Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên

THS. PHÙNG THỊ HIỀN (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Tây Nguyên, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và thành tựu đạt được, xuất khẩu nông sản của Tây Nguyên đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập. Bài viết phân tích tình hình xuất khẩu nông sản của Tây Nguyên và đề xuất những giải pháp để tận dụng lợi thế, cơ hội vượt qua thách thức và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên trong thời gian tới.

Từ khóa: xuất khẩu, nông sản, Tây Nguyên, thị trường.

1. Thực trạng xuất khẩu hàng nông sản của Tây Nguyên

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Tây Nguyên là cà phê, hồ tiêu, cao su, alumin, mật ong, tinh bột sắn, hạt điều, rau, hoa tươi. Đắk Lắk là địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất với trên 575 triệu USD, đạt 100,9% kế hoạch năm và tăng 4,55% so với năm 2018.

Sản phẩm xuất khẩu của Đắk Lắk là cà phê nhân, cà phê hòa tan, hạt tiêu, cao su, tinh bột sắn, mật ong,… Hiện nay, cà phê nhân của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu sang 75 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, có 36 thị trường đạt kim ngạch trên 1 triệu USD trở lên; trong đó, có 10 thị trường, gồm: Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Italy, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Mexico, Thụy Điển đạt kim ngạch từ 10 triệu USD trở lên.

Ngoài xuất khẩu cà phê nhân, các tỉnh Tây Nguyên cũng khuyến khích các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến sâu cà phê để góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê, cây nông sản có sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của vùng Tây Nguyên.

Xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô

Tây Nguyên hiện là vùng trồng cây nông sản lâu năm lớn nhất Việt Nam. Trong đó, riêng cà phê chiếm 97% diện tích của các nước, năng suất cà phê robusta gấp 3 lần bình quân của thế giới; hồ tiêu chiếm 82% diện tích cả nước, cao su chiếm gần 44%, hạt điều chiếm gần 25%,... Từ nhiều năm nay, xuất khẩu nông sản là ngành kinh tế chủ lực và ngành hàng xuất khẩu chủ đạo của các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, do không có sự thay đổi về cơ cấu thị trường các mặt hàng chủ lực, tỷ lệ xuất khẩu hàng thô vẫn chiếm tỷ trọng cao nên chưa tạo ra được hàm lượng giá trị gia tăng cao và chưa hình thành được chuỗi sản xuất sâu. 

Đơn cử như tại Đắk Lắk, mặc dù là “cứ điểm” xuất khẩu cà phê của cả nước đến gần 80 quốc gia, tuy nhiên, dạng hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là cà phê ở dạng thô (cà phê nhân). Ước tính, tỷ lệ cà phê chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao hiện mới chỉ chiếm khoảng hơn 10% trong tổng sản lượng cà phê nhân xuất khẩu. Hiện giá cà phê nhân xô vào khoảng 32-34 triệu đồng/tấn (mức giá trung bình cà phê nhân tháng 6/2020), tuy nhiên, nếu đầu tư chế biến sâu thì giá trị xuất khẩu của mặt hàng cà phê thành phẩm có thể gấp tới 2 - 2,5 lần giá nhân xô. Điều này cũng tương tự với hạt tiêu, mủ cao su.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hiện mới chỉ chú trọng vào sản xuất, chưa chú trọng đầu tư nhiều cho mảng đầu ra của sản phẩm nên chưa chú ý đến quy trình bảo quản, mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm,… Vì vậy, việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với nông sản Tây Nguyên hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Trên thực tế, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Tây Nguyên chưa thực sự “mặn mà” với việc tìm hiểu các FTA hay tự mình thay đổi để thích ứng và tận dụng các FTA mà chủ yếu chọn cách dễ hơn là xuất khẩu truyền thống.

Mặt hàng rau, hoa ổn định, giá hồ tiêu giảm

Nhiều năm trở lại đây, rau và hoa được tỉnh Lâm Đồng xác định là những mặt hàng nông sản chiến lược của địa phương. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện nay địa phương đã phát triển hơn 51.000ha đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chiếm khoảng 18% tổng diện tích đất sản xuất.

Lâm Đồng cũng là địa phương đi đầu trong mở rộng mô hình doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, hiện có 8 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, canh tác 278ha, tập trung vào 2 mặt hàng chủ yếu là rau và hoa.

