Hàng hóa Việt Nam đã có mặt ở trên 200 quốc gia

Trong giai đoạn 2011-2018, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mới đây, Bộ Công Thương vừa có báo cáo đánh giá cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong báo cáo này, Bộ Công Thương đã thẳng thắn đánh giá những tồn tại, hạn chế của hoạt động xuất nhập khẩu giai đoạn 2011 - 2018 và đưa ra định hướng, giải pháp giai đoạn tiếp theo.

Việt Nam đứng thứ 27 thế giới về thị trường xuất khẩu

Báo cáo nhấn mạnh, trong 8 năm qua (2011-2018), thị trường xuất khẩu đã được mở rộng cả về quy mô thị trường và cơ cấu thị trường xuất khẩu, mặt hàng xuất khẩu đã góp phần rất quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Đặc biệt, giai đoạn 2011 - 2018 là giai đoạn tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu. Trong đó, tăng trưởng xuất khẩu đã vượt mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Xuất khẩu trong 8 năm tăng gấp 2,5 lần, từ 96,9 tỷ USD năm 2011 lên 243,48 tỷ USD vào năm 2018. Việt Nam đã nhanh chóng cải thiện vị thế để chiếm thứ hạng cao trên bản đồ xuất nhập khẩu thế giới. Nếu như năm 2007, Việt Nam đứng thứ hạng 50 thì đến 2017, đã vươn lên vị trí thứ 27 về xuất khẩu.

Xét về quy mô thị trường xuất khẩu, nếu năm 2011 chỉ có 24 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó có 3 thị trường trên 10 tỷ USD) thì đến năm 2018, có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (trong đó, 4 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 7 thị trường trên 5 tỷ USD).

hàng hóa việt nam đã có mặt ở 200 quốc gia
Tính đến hết năm 2018, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam đã có mặt ở trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới

Trong giai đoạn 2011 - 2018, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong đó, khu vực thị trường châu Á luôn duy trì tỷ trọng khoảng từ 51% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của ta. Tỷ trọng xuất khẩu vào khu vực thị trường châu Mỹ và khu vực thị trường châu Âu duy trì trong khoảng 20 - 23%. Tỷ trọng khu vực châu Phi và châu Đại Dương thấp hơn so với 3 khu vực còn lại, tổng cộng hai khu vực này đạt khoảng 4%.

Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do FTA đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội, thị phần xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm được khẳng định.

Tăng trưởng xuất khẩu trên nhiều thị trường đạt mức hai con số như: xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41,2 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2017; xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 24,7 tỷ USD, tăng 13,9%; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 18,8 tỷ USD, tăng 11,8%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 18,2 tỷ USD, tăng 22,8%.

Trong số đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu tận dụng tốt cơ hội từ cắt giảm thuế quan tại các thị trường có FTA để tăng trưởng. Sau khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN, Australia - New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực, với mức thuế suất thuế nhập khẩu về 0%, xuất khẩu điều của Việt Nam sang Úc tăng trưởng bình quân đạt 12,9%/năm, thủy sản đạt 6,9%/năm.

Hồ tiêu xuất khẩu sang Nhật Bản tăng trưởng đạt 12,8%/năm; xuất khẩu cà phê đạt 8,0%/năm sau khi Hiệp định VJFTA có hiệu lực. Ngoài ra, hồ tiêu xuất khẩu sang Ấn Độ tăng trưởng đạt 14,3%/năm, thủy sản đạt 12,3% năm sau khi Hiệp định AIFTA có hiệu lực. Và sau khi Hiệp định Việt Nam - EAEU có hiệu lực, hạt điều xuất khẩu sang Liên bang Nga tăng 59,6%, rau quả tăng 19,9%, dệt may tăng 53,5%...

Thuế 0% nhưng nhiều mặt hàng vẫn chưa được “xuất ngoại”

Mặc dù đã tận dụng được những ưu đãi từ các FTA mang lại, tuy nhiên, việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật hiện nay ở Việt Nam còn hạn chế.

Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng nông sản Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu vào một số thị trường (như sữa, thịt lợn, một số loại rau quả).

Đặc biệt, những hạn chế, yếu kém nội tại về sản xuất nhỏ, phân tán, mặc dù đã được khắc phục nhiều, nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế, do đó, chưa đáp ứng được hoàn toàn những nhu cầu của thị trường.

hàng việt nam
Khi CPTPP có hiệu lực, nhiều mặt hàng giảm thuế về 0% nhưng nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu vào một số thị trường các nước

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng, rào cản về ngôn ngữ, khoảng cách địa lý khiến doanh nghiệp gặp nhiều vấn đề về thủ tục xuất nhập cảnh, nhiều địa bàn không có đường bay thẳng... cũng tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa và vận chuyển nên đã hạn chế xuất khẩu của Việt Nam vào Nga, Đông Âu, châu Phi, Mỹ Latinh, Tây Á.

Xu hướng bảo hộ, quy định tiêu chuẩn cao tại các thị trường nhập khẩu như các quy định kỹ thuật khá khắt khe, chính sách bảo hộ cao đối với sản xuất nông nghiệp nội địa của nhiều nước… gây khó khăn không nhỏ cho hàng Việt Nam xuất khẩu.

Một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống của ta trong lĩnh vực nông sản luôn gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ các quốc gia khác trong khối ASEAN. Đặc biệt là mặt hàng gạo, trái cây đến từ Thái Lan.

Đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Việt Nam tại các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ với ưu thế hơn hẳn về giá cả là Trung Quốc về hàng tiêu dùng, dệt may, da giày, Thái Lan về mặt hàng thủy sản, gạo, trái cây, Ấn Độ về gạo. Hiện nay, Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần lớn trong ngành hàng tiêu dùng tại Hoa Kỳ, với sự cạnh tranh khốc liệt về giá bán.

Dù có nhiều nỗ lực, nhưng do khả năng về tài chính nên các doanh nghiệp Việt Nam ít có điều kiện tham gia vào các hội chợ, triển lãm chuyên ngành tại các nước phát triển châu Âu, châu Mỹ. Trong khi đó, việc tìm hiểu và nắm bắt đầy đủ các quy định của các nước nhập khẩu thì không phải doanh nghiệp nào của Việt Nam cũng chủ động thực hiện được, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hồng Hà