Giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương

TS. NGUYỄN THANH HÙNG (Trường Đại học Trà Vinh) - NGUYỄN ĐỨC THỦ (Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Tài chính, Kế toán trưởng Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương)

TÓM TẮT:

Bài nghiên cứu phân tích thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương trong giai đoạn 2015 - 2020, chỉ ra những thành tựu đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong thu hút vốn FDI vào các KCN của Huyện. Từ đó, bài viết đề xuất ra các giải pháp trọng tâm nhằm thu hút vốn FDI vào các KCN trên huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.

Từ khóa: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu hút vốn đầu tư, khu công nghiệp Bàu Bàng.

1. Đặt vấn đề

Huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương có KCN Bàu Bàng đang được xây dựng với quy  mô lớn, thu hút được vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau. Tình đến đầu năm 2019, KCN đã hoàn thành cơ sở hạ tầng, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực đầu tư khác nhau. Tuy nhiên, để lấp đầy các KCN, đòi hỏi các cơ quan chức năng của địa phương cần tiếp tục triển khai những biện pháp hiệu quả để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, với các dòng FDI chất lượng lượng cao. Do vậy, bài viết “Giải pháp thu hút vốn FDI vào KCN huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương” sẽ phân tích cụ thể thực trạng về tình hình thu hút vốn FDI và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI vào KCN trên địa bàn Huyện.

2. Thực trạng thu hút vốn FDI vào các KCN trên địa bàn huyện Bàu Bàng

Hiện nay, KCN Bàu Bàng đã có 100% doanh nghiệp thuê, chủ yếu đến từ Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Ý, Trung Quốc. KCN Bàu Bàng hiện đang có những ngành nghề kinh doanh vô cùng đa dạng, như: Công nghiệp điện máy, điện công nghiệp và gia dụng; Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm và nông lâm sản; Công nghiệp chế tạo máy, ô tô, thiết bị phụ tùng; Cơ khí và cơ khí chính xác có xi mạ; Công nghiệp sợi, dệt, may mặc; Công nghiệp nhựa, săm lốp, cao su;…

Chủ trương phát triển kinh tế của huyện Bàu Bàng là theo hướng mô hình kinh tế KCNlà chủ đạo. Hiện nay, trên địa bàn Huyện có 5 KCN: Đô thị Bàu Bàng, Bàu Bàng mở rộng, Tân Bình, Lai Hưng và Cây Trường, với tổng diện tích 4.453,38 ha. Mặc dù là một huyện mới thành lập, nhưng với những lợi thế và quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo về thu hút đầu tư, bước đầu, huyện Bàu Bàng đã đạt được kết quả thu hút vốn đầu tư đáng kể.

Bảng 1. Số lượng FDI đầu tư vào huyện Bàu Bàng giai đoạn 2015 - 2020

Đơn vị tính: Triệu USD

Số lượng FDI đầu tư vào huyện Bàu Bàng giai đoạn 2015 - 2020

Nguồn: Báo cáo thống kê huyện Bàu Bàng

Tính đến năm 2020, huyện Bàu Bàng đã thu hút được 184 dự án FDI với tổng số vốn  lên đến 2,8 tỷ USD. Năm 2020, do tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động về đời sống, kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia và khu vực, lượng vốn FDI vào địa bàn Huyện có sự sụt giảm mạnh. Số dự án FDI đăng ký đầu tư là 27, với tổng vốn đầu tư là 263,15 triệu USD, tương đương giá trị vốn trung bình của một dự án là 9,75 triệu USD/dự án. Thống kê giai đoạn 2015 - 2020, tổng lượng vốn FDI vào tỉnh Bình Dương là 15.777 triệu USD; trong đó lượng vốn đầu tư vào địa bàn huyện Bàu Bàng là 2.785,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 17,66% vốn đầu tư toàn Tỉnh.

