Hà Nội: Khảo sát cập nhật dữ liệu cho khoảng 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Thực hiện Kế hoạch số 233/KH-UBND ngày 29/10/2019 của UBND Thành phố Hà Nội (Kế hoạch) về việc điều tra, khảo sát, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong năm 2020, Sở Công Thương Hà Nội đã tích cực triển khai các hoạt động để hoàn thiện công tác này. Tuy nhiên, do đại dịch Covid 19 khiến một số hoạt động bị ngưng trệ.

Triển khai khảo sát khoảng 1.000 doanh nghiệp CNHT

Để thực hiện tốt Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 29/10/2019 của UBND Thành phố Hà NộiSở Công Thương Hà Nội sẽ điều tra, khảo sát khoảng 1.000 doanh nghiệp ngành công nghiệp đang hoạt động, được thành lập trên địa bàn thành phố, hoạt động trong các lĩnh vực: dệt may, da giày, linh kiện điện tử, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghệ cao và bao bì.

Cơ quan thực hiện việc điều tra đã tiến hành xây dựng phương án điều tra và xây dựng mẫu phiếu điều tra; tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia để chọn Phương án điều tra; xây dựng sổ tay nghiệp vụ cho việc điều tra trực tiếp và điều tra trực tuyến; tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra; tiến hành điều tra thử một số doanh nghiệp và hoàn thiện phiếu điều tra; điều tra viên trực tiếp hoặc điều tra trực tuyến thu thập số liệu, ghi phiếu điều tra; tổng hợp phân tích đánh giá kết quả điều tra; tổ chức hội thảo báo cáo kết quả điều tra.Việc điều tra theo hình thức chọn mẫu, đảm bảo tính đại diện cho các khu vực địa lý, quy mô doanh nghiệp, tập hợp cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp thuộc công nghiệp hỗ trợ hoạt động trên địa bàn thành phố.

Thông qua thực hiện các nội dung trên nhằm xác định được các đặc điểm chính của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc lĩnh vực dệt may, da giầy, linh kiện điện tử, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghệ cao và bao bì như các tiêu chí về loại hình doanh nghiệp, năng lực công nghệ sản xuất, mức độ liên kết với các công ty cung cấp, mức độ quan hệ với khách hàng, năng lực đổi mới và cải tiến công nghệ để đáp ứng yêu cầu và thay đổi công nghệ trong ngành.

Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về một số đặc điểm chính về năng lực sản xuất nói chung của các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp, trên cơ sở đó, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội.

Kết quả điều tra, phân tích có thể sử dụng cho các mục đích khác liên quan đến việc triển khai hỗ trợ định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, kế hoạch và triển khai hỗ trợ cả về chính sách và nguồn lực cho phát triển các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp trọng điểm trên địa bàn thành phố đến năm 2025.

Cơ sở dữ liệu rất quan trọng giúp kết nối giao thương

Ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ: Sở Công Thương Hà Nội rất tâm huyết với Kế hoạch số 233/KH-UBND của UBND Thành phố Hà Nội. Đây là một trong những chương trình quan trọng và ý nghĩa mà UBND thành phố đã phối hợp với Sở Công Thương triển khai tích cực trong thời gian qua, nhằm hỗ trợ cung cấp thông tin đầy đủ về doanh nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu, kết nối, giao thương; mang đến cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước cái nhìn tổng quan về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng, chất lượng sản phẩm và công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, đồng thời tăng cường khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp CNHT của Hà Nội với các doanh nghiệp FDI và các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng 4.0 trong kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý nhà nước đang từng bước được đẩy mạnh, việc số hóa các thông tin của doanh nghiệp sẽ giúp việc tra cứu thông tin, quản lý thông tin được nhanh chóng và thuận tiện.

Ông Thắng cũng cho biết thêm, đơn vị tư vấn đã triển khai khảo sát trên số lượng lớn. Tuy nhiên, lượng doanh nghiệp trả lời mới đạt khoảng 85% mục tiêu của Kế hoạch; Các doanh nghiệp trả lời chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ. Với tổng số phiếu thu về là 850 phiếu; số phiếu đủ thông tin phân tích chuyên sâu là 661 phiếu. Tổng số phiếu có đóng dấu đỏ và chữ kí người đại diện doanh nghiệp là 442 phiếu.

Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, Sở Công Thương và đơn vị tư vấn đã nhận được sự hỗ trợ và ý kiến đóng góp của các Sở, ngành liên quan (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế Hà Nội, Cục Thống kê Hà Nội, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, BQL đầu tư xây dựng các quận, huyện trên địa bàn); các Viện nghiên cứu, Hiệp hội, Hội chuyên môn trong lĩnh vực (Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế xã hội Hà Nội; Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam; giáo sư từ các trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương Hà Nội, ĐH Thương mại).   

Theo kế hoạch, Sở Công Thương và đơn vị tư vấn thống nhất yêu cầu hoàn thành tổng hợp và phân tích số liệu trước 30/4/2020, hoàn thành báo cáo chi tiết trước 31/5/2020, kịp tiến độ Sở Công Thương báo cáo thành phố trong tháng 6/2020. Tuy nhiên do hoàn cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đơn vị tư vấn gặp khó khăn khi triển khai các phương án thu thập thông tin.

Đơn cử việc cử cán bộ điều tra tới doanh nghiệp, hội thảo để lấy ý kiến doanh nghiệp bị ngưng trệ. Chính vì thế nên trong năm 2020, Kế hoạch vẫn chưa thể hoàn thành. Trong thời gian tới, dựa trên những cơ sở dữ liệu đã làm được trong năm 2020, Sở Công Thương Hà Nội sẽ rút ra bài học kinh nghiệm và tiếp tục triển khai Kế hoạch trong năm 2021.

PT