Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm thúc đẩy công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước

PGS. TS. Đặng Minh Tuấn (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội) và ThS. Phạm Tiến Dũng (Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội)

TÓM TẮT:

Bài viết khái quát về thực trạng ứng dụng cũng như đánh giá tác động của công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đến việc thúc đẩy công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình (TNGT) của các cơ quan hành chính nhà nước ở các cấp. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất các khuyến nghị và giải pháp phù hợp.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin, quản lý nhà nước, trách nhiệm giải trình, cơ quan hành chính nhà nước.

1. Đặt vấn đề

CMCN 4.0 và sự chuyển đổi số đã thúc đẩy sự thay đổi từ nền quản trị truyền thống sang nền quản trị hiện đại. Quản trị tốt sẽ góp phần thúc đẩy công khai, minh bạch và TNGT trong quản trị nhà nước. Một trong những yêu cầu của quản trị tốt là việc hiểu biết, ứng dụng hiệu quả các công nghệ số trong đời sống, chính trị - xã hội. Có nhiều mô hình đã được ghi nhận từ việc ứng dụng các công nghệ mới, như Chính phủ điện tử; dữ liệu mở, dữ liệu Chính phủ mở; tự do Internet; thành phố thông minh.

Sự phát triển của công nghệ, của cuộc cách công nghiệp 4.0 là một xu hướng không thể đảo ngược, vì thế các quốc gia cần phải tận dụng hết các giá trị, khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh để phát triển, trên cơ sở những điều kiện cụ thể của quốc gia mình. Sự đổi mới quản trị nhà nước ở Việt Nam cũng đặt trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực.

Công khai, minh bạch và TNGT là những nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận. Tuy nhiên, việc bảo đảm thực thi các nguyên tắc này vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Nguyên nhân chính được cho là những yếu kém của quản lý nhà nước theo mô hình cũ, lấy Nhà nước làm trung tâm. Trong quá trình đổi mới quản lý nhà nước, Đảng và Nhà nước đã dần đổi mới quản lý theo cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm. Mục tiêu của quản lý nhà nước là hướng tới xây dựng một nền hành chính minh bạch, tinh gọn, năng động và hiệu quả, hướng đến phục vụ thay vì cai trị nhân dân như trong mô hình hành chính công truyền thống. Cùng với sự đổi mới này, việc ứng dụng công nghệ thông tin, CMCN 4.0 được coi là một trong những yêu cầu của nền hành chính mới.

Nghiên cứu này góp phần phân tích tình hình, thực trạng và đề xuất các khuyến nghị, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, CMCN 4.0, nhằm thúc đẩy công khai, minh bạch và TNGT của các cơ quan hành chính nhà nước. 

2. Tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, CMCN 4.0 thúc đẩy công khai, minh bạch và TNGT của các cơ quan hành chính nhà nước

Từ những năm 2000, Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa[1].

Năm 2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2020 triển khai hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao trong nhiều lĩnh vực.

Năm 2015, Chính phủ có nghị quyết đầu tiên tập trung về chính phủ điện tử nhằm đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tiếp cận CMCN 4.0, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương “Rà soát lại các chiến lược, chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của CMCN lần thứ 4. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, đô thị thông minh”. Tiếp theo, ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, quy định các Bộ, ngành, địa phương hướng tới văn phòng không giấy tờ.

Ngày 7/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử. Theo đó, mục tiêu của Nghị quyết nhằm hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; nâng xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng từ 10 đến 15 bậc vào năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc đến năm 2025. Để đạt được mục tiêu chiến lược đó, Nghị quyết số 17/NQ-CP đưa ra các chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể tương ứng với từng giai đoạn xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử trên các phương diện: Hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng nền tảng công nghệ phù hợp với xu thế phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới, ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết với cải cách hành chính, đảm bảo an toàn thông tin, bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử,…

Trên cơ sở Nghị quyết số 17/NQ-CP, Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành những văn bản pháp lý quan trọng như: Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ quy định chế độ báo cáo trong các cơ quan nhà nước; Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia, Đề án xây dựng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet) và Đề án xây dựng hệ thống tham vấn chính sách (eConsultation) đang thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước khi Thủ tướng quyết định phê duyệt; trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu số; Nghị định về định danh điện tử và xác thực định danh cá nhân, tổ chức; Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, và nhiều văn bản tầm Nghị định cũng được các Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng triển khai.

