Gói hỗ trợ chuyển đổi số ưu tiên doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng xuất khẩu

Ngày 22/7/2021, Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, phối hợp với Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do USAID tài trợ đã công bố Gói hỗ trợ xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
chuyển đổi số
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 hướng tới mục tiêu đến năm 2025 có 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số

Đây là hoạt động hỗ trợ chuyên sâu thực hiện mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số (CĐS) thành công, là các bài học điển hình để nhân rộng trong cộng đồng doanh nghiệp.

Dự kiến trong đợt một, 15 doanh nghiệp được chọn sẽ được đoàn chuyên gia độc lập, nhiều kinh nghiệm của chương trình hỗ trợ khảo sát, đánh giá, tư vấn xây dựng chiến lược và lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp tham gia gói hỗ trợ này cần đáp ứng một số tiêu chí như có số lao động từ 50-500 lao động và thời gian thành lập từ 5 năm trở lên; có định hướng về chuyển đổi số, tái cấu trúc hoạt động doanh nghiệp; thuộc một trong số các lĩnh vực ưu tiên như cơ khí chế tạo, điện tử, nông nghiệp và chế biến nông sản, chế biến gỗ, sản phẩm nội thất, dệt may, dược phẩm, bao bì, …

Đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp có tham gia vào chuỗi cung ứng liên quan đến hoạt động xuất khẩu, và ưu tiên cho các đơn vị có nữ là chủ sở hữu hoặc quản lý doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp được lựa chọn cũng sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án USAID LinkSME hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp đầu chuỗi trong nước và quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Lê Mạnh Hùng, trong năm 2021, Chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 đã xây dựng Cổng thông tin tại địa chỉ http://digital.business.gov.vn và tổ chức các khóa đào tạo nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về CĐS, gồm 2 khóa offline thu hút khoảng 100 doanh nghiệp tham gia mỗi lớp tại Hà Nội và Huế, đào tạo online về CĐS qua nền tảng e-learning.

Hệ thống đã có 46 chuyên đề đào tạo trực tuyến với hơn 500 clip, phục vụ hơn 6.500 học viên đăng ký học tập và khoảng gần 20.000 lượt truy cập. Ngoài ra, buổi ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Cục Phát triển doanh nghiệp; Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Grab Việt Nam đã được tổ chức vào ngày 08/6/2021.

Chương trình được triển khai với 6 nhóm hoạt động chính, gồm: xây dựng công cụ, nền tảng số, cơ sở dữ liệu CĐS cho doanh nghiệp; hình thành và tổ chức điều phối Mạng lưới chuyên gia tư vấn về CĐS; xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo CĐS cho doanh nghiệp; triển khai hỗ trợ 100 doanh nghiệp là thành công điển hình về CĐS; thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ phát triển giải pháp số; triển khai các hoạt động truyền thông cho Chương trình để tạo sự lan tỏa và kết nối.

Đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa và thiết thực trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, khi các doanh nghiệp cần tổ chức lại, tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, tìm kiếm các thị trường mới để thích ứng và phát triển.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 hướng tới mục tiêu đến năm 2025 (i) 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; (ii) Tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; (iii) Tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; (iv) Thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.

Thọ Xuân