Giải pháp vận dụng kế toán quản trị chi phí theo mức độ hoạt động trong các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam

THS. HOÀNG THU HIỀN (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT

Bài viết cung cấp một cái nhìn tổng quan, toàn diện về nội dung của phương pháp chi kế toán quản trị chi phí theo mức độ hoạt động, một phương pháp quản trị chi phí được áp dụng phổ biến ở các nước trên thế giới. Đồng thời, bài viết nghiên cứu đặc điểm chi phí dịch vụ trong các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam qua khảo sát 75 doanh nghiệp, đưa ra các đặc điểm chi phí của các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số Việt Nam phù hợp với phương pháp kế toán quản trị chi phí theo mức độ hoạt động. Trên cơ sở đó, tác giả khuyến nghị các bước vận dụng phương pháp kế toán quản trị chi phí theo mức độ hoạt động trong các doanh nghiệp này nhằm nâng cao hiệu quả quản trị chi phí dịch vụ.

Từ khóa: Phương pháp xác định chi phí theo mức độ hoạt động, kế toán ABC, các phương pháp xác định chi phí, doanh nghiệp nội dung số.

1. Đặt vấn đề

Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Do các yêu cầu ràng buộc của việc gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới và các hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp Việt Nam mà cụ thể là các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với những cạnh tranh gay gắt và khốc liệt từ các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Mục tiêu sản xuất sản phẩm dịch vụ đạt chất lượng tốt, giá thành phù hợp với giá thị trường và phù hợp nhu cầu của khách hàng sẽ là mục tiêu sống còn và lâu dài đối với các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc áp dụng phương pháp kế toán quản trị chi phí theo mức độ hoạt động là con đường giúp các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam tồn tại và phát triển trong cạnh tranh.

2. Thực tế kế toán chi phí trong các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam

2.1. Đặc điểm sản phẩm dịch vụ ảnh hưởng đến kế toán chi phí dịch vụ

Thứ nhất: Dịch vụ nội dung số không thể đo lường được bằng các phương pháp đo lường thông thường như thể tích, trọng lượng… Điều này dẫn đến hệ thống định mức, hệ thống chi phí giá thành không thể tính cho một đơn vị sản phẩm dịch vụ mà thường được xây dựng dựa trên tỷ lệ tăng trưởng của năm trước liền kề và tập hợp chi phí giá thành theo từng tháng cho cả một bộ phận sản xuất nội dung hoặc là hợp đồng vụ việc mà không tính giá thành đơn vị sản phẩm dịch vụ.

Thứ hai: Dịch vụ nội dung số không thể dự trữ được dịch vụ nên không thể sản xuất hàng loạt trước để dự trữ khi có nhu cầu cao thì mang ra bán, hoặc chuyển từ nơi có nhu cầu thấp sang bán nơi có nhu cầu cao để bán. Điều này gây khó khăn cho công tác dự toán chi phí.

Thứ ba: Hàm lượng tri thức trong dịch vụ nội dung số chiếm tỷ trọng lớn. Hầu hết các dịch vụ nội dung số không cần đến nguyên vật liệu đầu vào, mà giữ vai trò quan trọng nhất trong hoạt động dịch vụ nội dung số là yếu tố con người. Chính vì vậy, kết cấu các khoản mục phí dịch vụ nội dung số chủ yếu là chi phí nhân công, chi phí sản xuất chung, chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng nhỏ và gần như không có. Các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam cần xây dựng định mức nhân công tốt, dự toán chi phí nhân công nhằm kiểm soát chi phí nhân công, hạ giá thành tăng lợi nhuận.

Thứ tư: Dịch vụ nội dung số có vòng đời công nghệ ngắn, cần chi phí đầu tư lớn cho việc đào tạo cập nhật công nghệ, marketing tìm kiếm mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam cần áp dụng mô hình các phương pháp xác định phí phù hợp nhằm kiểm soát tốt chi phí, thu hồi vốn nhanh và đầu tư mở rộng nhiều sản phẩm dịch vụ mới.

Thứ năm: Vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đang là một rào cản không nhỏ. Việc số hóa các sản phẩm nội dung số truyền thống cũng gặp một số khó khăn về mặt bản quyền. Chi phí mua bản quyển âm nhạc, phim, nội dung khó dự toán và kiểm soát, đây là chi phí về sở hữu trí tuệ, chưa có qui định chung về giá.