Ngày 09/04/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Nghị định này quy định về các hoạt động quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước bao gồm: Quản lý, quản trị dữ liệu số; Kết nối, chia sẻ dữ liệu số; sử dụng, khai thác dữ liệu số của cơ quan nhà nước; Cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân; Quyền và trách nhiệm trong kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

Triển khai các chính sách trên, các cơ quan nhà nước từ Trung ương xuống địa phương tích cực phát triển và ứng dụng các công nghệ thông tin và CMCN 4.0 trong quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy công khai, minh bạch và TNGT của các cơ quan hành chính nhà nước ở các cấp.

Chính phủ đã thực hiện hàng loạt các biện pháp được triển khai như ứng dụng các công nghệ mới trong triển khai các hệ thống nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; triển khai các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm…[2]

Theo đánh giá của Chính phủ, việc triển khai Chính phủ điện tử ở các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến tháng 6/2018, các Bộ, ngành, địa phương đã cung cấp gần 50 nghìn dịch vụ công trực tuyến (cấp độ 3 và 4). Có hơn 50 bộ, ngành, địa phương xây dựng và ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử. Việc gửi - nhận văn bản điện tử đã được kết nối và liên thông giữa 28/29 Bộ, ngành và 63/63 tỉnh, thành phố. Đã và đang triển khai được 5 trong số 6 cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đất đai, dân cư, tài chính và bảo hiểm.[3] Theo Báo cáo đánh giá về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, năm 2016, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) của Việt Nam xếp hạng thứ 89/193 quốc gia, tăng 10 bậc, trong đó chỉ số thành phần về dịch vụ công trực tuyến (OSI) lên thứ hạng 74/193 quốc gia, tăng 8 bậc (so với năm 2014). Đến năm 2018, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam xếp hạng thứ 88/193 quốc gia, tăng 01 bậc, trong đó chỉ số thành phần về dịch vụ công trực tuyến (OSI) lên thứ hạng 59/193 quốc gia, tăng 15 bậc, (so với năm 2016). So với khu vực, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 6 trong ASEAN.[4]

Ở cấp địa phương, việc xây dựng và phát triển thành phố thông minh là một chính sách quốc gia được ban hành trong Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018. Theo Đề án này, việc phát triển đô thị thông minh bền vững dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông (ICT), công nghệ hiện đại nhằm đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng ICT để nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho cộng đồng với cơ sở nền tảng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT.

Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã đề xuất và triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh. Ví dụ, từ năm 2012, thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt đề án xây dựng thành phố thông minh và tổ chức triển khai thực hiện trên toàn thành phố. Tỉnh Bình Dương đã chủ động hợp tác với đối tác Hà Lan triển khai xây dựng đô thị thông minh áp dụng mô hình 3 nhà - Triple Helix. Trên cả nước hiện đã có gần 30 địa phương ký kết biên bản hợp tác với các đối tác là các tập đoàn công nghệ viễn thông lớn như VNPT, Viettel để xây dựng Đề án đô thị thông minh. Trong đó, nhiều địa phương đã phê duyệt và tổ chức thực hiện như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, huyện Phú Quốc…[5]

3. Những tác động của công nghệ thông tin, CMCN 4.0 đến thực hiện công khai, minh bạch và TNGT của các cơ quan hành chính nhà nước những vấn đề đặt ra

Chính sách và thực thi chính sách về công nghệ thông tin, CMCN 4.0 có tác động tích cực đến việc thực hiện công khai, minh bạch và TNGT của các cơ quan hành chính nhà nước qua các khía cạnh sau đây:

- Tăng cường sự công khai, minh bạch và TNGT của các cán bộ, cơ quan hành chính nhà nước

Việc xây dựng và triển khai Chính phủ điện tử đã cho thấy những tác động tích cực trong việc thúc đẩy sự công khai, minh bạch và TNGT của các cán Bộ, cơ quan hành chính nhà nước. Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, sử dụng hệ thống thông tin một cửa góp phần nâng cao tính minh bạch và TNGT của đội ngũ công chức. Việc xây dựng và hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến giữa Chính phủ và doanh nghiệp giúp môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp ngày càng minh bạch và thuận lợi hơn. Đặc biệt, cải thiện cung cấp các dịch vụ công của ngành Thuế, Bảo hiểm, giúp nâng cao chất lượng môi trường đầu tư.[6]

