Báo cáo tình hình hoạt động sản xuất trong 8 tháng qua, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu với UBND Thành phố trong lĩnh vực Công Thương và đảm bảo phát triển đúng định hướng.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,4%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (6,5%). Trong đó, một số ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn, tăng trưởng cao như: Sản xuất đồ uống tăng 17,2%; sản xuất da và sản phẩm liên quan tăng 16,6%… Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 19%, cao hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước (8,5%), thị trường xuất khẩu đã có sự chuyển dịch từ Trung Quốc sang khối ASEAN.

Về phát triển khu, cụm công nghiệp, trong 8 tháng đầu năm, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố thu hút được 17 dự án mới và 7 dự án tăng vốn với tổng số vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng; tổng doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh đạt trên 3,66 tỷ USD (tăng 7,1% so với cùng kỳ).

Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, Sở Công Thương Hà Nội cần Hà Nội: Phát triển các khu, cụm công nghiệp tạo dư địa phát triển  công nghiệpBí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, Sở Công Thương Hà Nội phải phát triển các khu, cụm công nghiệp tạo dư địa để phát triển công nghiệp

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, đã thu hút được một số dự án quy mô lớn, trong đó có 4 dự án trung tâm thương mại ở 3 huyện: Đông Anh, Gia Lâm và Thanh Trì…

Ngoài ra, báo cáo của Sở cũng nêu 11 hạn chế, khó khăn về công nghiệp, thương mại và quản lý năng lượng trên địa bàn, đồng thời đề xuất, kiến nghị thành phố 20 nội dung, tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn.

Trong đó, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị thành phố cho nghiên cứu, triển khai chợ đầu mối quốc tế nông sản tại Gia Lâm; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng các khu đô thị vệ tinh để phát triển công nghiệp, thương mại; chỉ đạo, xử lý dứt điểm 47 dự án thuộc lĩnh vực công thương chậm triển khai; chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát, bố trí quỹ đất, lập danh mục chi tiết các vị trí để đầu tư, xây dựng hạ tầng thương mại…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá và biểu dương Đảng bộ Sở Công Thương đã thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đoàn kết; thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy; quan tâm xây dựng, phát triển đảng viên mới.

Trong công tác chuyên môn, Sở đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cơ chế, chính sách cho thành phố phát triển các lĩnh vực công thương. Bí thư Thành ủy cho rằng, giá trị gia tăng ngành công nghiệp, xây dựng của thành phố trong 2 năm qua cơ bản đạt so với chỉ tiêu, nhưng năm 2018 có chững lại. Cùng với chỉ số phát triển công nghiệp, chỉ tiêu xuất khẩu cũng chưa hết tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, đòi hỏi Sở phải quan tâm hơn, có giải pháp để phát triển vững chắc.

Trong đó, Sở cần tiếp tục quyết liệt trong tham mưu, triển khai phát triển các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch, tạo dư địa để công nghiệp phát triển. Theo Bí thư Thành ủy, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, thành phố có nhiều tiềm năng nhưng đi liền với đó là giá đất tăng cao, ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp. Do đó, Sở cần làm tốt công tác tham mưu về cơ chế, chính sách thu hút.

“Việc di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô không phải là bê nguyên xi cái ô nhiễm đó ra bên ngoài. Mà qua việc di dời này, là cơ hội để cho các doanh nghiệp thay đổi, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, vừa mang lại hiệu quả vừa không làm ảnh hưởng đến môi trường”, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý.