Hà Nội nhân rộng mô hình quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh trái cây trên toàn Thành phố

Thông qua hàng loạt hoạt động đồng bộ triển khai Đề án thí điểm về quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây tại 12 quận nội thành, thời gian qua Hà Nội đã “gặt hái” được nhiều kết quả tích cực và đang tiếp tục nhân rộng mô hình hiệu quả này trên toàn địa bàn Thủ đô.

Quyết liệt triển khai Đề án thí điểm

Nhằm từng bước quản lý hoạt động của các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngày 23/8/2017 UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 5848/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”. Sau 2 năm triển khai thực hiện, Đề án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Bên cạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn được đẩy mạnh, UBND các quận đã triển khai được 40 tuyến phố văn minh không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè thuộc 12 quận. Đồng thời, phối hợp với Quỹ đầu tư phát triển Thành phố, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cung cấp, giới thiệu các chương trình, chính sách tín dụng, hoạt động cho vay đến các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội có nhu cầu làm thủ tục vay vốn theo quy định. Giới thiệu thông tin của 2 nhãn hàng chuyên cung cấp tủ bảo quản SANAKI và ALASKA, đơn vị cam kết hỗ trợ giảm giá bán từ 10-15% so với giá bán trên thị trường.

Đáng chú ý, thông qua 6 Hội nghị giao thương, 1 Hội chợ, hơn 30 hoạt động giao thương, tiêu thụ nông sản thực phẩm với các địa phương, các hoạt động xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản thực phẩm trong đó có trái cây của các địa phương vào kênh phân phối Hà Nội, đã có khoảng 1.000 biên bản ghi nhớ về khai thác hàng hóa lợi thế được ký kết, trong đó có khoảng 410 biên bản ghi nhớ về khai thác sản phẩm trái cây của các tỉnh. Giới thiệu, cung cấp thông tin về nguồn cung trái cây an toàn của Hà Nội và các tỉnh, thành phố (110 cơ sở, vùng trồng trái cây an toàn của Hà Nội; 63 cửa hàng chuyên doanh trái cây, 41 công ty nhập khẩu rau, quả của Hà Nội; 130 cơ sở, vùng trồng trái cây an toàn của các tỉnh, thành phố).

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh công tác giám sát chất lượng; kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nhằm ngăn chặn sản phẩm trái cây không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường. Đặc biệt, Sở Công Thương Thành phố đã phối hợp xây dựng hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc trái cây, qua đó cấp mã tài khoản quản trị cho 2.506 cho các cơ sở, HTX, doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông lâm thủy sản an toàn; cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho 460 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục tham gia hn.check.net.vn với tổng bộ mã truy xuất được quản lý hơn 5.500 mã sản phẩm.

Kết quả thực hiện đối với tổng số 809 cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận nội thành, đạt được 1 số thành tựu sau: 100% cửa hàng đã được cấp đăng ký kinh doanh (trước Đề án đạt 30%); 100% người trực tiếp kinh doanh đã thực hiện khám sức khỏe, xác nhận kiến thức về ATTP định kỳ theo quy định (trước đề án đạt trên 60%); 100% cửa hàng đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết bảo đảm ATTP (trước đề án đạt 30%); 100% cửa hàng có trang thiết bị đảm bảo bảo quản, có quầy, kệ trưng bày, có thiết bị vệ sinh cơ sở (trước đề án các điều kiện này chỉ đạt 70-80%); 95% cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng, có trang thiết bị vận chuyển (trước đề án đạt 50%); 80% cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc trái cây (trước đề án đạt 38%). UBND các quận đã cấp biển nhận diện cho 809/809 cửa hàng đáp ứng được các yêu cầu của Đề án; thu hồi 23 biển nhận diện do cửa hàng ngừng hoạt động kinh doanh.