- Thúc đẩy sự tham gia trực tuyến của người dân trong quản lý nhà nước

Theo quy định của Hiến pháp, công dân có quyền “tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”, và trách nhiệm của Nhà nước là phải “tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (Điều 28). Tuy vậy, trên thực tế, sự tham gia của người dân trong quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế như tính cục bộ, khép kín trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách còn phổ biến; pháp luật chưa thực sự tạo điều kiện đầy đủ cho người dân tham gia; TNGT của cơ quan nhà nước chưa cao; người dân còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin; vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên còn mờ nhạt; sự tham gia của các tổ chức xã hội chưa được khuyến khích, tạo điều kiện,…

Tuy nhiên, công nghệ thông tin, CMCN 4.0 có những tác động rất tích cực đến việc thúc đẩy người dân tham gia thông qua con đường trực tuyến. Nếu như hình thức tham gia truyền thống (trực tiếp) còn hạn chế, hình thức tham gia trực tuyến lại ngày càng được người dân sử dụng tích cực. Theo Số liệu thống kê về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, chỉ số tham gia trực tuyến của người dân (E-Participation Index) về cơ bản có xu hướng ngày càng cao trong những năm gần đây, thể hiện qua Bảng thống kê sau đây:[7] (Xem Bảng)

Bảng. Thống kê chỉ số tham gia trực tuyến của người dân

thong_ke_chi_so_tham_gia_truc_tuyen_cua_nguoi_dan

- Bảo đảm quyền quyền tiếp cận thông tin của người dân

Sự tham gia của người dân trong quản lý nhà nước được hỗ trợ và bảo đảm bởi quyền tiếp cận thông tin. Các chính sách ứng dụng công nghệ thông tin và CMCN 4.0 đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân. Người dân dễ dàng, thuận tiện trong việc tiếp cận các thông tin do Nhà nước cung cấp thông qua các nền tảng trực tuyến. Sự phát triển của internet và mạng xã hội tạo ra môi trường lý tưởng đề người dân tiếp cận và tham gia vào quá trình xây dựng cũng như hoạch định chính sách.

- Tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến

Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm công khai, minh bạch và TNGT của các cơ quan hành chính. Trên thực tế, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ngày càng được chú trọng và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Bước đầu một số dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp cho doanh nghiệp và người dân như: Đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan, bảo hiểm, xã hội.[8] Theo số liệu của Liên hợp quốc, mặc dù chỉ số Chính phủ điện tử nói chung của Việt Nam ở mức trung bình, nhưng chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở Việt Nam ngày càng tích cực. Cần lưu ý rằng, tính mở và TNGT là 2 trong 5 tiêu chí (3 tiêu chí còn lại là: Tính hiệu lực; Tính đáng tin cậy; Tính bao trùm) để đánh giá chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI) theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, CMCN 4.0 trong quản lý nhà nước chủ yếu có tác động tích cực trong việc thúc đẩy công khai, minh bạch và TNGT của các cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, nó cũng có thể tạo ra những rủi ro, tiêu cực khác như các rủi ro của sự vi phạm, gây hại cho an ninh trật tự, lợi ích cộng đồng, xã hội và quyền con người trong môi trường mạng.

Một trong những thách thức lớn nhất với công khai, minh bạch và TNGT trong bối cảnh CMCN 4.0 là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý nhà nước và xã hội. AI đem lại những giá trị rất lớn cho con người và xã hội, nó cũng đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho công khai, minh bạch và TNGT, như vấn đề công khai, minh bạch quy trình, cách thức vận hành AI và thông tin nó sử dụng, TNGT của những tổ chức, cá nhân xây dựng, phát triển và sử dụng AI… Đây là thực tế diễn ra ở tất cả các nền quản trị số, Chính phủ điện tử trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Do đó, điều quan trọng là cần phải một mặt hạn chế các rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực của ứng dụng công nghệ thông tin, CMCN 4.0 trong quản lý nhà nước, mặt khác phải cân bằng các giá trị của công khai, minh bạch, TNGT và các lợi ích khác của cá nhân cũng như xã hội.