Tỉnh có 68 chuỗi an toàn thực phẩm, trong đó có 35 chuỗi rau, củ quả với 1.144 hộ liên kết, diện tích 1.630ha, sản lượng 151.765 tấn/năm; 3 chuỗi hoa với 818 hộ liên kết, diện tích 236ha, sản lượng 181.000 cành/năm. Những chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn đã dần định hình được ngành hàng chủ lực của địa phương đi đúng hướng, sản xuất gắn liền với tiêu thụ.

Riêng 2 mặt hàng rau, hoa chủ lực của địa phương hiện nay diện tích rau gieo trồng của Lâm Đồng đạt 65.273ha, sản lượng 2,27 triệu tấn/năm (năm 2018 xuất khẩu rau của Lâm Đồng ước đạt 30,37 triệu USD, tương ứng 10.374 tấn rau), trong khi đó có khoảng 8.400ha hoa, sản lượng đạt hơn 3 tỷ cành/năm. 

Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng cũng đã chủ động liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa với TP. Thành phố Hồ Chí Minh , Hà Nội, Đà Nẵng, các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, do đó đã góp phần vào quảng bá thương hiệu rau, hoa Đà Lạt và giúp các cơ sở tăng nhanh khả năng tiêu thụ nông sản. Hiện có khoảng 60% sản lượng ứng dụng công nghệ cao được tiêu thụ qua hợp đồng, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung toàn tỉnh là 30%.

Đối với các cơ sở sản xuất theo chuỗi thực phẩm an toàn, có 100% sản phẩm của các chuỗi được tiêu thụ qua hợp đồng với nông dân và khoảng 80% bán cho các siêu thị, trung tâm thương mại, 20% bán cho các chợ đầu mối. “Riêng mặt hàng hoa, địa phương phấn đấu sẽ đưa Đà Lạt thành điểm sản xuất hoa tập trung hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á. Dù vậy, hiện mới có khoảng 5% sản lượng hoa Đà Lạt xuất khẩu trực tiếp ra thị trường quốc tế. Hoạt động xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các công ty trong nước có khả năng khai thác thị trường tốt như Dalat Hasfarm, Bonnie Farm, Apolo, Innova. Với những cố gắng trong cải thiện chất lượng sản phẩm, địa phương đặt ra chỉ tiêu tới năm 2020 sẽ có khoảng 20% sản lượng hoa xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Đối với hồ tiêu, sau thời gian đạt đỉnh 200.000 đồng/kg, từ năm 2018, giá hồ tiêu tại Tây Nguyên bắt đầu tụt giảm, đến nay có thời điểm thấp nhất chỉ đạt 54.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Kiều Sương, chủ cơ sở thu mua nông sản Kiều Sương (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ sở của bà thu mua khoảng 500 tấn hồ tiêu với giá trung bình khoảng 55.000 đồng/kg. So với cùng kỳ những năm trước, năm nay lượng thu mua không bằng một nửa, do dân vẫn găm hàng chờ giá. Tỷ lệ hồ tiêu trong dân vẫn còn khoảng 30%.

Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết, mức giá hồ tiêu thời gian qua dao động từ 52.000 - 55.000 đồng/kg. Đây là mức giá mà người trồng sẽ bị thua lỗ. “Giá cả tuân theo quy luật cung cầu. Giá hồ tiêu tụt giảm không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà chung cả trên thế giới. Nguyên nhân rớt giá do lượng hồ tiêu quá nhiều.

2. Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên

Tuy đã có nhiều nỗ lực và thành công để phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, nhưng thực tế hoạt động xuất khẩu hàng nông sản chủ lực của Tây Nguyên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: Các doanh nghiệp (DN), cơ sở chế biến có quy mô nhỏ, phân tán; Công nghệ sản xuất lạc hậu, chủ yếu là sơ chế đơn giản, chỉ có một số rất ít sử dụng dây chuyền chế biến hiện đại đạt từ 25%-30%, trong khi trung bình các nước ASEAN đạt 50%; Năng lực quản lý, kinh doanh còn hạn chế.

