Giải pháp tăng cường tín dụng ngân hàng phát triển kinh tế nông nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long

TS. LÊ PHAN THANH HÒA - TS. MAI BÌNH DƯƠNG (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Thiếu hụt vốn cho phát triển kinh tế nông nghiệp (KTNo) Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang là vấn đề cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn. Trong bối cảnh các nguồn vốn khác còn hạn chế, tín dụng ngân hàng (TDNH) vẫn là một trong những kênh quan trọng cung ứng vốn cho nông nghiệp, mặc dù còn những hạn chế cần được khắc phục. Bài viết đề xuất một số giải pháp tăng cường TDNH phát triển KTNo Vùng KTTĐ vùng ĐBSCL.

Từ khóa: Kinh tế nông nghiệp, tín dụng ngân hàng, vùng kinh tế trọng điểm, Đồng bằng sông Cửu Long.

1. Đặt vấn đề

ĐBSCL được chọn là nơi ưu tiên phát triển KTNo của Việt Nam bởi hàng năm vùng ĐBSCL sản xuất hơn 55% sản lượng lúa hàng hóa, 69% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây, đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước [1]. Song thời gian qua, sự phát triển KTNo vùng ĐBSCL vẫn thiếu tính bền vững cần thiết, chưa trở thành vùng kinh tế năng động, chưa là động lực cho phát triển vùng ĐBSCL như mong muốn. Một trong những nguyên nhân là do vốn của các tổ chức tín dụng vùng ĐBSCL chỉ đáp ứng được khoảng trên dưới 70% nhu cầu vay vốn để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, trong đó vốn cho vay trung, dài hạn chỉ đáp ứng được gần 30% [2]. Vì vậy, cần có giải pháp tăng cường TDNH cho nông nghiệp ĐBSCL, nhất là cho Vùng KTTĐ của ĐBSCL.

2. Vốn huy động và dư nợ cho vay - những vấn đề đang đặt ra

2.1. Vốn huy động và dư nợ cho vay

Thực trạng vốn huy động và dư nợ cho vay KTNo Vùng KTTĐ thời gian qua cho thấy đã có những cố gắng nhất định.

Bảng 1. Vốn huy động và dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn Vùng KTTĐ vùng ĐBSCL giai đoạn 2011 - 2017

Đơn vị tính: Tỷ đồng

vốn huy động và dư nợ cho vay

Nguồn: Tổng hợp Báo cáo của các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh [3-6]

Từ Bảng 1 cho thấy nguồn vốn huy động năm 2011 tăng 24,73% so với năm 2010. So sánh tương tự năm 2012 tăng 32,01%; năm 2013 tăng 9,26%; năm 2014 tăng 15,42%; năm 2015 tăng 14,74%; năm 2016 tăng 17,54%; năm 2017 tăng 18,83%. Năm 2010 và 2012 vốn huy động tăng cao là do lãi suất huy động cao, có lúc chạm trần 22%. Một phần do thị trường bất động sản trong nước “đóng băng” cùng với kinh tế thế giới chưa ra khỏi cuộc suy thoái năm 2007, là những tác động để nguồn tiền nhàn rỗi “chạy” vào ngân hàng. Trong cơ cấu nguồn vốn huy động, nguồn tiền gửi ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn, năm 2011 có tỷ trọng 72,64%, năm 2017 giảm còn 56,51% trong tổng số tiền gửi; tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng năm 2011 có tỷ trọng 14,32% và tăng lên trong năm 2017 là 30,01%; còn lại là tiền gửi không kỳ hạn.

Dư nợ cho vay của các chi nhánh NHTM Vùng KTTĐ tăng trưởng qua các năm từ 2011-2017, trong đó cho vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng từ 65% đến 74% trên tổng dư nợ cho vay, cụ thể năm 2011 là 73,98%; năm 2012 là 69,92%; năm 2013 là 68,06%; năm 2014 là 66,91%; năm 2015 là 64,88%; năm 2016 là 64,48%; năm 2017 là 59,98%; phần còn lại là cho vay trên 12 tháng chiếm trung bình khoảng 33% trên tổng dư nợ cho vay. Nếu đối chiếu với nguồn vốn huy động cho thấy vốn huy động thời hạn dưới 12 tháng tỷ trọng trung bình các năm chiếm trên 70% thậm chí xấp xỉ 86% vào năm 2011. Điều này cho thấy các chi nhánh NHTM trên địa bàn Vùng giai đoạn 2011-2017 đã phải sử dụng lên đến 69% (năm 2011) vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, năm 2017 giảm còn 39%, tỷ lệ này nằm trong giới hạn cho phép của NHNN.

 Riêng hoạt động cho vay phát triển KTNo Vùng KTTĐ những năm qua tuy có tăng lên, song nhìn chung vẫn trong tình trạng thiếu vốn so với nhu cầu vay. Dư nợ KTNo Vùng KTTĐ vùng ĐBSCL thể hiện trong Bảng 2 dưới đây.

Bảng 2. Dư nợ cho vay KTNo tại các chi nhánh NHTM trên địa bàn vùng KTTĐ vùng ĐBSCL giai đoạn 2011 - 2017

Đơn vị tính: Tỷ đồng

dư nợ cho vay kinh tế nông nghiệp

Nguồn: Tổng hợp Báo cáo của các chi nhánh NHNN tỉnh [3-6]

Từ Bảng 2 cho thấy dư nợ cho vay KTNo Vùng KTTĐ năm 2011 so với năm 2010 tăng trưởng là 5,9%. So sánh tương tự cho các năm, năm 2012 tăng trưởng 8,44%; năm 2013 tăng trưởng 14,43%; năm 2014 tăng trưởng 8,71%; năm 2015 tăng trưởng 23,36%; năm 2016 tăng trưởng 17,15%; và năm 2017 tăng trưởng 12,66%. Việc tăng này chủ yếu là nhờ các chính sách, chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam, đặc biệt là khi có Nghị định số 41/2010, Nghị quyết số 14/NQ-CP, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và Thông tư số 10/2015/TT-NHNN của NHNN Việt Nam nhằm hoàn thiện hơn nữa chính sách tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn.

Trong các năm 2018-2020, TDNH vẫn được tiếp tục tăng cường cho vay nông nghiệp nông thôn. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa được Dự án “Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững - VnSAT” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, tăng hạn mức thêm 300 tỷ đồng cho hợp phần lúa gạo của năm 2020, nâng tổng hạn mức dự án lên 700 tỷ đồng, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thời điểm hiện nay đối với khu vực ĐBSCL [11]. Theo NHNN Việt Nam trong giai đoạn 2015-2018, tín dụng khu vực ĐBSCL luôn có sự tăng trưởng mạnh với mức bình quân 15%/năm. Đến cuối tháng 7/2019, dư nợ tín dụng của khu vực đạt gần 624 ngàn tỷ đồng, tăng 7,76% so với cuối năm 2018, cao hơn mức tăng trưởng chung đối với nền kinh tế cả nước (mức chung là 7,46%). Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tính đến tháng 02/2020 đã đạt dư nợ tín dụng 162 ngàn tỷ đồng đối với khu vực ĐBSCL, chiếm 14,7% tổng dư nợ toàn hệ thống, tăng 0,1% so với đầu năm.

Những diễn biến trên cho thấy cho dù có những khó khăn nhưng hệ thống các chi nhánh NHTM trên địa bàn Vùng đã có nhiều cố gắng tăng cường TDNH phát triển KTNo Vùng KTTĐ vùng ĐBSCL. Dưới sự tác động từ cơ chế chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành đối với hoạt động TDNH thời gian qua đã đem lại cho Vùng KTTĐ vùng ĐBSCL sự chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu đáng kể. Cơ cấu kinh tế của Vùng KTTĐ chuyển đổi tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nông lâm ngư nghiệp (tỷ trọng 30%) và tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ (tỷ trọng 70%). Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2011-2017 của Vùng KTTĐ vùng ĐBSCL ước đạt khoảng 1.620.294 tỷ đồng [7-10]. Bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh với các sản phẩm chủ lực là lúa gạo, thủy sản, trái cây, hàng năm sản xuất hơn 55% sản lượng lúa hàng hóa, 69% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước [1]. 

2.2. Những vấn đề đang đặt ra

Bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế và những vấn đề đang đặt ra trong phát triển KTNo Vùng KTTĐ vùng ĐBSCL:     

- Nguồn vốn huy động tại chỗ còn hạn chế;

- Một bộ phận lực lượng lao động trong lĩnh vực ngân hàng trên địa bàn Vùng KTTĐ còn yếu;

- Cho vay còn dàn trải, thiếu tập trung, nhiều công trình quan trọng trong giao thông, vận tải, bến cảng và những cơ sở hạ tầng KTTĐ triển khai chậm;

- KTNo Vùng KTTĐ vùng ĐBSCL chưa thể hiện rõ nét theo hướng bền vững, tăng chuỗi giá trị;

- Hạn chế bởi kết cấu và quy mô KTNo, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, sản xuất nhỏ lẻ, kỹ thuật thấp, sản xuất chưa gắn kết thật sự với thị trường;

- Hạn chế về nguồn nhân lực trong KTNo, số lao động KTNo chưa qua đào tạo còn nhiều, nhất là thiếu nhân lực bậc cao trong KTNo;

- Hạn chế do chưa có TCTD chủ lực thực sự chuyên cho vay KTNo;

- Hạn chế trong sống chung với biến đổi khí hậu.

3. Giải pháp tăng cường TDNH phát triển KTNo vùng KTTĐ vùng ĐBSCL

Thứ nhất, tăng cường hoàn thiện huy động vốn và liên kết huy động vốn.  Các chi nhánh NHTM Vùng KTTĐ cần xây dựng kế hoạch mở rộng huy động vốn thông qua các hình thức đa dạng như tiết kiệm bậc thang, tiết kiệm siêu linh hoạt, tiết kiệm dự thưởng, tiết kiệm trả lãi trước, tiết kiệm tích lũy,… Thực hiện phân khúc khách hàng, đưa ra các sản phẩm huy động vốn phù hợp với đặc trưng sản xuất nông nghiệp, như huy động theo mùa vụ thu hoạch, đánh bắt, nuôi trồng. Mở rộng kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhất là trái phiếu có mục đích phát triển KTNo công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư. 

Thứ hai, hoàn thiện kế hoạch thực hiện chiến lược nâng cao năng lực nguồn nhân lực thích ứng với hoạt động ngân hàng thời kỳ mới. Các chi nhánh ngân hàng vùng KTTĐ cần có kế hoạch tổ chức chủ động đào tạo, bồi dưỡng cho nhân viên ngân hàng thường xuyên, qua đó nâng cao tính chuyên nghiệp và đạo đức nhằm phát triển nguồn nhân lực thích ứng với ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới. Các chi nhánh NHTM Vùng KTTĐ cần liên kết với nhau trong đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu theo chuyên đề như KTNo công nghệ cao, cho vay KTNo trong môi trường biến đổi khí hậu, tín dụng xanh, cho vay chăn nuôi công nghệ cao, cho vay trồng lúa, cây ăn trái, hoa màu hữu cơ và công nghệ cao, sẵn sàng tham gia hội nhập ngân hàng ngày càng sâu rộng trong thời đại công nghệ 4.0.

Thứ ba, tập trung vốn đầu tư theo “chuỗi cơ sở hạ tầng trọng điểm”. Tập trung cao nguồn vốn đầu tư cho “chuỗi cơ sở hạ tầng trọng điểm” từ nhiều nguồn bao gồm vốn ngân sách, vốn tự tích lũy, vốn xã hội hóa, vốn đầu tư nước ngoài, vốn tài trợ từ nước ngoài, và đặc biệt là vốn TDNH, tạo điều kiện tăng cường TDNH phát triển KTNo Vùng trọng điểm. Có thể trước hết chọn “chuỗi cơ sở hạ tầng trọng điểm” bao gồm: KTNo Vùng KTTĐ, tuyến vận tải thủy gồm cảng Cái Mép - Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng Sài Gòn nối với các tuyến đường thủy (như sông Xoài Rạp, kênh nước Mặn, sông Vàm Cỏ, kênh Chợ Gạo, sông Tiền) đến các cảng ở ĐBSCL và doanh nghiệp logistics hiện đại để đầu tư nhằm tạo nên cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ.