Vấn đề tiếp theo là cần nhận diện những hạn chế, thách thức trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, CMCN 4.0 trong quản lý nhà nước, như xếp hạng Chính phủ điện tử còn thấp; thiếu thông tin, dữ liệu trực tuyến của các Bộ, ngành; các dữ liệu khó tiếp cận, chưa được chia sẻ, trao đổi thông suốt và đầy đủ trong quá trình quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công; các chính sách, dịch vụ công chưa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; chưa có cơ chế phối hợp và TNGT rõ ràng giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân; các cơ quan, cán bộ hành chính còn quan liêu, thiếu TNGT trong thực thi công vụ; nhiều người dân còn chưa nhận thức đầy đủ về công nghệ thông tin, CMCN 4.0 và các ứng dụng của nó trong quản lý nhà nước; khung chính sách, pháp luật và quy trình, thủ tục còn bất cập, chưa hoàn thiện,…

4. Khuyến nghị và giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, CMCN 4.0 thúc đẩy công khai, minh bạch và TNGT

Trên cơ sở các chính sách của Đảng, Nhà nước và đặc biệt thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin, CMCN 4.0 trong quản lý nhà nước, bài viết đề xuất một số khuyến nghị, giải pháp như sau:

- Xây dựng chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, hoàn thiện chính sách, pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin, CMCN 4.0 trong quản lý nhà nước để một mặt phát huy được đầy đủ các giá trị của chúng về công khai, minh bạch và TNGT; mặt khác cân bằng các giá trị, lợi ích khác của cá nhân và xã hội, cũng như hạn chế các rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực.

- Xây dựng, hoàn thiện Chính phủ điện tử công bằng, dễ tiếp cận với tất cả mọi người, trong đó chú yếu là các cá nhân, nhóm yếu thế, thiệt thòi và dễ bị tổn thương. Chính phủ phải có trách nhiệm tạo điều kiện và hỗ trợ những cá nhân và nhóm khó có khả năng cũng như điều kiện để tiếp cận các công nghệ số, ứng dụng số, như những người ở vùng sâu, vùng xa, những người nghèo, những người già…

- Tăng cường các ứng dụng thúc đẩy quyền tiếp cận thông tin, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thông tin quản lý nhà nước; đảm bảo trách nhiệm chủ động công khai thông tin đầy đủ, cung cấp thông tin cho người dân khi được yêu cầu; xây dựng các hình thức chia sẻ, cung cấp thông tin dễ tiếp cận và sử dụng; xây dựng các cơ quan chuyên môn thực hiện điều phối và cung cấp các thông tin trực tuyến;…

- Tằng cường quyền tham gia của người dân trong quản lý nhà nước trên các giao diện, ứng dụng trực tuyến. Cần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện Chính phủ mở, dữ liệu để trao quyền và điều kiện rộng rãi hơn cho người dân tham gia vào quản lý nhà nước. Internet, mạng xã hội một mặt cần củng cố bảo đảm một kênh quan trọng để người dân tham gia quản lý nhà nước; mặt khác cần phải xây dựng, hoàn thiện phạm vi, giới hạn của tự do internet để bảo đảm trật tự, an toàn, an ninh con người và xã hội.

- Xây dựng, hoàn thiện các ứng dụng số trong phòng, chống tham nhũng thông qua quá trình công khai, minh bạch hóa và đảm bảo TNGT đầy đủ trong hoạt động quản lý nhà nước.

- Nghiên cứu khung chính sách quốc gia về AI và quản trị AI vì một xã hội tốt đẹp đảm bảo công khai, minh bạch và TNGT của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các cơ quan nhà nước với tư cách vừa là cơ quan quản lý và phát triển, ứng dụng AI.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] H. Nguyễn (2018). Các giai đoạn xây dựng chính phủ điện tử, <https://baobinhphuoc.com.vn/Content/cac-giai-doan-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-5309?fbclid= IwAR3jdr61dlKMJtO2AeB2Q9EoC7NV9SVSHZxXKqdlMHnoWMDc5Y_kZemleA&fbclid

=IwAR3jdr61dlKMJtO2AeB2Q9EoC7NV9SVSHZxXKqdlMHnoWMDc5Y_kZemleA>, xem 7/6/2020.  

[2] Ngô Hải Phan (2019). Yêu cầu và triển vọng ứng dụng các công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong việc nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, vận hành Chính phủ điện tử. Hội thảo khoa học cấp quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Bộ Tư pháp ngày 24/6/2019, 211-214.

[3] Văn phòng Chính phủ (2018). Báo cáo tình hình thực hiện triển khai xây dựng Chính phủ điện tử quý II năm 2018.