Thứ sáu: Do đặc thù của dịch vụ nội dung số, chi phí dịch vụ chủ yếu là chi phí nhân công. Mặt khác, doanh thu chủ yếu của dịch vụ nội dung số là tiền bán các banner quảng cáo, quảng cáo nội dung. Doanh thu không dựa trên nền tảng chi phí nên mối quan hệ giữa chi phí và doanh thu cho hoạt động này không thể hiện rõ. Vì vậy, phân tích mối quan hệ doanh thu - chi phí - lợi nhuận ít được đặt ra, trọng tâm của kế toán quản trị chi phí ở đây là kiểm soát chi phí - doanh thu, phân tích chênh lệch chi phí, doanh thu xem có đạt mục tiêu hay không.

2.2. Thực trạng kế toán chi phí trong các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam

Theo kết quả khảo sát, 100% doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam đều sử dụng phương pháp xác định chi phí theo chi phí thực tế phát sinh với đối tượng chịu phí là sản phẩm dịch vụ/nhóm sản phẩm dịch vụ hoàn thành, không có doanh nghiệp nào áp dụng các phương pháp kế toán quản trị chi phí khác, như: phương pháp chi phí chuẩn, phương pháp chi phí Kaizen hay phương pháp ABC. Với nội dung về mức độ hiểu biết của doanh nghiệp cungf các phương pháp kế toán quản trị chi phí khác, tác giả thu nhận được kết quả theo Biểu đồ dưới đây:Với đối tượng chịu phí là các sản phẩm dịch vụ/nhóm sản phẩm dịch vụ sản xuất, các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam tiến hành kế toán từng khoản mục chi phí sản xuất, sau đó tập hợp chi phí sản xuất, từ đó tính giá thành sản phẩm dịch vụ/nhóm sản phẩm dịch vụ hoàn thành. Cụ thể, công tác kế toán chi phí sản xuất thực tế tại các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam như sau:

* Hệ thống chứng từ kế toán

- Đối với chứng từ chi phí NVL: Đây là khoản mục chi phí chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí sản xuất dịch vụ, hầu như không có của các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam. Chứng từ chủ yếu đều sử dụng Phiếu xuất kho NVL hoặc Lệnh sản xuất có tác dụng như Phiếu xuất kho.

- Đối với chứng từ hạch toán chi phí NCTT: Đây là khoản mục phí chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất dịch vụ của các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam. Cụ thể, chứng từ sử dụng cho khoản mục phí này là Bảng chấm công, bảng chấm công làm thêm giờ, bảng thanh toán lương.

- Đối với chứng từ hạch toán các yếu tố phí khác bao gồm rất nhiều chứng từ phù hợp với từng loại chi phí phát sinh: Bảng khấu hao TSCĐ, hóa đơn chứng từ phản ánh chi phí bằng tiền, phiếu xuất kho, bảng phân bổ tiền lương và bảo hiểm xã hội...

* Hệ thống tài khoản kế toán chi phí:

Kết quả khảo sát tác giả tổng hợp được có 72% doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam sử dụng TK 154 để hạch toán chi phí sản xuất dịch vụ dịch vụ nội dung số và chi tiết theo sản phẩm dịch vụ/nhóm sản phẩm dịch vụ hoàn thành. Có tới 28% doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam không sử dụng TK 621, 622, 627, cũng như TK 154 để phản ánh chi phí nhân công trực tiếp theo đúng chế độ kế toán mà sử dụng luôn TK 632 để phản ánh chi phí sản xuất dịch vụ và chi tiết cho sản phẩm dịch vụ/nhóm sản phẩm dịch vụ.

Lí do không sử dụng TK 621, 622, 627/154 để phản ánh chi phí sản xuất dịch vụ là do đặc điểm kinh doanh sản phẩm dịch vụ nội dung số, sản phẩm dịch vụ sản xuất xong đến tay người tiêu dùng luôn, lại không có sản phẩm dở dang, nên các doanh nghiệp này cho rằng không nhất thiết phải sử dụng TK 621, 622, 627/154.

Để tập hợp chi phí liên quan đến các bộ phận, kế toán tại các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam sử dụng các tài khoản sau:

TK 154 - CPSXKD dở dang: dùng để tập hợp các chi phí phát sinh tại bộ phận sản xuất nội dung như tiền lương và các khoản trích theo lương của bộ phận này, chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí dịch vụ mua ngoài… và giá vốn của các dịch vụ kinh doanh thương mại.

TK 632 - GVHB: dùng để tập hợp hoặc kết chuyển toàn bộ chi phí sản xuất của bộ phận sản xuất nội dung và giá vốn của hàng hóa, dịch vụ kinh doanh thương mại tiêu thụ trong kỳ.

TK 641 - CPBH: dùng để tập hợp các chi phí phát sinh tại bộ phận bán hàng theo đúng chế độ kế toán qui định.

TK 642 - CPQLDN: dùng để tập hợp các chi phí phát sinh tại bộ phận quản lý doanh nghiệp theo đúng chế độ kế toán qui định.

* Hệ thống sổ kế toán:

Theo kết quả khảo sát, có tới 86% doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam sử dụng hình thức nhật ký chung để tổ chức ghi chép kế toán và 14% doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số sử dụng hình thức chứng từ ghi sổ để tổ chức ghi chép kế toán.

3. Giải pháp vận dụng kế toán abc trong các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam

3.1. Giải pháp phân loại chi phí phục vụ mục tiêu quản trị doanh nghiệp

Theo tác giả đề xuất, trong các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam, thay vì sử dụng số liệu chi phí theo chức năng hoạt động sẵn có về chi phí NCTT, chi phí SXC, chi phí bán hàng, chi phí QLDN, chi phí tài chính và chi phí khác, ta có thể phân tích các chi phí trên theo từng nhóm chi phí cụ thể. Đồng thời, các chi phí mang tính chất hỗn hợp cũng được phân tích theo mối quan hệ với khối lượng hoạt động (theo ứng xử chi phí) thông qua các kỹ thuật bóc tách cụ thể như: phương pháp bình phương nhỏ nhất, phương pháp cực đại, cực tiểu,...

3.2. Giải pháp tập trung vào các bước kỹ thuật trong thiết kế triển khai kế toán ABC

Để triển khai áp dụng kế toán ABC phù hợp với điều kiện thực tế trong các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam, tác giả đề xuất thực hiện các bước triển khai theo quy trình lý thuyết mà Horngren và cộng sự (2015) đưa ra. Quy trình này bao gồm: (1) lựa chọn mục tiêu cụ thể khi triển khai; (2) phác họa các vấn đề tổ chức ảnh hưởng tới việc triển khai; (3) xây dựng danh mục các hoạt động và nhóm các hoạt động chủ yếu, gán CP cho mỗi hoạt động; (4) xác định các tiêu thức phân bổ thứ cấp; (5) gán các chi phí cho các đối tượng chịu phí và (6) phân tích dữ liệu chi phí.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Atkinson, Banker, Kaplan, Young (2001), Management Accounting, Prentice Hall International, Thirth edition.
  2. Channon, D (2005), Blackwell Encyclopedic Dictionary of Strategic Management, chief author, Blackwell Oxíbrd, pp. 1-186
  3. Imai, M (1986), Kaizen: The key to Janpan's Competitive success,McGraw Hill, New York, USA.
  4. Jagdeep, S, Hanvinder, S. (2009), Kaizen Philosophy: A review of Literature, I C Fai University, Journal of Operations Management, 3 (2).
  5. Matti, , Katja T. (2002), Process - Based Costing: The Best of Activity- Based Costing, AACE International Transactions,pp. 151- 156.
  6. Robert, I., Thomas L. A., Bruce A. B., Jonh W. H. (1999), Accounting Information for decisions,South - Westem College Publishing.

Solutiosn for applying the activity-based costing method in Vietnamese digital content businesses

Master. Hoang Thu Hien

Faculty of Accounting

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

This article provides an overview on activity-based costing method which is popularly applied in countries around the world. This article also studies the characteristics of service costs of digital content businesses in Vietnam by surveying 75 businesses, showing the cost characteristics of Vietnamese digital content businesses which are suitable for the activity-based costing method. Based on the results, this article recommends steps that Vietnamese digital content businesses should apply activity-based costing method to improve the efficiency of their service cost management.

Keywords: Activity-based costing (ABC) method, ABC accounting, methods of determining costs, digital content businesses.