các tiêu chuẩn môi trường” [5]. Trong Bộ ISO 14000, KTMT được định nghĩa là: “Một quá trình thẩm tra có hệ thống và được ghi thành văn bản, bao gồm việc thu thập và đánh giá một cách khách quan các bằng chứng nhằm xác định những hoạt động, sự kiện, hệ thống quản lý liên quan đến môi trường hay các thông tin về những kết quả của quá trình này cho khách hàng” [6]. Ở nước ta, KTMT được hiểu là: “Công cụ quản lý bao gồm một quá trình đánh giá có tính hệ thống, định kỳ và khách quan được văn bản hóa về việc làm thế nào để thực hiện tổ chức môi trường, quản lý môi trường và trang thiết bị môi trường hoạt động tốt” [3].

Mặc dù có nhiều cách định nghĩa, song KTMT được hiểu thống nhất là một công cụ quản lý nhằm kiểm tra, đánh giá tính hiệu quả mức độ phù hợp của các nỗ lực bảo vệ môi trường hay các hệ thống quản lý môi trường của các nhà máy, doanh nghiệp địa phương. Theo Tổ chức Kiểm định các Tổ chức Kiểm toán tối cao quốc tế (INTOSAI), KTMT không khác biệt đáng kể so với kiểm toán thông thường được thực hiện bởi các tổ chức kiểm toán tối cao (SAI). KTMT có thể bao gồm tất cả các loại kiểm toán: kiểm toán tài chính, tuân thủ và hoạt động. Mục tiêu cụ thể của KTMT được xác định theo từng loại hình kiểm toán. Đối với kiểm toán tuân thủ, KTMT kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, các quy định về bảo vệ môi trường; đối với kiểm toán báo cáo tài chính, KTMT kiểm tra và xác nhận các báo cáo tài chính, các khoản kinh phí cho hoạt động môi trường. Đối với kiểm toán hoạt động, KTMT đánh giá tính chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và kinh tế của các chính sách, chương trình, dự án phục vụ cho việc bảo vệ môi trường.

2. Thực trạng kiểm toán môi trường ở Việt Nam thời gian qua

Thời gian qua, Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để tăng cường KTMT nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế.

Về nhận thức và hành lang pháp lý: Kể từ khi Việt Nam ban hành Luật Môi trường lần đầu vào năm 1993 và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vào năm 2005, công tác quản lý và bảo vệ môi trường đã có những bước tiến đáng kể, đặc biệt là nhận thức của cộng đồng xã hội, vì cộng đồng doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường sống, môi trường làm việc và môi trường kinh doanh. Thực tế là có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức đang hướng tới một quy trình sản xuất kinh doanh hoặc cung ứng dịch vụ theo tiêu chuẩn “xanh, sạch”, thân thiện với môi trường và phù hợp với chiến lược PTBV. Công tác quản lý và bảo vệ môi trường được xã hội hóa với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân như các tổ chức bảo vệ môi trường, thanh tra môi trường, cảnh sát môi trường…

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2014 của Việt Nam, KTMT là công cụ quản lý sắc bén, hiệu quả, giúp các doanh nghiệp nhận thức rõ những vấn đề môi trường đang xảy ra là rất nghiêm trọng. Trên cơ sở đó, đề ra các biện pháp ngăn ngừa và cải thiện môi trường một cách hiệu quả. Trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV, KTMT là một nội dung quan trọng và mang tính đột phá trong Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030. Đặc biệt, thực hiện tuyên bố Hà Nội tại Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 và đặc biệt với cương vị là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm đi đầu trong việc định hướng phát triển KTMT lên tầm cao mới.

Về hoạt động cụ thể: Từ năm 2008, Kiểm toán Nhà nước đã quyết định thành lập Nhóm công tác về KTMT, đưa nội dung về KTMT vào kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020. Từ năm 2015 trở lại đây, Kiểm toán Nhà nước đã từng bước thực hiện các cuộc KTMT dưới hình thức kiểm toán hoạt động, như về kiểm toán hoạt động quản lý và xử lý nước thải, chất thải các khu công nghiệp, quản lý môi trường của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, tỉnh Bình Thuận; quản lý và xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội; về quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và Quỹ Bảo vệ môi trường; về việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải; về các biện pháp giảm sử dụng túi ni lông và quản lý nhập khẩu phế liệu…

Kể từ năm 2017, khi Việt Nam ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV của Liên hợp quốc”, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành các cuộc kiểm toán hoạt động và KTMT có chủ đề liên quan đến một hoặc nhiều mục tiêu PTBV (SDGs) của Liên hợp quốc. Qua đó, đã đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý môi trường, chỉ rõ lỗ hổng trong hệ thống pháp luật để kiến nghị kịp thời với các cơ quan liên quan sửa đổi, ban hành mới hàng chục văn bản pháp luật liên quan Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư công, Luật Tài nguyên nước. Dự kiến, trong năm 2021, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện cuộc kiểm toán “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện mục tiêu PTBV” với 6 cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) các nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những biến chuyển bước đầu, KTMT ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. KTMT chưa được triển khai một cách chính thức và mạnh mẽ, một số ít cuộc kiểm toán được lồng ghép nội dung, yếu tố môi trường trong các cuộc kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ, mà hầu như chưa có nhiều cuộc kiểm toán hoạt động môi trường độc lập. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu sơ sài nên chưa phục vụ tốt cho công tác kiểm toán. Năng lực KTMT của Kiểm toán Nhà nước còn hạn chế cả về đội ngũ, kiến thức, kinh nghiệm kiểm toán cũng như trong công tác tổ chức thực hiện.

