Giúp cơ sở chủ động duy trì sản xuất trong dịch Covid-19

Tinh thần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, để địa phương tự nắm bắt những khó khăn và nhu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp đã giúp cơ sở chủ động hơn trong xác định những việc cần làm, mở lối cho duy trì sản xuất kinh doanh, mà vẫn đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trong tỉnh vừa nỗ lực các biện pháp phòng, chống dịch bệnh vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh
Doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trong Bình Dương vừa nỗ lực các biện pháp phòng, chống dịch bệnh vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh

Ngày 18/5/2021, lần đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 khởi phát, Việt Nam buộc phải có quyết định mạnh mẽ, chưa từng có:  Đóng cửa 4 KCN Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung, Song Khê - Nội Hoàng thuộc tỉnh Bắc Giang để ngăn chặn tốc độ lây lan của làn sóng dịch bệnh. Đóng cửa 4 KCN đồng nghĩa với cho nghỉ việc và lo chỗ ăn, chỗ nghỉ 60.000 công nhân, đồng nghĩa với việc mỗi ngày Bắc Giang thiệt hại 2.000 tỷ đồng.

Ngày 9/6, Bộ Công Thương có văn bản số 3319/BCT-CN về chủ động triển khai các giải pháp nhằm ổn định sản xuất công nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh có thể bùng phát. Trong đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Công Thương và các Sở, Ban, Ngành liên quan đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống bùng phát dịch bệnh, đảm bảo lưu thông hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, không làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất; thực hiện phân vùng sản xuất, điều chỉnh phân ca sản xuất, giãn cách dây chuyền sản xuất; chủ động đề xuất ưu tiên tiêm vắc - xin cho công nhân tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp.

Công văn 3319 vừa là hướng dẫn, vừa là trao quyền cho cơ sở chủ động khai thông bế tắc, vừa đảm bảo sản xuất, vừa an toàn chống dịch. Đúng 2 tuần sau công văn 3319, ngày 23/6 ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo khôi phục sản xuất tỉnh Bắc Giang xác nhận, tỉnh đã thẩm định và chấp thuận cho 168 doanh nghiệp với 24.207 lao động được phép hoạt động trở lại.

Để khôi phục sản xuất, sau công văn 3319 tỉnh không chờ thêm “tín hiệu” từ trên nữa, mà chủ động khảo sát, xác định những khó khăn và nhu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp đón số lao động đủ điều kiện kiểm soát nguy cơ nhiễm dịch trở lại làm việc; hỗ trợ bố trí chỗ ở tập trung cho người lao động; ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân, tính đến ngày 2/9, đã tiêm 148 nghìn liều cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chiếm 40% tổng số liều đã tiêm trên toàn tỉnh.

Với sự chủ động của tỉnh, Sở Công Thương và các doanh nghiệp, đến ngày 9/9, 100% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp Bắc Giang đã trở lại hoạt động. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bắc Giang, dịch Covid -19 bùng phát đã làm cho chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 giảm tới 40,9% so với tháng 4 năm 2021, giảm 33,3% so với cùng kỳ. Đến tháng 8, tăng 36,6% so với tháng 7 và tăng 13,4% so với cùng kỳ.

Câu chuyện duy trì sản xuất tại các nhà máy, khu công nghiệp không chỉ ở Bắc Giang, mà được nhiều địa phương trên cả nước áp dụng hiệu quả. Công văn 3319 cũng không phải là công văn duy nhất; tiếp đến là văn bản số 4728 ngày 5/8 đề nghị UBND cấp tỉnh bố trí địa điểm tạm thời thay thế các chợ bị đóng cửa, đánh giá để mở cửa trở lại đối với các chợ tạm thời đóng cửa do có ca nhiễm; văn bản số 5119 ngày 23/8 yêu cầu Cục Công nghiệp bám sát tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn quốc, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để có những hướng dẫn, giải pháp cụ thể để vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất…

Vì thế, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, 16+ của Thủ tướng Chính phủ, nhưng tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp vẫn tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 1,6 điểm % so với mức tăng cùng kỳ năm 2020. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,5%, đóng góp lớn nhất với 4,70 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,3%, đóng góp 0,39 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,6% (quý I tăng 6,4%; quý II tăng 5,1%; quý III ước tính giảm 0,4%), đóng góp 0,06 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,4% (quý I giảm 8,1%; quý II giảm 3,9%; quý III ước tính giảm 7,2%), làm giảm 1,0 điểm phần trăm mức tăng chung.

Có 48/63 số địa phương (82,5%) trong cả nước có chỉ số IIP 9 tháng năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó những địa phương có tốc độ tăng sản xuất công nghiệp cao nhất gồm: Ninh Thuận tăng 32,6%; Đắk Lắk tăng 25%; Hải Phòng tăng 19,7%; Nghệ An tăng 18,3%; Gia Lai tăng 17,4%; Hà Tĩnh tăng 16,6%; Thanh Hóa tăng 15,3%; Quảng Ngãi tăng 14,9%; Hà Nam tăng 14,4%…

Chỉ số IIP 9 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn, tăng trưởng khá như Hải Phòng tăng 19,7%; Thanh Hóa tăng 15,3%; Quảng Ngãi tăng 14,9%; Vĩnh Phúc tăng 13,6%; Bắc Ninh tăng 11,7%; Hải Dương tăng 11,5%; Quảng Ninh tăng 10,6%; Bắc Giang tăng 8,4%; Quảng Nam tăng 7,4%; Thái Nguyên tăng 7,3%; Hà Nội tăng 4,1%. Đặc biệt, 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương dù phải thực hiện Chỉ thị 16 từ đầu quý III nhưng cùng có mức tăng 2,9%...

Giao Thủy