Thứ tư, tập trung cho vay KTNo công nghệ mới và sản phẩm chủ lực. Tập trung TDNH của các chi nhánh NHTM trên địa bàn cho vay KTNo công nghệ mới: nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao áp dụng theo VietGap, GlobalGAP, AseanGap, tiêu chuẩn Châu Âu, thậm chí là tiêu chuẩn quy định của từng quốc gia, từng thị trường. Tập trung cho vay 3 lĩnh vực chủ yếu là thủy hải sản; cây ăn trái, hoa màu; lúa gạo. Cụ thể: Cần Thơ cần tập trung đầu tư thành trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế và văn hóa của vùng ĐBSCL; bên cạnh đó, chú trọng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng rau an toàn, vùng cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái, nuôi cá tra.

An Giang chú trọng cho vay đầu tư lúa, cá tra, xoài chất lượng cao, rau màu, cây dược liệu. Kiên Giang tập trung cho vay đầu tư phát triển lúa gạo, tôm, thủy sản, hồ tiêu, khóm, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tập trung cho vay ở Cà Mau theo 6 ngành hàng nông sản chủ lực là lúa chất lượng cao, keo lai, cá sặt bổi, tôm sinh thái, cua biển và chuối. TDNH đầu tư KTNo theo chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ - chuỗi doanh nghiệp logistics hiện đại để có năng suất cao, sản phẩm sạch, giảm chi phí, giá thành thấp, năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường cao.

Thứ năm, cho vay tập trung phát triển KTNo, hạn chế cho vay dàn trải. Tăng cường TDNH cho vay toàn diện hơn theo chuỗi giá trị, cho vay chặt chẽ hơn để hạn chế rủi ro, cho vay để tái sản xuất KTNo mở rộng theo chiều sâu. Về cơ bản tăng cường TDNH phát triển KTNo Vùng KTTĐ chỉ tập trung cho vay phát triển KTNo công nghệ mới, nên dần chấm dứt cho vay dàn trải, cho vay sản xuất nhỏ kỹ thuật lạc hậu. Dựa theo lộ trình phát triển nông nghiệp trong quy hoạch chung của ĐBSCL, theo đó từ 2020 đến 2025 giảm cho vay sản xuất nông nghiệp kỹ thuật lạc hậu và đến 2030 chấm dứt cho vay KTNo sử dụng công nghệ cũ. Đây là vấn đề mang tính đột phá trong tăng cường TDNH phát triển KTNo vùng KTTĐ vùng ĐBSCL.

Thứ sáu, thành lập công ty cổ phần KTNo, khu công nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Cần đầu tư để có thể thành lập công ty cổ phần KTNo bằng cách chuyển hợp tác xã kiểu mới thành công ty cổ phần và thành lập mới công ty cổ phần KTNo. Đây chính là hình thức xã hội hóa thực tế cao trong lĩnh vực KTNo có khả năng huy động sức người, sức của đầu tư phát triển KTNo công nghệ cao. Tiếp đến thành lập khu công nghiệp nông nghiệp công nghệ cao bao gồm những doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực nông nghiệp có tầm vóc trên thị trường trong và ngoài nước. Bước phát triển này sẽ góp phần quan trọng giải quyết vấn đề đảm bảo nông dân có việc làm, có thu nhập, có nhà ở, được học hành, đào tạo nghề, được chăm lo y tế, sức khỏe, được hưởng nước sạch, nâng dần giá trị cuộc sống.