KTMT chưa đạt được kỳ vọng của người dân và xã hội khi kiểm toán vẫn thiên về việc đánh giá tính hiệu lực và tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, mà chưa đưa ra được cảnh báo về ô nhiễm môi trường, chưa đánh giá tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế, xã hội người dân… Vấn đề môi trường hiện đang được đánh giá là một trong những vấn đề “nóng” tại Việt Nam và bài toán về phát triển kinh tế nhanh nhưng đảm bảo bền vững được Quốc hội, Chính phủ cũng như người dân đặc biệt chú ý.

3. Mục tiêu phát triển bền vững và giải pháp tăng cường kiểm toán môi trường ở Việt Nam thời gian tới

PTBV là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta và là vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội. Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam (2004); Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 (2012); Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV với 17 mục tiêu PTBV và 115 mục tiêu cụ thể đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường. Cụ thể là: 1) Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; 2) Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; 3) Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; 4) Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; 5) Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; 6) Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người; 7) Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người; 8) Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; 9) Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới; 10) Giảm bất bình đẳng trong xã hội; 11) Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng; 12) Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững; 13) Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; 14) Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để PTBV; 15) Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất; 16) Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự PTBV, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp; 17) Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự PTBV [4]. Để hoàn thành các mục tiêu trên, cần tăng cường KTMT bằng những giải pháp cụ thể:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về KTMT. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về hoạt động này. Thực tiễn cho thấy, khi các doanh nghiệp thực hiện KTMT thì hiệu quả kinh doanh ngày càng tăng, nên tạo động lực cho tất cả các doanh nghiệp khác áp dụng KTMT. Vì vậy, các cơ quan chức năng của Chính phủ liên quan đến vấn đề môi trường và kế toán, ban hành những chuẩn mực về KTMT, nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và đảm bảo sự thống nhất quản lý về KTMT.

Hai là, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động KTMT. Đây là biện pháp quan trọng, bởi muốn áp dụng KTMT trong nền kinh tế đòi hỏi phải có hệ thống các chính sách, pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý về KTMT phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Chính phủ liên quan đến vấn đề môi trường và kế toán, các tổ chức bảo vệ môi trường, các hội nghề nghiệp, như: Hội kế toán, ủy ban bảo vệ môi trường,... Đồng thời, cần sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế,…

Ba là, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ KTMT đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu chuyên môn và cơ cấu ngành hợp lý. Trong đó, chú trọng đào tạo đội ngũ kiểm toán viên KTMT thông qua các hình thức mời chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm; cử cán bộ tham gia các khóa học tại nước ngoài, tìm kiếm các dự án tài trợ cho phát triển KTMT. Cùng với đó, phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và phát triển khoa học - công nghệ thông tin phục vụ cho nội dung KTMT.

Bốn là, đẩy mạnh hoạt động KTMT trên cả nước, trong các lĩnh vực, đặc biệt tăng cường kiểm toán hoạt động để đánh giá một cách toàn diện công tác quản lý, sử dụng nguồn lực, trách nhiệm quản lý trong công tác bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đạt được các mục tiêu PTBV. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và đánh giá chất lượng các nội dung về KTMT nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả của KTMT.

 Năm làm, mở rộng hợp tác quốc tế về KTMT. Bởi đây không chỉ là một lĩnh vực mới mà còn là lĩnh vực có liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới, đặc biệt là các vấn đề về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Do đó, các cơ quan chức năng cần triển khai nhiều giải pháp về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KTMT để vừa học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, vừa phối hợp thực hiện các mục tiêu kiểm toán chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thúy Hằng (2019), “Phát triển kiểm toán môi trường tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế”, Tạp chí Tài chính điện tử, ngày 04/2/2019.
  2. Nguyễn Tuấn Trung (2008), “Kiểm toán môi trường và những thách thức đặt ra đối với Kiểm toán Nhà nước Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán,  số 07, tr.19-23.
  3. Cao Trường Sơn, Nguyễn Thị Hương Giang (2019), “Tổng quan chung về kiểm toán môi trường: Lý thuyết và thực tiễn”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Thái Nguyên, số 209 (16), tr.157-164.
  4. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/05/2017 Về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Hà Nội.
  5. ICC. (1998). Environmental Auditing. Đơn vị phát hành.
  6. International ISO (1996). ISO 14010:1996 - Guidelines for environmental auditing - General principles.

 

SOLUTIONS TO ENHANCE ENVIRONMENTAL AUDITS TO PROMOTE THE SUSTAINABLE DEVELOPMENT IN VIETNAM

Master. NGUYEN THI THUY

Nha Trang University

ABSTRACT:

In order to promote the sustainable development, strengthening environmental audits is a concerned issue of many countries. In Vietnam, environmental audits have been conducted synchronously, achieving many encouraging results. However, environmental audits in Vietnam are facing many difficulties and obstacles. Vietnam is facing big challenges in terms of environmental pollution and climate change, affecting the country’s goal of sustainable development. This article presents the fundamentals of environmental audits and the current situation of environmental audits in Vietnam. The article also proposes some solutions to promote environmental audits in Vietnam in the near future.

Keywords: Environmental audit, environment, sustainable development, accounting, auditing.