Bảng 2. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn huyện

Thu hút đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn huyện

Nguồn: Báo cáo thống kê huyện Bàu Bàng

2.1. Những thành công

Đến năm 2020, huyện Bàu Bàng đã đạt được những thành công trong thu hút FDI vào các KCN, như:

- Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiếng, như: Công ty Polytex Far Eastern Việt Nam, Công ty TNHH KyungBang Việt Nam, Công ty TNHH nội thất Lacouer Craft Việt Nam, Tập đoàn Kolon,…

- Thu hút 184 dự án FDI với vốn đầu tư lên đến 2,8 tỷ USD. Trong đó, năm 2020 thu hút 27 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 263,15 triệu USD và 20 dự án đăng ký tăng thêm với gần 85 triệu USD.

- Kinh tế huyện Bàu Bàng đã chuyển dịch mạnh sang hướng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, hình thành các khu đô thị, thương mại sầm uất.

- Giá trị sản xuất công nghiệp của Huyện tăng bình quân hàng năm 21,31%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 25,33%.

Để có được thành tựu đó, phải kể đến một số lợi thế của tỉnh Bình Dương, như: hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng đồng bộ, vị trí thuận lợi, các chính sách, chủ trương đúng đắn của các cấp lãnh đạo. Trong bối cảnh đó, huyện Bàu Bàng cũng được những nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đang có những chính sách thu hút đầu tư, như: phối hợp với tỉnh để thúc đẩy sự phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời tỉnh Bình Dương cũng có nhiều chính sách ưu tiên để huyện Bàu Bàng nhanh chóng bắt kịp với quỹ đạo phát triển của toàn tỉnh trong 5 - 10 năm tới.

Các KCN Bàu Bàng và Tân Bình đã được đầu tư hoàn thiện về hệ thống giao thông, phát triển hạ tầng kỹ thuật; KCN Lai Hưng và KCN Cây Trường đang được xúc tiến đầu tư và đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, huyện Bàu Bàng hiện còn quỹ đất dồi dào và nằm trên những tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh, giúp cho việc kết nối huyện với các địa phương khác theo trục Bắc - Nam, Đông - Tây và hệ thống giao thông đô thị, kết nối vùng, khu vực, cảng, sân bay vô cùng thuận lợi. Song song đó, Huyện cũng đang tập trung những nguồn lực vào đầu tư hạ tầng xã hội, như: các cơ sở giáo dục, hệ thống bệnh viện, các trung tâm vui chơi giải trí, các khu văn hóa, các nhà ở xã hội,... để không ngừng nâng cao chất lượng đời sống của người lao động, góp phần thu hút nguồn nhân lực từ các khu vực lân cận.

Huyện Bàu Bàng đã và đang ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các thủ tục hành chính. Hiện tại, trang thông tin điện tử của Huyện đã đáp ứng được trên 95% các nội dung thông tin quan trọng của địa phương giúp cho các nhà đầu tư có thể dễ dàng tìm hiểu những thông tin về Huyện, như: tình hình quy hoạch, các chính sách thu hút đầu tư, thủ tục hành chính,... từ đó giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các chủ đầu tư. Bên cạnh đó, việc ứng dụng quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 đã góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng cải cách và giải quyết các thủ tục hành chính.

Các dự án đầu tư nước ngoài đã và đang triển khai trên địa bàn Huyện bước đầu mang đến những kết quả tích cực. Trong quá trình hoạt động, các dự án luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thực chất từ chính quyền, cơ quan chức năng của Huyện, thông qua các buổi hội thảo, đối thoại trực tiếp. Điều đó tạo ra sự an tâm, củng cố niềm tin trong kinh doanh và tâm lý tích cực, sẵn sàng hiện diện lâu dài ở Bàu Bàng, góp phần mạnh mẽ trong công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

2.2. Những hạn chế

Bên cạnh những tác động tích cực của việc thu hút đồng vốn FDI vào địa bàn Huyện, vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần phải giải quyết, cụ thể như sau:

Về các thủ tục hành chính, tuy đã có đầy đủ khung pháp lý về việc thu hút đồng vốn đầu tư nước ngoài, nhưng chủ yếu dựa vào Luật Đầu tư và hệ thống các thông tư hướng dẫn của cấp tỉnh, chưa có hướng dẫn chỉ đạo cụ thể của Huyện nên vẫn còn nhiều thiếu sót, đồng thời công tác cập nhật đến các nhà đầu tư chưa được triển khai một cách kịp thời.