Thứ bảy, chú trọng nâng cao nguồn nhân lực quản trị cho KTNo. Tăng cường bồi dưỡng về kỹ năng quản trị hiện đại, những kiến thức về tài chính, kế toán, về quản trị sản xuất, kinh doanh, quản trị nhân sự, quản trị thị trường. Quá trình đào tạo cần gắn chặt giữa lý thuyết với thực hành tại các hợp tác xã kiểu mới, các doanh nghiệp KTNo. Nên giao cho Trường Đại học Cần Thơ là đầu mối tổ chức đào tạo, huấn luyện cán bộ quản trị KTNo cho Vùng KTTĐ và ĐBSCL.

Thứ tám, thiết lập cơ chế để Agribank làm ngân hàng chủ lực chuyên sâu cho vay KTNo. Nhà nước có thể chọn và nâng cao hơn nữa vị thế, trọng trách của Agribank làm ngân hàng chủ lực chuyên sâu cho vay NoNT. Để thực hiện giải pháp chọn Agribank làm ngân hàng chủ lực chuyên sâu cho vay KTNo cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách tập trung nguồn vốn từ các NHTM để tăng nguồn vốn cho Agribank như nhiều nước đã làm.

Thứ chín, chủ động nâng cao nhận thức sâu sắc về chung sống với biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu xét cho cùng cũng mang tính quy luật do sự dịch chuyển của vũ trụ và sự tác động của con người. Do vậy cần phải tích cực thích nghi để chung sống với biến đổi khí hậu. Tài nguyên thiên nhiên cũng biến đổi từ dạng này sang dạng khác, và như vậy vấn đề là con người thích nghi và khai thác tài nguyên mới như thế nào. Do vậy lãnh đạo các tỉnh Vùng KTTĐ là những “thành tố cơ sở” cùng nhân dân “sáng tạo” phương thức chung sống với biến đổi khí hậu, sống “thuận thiên”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (2011-06/2017), Văn bản hội nghị, báo cáo về KTXH vùng ĐBSCL và thông tin hoạt động các năm 2011 đến tháng 6/2017, Cần Thơ.
  2. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - NHNN Việt Nam - UBND tỉnh Vĩnh Long (2013), Kỷ yếu hội thảo: Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long.
  3. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước An Giang (2011-2017), Báo cáo tổng kết của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (các năm 2011 đến 2017), An Giang.
  4. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Cà Mau (2011-2017), Báo cáo tổng kết của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (các năm 2011 đến 2017), Cà Mau.
  5. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP. Cần Thơ (2011-2017), Báo cáo tổng kết của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (các năm 2011 đến 2017), TP. Cần Thơ.
  6. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Kiên Giang (2011-2017), Báo cáo tổng kết của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (các năm 2011 đến 2017), Kiên Giang.
  7. Cục Thống kê tỉnh An Giang (2011-2017), Niên giám thống kê (từ năm 2011 đến năm 2017), An Giang.
  8. Cục Thống kê tỉnh Cà Mau (2011-2017), Niên giám thống kê (từ năm 2011 đến năm 2017), Cà Mau.
  9. Cục Thống kê TP. Cần Thơ (2011-2017), Niên giám thống kê (từ năm 2011 đến năm 2017), TP. Cần Thơ.
  10. Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang (2011-2017), Niên giám thống kê (từ năm 2011 đến năm 2017), Kiên Giang.
  11. Website của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thống kê.

SOLUTIONS TO ENHANCE THE BANK CREDIT

FOR AGRICULTURAL ECONOMIC DEVELOPMENT

IN THE KEY ECONOMIC ZONE OF MEKONG RIVER DELTA

• PhD. LE PHAN THANH HOA

• PhD. MAI BINH DUONG

Van Lang University

ABSTRACT:

The shortage of capital for developing agricultural economy in the Mekong River Delta which is one of Vietnam’s key economic zones is urgent theoretical and practical economic issue. Despite its limitations, the bank credit is still considered an important capital chanel for agricultural activities when other funding sources are limited. This study proposes some solutions to enhance the bank credit for agricultural economic development in the key economic zone of Mekong River Delta.

Keywords: Agricultural economy, bank credit, key economic zone, Mekong River Delta.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2020]