Các mặt hàng nông sản chủ lực có sức cạnh tranh kém; Chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế; chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng không nhiều. Cùng với đó, những rào cản về kỹ thuật là khó khăn lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế khoảng 5%; Thị trường xuất khẩu nông sản chủ yếu tập trung vào các nước trong khu vực và luôn chịu sự cạnh tranh bởi các nước Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia,… cũng có những mặt hàng tương tự.

Thời gian tới, xuất khẩu nông sản có nhiều cơ hội khởi sắc do nhu cầu thị trường tăng và có thêm các ưu đãi về thuế theo lộ trình triển khai cam kết hội nhập quốc tế. Để thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản chủ lực Việt Nam ra thị trường thế giới, cần chú trọng thực hiện một số biện pháp sau:

+ Về phía Nhà nước:

- Tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thông tin về thị trường nông sản trên thế giới để phục vụ cho doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất nhập khẩu hàng nông sản phù hợp, tránh thiệt hại và giảm những rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp và người nông dân;

- Bổ sung và điều chỉnh các chính sách theo hướng thu hút đầu tư cho ngành Nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật vừa xây dựng hình ảnh, nâng cao thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

- Tiếp tục đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại đối với mặt hàng nông sản, đặc biệt là nông sản chủ lực. Đối với các thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Nhật, Mỹ thì cần có sự trao đổi giữa các nhà đầu tư với nhau, tìm kiếm cơ hội hợp tác để hình thành chuỗi giá trị toàn cầu.

- Về lâu dài, Nhà nước cần quy hoạch các vùng sản xuất, nuôi trồng thích hợp, cần có sự điều phối theo nhu cầu xuất khẩu của thị trường. Đối với những mặt hàng ở thị trường có chính sách bảo hộ hay rào cản kỹ thuật cao thì cần hỗ trợ đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao, các kỹ thuật tiên tiến từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản chất lượng nông sản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường.

Thứ hai, về phía doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu:

- Nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu, đảm bảo đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế. Những yêu cầu của VietGap, Gloabal Gap cần triển khai cho hầu hết các sản phẩm, bởi đây sẽ là yêu cầu của các thị trường nhập khẩu trong tương lai.

- Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn: doanh nghiệp cần lựa chọn chiến lược sản phẩm và chiến lược thâm nhập thị trường phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế của từng thị trường và khả năng của doanh nghiệp. Đồng thời, cũng đưa ra các giải pháp đồng bộ triển khai hiệu quả định hướng chiến lược xuất khẩu nông sản, tối đa hóa giá trị gia tăng hàng nông sản xuất khẩu bằng công nghệ sơ chế, chế biến tiên tiến và hiện đại.

- Xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản: Đây là công việc hết sức cần thiết đối với hàng nông sản xuất khẩu chủ lực. Giải pháp tối ưu là doanh nghiệp cần cung cấp các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có xuất xứ tốt để nâng tầm thương hiệu, xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tổng cục Thống kê (2021), Niên giám thống kê các năm.
  2. Ban Kinh tế Trung ương (2016), Chính sách phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh tại Tây Nguyên, https://kinhtetrunguong.vn/hr/web/guest/nghien-cuu-trao-doi?p_p_id=101&p_p_lifecycle=0&p_p_state=pop_up&p_p_mode=view&_101_struts_action=%2Fasset_publisher%2Fview_content&_101_assetEntryId=610777&_101_type=content&_101_urlTitle=chinh-sach-phat-trien-cac-san-pham-nong-nghiep-co-loi-the-canh-tranh-tai-tay-nguyen
  3. Bùi Việt Hưng và Đỗ Hương Lan (2020), Cơ hội xuất khẩu hồ tiêu khu vực Tây Nguyên trong bối cảnh triển khai Hiệp định EVFTA, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 4 (235), 2020.

 Solutions to promote the exports of the Central

Highlands’ key products

Master. Phung Thi Hien

Faculty of Accounting

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

Agricultural products are key export products of the Central Highlands, Vietnam. The Central Highlands’ agricultural exports have significantly contributed to the country’s export turnover. However, besides efforts and achievements, the Central Highlands’ agricultural exports are facing many challenges in the context of the country’s international integration process. This paper analyzes the situation of the Central Highlands’ agricultural exports and proposes some solutions to promote the exports of the Central Highlands’ key products in the coming time.

Keywords: export, agricultural products, the Central Highlands, market.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]