Thông qua hàng loạt hoạt động đồng bộ triển khai Đề án thí điểm về quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây tại 12 quận nội thành, thời gian qua Hà Nội đã “gặt hái” được nhiều kết quả tích cực
Thông qua nhiều hoạt động đồng bộ triển khai Đề án thí điểm về quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây tại 12 quận nội thành, thời gian qua Hà Nội đã thu được nhiều kết quả tích cực

“Trên đà” nhân rộng hiệu quả, hướng tới mục tiêu tuyệt đối

Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được của Đề án Thí điểm, ngày 1/6/2020 UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2228/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025” nhằm nhân rộng trên toàn Thành phố.

Theo đó, đặt mục tiêu giai đoạn 2020-2021, tại Thành phố Hà Nội có 100% cửa hàng được cấp đăng ký kinh doanh theo quy định; 100% người kinh doanh được tập huấn kiến thức về ATTP; 100% cửa hàng tuân thủ đầy đủ các điều kiện tại Đề án và được cấp Biển nhận diện. Riêng tại 12 quận nội thành, phấn đấu 100% cửa hàng kinh doanh trái cây biết đến Đề án; 30-50% các tuyến phố văn minh không kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Giai đoạn 2022-2025, Thành phố tiếp tục triển khai quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây đồng bộ tại các tuyến phố, khu dân cư trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã, đạt 100% các cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện cấp biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn Thành phố có 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc đối tượng của Đề án, trong đó 52% cửa hàng đã được cấp đăng ký kinh doanh.

UBND các quận đang tiến hành rà soát lại điều kiện của 809 cửa hàng để xem xét cấp lại biển nhận diện theo Đề án tăng cường; UBND các huyện, thị xã đang hướng dẫn các cửa hàng hoàn thiện thủ tục về ATTP, điều kiện thực tế để được cấp biển nhận diện.

Sở Công Thương Hà Nội, với vai trò cơ quan thường trực điều hành thực hiện Đề án, đã ban hành văn bản số 3259/SCT-QLTM ngày 23/7/2020 gửi UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn khảo sát, thống kê, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố; Hướng dẫn số 3789/HD-SCT ngày 28/8/2020 về việc triển khai các nội dung: công tác tập huấn; công tác cấp biển nhận diện; công tác kiểm tra truy xuất nguồn gốc,…

Để triển khai có hiệu quả Đề án trái cây giai đoạn tiếp theo, Sở Công Thương cho rằng cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các Sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã.

Về phía Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục chủ trì tổ chức triển khai và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo (định kỳ tháng/quý) đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Đề án. Đồng thời, rà soát lại các tiêu chí thi đua để phối hợp với các bên liên quan xây dựng tiêu chí thi đua và đề xuất UBND Thành phố khen thưởng (thường xuyên, đột xuất) hoặc phê bình các đơn vị, tập thể, cá nhân về việc thực hiện Đề án.

Sở Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm tổng hợp trong đó có trái cây (bao gồm cả sơ chế trái cây). Phối hợp các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các chủ cửa hàng kinh doanh trái cây hoàn thiện các thủ tục, điều kiện kinh doanh đáp ứng các quy định của pháp luật và Thành phố cũng như đáp ứng các tiêu chí của Đề án.

Mặt khác, Sở Công Thương Hà Nội sẽ chủ trì tổ chức hoặc đề xuất UBND Thành phố thành lập các Đoàn liên ngành cấp Thành phố và phối hợp các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động quản lý, kinh doanh các cửa hàng trái cây, việc thực hiện Đề án của các địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn Thành phố.

Nhằm mở rộng kết nối thông tin, dữ liệu với thị trường trong và ngoài nước, Sở Công Thương Hà Nội cho biết đang phối hợp xây dựng và triển khai vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động kinh doanh trái cây của Thành phố và Trang thông tin của thành phố Hà Nội phục vụ tra cứu về trái cây của các tỉnh, thành phố trong cả nước; đồng thời tổ chức các chương trình liên kết vùng, Hội nghị giao thương kết nối cung - cầu sản phẩm trái cây để đưa các sản phẩm trái cây đủ tiêu chuẩn ATTP, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý rõ ràng của các tỉnh về tiêu thụ trên địa bàn Thành phố và vào các kênh phân phối hiện đại.

Phương Thúy