[4] Ngô Hải Phan (2019), Tài liệu đã dẫn, 210.

[5] Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng (2019). Xây dựng Đô thị thông minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Yêu cầu và định hướng hoàn thiện pháp luật. Hội thảo khoa học cấp quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Bộ Tư pháp ngày 24/6/2019, 218-219.

[6] Phạm Văn Chính, Ngô Minh Quân (2019). Chính phủ điện tử và độ mở cho phép tiếp cận của doanh nghiệp tại Việt Nam. Nguyễn Thị Quế Anh, Vũ Công Giao, Vũ Ngọc Anh, Nguyễn Thị Minh Hà (Đồng chủ biên), Chính phủ mở, Chính phủ điện tử và Quản trị nhà nước hiện đại, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 230.

[7] United Nations (2020). <https://publicadministration.un.org/egovkb/en-us/Data/Country-Information/id/189-Viet-Nam/dataYear/2018>. Xem 15/7/2020.

[8] Vũ Anh Tuấn (2019). Thực trạng và định hướng phát triển Chính phủ điện tử tướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam từ nay đến năm 2025. Nguyễn Thị Quế Anh, Vũ Công Giao, Vũ Ngọc Anh, Nguyễn Thị Minh Hà (Đồng chủ biên), Chính phủ mở, Chính phủ điện tử và Quản trị nhà nước hiện đại, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 168.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng (2019). Xây dựng Đô thị thông minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Yêu cầu và định hướng hoàn thiện pháp luật. Hội thảo khoa học cấp quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Bộ Tư pháp ngày 24/6/2019, 218-219.
  2. Nguyễn (2018). Các giai đoạn xây dựng chính phủ điện tử, <https://baobinhphuoc.com.vn/Content/cac-giai-doan-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-5309?fbclid=IwAR3jdr61dlKMJtO2AeB2Q9EoC7NV9SVSHZxXKqdlMHnoWMDc5Y_kZemleA  &fbclid=IwAR3jdr61dlKMJtO2AeB2Q9EoC7NV9SVSHZxXKqdlMHnoWMDc5Y_ kZemleA>, xem 7/6/2020.
  3. Khoa Luật ĐHQGHN (2019). Trí tuệ nhân tạo và những vấn đề pháp lý đặt ra với pháp luật và quyền con ngườ Kỷ yếu Hội thảo, Khoa Luật ĐHQGHN ngày 28/5/2019.  
  4. Ngô Hải Phan (2019). Yêu cầu và triển vọng ứng dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong việc nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, vận hành Chính phủ điện tử. Hội thảo khoa học cấp quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Bộ Tư pháp ngày 24/6/2019, 211-214.
  5. Nguyễn Thị Quế Anh, Ngô Huy Cương (2018). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với cải cách pháp luật Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  6. Nguyễn Thị Quế Anh, Vũ Công Giao, Nguyễn Hoàng Anh (2018). Các lý thuyết, mô hình, cách tiếp cận về quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng, NXB Hồng Đức, Hà Nội.
  7. . Nguyễn Thị Quế Anh, Vũ Công Giao, Vũ Ngọc Anh, Nguyễn Thị Minh Hà (2019), Chính phủ mở, Chính phủ điện tử và Quản trị nhà nước hiện đại, NXB Hồng Đức, Hà Nội.
  8. United Nations (2020). <https://publicadministration.un.org/egovkb/en-us/Data/Country-Information/id/189-Viet-Nam/dataYear/2018>. Xem 15/7/2020.
  9. Văn phòng Chính phủ (2018). Báo cáo tình hình thực hiện triển khai xây dựng Chính phủ điện tử quý II năm 2018.

 

Solutions of using information technology under the Industry 4.0

for promoting openNess, transparency and accountability

of state administrative agencies

 Assoc. Prof. Ph.D DANG MINH TUAN
VNU School of Law, Vietnam National University - Hanoi
Master. PHAM TIEN DUNG
Hanoi College of Electronic and Electro - Refrigeratory Technics

ABSTRACT:
This paper presents an overview of the current situation of the application and the impacts of information technology under the Industry 4.0 on promoting openess, transparency and accountability of state administrative agencies at all levels. Based on the paper’s overview, some feasible solutions and recommendations are proposed.
Keywords: Industry 4.0, information technology, openness, transparency, accountability, state management, state administrative agency.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 17, tháng 7 năm 2020]