Hà Nội: Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022

Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 23/KH-BCĐ389 ngày 23/11/2021 về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Cụ thể, để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo thành phố và các quận, huyện, thị xã, từ ngày 01/12/2021 đến 28/02/2022, tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là dịp cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Cục  QLTT  HN

Ảnh minh hoạ

Mục đích của kế hoạch nhằm quán triệt và tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các Chỉ thị, kế hoạch, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND thành phố Hà Nội và cơ quan có liên quan trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng.

Cùng với đó, các lực lượng chức năng của Hà Nội tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; triển khai các biện pháp tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn thành phố...

Đồng thời, tăng cường kiểm soát tại các khu vực địa bàn trọng điểm như: Sân bay quốc tế Nội Bài; ga đường sắt quốc tế Yên Viên; các kho hàng, khu vực tập kết hàng hóa, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, kho chứa thực phẩm đông lạnh...

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn và lĩnh vực cho từng cơ quan chức năng; kiểm soát các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán Online, mạng xã hội (facebook, zalo...) để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Qua đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 

Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đạt hiệu quả cao, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, yêu cầu các lực lượng chức năng cần xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm tra, kiểm soát trên tất cả các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường chuyển phát nhanh... nhằm ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bên cạnh đó, tăng cường trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu có điều kiện có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 như: Ma túy, vũ khí, pháo nổ, ngoại tệ, thuốc lá, xăng dầu, gia súc, gia cầm, thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp...

Đặc biệt, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, chú  trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương Lịch và Tế Nguyên Đán, các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng chống, chống dịch bệnh Covid-19 như: Khẩu trang, cồn, nước rửa tay sát khuẩn, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng dịch…

Mặt khác đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến các tổ chức, các nhân kinh doanh hàng hoá và người tiêu dùng để nâng cao ý thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh và văn hoá tiêu dùng.

[Quảng cáo]

Diệu Hân