Một số doanh nghiệp FDI chưa báo cáo kịp thời về tình hình hoạt động sản xuất -  kinh doanh, công tác bảo vệ môi trường,... gây khó khăn cho Huyện trong công tác thống kê, tổng hợp.

Trên địa bàn Huyện còn thiếu các cơ sở đào tạo trình độ kỹ thuật cho người lao động, nguồn nhân lực còn yếu về chuyên môn, ngoại ngữ và kiến thức về luật pháp quốc tế, các doanh nghiệp chủ yếu vẫn tự đào tạo khi tuyển dụng lao động. Đồng thời, công tác chăm lo đời sống lao động vẫn còn nhiều hạn chế như: thiếu nhà ở (chủ yếu là các khu tập thể), thiếu các sinh hoạt văn hóa,...

Tình trạng ô nhiễm môi trường trong KCN: một số doanh nghiệp vẫn chưa xây dựng bài bản các công trình xử lý chất thải, rác thải công nghiệp, hoặc cố tình chây ì, chậm xử lý trong công tác đầu tư hệ thống xử lý chất thải công nghiệpm, dẫn đến tình trạng ô nhiễm sông, suối hoặc các khu vực dân cư lân cận KCN.

2.3. Chủ trương thu hút vốn FDI của huyện Bàu Bàng

Cùng chung với chủ trương của Tỉnh, huyện Bàu Bàng đã và đang xây dựng mục tiêu sớm phát triển thành trung tâm công nghiệp đô thị của tỉnh Bình Dương, đưa nền kinh tế Huyện phát triển đến một tầm cao mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của Tỉnh. Trên tinh thần đó, Huyện đã xây dựng KCN khoa học công nghệ, nhằm hình thành nên một hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo, khoa học để thu hút vốn đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất có công nghệ cao, tạo bước đột phá trong sản xuất công nghiệp.

Để thực hiện được chủ trương đó, huyện Bàu Bàng đang tập trung các nguồn lực để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị. Trong đó, chú trọng xây dựng các trục đường giao thông kết nối giữa các vùng trong huyện, giữa huyện với tỉnh, đầu tư đồng bộ đường giao thông với quy mô từ 2 đến 8 làn xe, điển hình như đường trục Mỹ Phước - Bàu Bàng, đường ĐT 749A, đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường Bến Cát - Bàu Bàng,... Bên cạnh đó, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác cũng được đầu tư một cách đồng bộ, hiện đại, tạo nên một tổng thể đô thị văn minh, hiện đại và thông thoáng. Ngoài ra, Huyện còn đặt mục tiêu tăng cường mời gọi đầu tư các lĩnh vực hỗ trợ như ngân hàng, siêu thị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục. Đồng thời với việc xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, lãnh đạo huyện Bàu Bàng còn linh hoạt trong việc cải cách các thủ tục hành chính, hướng dần đến cơ chế “một cửa” và “một cửa điện tử”, từ đó tạo được thuận lợi và niềm tin đối với nhà đầu tư. Không chỉ hướng đến mục tiêu thu hút đầu tư, huyện Bàu Bàng còn hướng đến mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, phù hợp với chiến lược phát triển của Huyện trong thời gian tới, hạn chế phát triển công nghiệp bên ngoài KCN hoặc cụm công nghiệp, trong đó ưu tiên thu hút nguồn vốn từ những lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp sạch, không gây tác động xấu đến môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại, đồng thời ưu tiên các ngành công nghiệp có thể thu hút theo các ngành công nghiệp phụ trợ kỹ thuật cao.

