Giải pháp tăng cường tiêu thụ than cho Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam: Góc nhìn từ chuỗi cung ứng

NGUYỄN THỊ HƯỜNG (Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội)

TÓM TẮT:

Tại thời điểm cuối năm 2016, toàn ngành Than vẫn còn tồn 10,2 triệu tấn, vượt định mức 2 triệu tấn. Tính đến hết quý I/2017, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) còn tồn kho 9,3 triệu tấn than. Việc tăng cường khả năng tiêu thụ là hết sức cấp thiết với TKV hiện nay để giải quyết lượng than tồn kho, gây ứ đọng vốn, có thể dẫn đến việc mất cân bằng tài chính của cả Tập đoàn. Đứng từ góc độ của chuỗi cung ứng và các nghiên cứu trước đó của tác giả, tác giả đưa ra một số giải pháp, như: tận dụng dòng thông tin trong chuỗi cung ứng, tăng tiêu thụ ở các hộ tiêu thụ lẻ, tăng hiệu quả của các công ty kho vận và sàng tuyển để có thể tăng cường việc tiêu thụ than, góp phần giảm tồn kho ở thời điểm hiện tại và tăng khả năng cạnh tranh của TKV trong tương lai.

Từ khóa: Tiêu thụ than, chuỗi cung ứng, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.

1. Giới thiệu

Năm 2016, là năm thứ 4 liên tiếp TKV gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ than, với sự sụt giảm mạnh cả về nhu cầu than và giá than trên cả thị trường thế giới và trong nước. Nếu xét về giá thì tại thời điểm hiện tại giá than đã giảm một nửa so với năm 2011.

Trong năm 2016, tính đến tháng 9, tồn kho than đã ở mức 12 triệu tấn (kể cả số than tồn kho tại Tổng công ty Đông Bắc), vượt so với định mức 3 triệu tấn. Tại thời điểm cuối năm 2016 toàn ngành than vẫn còn tồn 10,2 triệu tấn, vượt định mức 2 triệu tấn. Theo báo cáo sơ kết quý I, vừa được công bố ngày 10/4 tại Hội nghị sơ kết quý 1/2017, của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) có chỉ ra lượng than tồn kho thành phẩm vẫn còn 9,3 triệu tấn [3].

Việc tiêu thụ gặp khó khăn được TKV lý giải do một số hộ sản xuất đạm gặp khó khăn về thị trường, một vài nhà máy điện gặp sự cố dẫn đến tiêu thụ giảm, nhiều nhà máy ximăng trong nước quay ra nhập khẩu than 100% [5]... Việc tăng cường khả năng tiêu thụ là hết sức cấp thiết với TKV hiện nay để giải quyết lượng than tồn đọng gây ứ đọng vốn, có thể dẫn đến việc mất cân bằng tài chính của cả TKV.

Đứng từ góc độ của chuỗi cung ứng và các nghiên cứu trước đó của tác giả, tác giả đưa ra một số giải pháp để có thể tăng cường việc tiêu thụ than góp phần giảm tồn kho ở thời điểm hiện tại và tăng khả năng cạnh tranh của TKV trong tương lai.

2. Chuỗi cung ứng than của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam

Chuỗi cung ứng than của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam được minh họa như Hình 1.

Hình 1: Chuỗi cung ứng than của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam

Các doanh nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản để cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu có thể là đầu chuỗi cung ứng, tuy nhiên do tính liên quan đến sản phẩm than không nhiều, nên tác giả không đưa vào trong chuỗi cung ứng. Do đó, đầu chuỗi cung ứng là các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, hoặc các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu trong nước. Các doanh nghiệp này cung cấp tất các các nguyên nhiên, vật liệu, động lực,… đầu vào cho doanh nghiệp khai thác than, đảm bảo cho doanh nghiệp khai thác than có thể hoạt động sản xuất thường xuyên, liên tục.

Các doanh nghiệp khai thác than là khâu tiếp theo và cũng là khâu quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng sản phẩm than, vì đây là khâu tạo ra sản phẩm mang lại giá trị chính cho toàn chuỗi cung ứng.

Than từ các doanh nghiệp khai thác than được chuyển sang cho doanh nghiệp sàng tuyển để chế biến, sàng tuyển than theo nhu cầu của thị trường rồi chuyển sang cho các công ty kho vận chuẩn bị tiêu thụ. Trong một số trường hợp, than từ các doanh nghiệp khai thác được chuyển thẳng sang cho các công ty kho vận mà không cần sàng tuyển để tiêu thụ trực tiếp.

Các công ty kho vận là đơn vị được Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam giao nhiệm vụ nhận than từ các doanh nghiệp khai thác than và các doanh nghiệp sàng tuyển sau đó giao đến các hộ tiêu thụ. Từng công ty kho vận được quy định phân chia khu vực nhận và giao than cụ thể.

Các khách hàng tiêu thụ than phải ký hợp đồng với các công ty kinh doanh than thuộc Tập đoàn. Từ đó, các công ty kho vận sẽ xuất hàng cho các doanh nghiệp tiêu thụ than để xuất bán cho khách hàng. Các công ty kinh doanh than cũng được quy định cụ thể về khu vực kinh doanh để tránh tình trạng cạnh tranh, đẩy giá than không theo quy định,...

Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng than hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), hoạt động theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của TKV.

Chuỗi cung ứng của Tổng công ty Đông Bắc cũng dựa trên nguyên lý hoạt động như trên.

3. Thực trạng hoạt động tiêu thụ than từ góc nhìn của chuỗi cung ứng [2]

3.1. Chất lượng dịch vụ khách hàng chưa cao

Do đặc điểm kinh doanh của ngành Than mang tính chất độc quyền, do đó chất lượng dịch vụ khách hàng còn chưa cao. Các công ty kho vận có vị thế cao hơn so với các hộ tiêu thụ, đặc biệt là hộ tiêu thụ lẻ. Do đó, các công ty kho vận chưa chú trọng đến dịch vụ khách hàng trong thời gian qua.

Mặt khác, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến khách hàng lẻ hạn chế mua than của các công ty kho vận là khâu trung gian nhiều làm giá thành than tăng cao khi tới được tay người tiêu dùng. Các khâu trung gian này là do quy chế quản lý tiêu thụ của Vinacomin để tăng tính quản lý, tránh thất thoát than. Tuy vậy, do thông tin về chỉ tiêu của các chủng loại than tại các kho cảng là không minh bạch nên các trung gian thừa cơ để tăng các loại phí khi mua than. Đặc biệt là than bùn, giá thành than khi đến tay người tiêu dùng bị tăng gần 40% - 50% so với giá thành than tại các công ty kho vận. Do đó, trong giai đoạn hiện nay, rất nhiều hộ tiêu thụ chuyển sang mua than từ các nguồn than không chính thống, không qua các công ty kho vận vì có giá thành rẻ hơn, ít các khoản phụ phí. Tuy nhiên, khi mua than của các đối tượng này, tỷ lệ hao hụt rất cao, khách hàng cũng chịu nhiều thiệt hại, nhưng vì giá bán than trong Tập đoàn cao hơn, nên họ vẫn chấp nhận.

3.2. Công tác điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng chưa được thực hiện tốt

Công tác điều tra, khảo sát, nhu cầu sử dụng than thực tế, hợp lý của khách hàng vẫn chưa được công ty quan tâm đúng mức. Việc điều tra chưa được tiến hành thường xuyên và bài bản. Do vậy, việc nắm nhu cầu sử dụng than của khách hàng hiện tại, nhu cầu phát sinh của khách hàng mới, đặc biệt là các khách hàng mua than qua các hộ kinh doanh thương mại lấy theo số khách hàng đăng ký mà không thẩm định lại nên nhu cầu cao hơn thực tế sử dụng. Hầu hết các hộ kinh doanh thương mại khi đăng ký mua than để kinh doanh đều xuất trình danh sách khách hàng sử dụng than. Tuy nhiên, kiểm tra danh sách khách hàng và thẩm định nhu cầu than của đơn vị này chưa được công ty quan tâm. Có hiện tượng công ty không kiểm soát được khối lượng than do các khách hàng thương mại bán ra.

Mặt khác, việc nắm bắt thị trường còn chưa chủ động. Các khách hàng thường phải tự tìm đến các công ty kho vận để mua than. Nhưng với sự mở cửa cho các doanh nghiệp được chủ động nhập than đáp ứng nhu cầu thì các công ty kho vận thuộc TKV cần phải có sự nhìn nhận lại về công tác làm thị trường này.

3.3. Sự trao đổi thông tin giữa các công ty kho vận và công ty khai thác than cũng như các công ty kinh doanh than khác chưa thực sự tốt

Thông tin về sản lượng than, chất lượng than được các công ty kho vận tiêu thụ chỉ được báo về cho các doanh nghiệp khai thác sau 1 tháng hoặc 1 quý. Do đó, từ năm 2012 đến nay có tình trạng bị tồn kho than rất nhiều, trong khi đó các doanh nghiệp khai thác than vẫn tiếp tục sản xuất theo kế hoạch được duyệt từ đầu năm. Tính đến hết quý I/2017, lượng than tồn của TKV là gần 10 triệu tấn than. Nếu sự trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp khai thác và kho vận được liên tục và thông tin này được xem xét kỹ hơn thì tình trạng trên sẽ giảm xuống đáng kể.

Còn thông tin trao đổi giữa các công ty kho vận và các công ty kinh doanh than lại ở mức hạn chế hơn. Khi các công ty kinh doanh than thực hiện một hợp đồng đã ký với khách hàng thì các công ty kinh doanh than này cần phải xem nơi nào có than đảm bảo chất lượng và số lượng như đã ký kết với khách hàng. Điều này làm mất nhiều thời gian để thực hiện đơn hàng do các công ty kinh doanh than phải trao đổi thông tin với các công ty kho vận nhiều lần qua văn bản. Nhiều khi khách hàng phải tự nắm được lượng than và loại than mình cần là ở doanh nghiệp khai thác nào, công ty kho vận nào và báo với các công ty kinh doanh than để các công ty kinh doanh than liên hệ. Điều này làm cho thời gian thực hiện hợp đồng kéo dài, gây lãng phí nhiều nguồn lực mà lại làm giảm giá trị của đơn hàng. Nếu các công ty kinh doanh than luôn có được các thông tin về sản phẩm than một cách nhanh chóng, dễ dàng sẽ làm cho thời gian thực hiện đơn hàng tăng lên, tăng giá trị hợp đồng,...

4. Đề xuất giải pháp tăng cường tiêu thụ than từ góc nhìn của chuỗi cung ứng

4.1. Tận dụng dòng thông tin

Hiện tại, dòng thông tin chưa được tận dụng đúng mức. Dòng thông tin chỉ mới được khai thác ở mức thông thường, như: với các hộ tiêu thụ thì chỉ mới có thông tin có những mặt hàng để bán nào, hàng đã sẵn sàng xuất hay chưa, khi nào có thể lấy hàng,... còn các công ty kho vận và sàng tuyển thì cũng chỉ nắm được thông tin về loại hàng, chất lượng hàng mà các hộ tiêu thụ cần.

Các thông tin sâu hơn của các hộ tiêu thụ như thời gian dự kiến cần nhập hàng, lượng hàng cần nhập, hay lượng hàng tồn kho,… thì chưa được quan tâm và cập nhật. Và ngược lại, các thông tin sâu hơn của các công ty kho vận và sàng tuyển như chất lượng và số lượng từng loại hàng hiện có trong kho hay sẵn sàng để bán thì cũng không được công khai để khách hàng chủ động trong đặt hàng. Điều này dẫn đến thời gian nhập hàng của các hộ tiêu thụ bị tăng lên, còn các công ty kho vận và sàng tuyển thì bị động khi cung cấp hàng cho các hộ tiêu thụ.