3. Giải pháp tăng cường thu hút vốn FDI vào huyện Bàu Bàng trong giai đoạn tới

3.1. Về cải cách thủ tục hành chính

Thủ tục hành chính là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nếu địa phương có thủ tục hành chính đơn giản, nhanh chóng, có nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư thì sẽ giúp địa phương ghi điểm rất nhiều trong mắt các nhà đầu tư. Để có thể tiếp tục thu hút tốt vốn FDI trong thời gian tới, địa phương cần phải thực hiện những nhiệm vụ sau:

- Cải tiến quy trình giải quyết thủ tục liên quan đến việc cấp giấy phép đầu tư, đẩy mạnh công tác cải cách các thủ tục hành chính, đặc biệt là thực hiện tốt việc phân công phân nhiệm đối với các cấp quản lý trên địa bàn, tránh trường hợp chồng chéo lẫn nhau, thủ tục rườm rà làm mất thời gian, chi phí và công sức của các nhà đầu tư. Cần có sự phân quyền từ UBND cấp tỉnh về cho UBND cấp huyện và ban quản lý các KCN, để từ đó giảm nhẹ các vấn đề về thủ tục, thời gian cần phải trình lên UBND tỉnh.

- Đơn giản hóa quy trình, đồng thời công khai minh bạch các quy trình, hồ sơ, các thủ tục cần thiết đối với nhà đầu tư lên website của Huyện; Cần đảm bảo sự phù hợp cũng như cần có sự thống nhất giữa các quy trình, thủ tục cần có, đảm bảo sự phù hợp của quy trình thủ tục với các điều kiện thực tế của Huyện, đồng thời nhanh chóng xây dựng mô hình cấp phép điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí cho các nhà đầu tư.

- Nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, cũng như phong cách phục vụ của lực lượng đội ngũ thuộc bộ phận tiếp các nhà đầu tư. Ngoài ra, cần có những buổi gặp mặt, đối thoại trực tiếp để kịp thời nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

3.2. Về xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh

Cơ sở hạ tầng là luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của các chủ đầu tư khi quyết định đầu tư vào một địa phương nào đó. Từ khi thành lập, với sự quyết tâm của lãnh đạo Huyện và sự hỗ trợ của Tỉnh, huyện Bàu Bàng đã từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ ở các KCN. Trong những năm tiếp theo, Huyện cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các khía cạnh sau:

- Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, công tác giải tỏa và bồi thường đối với người dân để triển khai các dự án, tuyến đường giao thông quan trọng, như: Đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, giải tỏa các khu vực trong KCN Bàu Bàng mở rộng 1.000 ha (trong đó, diện tích thuộc huyện Bàu Bàng là 892,2 ha).

- Đối với với 2 KCN Cây Trường và KCN Lai Hưng đang được xúc tiến đầu tư theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, địa phương cần phải:

+ Xúc tiến công tác giải phóng mặt bằng, tiến hành giải tỏa, đền bù đối với các hộ dân.

+ Hoàn thiện các tuyến đường nội bộ theo các tiêu chuẩn cụ thể về diện tích mặt đường, tải trọng đối với xe tải.

+ Lắp đặt lưới điện quốc gia, cung cấp nguồn điện tới các ranh giới của các lô đất, đảm bảo luôn cung cấp đủ nguồn điện cho các doanh nghiệp nếu họ có nhu cầu ngay lập tức sử dụng.

+ Xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch, đã được xử lý, đáp ứng được tiêu chuẩn về nguồn nước của WHO, đồng thời xây dựng những đường ống cung cấp nước đến vị trí ranh giới của các

lô đất.

+ Lắp đặt các hệ thống viễn thông đồng bộ, bao gồm hệ thống cáp quang có thể kết nối với hạ tầng băng thông rộng cũng như hệ thống kênh thuê riêng, lắp đặt đường dây điện thoại đến vị trí ranh giới các lô đất.

+ Xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên biệt cho KCN, đảm bảo lực lượng túc trực bảo vệ KCN 24/7, lắp đặt các vòi nước cứu hỏa ở các tuyến đường nội bộ để cung cấp nước kịp thời.

3.3. Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo Chỉ thị số 494/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm các chủ đầu tư nước ngoài sử dụng lao động nước ngoài trong khi nguồn nhân lực trong nước đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của dự án, công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giữ một vị trí, vai trò không thể thay thế, đặc biệt là trong chiến lược phát triển của huyện Bàu Bàng theo hướng công nghiệp đô thị. Địa phương không chỉ phải cung cấp về số lượng nguồn nhân lực, mà còn phải đạt về chất lượng, cụ thể nhân lực địa phương phải được đào tạo trình độ kỹ thuật, tay nghề vững, có đủ điều kiện, khả năng vận hành được công nghệ, máy móc thiết bị, kỹ thuật hiện đại của các chủ đầu tư. Để làm được điều đó, địa phương cần phải:

- Mở những lớp học hoặc những khóa đào tạo với những ngành nghề trọng điểm theo hướng phát triển của Huyện, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, thiết bị thực hành theo công nghệ của các chủ đầu tư để có thể đào tạo ra những công nhân vững tay nghề, tránh mất thời gian chủ đầu tư phải đào tạo lại.

- Cần có những lớp đào về ngôn ngữ để giúp người lao động có thể tăng khả năng giao tiếp cũng như nắm bắt được kiến thức khi vận hành máy móc thiết bị, trong đó đặc biệt là các lớp dạy về tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Hàn, vì đây là những quốc gia có tỷ trọng đầu tư vốn nhiều nhất vào địa bàn Huyện.

- Phối hợp với các cơ sở đào tạo trên địa bàn Huyện hoặc địa bàn Tỉnh, bao gồm các trường đại học, trường cao đẳng, trường nghề,... để đào tạo những ngành nghề cần thiết phục vụ cho các dự án theo chiến lược phát triển của Huyện. Cần xác định những mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn, để những người được đào tạo khi ra trường sẽ thành lực lượng lao động có những kiến thức chuyên môn cao, nghiệp vụ tiên tiến và tác phong làm việc công nghiệp phù hợp với yêu cầu của các nhà đầu tư.

- Mở rộng liên kết đào tạo phát triển nguồn nhân lực với những địa phương khác như TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai - những địa phương đã có nhiều kinh nghiệm trong việc thu hút vốn FDI.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chi cục Thống kê Bàu Bàng. (2020). Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội, An ninh - Quốc phòng năm 2019.
  2. Chi cục Thống kê Bàu Bàng. (2021). Báo cáo tình hình Kinh tế - Xã hội, An ninh - Quốc phòng năm 2020.
  3. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương. (2016). Bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Thực trạng và giải pháp. Hội thảo: Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP. Hồ Chí Minh.
  4. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương. (2017). Quyết định số 1084/QĐ-UBND ngày 3/5/2017 kế hoạch triển khai thực hiện chương trình số 34-CTr/TU ngày 15/12/2016 của Tỉnh ủy về về đổi mới thu hút đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

SOLUTIONS TO ATTRACT MORE FOREIGN

DIRECT INVESTMENT INTO INDUSTRIAL PARKS

OF BAU BANG DISTRICT, BINH DUONG PROVINCE

• Ph.D NGUYEN THANH HUNG1

• NGUYEN DUC THU2

1Tra Vinh University

2Chief Accountant, Binh Duong Province Confederation of Labor

ABSTRACT:

This study analyzes the current situation of attracting foreign direct investment (FDI) into Bau Bang District, Binh Duong Province over the period from 2015 to 2020. The study’s results show that industrial parks in Bau Bang District have attracted more than 146 foreign investment projects from Taiwan (China), China, Korea, Japan, etc. Foreign investors mainly choose to establish 100% FDI enterprises and majorly invest in the industrial sectors when making investment into Bau Bang District. This study points out a number of advantages and disadvantages in attracting FDI into industrial parks of Bau Bang District. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to help these industrial zones attract more FDI, including (1) Reforming administrative procedures, (2) Completing infrastructure, and (3) Improving the quality of human resources. The greater inflow of FDI could promote the districts economic growth by increasing the local production value, creating new thousands of jobs, and contributing more to the local state budget. 

Keywords: foreign direct investment, industrial parks in Bau Bang District, Binh Duong Province, attracting investment capital.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2021]