Giải pháp để tăng cường công tác tiêu thụ là tăng cường sử dụng và công khai các thông tin với các hộ tiêu thụ lớn. Các công ty kho vận và sàng tuyển kết hợp khai thác các thông tin sâu của các hộ tiêu thụ lớn sẽ luôn chủ động trong chuẩn bị lượng hàng, chất lượng hàng, trong tương lai sẽ đảm bảo cạnh tranh với các đơn vị nhập khẩu về thời gian giao hàng và còn giúp các hộ tiêu thụ lớn giảm tồn kho gây ứ đọng vốn. Ngược lại, các công ty kho vận và sàng tuyển công khai các thông tin về hàng trong kho của mình để các hộ tiêu thụ chủ động đặt hàng, lấy hàng, thuê tàu vận chuyển hay lên kế hoạch lưu kho, nhập hàng,…

Giải pháp này hoàn toàn có thể áp dụng ngay được mà không cần tốn kém nhiều chi phí hay công nghệ phức tạp vì các công ty kho vận hay sàng tuyển hiện nay đều có các trang web riêng, hệ thống máy tính kết nối mạng nội bộ và mạng internet. Các thông tin có thể mã hóa cho từng hộ tiêu thụ lớn và được cập nhật thường xuyên. Ngược lại, các công ty kho vận và sàng tuyển đàm phán với các hộ tiêu thụ này để có các thông tin về tình trạng tồn kho, mức tiêu hao ngày đêm, hay kế hoạch sản xuất của các hộ từ đó tính toán để xác định được thời điểm cần nhập hàng, chất lượng và số lượng hàng cần,… để có thể chủ động chuẩn bị chân hàng, tăng cường khả năng cạnh tranh trong tương lai.

4.2. Tăng cường tiêu thụ từ các hộ tiêu thụ nhỏ lẻ và các hộ kinh doanh than tư nhân

Các hộ tiêu thụ nhỏ có thể kể đến như các làng nghề, các hộ kinh doanh cá thể,... Các hộ này do các công ty kinh doanh than tư nhân cung cấp than hoặc nhập về. Trước đây, các công ty kinh doanh than tư nhân và các hộ tiêu thụ nhỏ lẻ này là những khách hàng trung thành của TKV. Nhưng hiện nay có nhiều lựa chọn công ty cung cấp than, nên các công ty kinh doanh than tư nhân và các hộ tiêu thụ nhỏ có xu hướng lấy than của những nguồn cung cấp với giá rẻ hơn so với giá của TKV.

Các hộ nhỏ lẻ dù lượng tiêu thụ ít nhưng lại rất nhiều hộ và mức độ tiêu thụ thường xuyên và liên tục, nên tính lượng hàng các công ty kinh doanh than tư nhân cũng như các hộ tiêu thụ nhỏ nhập về để bán và tiêu thụ là tương đối nhiều. Nếu các công ty kinh doanh than tư nhân này tiêu thụ than trở lại của TKV thì sẽ có một lượng than tương đối được tiêu thụ thêm, mặt khác, lại góp phần giảm tình trạng kinh doanh than trái phép, tránh thất thoát cho cả TKV và Nhà nước.

Do vậy, cần có sự quan tâm đúng mức để có thể thu hút trở lại các hộ tiêu thụ nhỏ lẻ và các công ty kinh doanh than tư nhân này. Giải pháp trước mắt là TKV hỗ trợ cho các công ty kinh doanh than tư nhân và các hộ tiêu thụ tự nhập hàng về chi phí vận tải, có mức chiết khấu hợp lý,… Giải pháp lâu dài là vừa kết hợp nghiên cứu thêm các biện pháp hỗ trợ cho các công ty kinh doanh và các hộ tiêu thụ nhỏ lẻ vừa kết hợp xử lý nghiêm với các đơn vị kinh doanh than trái phép.

4.3. Quan tâm hơn tới công tác thị trường

Với các Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ và Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, các doanh nghiệp được phép nhập khẩu than để phục vụ cho nhu cầu của mình nên từ năm 2016, đã có hơn 12 triệu tấn than được nhập về [4]. Hơn nữa, từ năm 2015, Tổng công ty Than Đông Bắc tách khỏi TKV. Do đó, TKV không còn là đơn vị duy nhất cung cấp than trong cả nước. Việc phải thay đổi phương thức kinh doanh độc quyền như hiện nay của TKV là phải thay đổi. Và để có thể tăng cường được công tác tiêu thụ than, giảm tồn kho than thì công tác nắm bắt thị trường và kinh doanh theo kinh tế thị trường là điều phải làm ngày.

TKV cần có liên hệ chặt chẽ với các công ty kinh doanh than, các công ty kinh doanh than tư nhân để nắm bắt nhu cầu thị trường; Nắm được không chỉ nhu cầu về số lượng, chất lượng mà cả các mong muốn của các hộ tiêu thụ; Chủ động tìm kiếm khách hàng, chào hàng mà không phải chỉ đợi khách hàng đến để bán.

4.4. Tăng cường hiệu quả của các doanh nghiệp sàng tuyển, kho vận

Muốn tăng cường tiêu thụ than thì than phải đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của các hộ tiêu thụ trong nước và các khách hàng nước ngoài trong trường hợp xuất khẩu. Nhưng trong hơn 9 triệu tấn than tồn kho có một phần không nhỏ là than có chất lượng tiêu chuẩn cơ sở. Đây là loại than ít được thị trường chấp nhận. Do đó, để có thể tiêu thụ được những loại than này cần phải phối trộn với than chất lượng tốt hơn thành than có thể được các hộ tiêu thụ chấp nhận. Các đơn vị sàng tuyển và kho vận sẽ thực hiện nhiệm vụ phối trộn các loại than.

Vì vậy, TKV cần có sự hỗ trợ các đơn vị này để các đơn vị này hoàn thành tốt nhiệm vụ với chi phí là thấp nhất, tránh tăng các chi phí không cần thiết, vừa không mang lại hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, vừa làm gia tăng gánh nặng cho toàn chuỗi cung ứng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Thị Hường, (2014), “Nhận diện và quản lý xung đột trong chuỗi cung ứng than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)”, Hội nghị Khoa học cấp trường lần thứ 21 - Trường Đại học Mỏ - Địa chất.

2. Nguyễn Thị Hoài Nga, Nguyễn Thị Hường, (2015), “Báo cáo "Study the model of vendor managed inventory to improve the effectiveness of coal supply chain of vietnam national coal - mineral industry holding corporation limited" EMMA 2015, 11/2015.

3. Viettimes.vn

4. Baomoi.com

5. Baoquangninh.com

SOLUTION TO INCREASE COAL CONSUMPTION FOR VIETNAM

NATIONAL COAL AND MINERAL INDUSTRIES HOLDING

CORPORATION LIMITED: VIEW FROM THE SUPPLY CHAIN

NGUYEN THI HUONG

Hanoi University of Mining and Geology

ABSTRACT:

By the end of 2016, the whole Vietnamese coal sector still has 10.2 million tons in stock, exceeding the stock norm level of 2 million tons. As of the end of the first quarter 2017, Vietnam National Coal and Mineral Industries Holding Corporation Limited (Vinacomin) still has 9.3 million tons of coal in stock. Increasing consumption capacity is very urgent with Vinacomin today to solve the problem of coal stockpiling, causing block funds, which can lead to financial imbalance of the whole corporation. From the perspective of the supply chain and the author's previous research, the author offers a number of solutions, such as: optimizing information flow in the supply chain, increasing consumption in retail households, increasing the efficiency of logistics and sorting. These solutions will increase coal consumption, reduce remaining inventory and boost the competitiveness of Vinacomin in the future.

Keywords: Coal consumption, supply chain, Vietnam National Coal and Mineral Industries Holding Corporation Limited.


Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây